Con trẻ ngại giao tiếp với mọi người "tối ngày ôm cái điện thoại", con trẻ không ăn cơm cá kho mà chỉ gọi món ăn nhanh… là những câu chuyện thực tế đang khiến nhiều phụ huynh bối rối: Không biết phải làm thế nào?
(VLO) Con trẻ ngại giao tiếp với mọi người “tối ngày ôm cái điện thoại”, con trẻ không ăn cơm cá kho mà chỉ gọi món ăn nhanh… là những câu chuyện thực tế đang khiến nhiều phụ huynh bối rối: Không biết phải làm thế nào?
Anh chị là giáo viên, viên chức nhà nước ở TP Vĩnh Long, có “cô gái rượu” thông minh, học giỏi đứng đầu “từ lớp 1 đến lớp 11”, năm học tới cháu vào lớp 12 và con đường vào đại học rộng thênh thang khi cháu học giỏi đều các môn.
Anh chị rất tự hào về thành tích học tập của con cũng như ở trường “là tấm gương học tập cho các bạn noi theo”, chỉ có chút lăn tăn bởi: Con gái không thích ăn cơm cùng cha mẹ, chỉ gọi món ăn nhanh ship tận nhà rồi mang vào phòng ăn mình ên!
Anh chị cho biết lúc đầu cứ tưởng con mình ngán cơm thèm gà gán, trà sữa nên chiều con. Thấy con khó ăn, anh chị nấu nhiều món và thay đổi thực đơn mỗi ngày: hôm sườn ram, canh chua, hôm thì cá kho tộ, xương hầm rau củ… nhưng con đều “không ăn đâu”.
Cả năm nay cháu chỉ gọi đồ ăn bên ngoài, tới giờ shipper giao tới, cha mẹ chỉ có nhiệm vụ trả tiền, riết rồi anh chị “mở hẳn tài khoản, mỗi tháng chuyển tiền vào cho con lên mạng kêu món và tự thanh toán”.
Trường hợp khác là cháu trai năm nay 14 tuổi có cha mẹ đều làm bác sĩ. Anh chị cho biết từ 2 năm nay, cháu bỗng thay đổi tính nết, không thích giao tiếp với mọi người và trở nên cọc cằn.
Và đoán già đoán non: Có lẽ do ở tại nhà học trực tuyến không gặp gỡ bạn bè, thầy cô và cha mẹ lo làm nhiệm vụ tuyến đầu, nên thời gian dành cho con ít hơn, không bắt kịp những thay đổi tâm sinh lý của con! Từ một cậu bé năng động, hoạt bát, cháu bé hiện nay “tối ngày ôm cái điện thoại”- chơi game hay làm gì- luôn là câu hỏi phụ huynh muốn biết nhưng không dễ có câu trả lời.
Gia đình anh chị cố gắng đưa con đi du lịch cùng ông bà vừa tìm hiểu con mình, nhưng kết quả nhận lại lo nhiều hơn vui. Mỗi lần đi chơi cháu bé chỉ mang bộ mặt cau có, không nói chuyện với ai, không xuống xe đi chơi, không thèm ăn uống dù có năn nỉ, chiều chuộng hết mực “con muốn ăn gì cứ nói cha mẹ mua liền”.
Đến nỗi muốn phát bực hăm dọa mai mốt… cho ở nhà một mình, thì cháu mới trả lời lí nhí “con muốn vậy”, khiến ai cũng đều chưng hửng.
Đó chỉ là 2 trong nhiều câu chuyện mà người viết nghe kể hoặc đang chứng kiến trong gia đình, hàng xóm của mình.
Tôi không khỏi trăn trở trước những áp lực cuộc sống của phụ huynh, diễn biến tâm lý của con trẻ cùng những tác động của công nghệ, mạng xã hội… đang làm thay đổi lớn lao trong ứng xử, các mối quan hệ gia đình. Phải chăng con trẻ tiếp cận công nghệ càng sớm, cuộc sống càng đủ đầy tiện ích thì càng độc lập, càng xa… cha mẹ hơn ngay trong căn nhà của mình?
Nhiều phụ huynh cũng thừa nhận đang dành ít thời gian cho con trẻ, bỏ mặc chúng “tự cười, tự khóc” với cái điện thoại thông minh và “sống ảo” trong căn phòng riêng của mình. Khi cha mẹ chỉ thể hiện “hôm nay con ăn gì?”, “con đang làm gì?”… cho có, chưa dành sự quan tâm sâu sát đến từng góc khuất, cái tôi “đang lớn lên” của con trẻ để lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ để dẫn con đi đúng hướng; thì con trẻ sẽ tìm đến các “chuyên gia”, “thánh phán” trên mạng xã hội và điều này dễ dẫn đến hành vi, lối sống thiếu lành mạnh, thậm chí là lệch lạc.
YÊN HƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin