Trong đời sống tinh thần của người Khmer, bên cạnh những giá trị về kiến trúc, nghệ thuật tạo hình, dàn nhạc ngũ âm được xem là tài sản văn hóa quý báu và là nhạc cụ không thể thiếu trong các dịp lễ tết cổ truyền.
Trình diễn nhạc ngũ âm tại chùa Kỳ Son, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long |
(VLO) Trong đời sống tinh thần của người Khmer, bên cạnh những giá trị về kiến trúc, nghệ thuật tạo hình, dàn nhạc ngũ âm được xem là tài sản văn hóa quý báu và là nhạc cụ không thể thiếu trong các dịp lễ tết cổ truyền.
Dàn nhạc ngũ âm là nhạc cổ điển, có tên Khmer là Penpeat (Pin-pêk hay còn gọi là Phlêng Xiêm). Khác với dàn nhạc dân gian Phlêng Khxe thường được nghệ nhân, nhạc công sử dụng trong các đám cưới, những buổi sinh hoạt ca múa, hội hè vui chơi của cộng đồng; “Nhạc ngũ âm chủ yếu được sử dụng trong các dịp lễ, tết diễn ra tại các chùa Phật giáo Nam tông của đồng bào Khmer như: lễ dâng y, lễ an vị tượng Phật, Tết Chol Chnam Thmay, Sel Dolta, Ok Om Bok...
Dàn nhạc ngũ âm có 5 chất liệu hợp lại cấu thành âm thanh của dàn nhạc, bao gồm: đồng, sắt, gỗ, da và hơi được thể hiện từ 7- 9 loại nhạc khí khác nhau để khi trình diễn tạo ra những thanh âm hết sức đặc sắc, không pha lẫn vào đâu được”- Nghệ nhân ưu tú Sơn Trong- Đội trưởng đội nhạc ngũ âm chùa Hạnh Phúc Tăng (huyện Vũng Liêm)- cho biết.
Trong đó, chất liệu đồng có 2 dàn cồng Kong Toch và Kong Thom, mỗi dàn có 16 chiếc cồng nhỏ có núm, được kết lại với nhau theo hình bán nguyệt.
Chất liệu gỗ gồm nhạc cụ Roneat Ek được tạo tác bằng 26 thanh tre hoặc gỗ có hình chữ nhật dài khoảng 20cm, rộng khoảng 5cm được ghép thành một chuỗi dài, hai đầu được máng vào một thùng gỗ có chân đỡ, các thanh dài ngắn khác nhau (thanh dài phát âm thấp, thanh ngắn phát âm cao) được xếp song song trên thùng âm, đáy thùng cong như chiếc ghe đua của người Khmer, nên được gọi là đàn thuyền, dụng cụ đánh là cái dùi, đầu có hoặc không bọc lớp vải; nhạc cụ Roneat Thung có các thanh âm cũng được làm bằng tre hoặc gỗ giống đàn Roneat Ek, chỉ khác là thùng âm của đàn Roneat Thung bằng, không cong như đàn Roneat Ek. Chất liệu sắt của dàn nhạc ngũ âm là nhạc cụ Roneat Dek gồm 26 thanh sắt ghép lại.
Còn chất liệu da là trống Samphuor có 2 mặt được bịt bằng da bò, 2 trống lớn được bịt bằng da trâu. Cuối cùng là kèn thổi hơi còn gọi là Sraley Penpeat (hoặc Sraley rom) được làm bằng tre, ống kèn được làm bằng loại gỗ quý.
Mỗi loại nhạc cụ của dàn nhạc ngũ âm được định âm một cách chính xác, đảm bảo yếu tố hòa âm cho cả dàn nhạc để khi hòa tấu tạo ra âm thanh độc đáo, từ rất trầm đến cao vút, từ ngọt ngào, du dương đến sâu lắng, hùng hồn đi vào lòng người.
Đa số các nhạc cụ của dàn nhạc ngũ âm đều được diễn tấu bằng cách dùng chhưng (gọi là chập chọe) để gõ nhịp, trong đó trống Samphuor được đánh bằng hai tay, còn trống lớn đánh bằng dùi, kèn thổi hơi. Trong dàn nhạc ngũ âm, đàn Roneat Ek (đàn thuyền) được xem là nhạc khí chủ đạo.
Ngoài ra, nhạc ngũ âm còn có thể kết hợp với các loại nhạc khí khác như: đàn cò, đàn sến, hoặc tách ra thể hiện riêng lẻ phối hợp dễ dàng với các điệu múa răm vông, lâm thôn… nhằm làm đa dạng thêm màu sắc âm nhạc của đồng bào dân tộc.
Nghệ nhân ưu tú Sơn Trong cho biết thêm, đội nhạc ngũ âm thường có từ 5- 6 nhạc công. Nhạc ngũ âm chủ yếu là nhạc không lời có thể kết hợp với những điệu múa uyển chuyển đặc trưng của người phụ nữ Khmer tạo nên không gian văn hóa riêng biệt của đồng bào Khmer.
Khi diễn ra các lễ nghi tôn giáo của người Khmer, ông cùng các nghệ nhân trong đội nhạc sử dụng bài cúng Tổ để trình diễn đầu tiên, vì đây là bài nhạc quan trọng trong thực hành nhạc ngũ âm. Sau khi đánh bài nhạc Tổ, các nghệ nhân biểu diễn những bài bản chính khác để tạo không khí tưng bừng, vui tươi, rộn ràng cho ngày hội.
Đa số bài bản của dàn nhạc ngũ âm chứa đựng tính chất gợi cảm, bộc lộ cảm thức tinh tế và lãng mạn của con người đối với thiên nhiên và cuộc sống. Tiêu biểu như các bài: Xôrida (Bình minh), Tưc-hô-catxết (Nước chảy qua cát), Òn-đớc-xi-trò-cuôn (Rùa ăn rau muống), Xôrida-tơnghechthngay (Nắng chiều tà), Om-tức (Chèo thuyền)…
Theo các tài liệu nghiên cứu, những bài bản cổ truyền này có lẽ xưa kia đều có lời ca, nhưng đến nay số lượng lời ca chiếm tỷ lệ rất ít.
Trong thực tế, đối với việc diễn tấu của dàn nhạc ngũ âm, những bài này như những bản nhạc không lời. Qua thời gian dài, các nghệ nhân đã tập hợp những bài bản này tạo thành vốn nhạc cổ điển của người Khmer.
Tuy chủ yếu được diễn tấu trong các lễ hội ở chùa, đám phước, song gần đây nhạc ngũ âm được mở rộng phạm vi phục vụ, nó có mặt trong những sinh hoạt cộng đồng và đôi lúc có một vài gánh nghệ thuật Dù kê lớn cũng sử dụng dàn nhạc ngũ âm để biểu diễn.
Đặc biệt, “những bài nhạc cổ truyền của nhạc ngũ âm như: Doanh đáp, Ma-hô-ri... đôi khi vẫn được sử dụng trong đám cưới người Khmer, với nhạc cụ được dùng là đàn cò, đàn gáo, đàn bán nguyệt”- Nghệ nhân ưu tú Sơn Trong nói.
Trong dòng chảy của thời gian, đồng bào Khmer vẫn luôn xem dàn nhạc ngũ âm là tài sản văn hóa truyền thống quý giá của mình.
Tới các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống vào những ngày lễ hội như: Tết Chol Chnam Thmay, lễ Dâng y, Sel Dolta, Ok Om Bok… chúng ta sẽ thấy các nghệ nhân với trang phục truyền thống, trình diễn nhạc ngũ âm phục vụ bà con nhân dân đến chùa lễ Phật trong tâm thế vui tươi, phấn khởi.
Thông qua những thanh âm đặc trưng của dàn nhạc ngũ âm, nghệ nhân và các phật tử Khmer còn hướng đến một vụ mùa sung túc, ấm no.
Bài, ảnh: MINH TRIẾT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin