Sự xuất hiện của mạng Internet đã mở ra cánh cửa giúp những người viết trẻ sớm được độc giả đón nhận. Tuy nhiên, xu thế phát triển văn học mạng lại đặt ra nhiều băn khoăn, cần có giới hạn nào cho những sáng tạo để không quá dễ dãi và đánh mất giá trị tốt đẹp của văn chương.
Sự xuất hiện của mạng Internet đã mở ra cánh cửa giúp những người viết trẻ sớm được độc giả đón nhận. Tuy nhiên, xu thế phát triển văn học mạng lại đặt ra nhiều băn khoăn, cần có giới hạn nào cho những sáng tạo để không quá dễ dãi và đánh mất giá trị tốt đẹp của văn chương.
Trang web với hàng trăm truyện. |
Từ mạng xã hội đến văn chương
Từ sau năm 2000, văn học mạng không còn xa lạ với những ai yêu thích văn chương và sáng tác. Với mạng Internet, không cần một nhà xuất bản mà chính tác giả có thể thoải mái tự đăng tác phẩm của mình lên và tự tìm kiếm độc giả. Văn học mạng mang đến luồng gió mới, đem lại nguồn tác phẩm dồi dào cho người đọc. Trần Thu Trang nổi danh với “Cocktail cho tình yêu”, “Phải lấy người như anh”. Nhà thơ Phong Việt gây sốt với tập thơ “Đi qua thương nhớ” xuất bản được 10.000 bản. Tác phẩm của Anh Khang, Hamlet Trương, Gào… đã trở thành sách bán chạy nhất từ khi mạng xã hội xuất bản thành sách.
Ngoài ra, còn có những hội nhóm như “Quán Chiêu Văn” trên Facebook, với hơn 41.000 thành viên tham gia. Diễn đàn đã tổ chức xuất bản hơn 10 ấn phẩm, tổ chức nhiều cuộc thi thơ, truyện ngắn, tản văn gây được những tiếng vang nhất định. Nhiều tác phẩm của các thành viên sau khi đăng tải trên group đã được in trên các báo, tạp chí văn nghệ chính thống của Trung ương và địa phương.
Tuy nhiên, phát biểu tại hội thảo khoa học “Văn học trẻ hôm nay: Mạch riêng và nguồn chung”, nhà văn trẻ Đỗ Nhật Phi nói: “Văn học mạng ngày nay đã rất khác văn học mạng những năm 2010”. Theo Đỗ Nhật Phi, chưa bao giờ những người viết lộ diện dày đặc như ngày nay. Trên các trang mạng xã hội có rất nhiều nhóm, cộng đồng người sáng tác, ở đủ các thể loại, đề tài, mức độ chất lượng. Người viết có thể là học sinh cấp 2, cấp 3, viết một cách bản năng, có khi dễ dãi, ảnh hưởng của tiểu thuyết mạng Trung Quốc, truyện tranh Nhật Bản. Nhà văn mạng viết hàng ngày, chạy “chỉ tiêu” theo đơn đặt hàng. Không còn nhiều sáng tạo, cốt truyện được quy ước theo đề tài như: tổng tài (nam chính lộng lẫy, giàu có), tình yêu đồng giới (đam mỹ- đồng giới nam, bách hợp- đồng giới nữ)… Những thể loại truyện được nhiều người viết lựa chọn như tiên hiệp, kỳ ảo, “hard sci-fi” sử dụng các yếu tố khoa học…
Bảo vệ môi trường văn hóa
Một bộ phận văn học mạng ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn học mạng Trung Quốc, Nhật Bản. Một số tác giả viết trên nền tảng mạng xã hội, Facebook, blog... Số còn lại là tác giả người Việt dịch văn học mạng nước ngoài sang tiếng Việt. Chỉ cần gõ vài từ khóa đơn giản, không khó để bắt gặp rất nhiều website có lượng truy cập lớn như: wattpad.vn, truyenfull.vn, sstruyen.com, thichdoctruyen.net… Có những tiểu thuyết mở đọc miễn phí, có truyện thu phí, có truyện chỉ miễn phí mấy chương đầu. Điều đáng lo ngại là hiện có các điều luật để quản lý các hoạt động không gian mạng nhưng các trang này vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Có rất nhiều luồng quan điểm trái chiều xoay quanh việc phát triển sản phẩm văn hóa mạng. Một số người cho rằng kiểm duyệt sẽ làm thui chột đi sức sáng tạo của người viết, ngăn cản những đổi mới của nghệ thuật Việt trong tiến trình tiệm cận với thế giới. Nhưng có những sáng tác phản văn hóa vẫn tiếp tục trôi nổi trên không gian mạng. Sự tự do lan truyền tác phẩm có chứa yếu tố trái với thuần phong mỹ tục sẽ gây ra những lệch chuẩn về đạo đức trong hành vi của con người, đặc biệt là giới trẻ.
Nhà thơ Hữu Việt- Trưởng Ban Văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) chia sẻ: “Một số tác giả văn học mạng nói với tôi rằng, khởi đầu có thể là văn học mạng, nhưng con đường cuối cùng vẫn là văn học chữ viết”. Ông giải thích, vai trò của người biên tập viên quan trọng vô cùng. Công việc biên tập làm nên tác phẩm văn chương; còn văn học mạng, tác giả thích gì đăng nấy, không qua bất cứ công đoạn biên tập kỹ càng nào.
Khi phải đối mặt với thách thức trong vấn đề biên tập, duyệt nội dung văn hóa phẩm, nhất là khi đối diện với sự nở rộ của các trào lưu như “tiểu thuyết mạng”, rất cần sự vào cuộc của các nhà cung cấp dịch vụ Internet, các đơn vị quản lý dịch vụ chia sẻ nội dung trực tuyến. Độc giả, nhất là những bạn trẻ có thể nhanh chóng tiếp cận, chia sẻ những tác phẩm mới, nhưng cũng cần tự trang bị cho mình một “bộ lọc” để tiếp nhận hay tránh xa những tác phẩm chưa phù hợp.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin