Tiến quân thần tốc- Nghệ thuật quân sự độc đáo của các đạo quân Việt

06:05, 07/05/2022

Ở những lần tiến quân thần tốc quy mô lớn như thế tuy không gian, thời gian, điều kiện và phương tiện chiến đấu rất khác nhau nhưng luôn có một kết quả: Thắng lợi vô cùng vẻ vang! Có rất nhiều bài học trong nghệ thuật hành quân độc đáo này

 

Một bộ phận xe tăng và bộ binh của Quân đoàn 2 hành quân thần tốc vượt sông tiến về Sài Gòn. Ảnh: Tư liệu
Một bộ phận xe tăng và bộ binh của Quân đoàn 2 hành quân thần tốc vượt sông tiến về Sài Gòn. Ảnh: Tư liệu

(VLO) Theo một số nhà sử học, tiến quân thần tốc khiến địch bất ngờ để giành thắng lợi trong các chiến dịch có tính quyết định đã được các nhà quân sự Việt Nam thực hiện từ rất xa xưa, có lẽ danh tướng đầu tiên đến với chiến thuật này là Lý Thường Kiệt trong những lần tiến quân chống giặc ngoại xâm ở phía Nam, phía Bắc thời nhà Lý của nước Đại Việt ta, nhất là lần ông đưa quân vượt biên giới phía Bắc đánh phá các châu Khâm, Ung và Liêm của nước Tống lớn hơn nước ta nhiều lần trong 2 năm 1075- 1076, đã đưa danh tiếng của ông vượt ra khỏi biên giới đất nước.

Ở những lần tiến quân thần tốc quy mô lớn như thế tuy không gian, thời gian, điều kiện và phương tiện chiến đấu rất khác nhau nhưng luôn có một kết quả: Thắng lợi vô cùng vẻ vang! Có rất nhiều bài học trong nghệ thuật hành quân độc đáo này:

Các cuộc hành quân thần tốc của Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ

Ngày 21/11/1783 (Mậu Thân) quân xâm lược nhà Thanh chiếm thành Thăng Long đang bỏ ngỏ theo kế hoạch chủ động lui binh bảo toàn lực lượng của người chịu trách nhiệm ở đất Bắc của nhà Tây Sơn là Ngô Văn Sở.

Tối ngày 24/11, Nguyễn Huệ ở Phú Xuân được tin báo của ông này, để có danh chính ngôn thuận hôm sau ông liền lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu Quang Trung.

Ngày 29/11, Hoàng đế Quang Trung kéo đại quân ra Nghệ An. Ngày 20/12 (15/1/1789), ông tổ chức khao quân tại Tam Đảo để đến ngày 30 tháng Chạp (25/1/1789) bắt đầu cuộc tổng phản công quân Thanh.

Từ khi lên ngôi hoàng đế đến lúc bắt đầu chiến dịch phản công quân địch, đội quân của Hoàng đế Quang Trung chỉ mất 1 tháng 10 ngày để vừa hành quân vừa mộ thêm quân và chuẩn bị mọi mặt cho đạo quân khoảng 1 vạn người, rồi chỉ trong 5 ngày đêm từ 30 tháng Chạp đến mùng 5 Tết Kỷ Dậu (30/1/1789) đã đánh tan 29 vạn quân Thanh, đuổi chúng ra khỏi bờ cõi nước ta.

Đó là quyết định sáng suốt của Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ trong nắm vững thời cơ mở cuộc phản công quyết liệt thần tốc đầy bất ngờ đã thành công vượt ngoài dự đoán của kẻ thù và của chính mình (trong lễ khao quân trước Tết nhà vua hứa trước toàn quân sẽ ăn Tết lại vào ngày mùng 7 Tết).

Cuộc hành quân này không được ghi chép kỷ trong các sử sách đã khiến người đời sau có khá nhiều băn khoăn về khả năng “thần tốc”: Làm thế nào một đạo quân khoảng 10 vạn người (5 vạn ở Huế, 5 vạn ở Thanh Nghệ) và 300 thớt voi có thể đi qua 1.200 dặm có nhiều sông ngòi đồi núi chỉ mất có 40 ngày?

Như vậy, 1 ngày họ phải đi 30 dặm (tương đương 48km) và phải đi liên tục không nghỉ suốt thời gian đó! Có nhiều giả thiết được nêu: Nguyễn Huệ đã ém quân tinh nhuệ trước ở Ninh Bình, giả thiết khác là đạo quân ra Bắc bằng thuyền vì thủy binh Tây Sơn lúc đó rất mạnh, hay là đạo quân ấy đi bằng đường Thượng Đạo thay cho đường Lai Kinh (gần song song với Quốc lộ 1 ngày nay) để tránh các sông lớn và tai mắt địch…

Tất cả đều là phỏng đoán, nhưng có một điều chắc chắn là trước đó Nguyễn Huệ đã có 2 lần ra Bắc vào năm 1786 và năm 1787, quan trọng nhất là lúc ấy lực lượng Tây Sơn đủ lớn mạnh đã thu phục được các sĩ phu và nhân dân phía Bắc ủng hộ nên đã có một kế hoạch tiến quân đánh quân xâm lược hoàn hảo và hợp lòng dân!

Trước đó, Nguyễn Huệ cũng đã có một cuộc hành quân thần tốc vào phương Nam đánh đuổi quân Xiêm lấy cớ giúp đỡ Nguyễn Ánh để xâm lược nước ta: Đến cuối năm 1784, liên quân Xiêm- Nguyễn đã chiếm nhiều phần đất phía Nam, phò mã Tây Sơn là Trương Văn Đa phải đem quân từ Gia Định về vùng Long Hồ chống giữ, một mặt cho người về Qui Nhơn xin cầu viện.

Ngay từ những ngày đầu tháng 1/1785, thủy quân Tây Sơn dưới sự thống lĩnh của Nguyễn Huệ đã thần tốc kéo vào Nam và có mặt tại Mỹ Tho.

Ở gần đại bản doanh của địch tại Trà Tân, quân ta chỉ mở những trận đánh nhỏ để thăm dò địch và nắm tình hình, mặt khác cho người liên lạc giả cầu hòa với địch để chúng thêm chủ quan khinh địch…

Biết rõ tương quan ta địch là không đảm bảo thắng lợi nếu đánh thẳng vào đại bản doanh địch ở Trà Tân, Nguyễn Huệ chọn một khúc sông Mỹ Tho từ Rạch Gầm đến Xoài Mút chỉ cách Mỹ Tho 12km có nhiều sông rạch hai bên và có cù lao ở giữa rất thích hợp cho ta dấu quân và vũ khí để tổ chức một trận quyết chiến với quân thù và với sự giúp đỡ của nhân dân tại chỗ ông đã thành công: Chỉ 1 đêm 18/1 đến rạng sáng ngày 19/1/1785 hơn 2 vạn thủy quân Xiêm với 300 chiến thuyền bị quân Tây Sơn lừa vào đoạn sông này dùng hỏa công đánh cho tan nát, hai tướng giặc là Châu Tăng và Châu Xương với số ít tàn binh phải chạy bộ về nước.

Nguyễn Ánh còn thảm hơn, chỉ còn chưa đến chục thủ hạ tháo chạy từ đầu trận đánh sau đó cũng tìm đường trốn sang Xiêm.

“Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” trong các chiến dịch mùa Xuân 1975

Với tương quan lực lượng ta và địch vào đầu tháng 4/1975, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta nhận định “Cả về thế chiến lược và lực lượng quân sự ta đã có sức mạnh áp đảo quân địch, còn địch thì đang đứng trước nguy cơ sụp đổ và diệt vong.

Mỹ tỏ ra bất lực, dù có tăng viện cũng không cứu được tình thế sụp đổ đến nơi của ngụy” và khẳng định “Nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa với tư tưởng chỉ đạo “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian ngắn nhất, tốt nhất là trong tháng 4/1975 không thể chậm”.

Thực hiện quyết tâm này, chỉ trong 55 ngày đêm từ khi lực lượng vũ trang ta với sự giúp đỡ của người dân tại chỗ tiến công vào Buôn Mê Thuột trong Chiến dịch Tây Nguyên giành thắng lợi, với sức mạnh áp đảo ta đã giành thắng lợi 3 chiến dịch tiếp theo đó, trong đó có Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn- Gia Định buộc địch đầu hàng chỉ trong gần 4 ngày đêm liên tục tiến công từ 26- 30/4/1975.

Chưa bao giờ ta sử dụng một lực lượng lớn như vậy trong một chiến dịch như Chiến dịch Hồ Chí Minh: 4 quân đoàn chủ lực tinh nhuệ và 1 đơn vị tương đương (Đoàn 232) cùng lực lượng các địa phương.

Cuộc tiến công và nổi dậy trong mùa Xuân 1975 với tinh thần “Một ngày bằng 20 năm” ta đã khiến bộ máy quân sự khổng lồ mạnh nhất Đông Nam Á với hơn 1 triệu quân cùng bộ máy chính quyền được xây dựng với sự giúp đỡ của Mỹ qua 5 đời tổng thống bị đập tan.

Để có ngày chiến thắng 30/4/1975 lịch sử, ngay sau khi Chiến dịch Tây Nguyên (từ 4/3- 3/4/1975) thắng lợi, cuộc diện chiến trường miền Nam đã có bước chuyển biến mới rất thuận lợi cho ta, ngày 7/4/1975 Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã có bức điện khẩn gởi đến toàn quân ra lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút từng giờ, xốc tới mặt trận giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”.

Tinh thần bức điện khẩn này mau chóng biến thành kim chỉ nam hành động cho các mũi tiến quân, mỗi cánh quân trên đường tiến về Sài Gòn. Có thể hình dung tiến trình này qua các bước tiến quân của Quân đoàn 2 (mật danh là Binh đoàn Hương Giang)- một quân đoàn chủ lực cơ động của Quân đội Nhân dân Việt Nam- luôn đảm nhận mũi tiến công quyết định vào các cứ điểm quan trọng, đã danh dự cấm lá cờ chiến thắng trên đỉnh Phú Văn Lâu (Huế) ngày 25/3/1975 và trên nóc Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút này 30/4/1975.

Đó là ngay sau khi Chiến dịch Trị- Thiên- Huế thắng lợi giải phóng hoàn toàn Trị- Thiên- Huế, Đà Nẵng- Quảng Nam, ngày 6/4/1975 Quân đoàn 2 nhận lệnh của Quân ủy và Bộ Quốc phòng cấp tốc vào Nam tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn.

Theo đó, sau khi để lại Sư đoàn 324 ở lại giữ Huế và Đà Nẵng quân đoàn phải có mặt tại điểm tập kết ở Xuân Lộc (Long Khánh) ngày 24/4/1975.

Chấp hành mệnh lệnh, với tinh thần “Đánh địch mở đường mà đi” 9 giờ ngày 7/4 phân đội đi trước của Quân đoàn 2 đã xuất phát. Sau đó, để tiến quân quân đoàn chia đội hình thành nhiều khối, lấy đơn vị cơ sở là sư đoàn, lữ đoàn bộ binh và binh chủng để tiện cho việc chỉ huy và chiến đấu.

Mỗi khối được tăng cường các binh chủng chiến đấu để có thể tự giải quyết các trở ngại về đường sá, đủ sức bảo vệ và tiến công địch quy mô nhỏ trên đường hành quân.

Từ đó, quân đoàn tổ chức vừa tiến quân vừa đánh địch dọc tuyến duyên hải miền Trung, góp phần đập tan lực lượng của tuyến phòng ngự của địch ở Phan Rang, Phan Thiết, Hàm Tân, giải phóng các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy là khu vực phòng thủ từ xa của quân Sài Gòn trên hướng Đông, góp phần làm thay đổi cán cân lực lượng ta địch ở Nam Bộ, mở thông đường số 1 kéo dài từ miền Bắc tới tận cửa ngõ phía Đông và Đông Bắc Sài Gòn. Đúng 3 giờ ngày 24/4/1975 Quân đoàn 2 đã đến điểm tập kết đúng thời gian quy định sau 18 ngày đêm tiến quân thần tốc!

Cuộc tiến quân thần tốc của cánh quân phía Đông này với hơn 32.000 quân, 2.276 xe pháo, tăng, thiết giáp đi qua gần 1.000 cây số (gần một nửa chiều dài đất nước), vượt mọi khó khăn trở ngại, đánh địch trong hành tiến là một đòn chiến lược sáng tạo, kịp thời tạo bất ngờ lớn cho địch, đập tan ý định co cụm của chúng dọc miền duyên hải, đánh thông tuyến đường số 1 từ miền Bắc vào tận cửa ngõ phía Đông và Đông Bắc Sài Gòn, đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá là một kỳ tích!

* Bài có sử dụng nhiều nguồn tư liệu.

HỒNG VÂN 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh