Xem tranh "Kết nạp Đảng trong chiến hào Điện Biên Phủ"

06:05, 07/05/2022

Phải 9 năm sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, bức tranh sơn mài "Kết nạp Đảng trong chiến hào Điện Biên Phủ" mới được ra đời vào năm 1963.

 

Tranh “Kết nạp Đảng trong chiến hào Điện Biên Phủ”. Ảnh: TL
Tranh “Kết nạp Đảng trong chiến hào Điện Biên Phủ”. Ảnh: TL

(VLO) Phải 9 năm sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, bức tranh sơn mài “Kết nạp Đảng trong chiến hào Điện Biên Phủ” mới được ra đời vào năm 1963.

Đây có thể xem là bức tranh kinh điển của nền hội họa nước nhà, một tác phẩm tiêu biểu về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng Việt Nam.

Tác phẩm mô tả về hình ảnh, phẩm chất cao đẹp, hào hùng của anh Bộ đội Cụ Hồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, được sáng tác bởi một họa sĩ tài ba- Họa sĩ Nguyễn Sáng- Ông được ví trong bộ tứ của làng hội họa Việt Nam với câu vinh danh dành cho 4 họa sĩ tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương: “Nhất Sáng, nhì Liên, tam Nghiêm, tứ Phái” (Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm và Bùi Xuân Phái).

Họa sĩ Nguyễn Sáng, sinh ngày 1/8/1923 tại Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, mất ngày 16/2/1988 tại TP Hồ Chí Minh. Ông tốt nghiệp Trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định (khóa 1936- 1938) và Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (khóa 1940- 1945). Năm 1945 cách mạng tháng Tám thành công, ông tham gia vẽ tranh cổ động, là một trong những họa sĩ đầu tiên được giao nhiệm vụ vẽ tem thư và vẽ mẫu giấy bạc cho Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong kháng chiến chống Pháp tiếp tục vẽ mẫu tiền cho Bộ Tài chính, lần lượt công tác tại Xưởng tranh tuyên truyền Bộ Thông tin Tuyên truyền, làm tranh in tại Ban Tuyên huấn Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, tham gia các chiến dịch Cao-Bắc-Lạng, chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ từ 1954 đến 1986 ông sống ở Hà Nội, năm 1987 ông vào TP Hồ Chí Minh và mất tại đây.

Trong sự nghiệp hội họa ông đã có nhiều tranh tham gia triển lãm. Tranh của ông có mặt ở nhiều bảo tàng, bộ sưu tập cá nhân trong và ngoài nước.

Có thể kể những tác phẩm tiêu biểu như: “Kết nạp Đảng trong chiến hào Điện Biên Phủ”; “Giặc đốt làng tôi”; “Thành đồng Tổ quốc”; “Thiếu nữ bên hoa sen”...Ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 1996.

Tác phẩm “Kết nạp Đảng trong chiến hào Điện Biên Phủ” được họa sĩ lấy bối cảnh một đoạn giao thông hào ở chiến trường Điện Biên Phủ. Ở Điện Biên Phủ giao thông hào là chiến thuật “vây lấn” của bộ đội ta để áp sát, tiêu diệt “pháo đài bất khả chiến bại của địch”.

Chiến hào là nơi bộ đội tốn bao công sức, xương máu để tạo nên phục vụ việc di chuyển, tránh bom đạn giặc và cũng là nơi xung phong đánh địch. Chiến hào là máu, mồ hôi và cả sự mất mát, hy sinh của bộ đội, dân công hỏa tuyến.

Lấy hình tượng chiến hào, họa sĩ Nguyễn Sáng đã chọn được khung cảnh tiêu biểu của chiến trường cùng chi tiết đắt giá mà chỉ những người trong cuộc mới cảm nhận được đó là cảnh kết nạp Đảng trong chiến hào.

Việc kết nạp Đảng cho những chiến sĩ trên mình đầy thương tích được tổ chức cấp tốc ngay tại chiến trường, lúc họ còn nhận biết mình được kết nạp Đảng, được vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng, vì rất có thể sau khi kết nạp Đảng người chiến sĩ ấy tiếp tục lao vào trận đánh và anh dũng hy sinh!

Bức tranh có kích thước 112,3cm x 180cm. Dựng lại thời khắc hào hùng của những người chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ. Có tất cả 8 chiến sĩ trong tranh, với ba nhóm nhân vật chính, phụ.

Bên góc trái của bức tranh là cảnh một chiến sĩ đang dìu một đồng đội bị thương nhưng vũ khí vẫn bên mình cho thấy sự ác liệt của cuộc chiến, một cuộc chiến mà những người chiến sĩ sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Bên phải bức tranh là hai chiến sĩ, phía sau có lá cờ Đảng treo trên vách chiến hào, đây là hình ảnh đại diện cho tổ chức Đảng, một người đưa tay hướng vào ba người phía trước như đang tuyên bố, chiến sĩ còn lại trong tư thế khoác súng ngang ngực, ngẩng cao đầu nhìn lên trời như đang canh chừng máy bay địch.

Nhóm nhân vật trung tâm gồm ba chiến sĩ trong đó có một chiến sĩ ở giữa bị thương, trên đầu còn quấn băng với tư thế đứng nghiêm, mặt hướng về cờ Đảng, tay nắm chặt khẩu súng chống báng xuống đất, bên cạnh là một chiến sĩ đang đưa tay nâng đỡ người được kết nạp, ở hậu cảnh là hình ảnh một chiến sĩ đang lao đi thể hiện sự khẩn trương, quyết liệt của cuộc chiến đấu sắp sửa diễn ra.

Với một bút pháp chắc khỏe, màu sắc giản dị, trong đó màu nâu đất mô tả vách chiến hào đã làm nổi bật hình ảnh người chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên, đồng thời cũng là đại diện cho hình tượng mạnh mẽ, vươn lên từ đau thương, mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do cho dân tộc.

Bức tranh sơn mài “Kết nạp Đảng trong chiến hào Điện Biên Phủ” được công nhận là Bảo vật Quốc gia vào năm 2013, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội.

ANH TIẾN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh