"Kính thưa đồng bào, đồng chí và các bạn..." là câu chào mở màn quen thuộc của đội tuyên truyền lưu động mỗi khi về phục vụ tại các ấp, các xã vùng sâu. Ở quê tôi, đội tuyên truyền lưu động cấp huyện như người bạn tâm giao với bà con làng xã.
Đội Tuyên truyền lưu động huyện Càng Long (Trà Vinh). |
(VLO) “Kính thưa đồng bào, đồng chí và các bạn...” là câu chào mở màn quen thuộc của đội tuyên truyền lưu động mỗi khi về phục vụ tại các ấp, các xã vùng sâu. Ở quê tôi, đội tuyên truyền lưu động cấp huyện như người bạn tâm giao với bà con làng xã.
Khi còn công tác tại phòng văn hóa của huyện, ba tôi đảm nhận vị trí đội trưởng, một vị trí mà theo tôi, nó luôn đi kèm với rất nhiều công việc không thể định danh.
Ở đội, vai trò người đội trưởng ví như một ông bầu đoàn hát, kiêm luôn nhiều vị trí từ đạo cụ, phục trang, chăm lo cả đời sống lẫn tinh thần cho anh chị em đội viên.
Trong mỗi đợt lưu diễn, tôi nhớ ba xuất hiện trong nhiều màu áo, lúc thì dẫn chương trình, khi thì làm “ca sĩ”, thi thoảng kiêm luôn vai diễn khi đội nhà thiếu “kép”.
Vì yêu cầu của công việc, nên cứ cách một khoảng thời gian thì ba lại vắng nhà, cùng đi đến những địa phương gần xa trong huyện thực hiện nhiệm vụ “cầu nối thông tin” của đội tuyên truyền lưu động. Khi là những thông tin, chính sách, nghị quyết, lúc đơn thuần chỉ là phục vụ văn nghệ cho bà con vùng sâu...
Những chương trình tuyên truyền lưu động với đa dạng chủ đề và hình thức từ hát tân nhạc, cổ nhạc đến diễn tiểu phẩm, vừa là hoạt động giải trí ý nghĩa vừa là phương thức truyền tải thông tin hiệu quả trong thời buổi mà muốn xem “Tề thiên đại thánh” phải quơ đuốc lá dừa sang nhà hàng xóm xem ké.
Phương tiện di chuyển lúc đó chủ yếu là xuồng ghe, đường bộ chưa được bê tông hóa như bây giờ. Những chuyến lưu diễn về vùng sâu chủ yếu đi trên chiếc đò thuê và tiếng loa rao giới thiệu đoàn về cũng được nối dài theo con nước.
Hàng dừa nước xanh rì dọc hai bên bờ cũng lao xao cùng tiếng sóng vỗ như chào đón đoàn văn nghệ về với quê hương. Đò cập bến, đám con nít lao nhao chạy theo nhìn đàn, ngó trống, cười nói hô hào mừng vì tối nay được đi coi ca nhạc.
Không có ca sĩ nổi tiếng, không có diễn viên lừng danh nhưng hễ đi đến đâu là đoàn cũng được đón chào như bà con xa trở về nhà.
Ba hay kể về kỷ niệm lưu diễn suốt những ngày mưa, độ cuối tháng 4 hàng năm. Thường là những chuyến đi kéo dài 3- 4 ngày đêm để đến với bà con vùng sâu vùng xa, phục vụ chào mừng các ngày lễ lớn. Đi đến đâu dựng sân khấu đến đó, ngủ nghỉ tạm bợ theo đoàn, cây nhà lá vườn cùng ăn cùng ở với bà con. Đêm cuối của chuyến lưu diễn là ngày mưa gió tối trời.
Đoàn chia tay bà con và về ngay trong đêm trên chiếc đò đẫm nước. Trong đêm mưa đường về nhà như dài hơn, đâu rồi hàng dừa nước, còn cả mấy rặng bần như bị giấu mất sau màn đêm. Gió giật mạnh từng cơn, thân đò chòng chành như sắp lật, cả đoàn ngồi tụm lại bên trong khoang đò mà ai nấy cứ im re chẳng dám hé môi, chỉ trao cho nhau ánh mắt trấn an, cầu mong đò mau cập bến.
Nhưng sau khi đặt chân lên bờ, mọi người lại nhìn nhau mà cười nghiêng ngả. Từng chuyến đò cứ thế bất chấp gió mưa đưa người làm công tác tuyên truyền, người yêu văn nghệ, người quý bà con hết đi rồi lại về.
Và đến sau này, khi đường bộ đã được đầu tư xây dựng, đường đất nông thôn được thay bằng những con đường trải nhựa khang trang, những chuyến xe của đội tuyên truyền lưu động vẫn đi đến khắp nẻo quê hương. Khi đó, tôi cũng đã đủ lớn nên ba dẫn cả hai chị em cùng đi lưu diễn.
Ngồi trong lòng chị cùng xem mọi người vui múa, hát ca, được thưởng thức những tiểu phẩm chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa, mừng đất nước ta đổi mới. Giấc mơ của tôi khi ấy chính là được giống như ba có thể đi đến thật nhiều nơi và mang thật nhiều điều ý nghĩa đến cho mọi người.
Bài, ảnh: NÓN LÁ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin