Đến cù lao Dài, tưởng nhớ danh thần Thoại Ngọc Hầu

12:05, 15/05/2022

Đến với cù lao Dài hôm nay, ngoài trải nghiệm, khám phá vùng đất được ấp ủ giữa dòng sông Cổ Chiên thơ mộng, du khách còn được tham quan, tìm hiểu về khu mộ thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu- những tiền nhân có công khai phá, lập làng ở cù lao Dài.

 

Khu mộ thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Khu mộ thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

(VLO) Cù lao Dài thuộc hai xã Thanh Bình, Quới Thiện của huyện Vũng Liêm. Một địa danh gắn liền với cuộc di cư của gia đình danh thần Thoại Ngọc Hầu đến khẩn hoang lập nghiệp. Đây cũng là nơi chứng tri cho những tảo tần của bà Nguyễn Thị Tuyết trong quá trình nuôi dạy Thoại Ngọc Hầu nên người, trở thành đại thần của Triều đình Nhà Nguyễn.

Đến với cù lao Dài hôm nay, ngoài trải nghiệm, khám phá vùng đất được ấp ủ giữa dòng sông Cổ Chiên thơ mộng, du khách còn được tham quan, tìm hiểu về khu mộ thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu- những tiền nhân có công khai phá, lập làng ở cù lao Dài.

Khẩn hoang cù lao Dài

Năm 1698, phủ Gia Định được thành lập, dinh Trấn Biên và dinh Phiên Trấn cũng được cắt đặt. Đến năm 1732, chúa Ninh Vương Nguyễn Phúc Chú tiếp tục lập dinh Long Hồ- đơn vị hành chính đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long ở phía Nam dinh Phiên Trấn.

Trước khi dinh Long Hồ được thành lập, vùng đất này đã ghi nhận nhiều lưu dân đến đây khẩn hoang lập nghiệp. Vào thế kỷ XVII, dân cư ở Vĩnh Long xưa tuy còn rất ít, nhưng đã có sự cộng cư tự nhiên của 3 tộc người: Kinh- Hoa- Khmer.

Nghiên cứu tài liệu “Tìm hiểu văn hóa Vĩnh Long 1732- 2000” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long xuất bản năm 2003 cho thấy, từ năm 1758 đến cuối thế kỷ XVIII, dân số Long Hồ dinh tiếp tục tăng nhanh bởi sự nhập cư của những nhóm di dân người Việt từ miền Trung vào.

Tiêu biểu cho những nhóm di dân thời kỳ này là nhóm nông dân trong dòng họ của Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu).

Bà Nguyễn Thị Tuyết- thân mẫu Nguyễn Văn Thoại cùng các con, những người thân và đồng hương của mình rời bỏ xứ sở Quảng Nam dừng lại tại cù lao Dài thuộc xã Thanh Bình, Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long ngày nay để khai hoang, định cư.

Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu Gia Long, dựng nên vương triều nhà Nguyễn. Cũng năm này, phủ Gia Định được đổi thành trấn Gia Định gồm một trấn, 4 dinh (Phiên Trấn, Trấn Biên, Vĩnh Trấn, Trấn Dinh), 4 phủ và 15 huyện.

Năm 1803, vua Gia Long đổi dinh Vĩnh Trấn thành Hoằng Trấn; đến 1804 lại đổi thành Vĩnh Trấn và đến năm 1806 được gọi là trấn Vĩnh Thanh.

Vào thời kỳ này, việc khai hoang lập đồn điền được đẩy mạnh, trấn Vĩnh Thanh là một trong 4 nơi thuộc thành Gia Định được chọn làm trọng điểm thiết lập dinh điền.

Trong những đồn điền này, cư dân vừa là nông dân, vừa là binh lính theo phương châm “động vi binh, tĩnh vi dân”. Một trong những điển hình về khai hoang lập ấp trên địa bàn trấn Vĩnh Thanh dưới triều vua Gia Long lúc bấy giờ là cù lao Dài, quê mới của Thoại Ngọc Hầu- Trấn thủ Vĩnh Thanh đương thời.

Năm 1817, dưới sự khuyến khích của trấn thủ Vĩnh Thanh, người dân phần lớn là những người có xuất xứ Quảng Nam đã đến khai hoang trên cù lao Dài, lập nên 5 làng: Phú Thái, Phước Khánh, Thái Bình, Thanh Lương và Bình Thạnh, với vòng quanh 30 dặm và có 5 dòng họ lớn cùng nhau sinh sống, khai phá vùng đất này là Nguyễn, Huỳnh, Trần, Châu, Võ. Vì thế, cù lao Dài dần có dân cư đông đúc, ruộng vườn ngay thẳng, nổi tiếng là nơi đông dân no đủ và trù phú.

“… Ngược dòng tìm hiểu cội nguồn”

Sau khi vào khẩn hoang cù lao Dài, bà Nguyễn Thị Tuyết qua đời vào mùa thu năm 1796. Thời điểm này, danh thần Thoại Ngọc Hầu mới đi xứ ở Xiêm La (Thái Lan) trở về, đang được điều động nhiều việc quân vụ quan trọng.

Sắp xếp xong việc quân, ông tranh thủ về chịu tang, chôn cất và lập bia mộ cho mẹ của mình. Năm 1827, sau khi thành danh trở thành đại thần quan trọng của triều Nguyễn, trước tuổi xế chiều, chọn được vùng đất cát địa, quy hoạch, xây dựng quần thể lăng mộ cho hai vị phu nhân và sinh thần của mình tại núi Sam, danh thần Thoại Ngọc Hầu về quê hương cù lao Dài xây quần thể khu mộ cho mẹ, em gái cùng thân quyến. Khu mộ hoàn thành vào tháng 1/1828 tại ấp Thái Bình, xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Từ thị trấn Vũng Liêm, đi xe máy khoảng 10 phút đến bến phà Thanh Bình, Quới Thiện. Xuống phà, du khách sẽ được tận hưởng làn gió trong lành và trải nghiệm cảm giác lênh đênh, bồng bềnh trên dòng Cổ Chiên hiền hòa.

Sau khi phà cặp bến, du khách tiếp tục chạy một đỗi nữa là đến khu mộ thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu.

Khu mộ được xây trên khu đất khá cao, với diện tích 480m2, gồm có mộ bà Nguyễn Thị Tuyết, bà Nguyễn Thị Định (em gái Thoại Ngọc Hầu) và ông Thượng đạo Cai đội họ Nguyễn, cùng một số mộ gió, mộ tưởng niệm khác.

Bia ghi danh di tích họ Nguyễn dựng trước khu mộ còn khắc ghi nhân thân và công đức của bà Nguyễn Thị Tuyết đối với vùng đất cù lao Dài.

Đua ghe tam bản- nét văn hóa sông nước Cổ Chiên. Ảnh: TẤN PHONG
Đua ghe tam bản- nét văn hóa sông nước Cổ Chiên. Ảnh: TẤN PHONG

Bà Nguyễn Thị Tuyết là thân mẫu của Thống chế, Án thủ Châu Đốc đồn, Bảo hộ Cao Miên, kiêm quản Hà Tiên trấn vụ, có quê quán tại phường An Hải, quận Hải Châu, Đà Nẵng ngày nay. Vào những năm 70 của thế kỷ XVIII, nước Đại Việt dưới thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong có nhiều biến động, phong trào Tây Sơn nổi dậy mạnh mẽ, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài tiến đánh Đàng Trong.

Nhân dân khổ cực lầm than bởi các cuộc nội chiến. Bà Nguyễn Thị Tuyết dẫn theo các con, trong đó có danh thần Thoại Ngọc Hầu cùng với một số gia đình vượt biển khơi tìm đến vùng đất cù lao Dài khai phá sinh sống, dần biến nơi đây thành vùng đất thứ hai của mình.

Năm 1777, người con lớn của bà Nguyễn Thị Tuyết là Nguyễn Ngọc Thoại, tức Thoại Ngọc Hầu gia nhập quân đội chúa Nguyễn Ánh, cống hiến công sức cho chúa Nguyễn và sau này trở thành một trong những đại thần của triều Nguyễn.

Bà Nguyễn Thị Tuyết là người phụ nữ tần tảo, một mình nuôi dạy con thơ trưởng thành nơi cù lao hoang vắng. Sự hiền lương của bà được vua Minh Mạng ban tặng trân trọng qua lời chiếu dụ: “Trẫm nghĩ muốn biết gia đình phúc hậu thì phải ngược dòng tìm hiểu cội nguồn.

Ngươi, Nguyễn Thị Tuyết đã mất, là thân mẫu của Nguyễn Văn Thoại- Khâm sai Án thủ đồn Châu Đốc, lãnh ấn bảo hộ nước Cao Miên. Ngươi đáng được liệt truyện khen hay, lương môn chép tốt… Ngươi là trang mẹ hiền, con người là bề tôi tốt.

Nay đem đạo hiếu mà trị đời, nên phải ban khen cho ngươi được vui nhuần ân huệ…” và truy tặng cho bà mỹ hiệu “Thục Nhân”. Đây là danh hiệu lớn thứ hai trong hệ thống phong tặng mỹ hiệu cho phụ nữ thời bấy giờ.

Với những giá trị về kiến trúc nghệ thuật, đồng thời ghi nhận công lao của danh thần Thoại Ngọc Hầu đối với dân tộc, năm 2017 quần thể di tích thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu được UBND tỉnh Vĩnh Long xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Có dịp về Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long du khách hãy một lần vượt sông Cổ Chiên đến viếng thăm khu mộ thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu chắc chắn sẽ đọng lại nơi đây một chuyến hành trình giàu xúc cảm!

Bài, ảnh: MINH TRIẾT 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh