Tết Đoan ngọ ăn bánh bá trạng

05:06, 04/06/2022

Tết Đoan ngọ hay còn gọi là Tết diệt sâu bọ diễn ra vào mùng 5 tháng 5 âm lịch. Đây là ngày tết truyền thống ở nhiều nước Châu Á, trong đó có Việt Nam.

 

Vào dịp Tết Đoan ngọ, bánh ú lá tre, bánh bá trạng được bày bán trên nhiều khu phố người Hoa ở TP Hồ Chí Minh.
Vào dịp Tết Đoan ngọ, bánh ú lá tre, bánh bá trạng được bày bán trên nhiều khu phố người Hoa ở TP Hồ Chí Minh.

(VLO) Tết Đoan ngọ hay còn gọi là Tết diệt sâu bọ diễn ra vào mùng 5 tháng 5 âm lịch. Đây là ngày tết truyền thống ở nhiều nước Châu Á, trong đó có Việt Nam.

Cùng với người miền Tây đổ bánh xèo, người dân thường gói bánh ú để nhớ về tổ tiên và cúng tạ ơn Thần nông nhằm cầu mong công việc suôn sẻ, làm ăn tấn tới, luôn gặp điều may mắn. Trên bàn thờ, ngoài các loại trái cây, rượu nếp,… người Hoa có phong tục không thể thiếu là gói bánh bá trạng.

Chị Nguyễn Du Phương (Quận 8, TP Hồ Chí Minh) giới thiệu lò bánh bá trạng đã hơn 20 năm. Chị Phương cho biết, theo tiếng Triều Châu, “bá” là thịt, còn “trạng” là bánh ú.

Tùy mỗi địa phương và truyền thống gia đình mà bánh bá trạng có phần nhân và hình dạng, kích cỡ khác nhau nhưng thường sẽ có hình tam giác tương tự như bánh ú tro và được gói bằng lá tre.

Hai chiếc lá tre to được cắt đi phần cuống, đặt trở đầu đuôi. Người gói tạo một hình phễu ở giữa, chừa lại một phần lá rồi đổ vỏ bánh, nhân bánh và trên cùng là một lớp vỏ bánh nữa cho vừa đủ rồi dùng phần lá phía trên cuốn một vài vòng.

Cùng được gói bằng lá tre nhưng bánh ú lá tre thông thường được làm từ nhân đậu xanh được xào lên, còn bánh bá trạng sẽ làm từ nhân đậu xanh sống, thịt heo, nấm đông cô, tôm khô và trứng muối. Có nơi cho đậu phộng vào vỏ bánh cùng với nếp.

Và nhân bánh gần giống với bánh tét, nhưng so với bánh tét thì bánh bá trạng có nguồn gốc từ người Hoa sẽ ướp thêm ngũ vị hương giúp bánh thơm hơn.

Bánh truyền thống được buộc chỉ đỏ bên ngoài, thường buộc túm thành một dây 9 chiếc- con số may mắn trong văn hóa Á Đông. Cỡ một chiếc bánh ngày nay lớn hơn xưa nên người gói có thể dùng thêm lá chuối bọc bên ngoài cho kín nhưng vẫn cần lá tre bên trong.

Chiếc bánh bá trạng hoàn thành đòi hỏi đôi tay khéo léo và kỳ công. Bánh ú lá tre thông thường nấu khoảng 3 tiếng thì bánh bá trạng phải nấu trong 7- 8 tiếng.

Khi thưởng thức bánh, sau phần nếp dẻo, người ăn sẽ cảm nhận được vị béo của đậu phộng, vị mặn của tôm, mùi thơm của lạp xưởng và sự hòa quyện của thịt heo, trứng muối. Phần nhân thịt ướp vừa ăn, không mặn, không nhạt, dậy lên mùi thơm đặc trưng của ngũ vị hương.

Nhiều gia đình người Hoa xem việc gói bánh bá trạng là truyền thống để gia đình sum vầy bên nhau sau gần nửa năm. Cả nhà góp sức, từ người lau lá, người sơ chế nguyên liệu đến người gói bánh, coi lửa. Đây được xem là tập tục lâu đời, thể hiện tinh thần đoàn kết, quý trọng gia đình của người Châu Á nói chung.

Những món bánh tuy thân quen nhưng mỗi khi đến dịp, được thưởng thức một chiếc bánh ú lá tre, một cái bánh bá trạng đâu đó lại thấy vị thơm ngọt của xứ sở và thấy yêu biết mấy những giá trị truyền thống của cha ông đã được lưu truyền, giữ gìn đến hôm nay.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THẢO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh