Tìm về cội nguồn qua cổ phục

08:04, 03/04/2022

Nằm giữa lòng TP Vĩnh Long, "Ba Dinh" ra đời dành cho những người trẻ yêu cổ phục Việt. Nâng niu từng chiếc áo nhật bình, áo tấc… tinh tế trên từng kiểu dáng, đường thêu, họa tiết hoa văn, chàng trai Trần Quang Vinh mong muốn lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống đến tất cả những người trẻ.

Nằm giữa lòng TP Vĩnh Long, “Ba Dinh” ra đời dành cho những người trẻ yêu cổ phục Việt. Nâng niu từng chiếc áo nhật bình, áo tấc… tinh tế trên từng kiểu dáng, đường thêu, họa tiết hoa văn, chàng trai Trần Quang Vinh mong muốn lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống đến tất cả những người trẻ.

Bạn nữ thướt tha trong bộ áo nhật bình.
Bạn nữ thướt tha trong bộ áo nhật bình.

Lưu giữ nét văn hóa cổ xưa

Từ ngày còn ngồi trên giảng đường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, bạn Trần Quang Vinh đã thích mày mò tìm hiểu những bài viết về áo dài. Một lần tình cờ đọc trên Internet về áo nhật bình, Quang Vinh ấn tượng mạnh khi được xem những bạn trẻ khoác áo nhật bình múa đương đại. Chàng trai sinh năm 1997 bắt đầu tham gia vào nhiều hội nhóm và nghiêm túc tìm hiểu cổ phục.

Từ nghề trang điểm cô dâu, Quang Vinh chắt chiu cả tháng thu nhập để mua bộ cổ phục đầu tiên. Vinh kể: “Tại Đại Nam hội quán (Quận 3, TP Hồ Chí Minh), nhóm thường xuyên tổ chức chương trình biểu diễn, giao lưu để tái dựng những nét văn hóa truyền thống và kích thích sự tò mò, tìm hiểu về văn hóa của người trẻ. Mình đã đắn đo lắm, dành cả tháng tiền lương mua áo ngũ thân đến đó giao lưu nhưng hạnh phúc vô cùng khi được sống lại trong không gian Tết miền Nam xưa”.

Năm 2021, Quang Vinh trở về quê Vĩnh Long lập nghiệp với tiệm cho thuê phục trang “Ba Dinh”. Từ bộ cổ phục đầu tiên chắt chiu để mua, đến nay Vinh sở hữu hơn 70 bộ cổ phục đa dạng về kiểu dáng, màu sắc và nhiều phụ kiện như tràng hạt, kim bài…

Quang Vinh (trái) tham dự Ngày hội Việt phục “Tóc xanh- Vạt áo”.
Quang Vinh (trái) tham dự Ngày hội Việt phục “Tóc xanh- Vạt áo”.

Vinh cho biết, mỗi triều đại phong kiến trong lịch sử đều có những bộ trang phục mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc. Nổi bật trong số đó là cổ phục thời nhà Nguyễn như áo nhật bình và áo tấc. Áo nhật bình là trang phục của hoàng tộc, là thường phục của hoàng hậu, phi tần và công chúa. Áo nhật bình có cổ hình chữ nhật to bản chạy dọc từ cổ đến ngực. Hai vạt áo sẽ được dùng dây buộc lại. Cổ phục này có tên là “nhật bình” bởi hoa văn ở cổ áo khi ghép lại tạo thành một hình chữ nhật ngay trước ngực. Sau thời nhà Nguyễn, bộ áo này trở thành trang phục giới quý tộc mặc vào những dịp quan trọng.

Còn áo tấc là loại lễ phục trang trọng thời Nguyễn thường được sử dụng trong các dịp trọng đại như kết hôn, lễ tết, tang lễ… Đây là loại trang phục phổ biến từ dân thường cho đến quan lại, vua chúa đều mặc. Loại áo này thường gồm một áo ngũ thân dài quá đầu gối với tay thụng dài bằng gấu (vì vậy còn được gọi là áo lễ hay áo ngũ thân), cài khuy bên phải, áo lót bên trong màu trắng. Mặc cùng với quần dài trắng và khăn vấn…

Chăm chỉ đọc sách, trao đổi và học hỏi từ những hội nhóm, càng nghiên cứu sâu, Vinh càng ngỡ ngàng vì tính thẩm mỹ tuyệt vời trong những bộ cổ phục của ông cha ta từ hàng trăm năm trước: Càng tìm hiểu tôi càng thấy trang phục đúng là tinh hoa của cả một dân tộc. Người Việt cũng có thẩm mỹ riêng và đặc sắc. Những cổ phục ấy thấm đẫm những ý nghĩa triết lý từ bao đời nay mà cha ông gửi gắm qua mỗi biểu tượng, đường thêu, qua những vạt áo ngắn dài khác nhau. Như áo ngũ thân có 5 hạt nút cài áo mang ý nghĩa ngũ thường (nhân, lễ, nghĩa, trí và tín), như một lời răn về đạo lý làm người. Còn 5 thân mang một ý nghĩa cao đẹp lớn lao: 4 thân áo của vạt trước, vạt sau tượng trưng cho “tứ thân phụ mẫu”, thân trong tượng trưng cho chính người đang mang chiếc áo, được phụ mẫu chở che…

Để người trẻ say mê văn hóa theo cách riêng

Liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, cổ phục Việt trở thành một “xu hướng” mới được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt. Rất nhiều bạn trẻ đã không ngại đầu tư để có cho mình một bộ cổ phục mặc trong những dịp quan trọng hay chụp những bộ ảnh kỷ niệm. Nhiều cặp đôi thích chọn áo dài cô dâu chú rể theo phong cách truyền thống. Cô dâu thướt tha trong bộ áo nhật bình sang trọng, vấn đội đầu, guốc mộc, vòng ngọc… Còn chú rể đĩnh đạc trong áo ngũ thân, không thể thiếu chiếc khăn đóng hình chữ “nhân” hoặc chữ “nhất” màu đen, như lời răn về lòng nhân nghĩa, trung hiếu phải luôn đặt lên hàng đầu.

Quang Vinh chia sẻ: “Khoác lên mình bộ cổ phục, tôi mong bạn trẻ luôn giữ tinh thần dân tộc, yêu nét đẹp của quê nhà. Có một số bạn trẻ sính ngoại, “cuồng” phục trang của nước khác, nhưng thực sự khi hiểu được, cổ phục Việt rất đáng tự hào”. Vinh dành nhiều thời gian để học vấn tóc, bới tóc kiểu bánh lái. Tham gia hội nhóm trên mạng xã hội, những buổi gặp gỡ của người yêu cổ phục như ngày hội “Tóc xanh- Vạt áo”, Vinh được kết nối với nhiều người, tiếp cận với những tài liệu và kiến thức lịch sử.

Bạn trẻ Vĩnh Long tự hào khoác lên người cổ phục Việt.

Bạn trẻ Vĩnh Long tự hào khoác lên người cổ phục Việt.

 Trong tương lai, Vinh muốn sáng tạo thêm phục trang cho ngày cưới. Theo Vinh: “Những bộ trang phục của quá khứ được tạo nên một sứ mệnh mới trong cuộc sống hiện đại đã cho thấy, giới trẻ hiện nay không phải không quan tâm tới lịch sử mà họ chỉ nghiên cứu và phát triển chúng theo cách của mình. Vẫn giữ nguyên tắc của bộ áo nhật bình nhưng các bạn trẻ biến tấu hoa văn, sử dụng họa tiết khác sáng tạo hơn như bướm, hoa… nhưng không làm mất đi vẻ đẹp, quy chuẩn của áo, như kiểu dáng, đường may, hoa văn ở cổ áo phải là số lẻ”.

Cô dâu trẻ Nguyễn Ngọc Trâm (TP Vĩnh Long) dịu dàng, nền nã trong bộ nhật bình. Trâm kể, cô biết đến cổ phục Việt từ lâu qua mạng xã hội và mong có dịp mặc bộ trang phục này trong dịp đặc biệt của cuộc đời. Trâm và chồng quyết định chọn cổ phục làm trang phục chụp ảnh cưới. “Tôi cảm thấy vui và mong chờ lắm khi khoác lên mình bộ trang phục của dân tộc để thật dịu dàng, tự nhiên. Đây cũng là một cách để thể hiện tình yêu văn hóa Việt”- Trâm bày tỏ.

Khi nói về việc xây dựng một bảo tàng trong tương lai, TS. Dương Văn Ni (Trường ĐH Cần Thơ) từng chia sẻ rằng: “Trách nhiệm của thế hệ hôm nay là phục dựng lại được câu chuyện, để thấy mỗi vật có một tâm hồn, có một cuộc đời chứ không phải hiện vật trưng trong lồng kính”. Cách tốt nhất để bảo tồn các di sản văn hóa chính là cho chúng một đời sống trong xã hội hiện đại. Quang Vinh và những bạn trẻ yêu cổ phục mong muốn việc làm của mình được đón nhận và được góp ý, giúp đỡ về chuyên môn để có thể lan tỏa tình yêu cổ phục Việt, chung tay gìn giữ những nét đẹp của văn hóa Việt và đưa văn hóa Việt vươn ra thế giới.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh