Bà chọn mấy bông hoa gạo vừa mới rụng xuống thảm cỏ đầu làng đem về cất trong chiếc giỏ mây. Xuyến hỏi mẹ cất hoa gạo làm gì? Ờ thì để làm quà cho bạn mẹ vui. Chao ôi, ai lại mang hoa gạo làm quà, chắc gì người ta đã thích? Bà cười móm mém phân trần "niềm vui của tụi mẹ giờ đơn giản lắm, già rồi".
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long) |
(VLO) Bà chọn mấy bông hoa gạo vừa mới rụng xuống thảm cỏ đầu làng đem về cất trong chiếc giỏ mây. Xuyến hỏi mẹ cất hoa gạo làm gì? Ờ thì để làm quà cho bạn mẹ vui. Chao ôi, ai lại mang hoa gạo làm quà, chắc gì người ta đã thích? Bà cười móm mém phân trần “niềm vui của tụi mẹ giờ đơn giản lắm, già rồi”.
Xuyến tủm tỉm cười, hèn chi ngày rộng tháng dài không thấy hẹn nhau mà năm nào cũng chen chúc tìm nhau đúng ngày Giỗ Tổ.
Bà đã gần bảy mươi tuổi. Tóc bà lẫn sợi mây, hai khớp gối biểu tình hoài mỗi khi đi đứng quá lâu. Lưng bà bị xẹp một đốt sống, tai thì một bên không nghe rõ. Đến chỗ đông đúc, ồn ào là thể nào bệnh đau đầu cũng tái phát.
Nên năm nay dù bà cự nự hoài mà Xuyến cứ một mực phải theo chân mẹ. Xuyến xếp đồ cho chuyến đi của mẹ: chiếc kính lão, đôi giày đế mềm, chai thuốc bóp chân đã vơi một nửa.
Lúc loay hoay nhét ít thuốc tiêu hóa, lọ dầu gió, vỉ hoạt huyết dưỡng não vào chiếc giỏ mây của mẹ, Xuyến tưng tửng chọc ghẹo:
- Sao mẹ và bác ấy không hẹn nhau ở… chợ tình Khâu Vai có phải hợp hơn không?
- Chợ tình là dành cho những người yêu nhau. Còn tụi mẹ chỉ là hai người bạn tâm giao. Hơn nữa lần đầu tiên mẹ gặp ông ấy là ở đền Hùng. Khi đó mẹ đang cùng cả đội thi gói bánh chưng, còn ông ấy thì vừa kịp hành hương từ miền Nam về Giỗ Tổ. Nhanh thật, mới đó mà đã tám năm rồi…
Thời gian kỳ lạ lắm, chỉ cần từng ấy năm thôi là bà già soi gương đã không nhận ra mình. Hồi ấy tóc bà vẫn còn đen, còn đi được guốc cao, còn mặc áo hoa màu nắng xuân tươi mới.
Hôm gặp ông, bà mặc trang phục dân tộc, tay thoăn thoắt nối lạt gói bánh chưng. Tiếng trống thôi thúc các du khách hướng về sân quảng trường lễ hội. Bà đâu biết lẫn trong dòng người đông đúc ấy có một người không rời mắt khỏi bà.
“Người đâu mà nhanh nhẹn khéo léo, gói bánh chẳng cần khuôn mà cứ vuông thành, sắc cạnh. Nụ cười thì mộc mạc như nắm đất quê hương.
Mà tôi nhìn bà thấy quen lắm, như là đã gặp nhau ở đâu đó rất lâu”. Ông nói thế khi hội thi đã xong, những chiếc bánh chưng vuông vắn đã được vớt ra, đã chín rền mà lá dong vẫn còn xanh ngắt. Bánh chưng được xếp bên cạnh cặp bánh dày dẻo mịn, trắng tròn tượng trưng cho trời và đất.
Bà vừa thu dọn lá dong, cuộn lạt giang thừa vừa ngẩng lên ngó ông cười. Ừ đúng là quen thật, nhưng gặp ở đâu thì không nhớ. Tuổi của bà có khi sáng thức dậy còn quên cả tên con huống hồ là người dưng, sao nhớ nổi. Ông cười bảo từ từ rồi sẽ nhớ…
Xong hội thi gói bánh bà xuống phụ bán quán nước cho đứa cháu. Ông cũng vội vàng theo chân bà ngồi dưới gốc cây cổ thụ. Thỉnh thoảng ông còn phụ bà bưng nước cho khách, lấy ghế cho khách ngồi, hỏi khách uống trà đá hay chanh muối?
Khách tưởng ông là chủ quán, khen bà rõ khéo dạy chồng. Đứa cháu tủm tỉm cười trêu bà đã ngoài sáu mươi tuổi rồi mà đi hội vẫn có người đắm đuối theo sau.
“Thằng quỷ nhỏ, ai mà thèm theo bà. Chẳng qua người ta tìm quán nước nghỉ chân. Rõ là…” Bà lườm nó mà thấy lòng nóng ran, tay chân hơi líu ríu lúc ông gọi “cho xin thêm ống hút bà ơi. Sao cốc nước sấu của khách bà lại quên bỏ đá? Trời ơi, nắng thế này cho khách nhiều đá một chút”.
Bà càu nhàu người đâu mà vô duyên, đến quán người ta mà cứ đòi đứng chỉ đạo. Nói thì nói thế nhưng lòng bà chộn rộn, đã lâu rồi bà không vui như thế.
Mà lạ lắm, bà thấy như đã gặp ông đâu đó. Mà dễ chừng cuộc gặp đó cũng vài chục năm rồi. Hay là đã gặp nhau từ kiếp trước…
Chờ lúc thưa khách ông mới hỏi bà:
- Bà vẫn chưa nhận ra tôi sao? Tôi người xóm đê, nhà dưới gốc cây gạo ngay bên cạnh ao làng. Hôm nào đi làm đồng về bà cũng xuống ao rửa chân. Hôm đê vỡ tôi còn cùng bà gánh đất hộ đê.
Bà à lên một tiếng nghe như thể reo vui khi nghe ông nhắc lại cảnh cũ người xưa. Trong đầu bà bỗng hiện ra cánh đồng lúa đang thì con gái, từng đàn cò trắng rủ nhau về đậu.
Tháng ba cây gạo thắp những ngọn lửa đỏ giữa trời. Dòng sông Hồng mùa cạn nước, dải cát trắng đôi bờ nằm phơi mình trong cái nắng đầu hè. Chiều nào đi làm đồng về bà đều cùng mọi người xuống ao làng rửa chân.
Hoặc cùng các chị em giặt chiếu, vớt bèo, rửa khoai, đặt vó cất tôm. Mùa mưa, trai làng rủ nhau ra ao kéo cá. Ao làng rộng và sâu, mấy chục trai làng hò nhau quây lưới.
Bà vẫn nhớ hình ảnh những chàng trai người đầy bùn đất nhưng vẫn cười rạng rỡ khi kéo được một mẻ cá đầy.
Ông là ai trong số đó? Hẳn là cậu trai làng hay quét hoa gạo rụng mỗi chiều, hay ra ao cất vó, hay ngụp lặn giữa ao làng mò từng con trùng trục về nấu canh chua.
Cũng là người đàn ông duy nhất trong làng ra ao giặt quần áo, chiếu chăn. Thương chàng trai mồ côi thui thủi một mình nên ai đi qua ao làng cũng giục ông “mau lấy vợ đi để còn có người giặt hộ”.
- Ông Tuân hả? Đúng rồi. Đúng là ông Tuân con cụ Lụa, nhà dưới gốc cây gạo giữa làng. Thảo nào tôi cứ thấy quen quen.
- Nhanh thật đấy, mấy chục năm rồi còn gì. Tôi về thăm quê mà không còn nhận ra quê hương nữa. Ao làng, cây gạo ngày xưa không còn nữa. Chỉ ruộng đồng là vẫn thơm mùi lúa trổ đòng.
- Từng ấy thời gian dài bằng cả đời người. Mà sao đến tận bây giờ ông mới chịu trở lại quê hương?
- Bà biết đấy, mọi thứ cứ cuốn tôi đi…
Hồi ấy ông theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ. Sau đó ông được điều động đi B. Hai năm sau ông được phân công về Quân đoàn 4 để sát cánh cùng đồng đội góp phần vào chiến thắng mùa Xuân năm 1975.
Rồi ông ở lại đơn vị luôn không về Bắc nữa vì ở quê cũng chẳng có ai thân thích. Ông mồ côi từ bé, lớn lên nhờ tình yêu thương bao bọc của xóm làng.
Nỗi nhớ quê hương vẫn âm thầm chảy trong hồi ức của ông những tháng năm xa cách. Nhưng tình yêu đôi lứa đã giữ chân ông lại miền Nam. Thật ra ông có trở lại quê hương vài lần nhưng đều vội vã. Đến tận khi đã nghỉ hưu, các con đã trưởng thành thì ông mới thảnh thơi về Bắc.
Ông chọn về vào đúng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương để thấy hành trình về với quê hương của ông không hề đơn độc. Vì trên chuyến tàu thống nhất Bắc- Nam cũng có rất nhiều người hành hương về đất Tổ. Họ háo hức được trở về mảnh đất cội nguồn, thắp một nén nhang thơm tưởng nhớ các Vua Hùng.
Có bà cụ tuổi đã gần đất xa trời được cháu con đưa về đất Tổ, lòng rưng rưng ngâm nga câu ca dao trong khi vẫn nhai trầu bỏm bẻm: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba/ Khắp miền truyền mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.
Ông thấy mình trẻ lại như cậu trai làng mười tám, đôi mươi đi kéo cá ao làng với nụ cười quện mùi bùn đất.
***
Đến hẹn ông lại về. Ông tự mình chuẩn bị hành trang để trở về trong ngày Giỗ Tổ. Kể từ khi gặp lại bà ông thấy cuộc sống bớt phần cô quạnh. Hai ông bà hoàn cảnh có nhiều thứ giống nhau.
Bạn đời mất sớm, con cái lớn khôn mỗi đứa một nơi nên chỉ còn thân già tối ngày thui thủi một mình. Thèm một người hiểu mình để kết giao bầu bạn cũng khó vô cùng. Nên khi gặp lại bà, ông vui lắm. Bà là quê hương, là kho ký ức, là dòng chảy tâm tình cảm thông, thấu hiểu.
Từ buổi gặp lại nhau, ông vẫn thường liên lạc với bà qua điện thoại. Đã lâu rồi ông mới thấy chờ tiếng chuông điện thoại reo cũng làm mình thấp thỏm.
Điện thoại của người già hiếm tiếng reo vui lắm. Có khi tháng đôi lần con cháu ở xa thay nhau gọi về hỏi xem bố có khỏe không? Ăn được nhiều không? Chịu khó uống thuốc không? Tiền lương hưu chi tiêu có thoải mái không? Chừng ấy năm vẫn từng ấy câu hỏi, trả lời hoài phát chán.
May mà có bà gọi vào kể chuyện mới rụng thêm một cái răng. Chuyện con gái về thăm nhà nhờ nó nhổ tóc trắng mà nó cười giòn tan bảo “đầu mẹ toàn tóc trắng, nhổ nữa thì trọc đầu”.
Chuyện mới lên rừng hái được nắm rau đắng cảy về luộc mềm, vắt khô, chấm với muối vừng ăn ngon đáo để. Ông ở đầu dây bên này nuốt nước bọt “giống ấy phải chấm với mắm tôm mới đúng điệu nghe bà”.
Chuyện cái Xuyến cứ lừng khừng lấy chồng “chắc vì lo tôi ở có một mình nhỡ trái gió trở trời. Mà nó không lấy chồng thì cũng có ở nhà với tôi đâu.
Nó ở dưới Thủ đô, tháng về đôi lần rồi lại vội vã ra đi”. Chuyện cây gạo còn sót lại trong làng đã đến mùa thắp lửa. “Ờ… ờ để hôm nào tôi nhặt vài bông hoa gạo rụng mang làm quà, cho ông đỡ nhớ”.
Chuyện của bà khiến ông không còn thấy ngày dài đằng đẵng. Thỉnh thoảng mấy đứa con điện về than “sao dạo này bố nói chuyện với ai mà tụi con gọi điện thoại cứ thấy báo bận hoài”. Ông cười bảo “ừ thì…” rồi bỏ ngỏ.
Hội đền Hùng năm nào cũng đông, người nối người bước chân vào cổng. Xuyến than “mẹ ơi, đông thế này biết ông ở đâu mà tìm?”. Bà ngẩng đầu lên, vươn ánh nhìn vượt qua đám đông để tìm một tán cây cổ thụ. Đó là nơi quán nước năm xưa, bà và ông đã cùng ngồi trò chuyện.
Đấy cũng là nơi ông bà hẹn gặp mỗi năm để không bị lạc nhau giữa dòng người chen lấn. Trong lúc đi theo mẹ, Xuyến đã nghĩ hình như suốt cả năm mẹ dành dụm sức lực và niềm vui chỉ để cho một ngày hò hẹn.
Xuyến đã ứa nước mắt vì thương khi bám theo dáng mẹ bị xô đẩy xiêu vẹo giữa dòng người đông nghịt. Ông đứng đó, mắt đăm đắm nhìn người qua lại.
Xuyến nghĩ nếu mà bà không đến, rất có thể ông cứ đứng đó chờ cho đến khi hóa đá. Nhìn hai người bạn già mừng tủi gặp lại nhau Xuyến bỗng ước ao giá như mình cũng có người để mà chờ mà hẹn. Biết đâu đấy, lẫn trong đám đông này sẽ có một người nào đó cũng đang đợi Xuyến thì sao?
Ở đời thiếu gì cuộc gặp gỡ bất ngờ, giống như ông với bà đấy thôi. Trong lúc Xuyến đang mải nhen nhóm trong lòng mình ý nghĩ về tình yêu thì dưới tán cây cổ thụ bà vừa lau mồ hôi vừa cười bảo ông:
- Không biết tụi mình còn đủ khỏe để gặp nhau thêm bao mùa Giỗ Tổ…
Ông không trả lời vì mải ngắm bà cười. Trong mắt ông, bà vẫn cứ đẹp nhất mỗi khi nở nụ cười…
VŨ THỊ HUYỀN TRANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin