Mặt trời lặn mặt trời mang theo nắng
Bác ra đi để ánh sáng cho đời
Mặt trời lặn mặt trời mang theo nắng
Bác ra đi để ánh sáng cho đời
Chủ tịch Hồ Chí Minh- vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, người thầy vĩ đại của Đảng ra đi để lại muôn vàn tình thương yêu, và ánh sáng tư tưởng của Người đã soi rọi con đường dân tộc ta tiến bước.
Thư viện sẽ giúp trẻ em làm quen với sách, say mê đọc sách. Ảnh: PHƯƠNG THÚY |
Ngày nay, đất nước ta đang tiến hành công nghiệp hóa- hiện đại hóa để trong tương lai không xa có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong muốn của Bác.
Để đạt được mục đích đó, động lực chủ yếu là sức mạnh con người mà đặc biệt là sức mạnh trí tuệ. Đất nước ta đang rất cần những nhà bác học, những chuyên gia, những nhà quản lý giỏi. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đánh giá cao vai trò của trí thức, coi đó là tài sản quý báu, một nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “Tri thức phục vụ Nhân dân là cần thiết trong kháng chiến kiến quốc, tiến lên chủ nghĩa xã hội càng cần tri thức hơn”.
Qua thực tiễn những năm đổi mới, đội ngũ trí thức nước ta đã thể hiện rõ vai trò của mình trên các lĩnh vực của đời sống xã hội… Và ngày nay, để xứng đáng hơn với công lao to lớn của Bác, đội ngũ trí thức cần phải vượt lên, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng và không ngừng học tập. Bác Hồ đã tự học bằng cách đọc rất nhiều tài liệu, sách báo. Bác là một bạn đọc thường xuyên của Thư viện công cộng Pháp, Bác khuyên chúng ta: “Siêng năng xem sách và xem được nhiều sách là một điều đáng quý ”.
Thư viện được xem là cơ quan văn hóa giáo dục sau nhà trường. Thư viện ngày nay trở thành nhân tố nội sinh của sự phát triển trước mắt và lâu dài, góp phần xây dựng con người có trí thức, có tâm hồn nhân cách cao đẹp. Đọc sách báo là một nhu cầu không thể thiếu được của người dân trong một xã hội phát triển. Nhận thức được vai trò của thư viện, trong thời kỳ tiến lên công nghiệp hóa- hiện đại hóa, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm phát triển sự nghiệp thư viện.
Trong thời gian qua công tác sách báo và việc tổ chức phòng đọc sách cơ sở đã có một hướng đi năng động, sáng tạo trở thành yếu tố phát triển của cộng đồng, nhất là khi sinh hoạt sách báo được Nhân dân tự giác tổ chức và nuôi dưỡng.
Tôi thấm thía điều Bác Hồ trăn trở: “Làm sao cho dân ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Điều tâm huyết của những người làm công tác thư viện là xây dựng nếp văn hóa đọc trong cộng đồng, bằng cách xã hội hóa, đa dạng hóa các hoạt động sách báo. Thư viện, phòng đọc, tủ sách phải có mặt ở mọi nơi, nhất là ở vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh.
Đội ngũ những người làm công tác thư viện đã phát huy sáng tạo, tâm huyết phấn đấu tích cực để nâng cao hoạt động thư viện, từng bước củng cố xây dựng và phát triển mạng lưới thư viện cơ sở. Thực hiện phương châm “Sách đi tìm người” với mô hình thư viện lưu động sách báo dần dần được mang đến tay người đọc, đông đảo bà con nông dân, học sinh ở các xã, ấp vùng sâu, vùng xa.
Sách báo đã đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, giúp họ sử dụng thời gian rỗi một cách tích cực hơn, nắm được những thông tin khoa học kỹ thuật ứng dụng vào thực tế sản xuất, hiểu và chấp hành tốt đường lối pháp luật nhà nước.
Việc mở rộng hoạt động đọc sách báo xuống nông thôn thời gian qua và hiện nay, đã góp phần tạo cho người dân một thói quen đọc sách báo, xem đó như là một nhu cầu trong đời sống hàng ngày. Duy trì tốt hoạt động này nhằm nâng cao trình độ dân trí và chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần giảm dần sự cách biệt về hưởng thụ văn hóa giữa nông thôn và thành thị. Đồng thời tạo nên một diện mạo mới, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng tư tưởng của Người vẫn sống mãi với chúng ta. Đối với những người làm công tác thư viện, những chiến sĩ thầm lặng trên mặt trận văn hóa, những lời dạy của Bác Hồ sẽ mãi là nguồn động viên khích lệ để hoàn thành nhiệm vụ.
ĐỖ THỊ THẠCH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin