Trong dòng chảy hiện đại, với sự lên ngôi của Internet và nhiều phương tiện giải trí hiện đại, những cuộc thi văn chương dần ít đi sức hấp dẫn với những người trẻ. Tuy nhiên, giải thưởng "Văn học Tuổi 20" là một ngoại lệ.
7 tác phẩm đạt giải thưởng “Văn học Tuổi 20” lần 7. Ảnh: NXB Trẻ |
Trong dòng chảy hiện đại, với sự lên ngôi của Internet và nhiều phương tiện giải trí hiện đại, những cuộc thi văn chương dần ít đi sức hấp dẫn với những người trẻ. Tuy nhiên, giải thưởng “Văn học Tuổi 20” là một ngoại lệ.
Gần 30 năm đánh thức, gọi tên những cây bút trẻ, “Văn học Tuổi 20” là địa chỉ đáng tin cậy để nhận ra những tiềm năng cho văn học tương lai, thấu hiểu người trẻ hiện đại đang đối diện với điều gì và xoay xở ra sao.
Cuộc vận động “Văn học Tuổi 20” được phát động lần đầu vào năm 1994. Qua 7 mùa giải, “Văn học Tuổi 20” đã nhận về 2.133 bản thảo dự thi. Trong đó đợt vận động đầu tiên có 171 bản thảo và đến giải thưởng “Văn học Tuổi 20” lần VII nhận về 511 bản thảo.
Qua mỗi mùa giải, “Văn học Tuổi 20” lại giới thiệu đến văn đàn một lực lượng người viết giàu nội lực, rất nhiều người đã đi được đường dài với văn chương như: Nguyễn Ngọc Tư, Trương Anh Quốc, Nguyễn Ngọc Thuần, Phan Việt, Dương Thụy, Võ Diệu Thanh, Trang Hạ… Đến nay, họ đã tiếp tục khẳng định bút lực và cá tính sáng tạo, góp phần khẳng định sức sống của một giải thưởng văn học.
Những người “cầm cân nảy mực” cho cuộc thi nhận xét, giờ đây các cây bút trẻ đã sống kỹ, đào sâu vào vùng đất của riêng mình, hiểu theo cả nghĩa địa lý và nghĩa tinh thần. Chỉ có sống kỹ, đào sâu vào vùng sống của riêng mình, do mình lựa chọn, thì mới có khả năng kết tinh và thành tựu.
Nếu xét về phong cách viết, có thể chia hai dạng: truyền thống và toàn cầu hóa. Dạng truyền thống là kết quả của những gắn bó, va đập với đời sống muôn màu muôn vẻ ở cả vùng nông thôn lẫn đô thị, ở cả xứ ta lẫn xứ người.
Dạng thứ hai, chủ yếu được cất lên từ văn hóa, từ học vấn, tri thức, từ nghề nghiệp chuyên môn. Các tác giả này thạo ngoại ngữ, một số người đã tu nghiệp nhiều năm ở nước ngoài, họ chọn lối thay đổi tư duy nghệ thuật và khẳng định cá tính sáng tạo.
Với những trải nghiệm và kiến thức chuyên sâu, Duy Ân đạt giải nhì (không có giải nhất) trong cuộc thi lần 7 với “Nửa lời chưa nói”. |
Ở “Văn học Tuổi 20”, có một không gian riêng dành cho văn học miền Tây Nam Bộ. Đặc sệt câu chữ miền Tây viết nên câu chuyện về những phận người có sức hút mạnh mẽ như tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, Lê Quang Trạng, Ka Bình Phong, Phát Dương…
Những người trẻ chọn tri thức làm nền tảng của sáng tác và chọn phá cách làm cảm hứng sáng tạo. Có những góc nhìn mạnh mẽ và thẳng thắn trả lời những vấn đề gai góc của con người và xã hội. Những người trẻ đã đi để khám phá thế giới và khám phá bản thân.
Họ khao khát trả lời những câu hỏi “vì sao”, “tôi là ai”, “thế giới này đang như thế nào”. Những câu chuyện ít nhiều có tính phát hiện một số vấn đề của đời sống, đáng chú ý không chỉ là đời sống của con người, xã hội mà còn là đời sống của ngôn ngữ và văn hóa như: “Wittenstein của thiên đường đen” của Maik Cây, “Người lạ” của Mai Thảo Yên.
Qua lăng kính người trẻ, tất cả là những trải nghiệm đáng giá để suy ngẫm và làm hành trang sau này. Lần đầu tiên trong danh sách các tác giả đoạt giải thưởng “Văn học Tuổi 20” lần III 2005 có sự hiện diện của một cây bút đang học tập, sinh sống tại nước ngoài. Đó là Phan Việt hiện đang giảng dạy đại học tại Mỹ, với tập truyện ngắn “Phù phiếm truyện”.
Đang hoàn thành năm cuối Tiến sĩ tại ĐH Johns Hopkins- Mỹ, Duy Ân lại mang đến tập truyện ngắn “Nửa lời chưa nói” với góc nhìn khác lạ, chọn ngôn ngữ làm chất liệu chính, cho thấy vai trò, sự biến đổi và tác động vô hình của nó trong cách mỗi người chúng ta thể hiện bản thân và giao tiếp với nhau.
Thư viện tổ chức trưng bày, giới thiệu sách cho đoàn viên thanh niên tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng. |
Sau lễ công bố kết quả và trao giải thưởng lần VII, qua 2 lần liên tiếp không tìm ra giải nhất, ban tổ chức thông báo cuộc thi sẽ tạm dừng và dự kiến khởi động giải thưởng trở lại vào dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Nhà xuất bản Trẻ (năm 2026).
Chững lại như một “khoảng nghỉ” để những người cầm bút tiếp tục ấp ủ đề tài và sáng tạo. Nhiều kỳ vọng mới về một lực lượng cây bút trẻ có lý tưởng, đang trưởng thành, giữ vững được đam mê sáng tác của mình.
Họ đã và đang nỗ lực để minh chứng cho việc dù văn hóa đọc có đứng trước nhiều thách thức nhưng nó vẫn có chỗ đứng riêng biệt khẳng định văn học có sức hút kỳ lạ và khó mà thay thế để thể hiện một cách sâu sắc tâm tư tình cảm con người.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin