Ba dãy cù lao nằm kề nhau: cù lao Minh, cù lao Bảo và cù lao An Hóa hợp thành tỉnh Bến Tre. Với một địa hình bị chia cắt bởi các chi lưu lớn của dòng sông Tiền thật đặc biệt như thế, nên các đơn vị vũ trang tỉnh Bến Tre trong cuộc kháng chiến chống Mỹ luôn gặp bất lợi trong những lần cần nhanh chóng tập trung lực lượng để có quả đấm quân sự đủ mạnh hay trong cơ động đánh địch, kể cả khi cần phân tán lánh né địch để bảo tồn lực lượng…
Ba dãy cù lao nằm kề nhau: cù lao Minh, cù lao Bảo và cù lao An Hóa hợp thành tỉnh Bến Tre. Với một địa hình bị chia cắt bởi các chi lưu lớn của dòng sông Tiền thật đặc biệt như thế, nên các đơn vị vũ trang tỉnh Bến Tre trong cuộc kháng chiến chống Mỹ luôn gặp bất lợi trong những lần cần nhanh chóng tập trung lực lượng để có quả đấm quân sự đủ mạnh hay trong cơ động đánh địch, kể cả khi cần phân tán lánh né địch để bảo tồn lực lượng… Vì vậy, không ít lần họ lâm vào những tình thế vô cùng ngặt nghèo. Người viết xin tóm lược không phải một mà đến hai tình thế như thế, được các tác giả Hoàng An- Cao Dũng biên soạn trong quyển sách “Tướng Nguyễn Hữu Vị- Cuộc đời và sự nghiệp” do NXB Trẻ phát hành năm 2015.
Một tiểu đoàn ta thoát khỏi 3 vòng vây khép kín của sư đoàn địch
Chỉ 4 tháng sau khi thành lập, Tiểu đoàn 516 (D 516) của tỉnh Bến Tre đã có một trận đánh khiến địch nhớ đời, cũng là lần đơn vị này tỏ rõ bản lĩnh chiến đấu của mình trong thế khó. Trong tháng 8/1964, D 516 phối hợp với 1 đại đội của Địa phương quân huyện Châu Thành chuẩn bị trận địa theo chiến thuật “công đồn đả viện”: đêm 19, một đơn vị của tiểu đoàn tiến công tiêu diệt đồn Phú Túc, đại bộ phận còn lại phục kích đón đánh bọn địch chi viện theo trục đường Lộ Thơ. Sáng hôm sau, bọn địch ở Tiểu khu Kiến Hòa (tỉnh Bến Tre ngày đó) nhận định lực lượng đủ sức tiêu diệt một đồn cấp trung đội như thế nhất định không thể là lực lượng tại chỗ, nên chúng liền đưa tiểu đoàn biệt động quân “Cọp đen” và Tiểu đoàn bộ binh số 3 (thuộc Trung đoàn 10 của Sư đoàn 7) có phi pháo yểm trợ, truy lùng lực lượng ta tại xã Phú Túc và xã Quới Thành.
Địch dễ dàng đi vào giải tỏa được hai xã này mà không gặp một sự kháng cự nào của ta, nên 16 giờ cùng ngày chúng kết thúc cuộc càn quét. Cục diện diễn ra như thế vì ý đồ của D 516 là sau khi diệt đồn Phú Túc sẽ đón đánh bọn chi viện là đại đội bảo an địch của huyện Châu Thành, nhưng địch lại đưa cả 2 tiểu đoàn chủ lực đi ứng cứu và cũng không đi đúng theo hướng mai phục của lực lượng ta nên D 516 cũng chuẩn bị thu quân. Ngay lúc đó, quân báo của tiểu đoàn qua máy thông tin bất ngờ nắm được nguồn tin địch cho 2 tiểu đoàn vừa kết thúc cuộc càn này chia làm 2 mũi, hành quân song song ra Chi khu Hàm Long theo kinh Thành Triệu và đường Lộ Thơ. Như vậy, thế trận phục kích của quân ta lúc đó đã hoàn toàn bị đảo lộn. Nhưng quyết không bỏ lỡ một thời cơ tốt, Ban Chỉ huy D 516 nhanh chóng lệnh cho toàn đội hình quay lại bố trí quân phục kích theo cách “lấy đầu làm đuôi”.
Địch lọt hoàn toàn vào trận địa dọn sẵn của ta, sau 50 phút chiến đấu quyết liệt quân ta diệt gọn tiểu đoàn “Cọp đen”, tiểu đoàn còn lại bị thiệt hại nặng với hơn 500 tên bị diệt, trong đó có 4 cố vấn Mỹ và 2 thiếu tá tiểu đoàn trưởng, 52 tên khác bị bắt sống, ta thu nhiều súng, đại liên và 25 máy thông tin…
Bị thua đau, sáng hôm sau địch huy động cả sư đoàn tăng cường với không quân và pháo binh yểm trợ, hình thành thế trận bao vây quân ta 3 vòng khép kín cả dưới sông và trên bờ qua các xã xung quanh của huyện Châu Thành Tây. Trong vòng vây, D 516 và địch quần nhau suốt ngày đêm, quân ta kiên cường trong thế phòng ngự, ta và địch giằng co mãi đến tối ngày thứ ba, thừa cơ địch sơ hở quân ta mở được đường máu rút về ấp Phú Nhơn (xã An Khánh). Trên đường rút quân của ta, địch cố bám sát truy kích, với quân số đông và phương tiện cơ giới đầy đủ chúng lại hình thành thế bao vây 3 vòng khép kín D 516. Trong các đợt tiến công ta, địch luôn dùng tối đa ưu thế sức mạnh của không quân và pháo binh trút bom đạn phá nát địa hình rồi mới xua quân xung phong, nhưng chúng đều bị các chiến sĩ ta phối hợp với lực lượng du kích tại chỗ dựa vào địa hình quen thuộc và hệ thống công sự đánh bật ra… Dùng bom đạn không khuất phục được quân ta, chúng bày ra một trò rất thâm độc là cho máy bay L19 bay vòng quanh trận địa, dùng loa phóng thanh nêu vanh vách tên của các người trong Ban Chỉ huy D 516 và lu loa rằng tất cả đã bị bắt sống để hù dọa chiến sĩ ta, kêu gọi đầu hàng. Chống lại, cán bộ D 516 phân công nhau trực tiếp xuống các đơn vị chiến đấu để trấn an chiến sĩ, sự có mặt của chỉ huy ở những giờ phút gay go giúp chiến sĩ ta càng vững tay súng. Tối lại, D 516 tiếp tục mở đường máu theo 2 hướng, rút về xã Thanh Tân (huyện Mỏ Cày) và xã Phong Nẫm (Phong Mỹ). Có điều đặc biệt là trong vòng vây chiến đấu ác liệt như thế, nhưng toàn bộ thương binh, tử sĩ trong quá trình chiến đấu đều được các mẹ và Nhân dân vùng chiến sự An Khánh che giấu chu đáo khi quân ta rút đi.
Thoát khỏi “vòng vây tử thần” Sơn Phú
Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, lực lượng vũ trang Bến Tre có đủ để thành lập 1 chiến đoàn đánh địch phản kích. Sau nhiều đợt dùng bom B 52 rải thảm, đêm 3 rạng sáng ngày 4/11/1968, địch dùng trực thăng rải 6 tiểu đoàn liên quân Việt- Mỹ xuống các xã Tân Hòa, Long Mỹ, Thuận Điền, Phước Long, Lương Hòa và Lương Phú để tìm diệt lực lượng ta. Ban Chỉ huy chiến đoàn chủ trương không tập trung đánh lớn mà chỉ đưa các bộ phận nhỏ tổ chức “chống càn” ngăn chận địch từ xa để bảo tồn lực lượng, do quân khu vừa có quyết định điều chiến đoàn trưởng Nguyễn Hữu Vị (Tám Vị) và Tiểu đoàn 5 của chiến đoàn, bổ sung cho quân chủ lực khu. Tỉnh đội trưởng Bến Tre Lê Minh Đào (Ba Đào) và chiến đoàn trưởng Tám Vị bàn nhau đưa các đơn vị hỗn hợp của ta gần 1.000 quân về xã Sơn Phú (Giồng Trôm) để củng cố.
Đến nơi, do trời tối một bộ phận quân ta chủ quan đốt đèn đào công sự nên bị địch phát hiện. Sáng hôm sau, địch đưa một tiểu đoàn bộ binh đánh thọc sâu thăm dò và chạm súng với ta. Phát hiện được lực lượng ta, Tướng Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật đang chỉ đạo cuộc càn quét liền tập trung quân bao vây với ý đồ quyết tiêu diệt cho được lực lượng vũ trang chủ lực của tỉnh Bến Tre: chúng đưa Trung đoàn 11 (Sư đoàn 7) cùng 1 chi đoàn xe M 113 gồm 25 chiếc chiếm lĩnh dọc theo lộ 15 đi Sơn Phú, các xe này dàn hàng ngang trên đồng, cách 150m một chiếc chĩa súng vào điểm đóng quân của ta. Hướng từ chợ Sơn Phú đến sông Hàm Luông do 1 tiểu đoàn biệt động và 1 tiểu đoàn thủy quân lục chiến án ngữ. Giáp ranh xã Phước Long thì có các đơn vị lính bảo an của tỉnh và của Sư đoàn 7 làm nhiệm vụ lùng sục. Còn dọc theo sông Hàm Luông có Hải đoàn 23 gồm nhiều tàu há mồm lớn, chở đầy quân túc trực chờ lệnh đổ bộ. Như vậy, quân ta bị bao vây tứ phía, trên trời luôn có máy bay quần đảo và dội bom, ban đêm thả trái sáng sáng trời.
Suốt ngày, trên nhiều hướng quân ta và địch chạm súng nhau rất quyết liệt, có nơi chiến sĩ ta phải đánh giáp lá cà với địch mới giữ được trận địa. Phải nói rằng, chưa bao giờ lực lượng vũ trang tỉnh Bến Tre gặp tình huống ngặt nghèo như thế: Trong lúc trên trời Tướng Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật và Tư lệnh Sư đoàn 7 địch ngồi trong máy bay trực thăng chỉ huy nhìn bản đồ và theo dõi thực địa liên tục quát tháo thúc giục các cánh quân của họ siết chặt vòng vây. Thì ở hướng ngược lại, không khí làm việc của chỉ huy quân ta cũng vô cùng căng thẳng, ý định thực hiện phương án tốt nhất là cử người liên lạc với Địa phương quân huyện Giồng Trôm để lực lượng này từ ngoài đánh vào phối hợp với các đơn vị đang bị bao vây từ trong đánh ra để phá vây nhưng chưa thấy hồi âm, mà trong giờ phút sinh tử này cả ngàn sinh mạng cán bộ, chiến sĩ tùy thuộc vào các quyết định của họ. Chiến đoàn trưởng Tám Vị và Tỉnh đội trưởng Ba Đào đã bàn đi bàn lại đến 5 phương án giải vây, nhưng phương án nào xem ra cũng rất phiêu lưu và có khả năng tổn thất lực lượng rất cao khó có thể chấp nhận, chỉ còn phương án là mở đường máu qua chỗ địch có thể mất cảnh giác nhất là chợ Sơn Phú- nơi địch đang đặt bộ chỉ huy cuộc càn này- thì có vẻ sáng sủa hơn nhưng rõ ràng rất mạo hiểm, nhưng nếu cứ thụ động chiến đấu phòng ngự thì chỉ còn con đường là toàn lực lượng lần lượt sẽ bị địch tiêu diệt… Chiến đoàn trưởng Tám Vị sau này nhớ lại: tại thời điểm căng thẳng nhất chuẩn bị ra quyết định cuối cùng thì ban chỉ huy được bộ phận trinh sát báo cáo một nguồn tin quan trọng phát hiện qua điện đài là các tư lệnh của địch vừa lệnh cho 1 tiểu đoàn thủy quân lục chiến và 1 tiểu đoàn của Sư 7 cấp tốc tiến quân khép kín khoảng 1km còn lại của vòng vây từ chợ Sơn Phú đến một con đường gần đó và 2 tiểu đoàn này nhất định phải kịp bắt tay nhau trước khi trời tối. Bằng sự nhạy bén cùng kinh nghiệm chiến đấu, hai vị chỉ huy của ta liền chớp ngay thời cơ “ngàn vàng” này đề ra một phương án thoát vây mới: tức tốc phái một cán bộ gan lì dẫn đầu một toán chiến sĩ trinh sát với trang bị hỏa lực cực mạnh xen vào khoảng trống giữa 2 tiểu đoàn của địch, chờ chúng đến gần thì nổ súng đánh mạnh về hai phía rồi nhanh chóng rút quân. Đúng như dự đoán của chỉ huy của ta, hai sắc lính này lâu nay vốn hiềm khích nhau, bên này ngỡ bên kia bắn vào mình nên đã nổ súng vào nhau quyết liệt, cuối cùng không khép được vòng vây theo lệnh của thượng cấp.
Khoảng trống vài trăm thước đó là một cánh đồng lúa mùa khá cao, may mắn nữa giữa cánh đồng này lại có một con mương dẫn nước rộng khoảng 1,5m hai bên bờ cỏ lác mọc dày, con mương này dù phải đi xuyên qua đội hình của đoàn xe M 113, nhưng bây giờ nó đã trở thành “con đường hy vọng” của ta. Đêm đó, dưới ánh trăng mười bốn sáng vằng vặc và trái sáng địch lúc nào cũng chiếu sáng cả cánh đồng, nhưng quân ta vẫn lợi dụng lúa đang cao cây và nương theo cái mương nước, đưa nhau ra khỏi vòng vây của địch. Ưu tiên ra trước là mỗi người còn khỏe mạnh cõng một tử sĩ, các thương binh nặng được hai người võng ra, thương binh nhẹ cắn răng nhịn đau cố theo mọi người. 20 liệt sĩ và hàng chục thương binh đều được đưa ra như thế, kế đó lần lượt là các lực lượng bộ binh và các binh chủng, ra sau cùng là các đồng chí chỉ huy. Sáng hôm sau địch hùng hổ “tiền pháo hậu xung”… tiến vào trận địa bỏ trống. Bị ngỡ ngàng, chỉ huy sắc lính này đổ lỗi cho sắc lính kia, cuối cùng khi phát hiện con đường thoát vây của quân ta thì chỉ có tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn xe M 113 bị cách chức và phải ra tòa án binh.
Bản lĩnh chiến đấu và kinh nghiệm trận mạc của những người chỉ huy đã biến sự đoàn kết, lòng dũng cảm và tinh thần kỷ luật “quân lệnh như sơn” của cán bộ, chiến sĩ ta hình thành một sức mạnh vượt bậc và trên hết là lòng dân- họ luôn coi chiến sĩ ta như con em mình, một lòng chia sớt mọi khó khăn từ tiếp lương tải đạn, cất giấu thương binh, tử sĩ cho mục đích cuối cùng là để chiến thắng kẻ thù.
HỒNG VÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin