Người dân đồng bằng: Ngưỡng vọng Quốc Tổ Hùng Vương

05:04, 10/04/2022

"Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng vẫn được bền bỉ trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí của cả dân tộc ta. Đây chính là nguồn gốc tạo nên sức mạnh để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trường tồn và không ngừng phát triển".

 

Ảnh: ĐĂNG KHOA (TP Vĩnh Long)
Ảnh: ĐĂNG KHOA (TP Vĩnh Long)

(VLO) “Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng vẫn được bền bỉ trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí của cả dân tộc ta. Đây chính là nguồn gốc tạo nên sức mạnh để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trường tồn và không ngừng phát triển”.

Đền thờ Vua Hùng TP Cần Thơ được xây dựng, hoàn thành với tầm vóc, quy mô xứng tầm, đáp ứng lòng ngưỡng vọng của người dân khu vực ĐBSCL.

Trong suốt tiến trình lịch sử của dân tộc, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương luôn chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh và tình cảm của các thế hệ người dân Việt Nam.

Ngày 6/12/2012, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thời đại Hùng Vương gắn với Nhà nước Văn Lang- nhà nước đầu tiên của Việt Nam được hình thành là một dấu mốc quan trọng bậc nhất trong lịch sử nước Việt, là khởi nguồn cho những trang sử oai hùng hàng nghìn năm của một dân tộc đoàn kết, quật cường, gan dạ và giàu tình yêu thương.

Từ Nhà nước Văn Lang, các thế hệ tiếp theo vẫn luôn ghi nhớ công ơn, một lòng hướng về Quốc Tổ.

Từ bao đời nay, trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, các Vua Hùng là Quốc Tổ có công dựng nước- Nhà nước đầu tiên của đất nước Việt Nam, là tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam. Mọi người Việt Nam đều tự hào mang trong mình dòng máu “con Lạc- cháu Hồng”.

Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam ta, thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ cháu con với công đức của tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Dù làm gì, ở đâu, mỗi người con đất Việt đều hướng về cội nguồn, hướng về tổ tiên với tấm lòng thành kính, tri ân.

Đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ.
Đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ.

Trong lễ khánh thành Đền Hùng tại TP Cần Thơ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Thờ cúng các Vua Hùng không chỉ là hoạt động tâm linh cầu mong Quốc Tổ phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thịnh vượng, mà còn có ý nghĩa sâu xa nhắc nhở, kết nối, củng cố tình đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt Nam, những người cùng chung một cội nguồn.

Vì vậy, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử hàng nghìn năm, tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng vẫn được bền bỉ trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí của cả dân tộc ta. Đây chính là nguồn gốc tạo nên sức mạnh để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trường tồn và không ngừng phát triển”.

Từ ngàn đời nay, người Việt đã lập đền thờ và thờ cúng các Vua Hùng tại núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ngoài ra, còn có rất nhiều đình, đền, miếu… thờ cúng Hùng Vương, vợ con và các tướng lĩnh thời đại Hùng Vương ở Phú Thọ và nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Trong tiến trình lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc, Đền Hùng luôn được các triều đại và nhân dân gìn giữ, hương khói phụng thờ Quốc Tổ.

Người dân khắp nơi đến tham quan, dâng hương Đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ.
Người dân khắp nơi đến tham quan, dâng hương Đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ.

Từ khi nước nhà được độc lập, Đảng và Nhà nước đều rất quan tâm đến việc thờ cúng các Vua Hùng, cấp kinh phí để tôn tạo không gian thờ cúng, đưa truyền thuyết Hùng Vương vào chương trình giảng dạy để giáo dục thế hệ trẻ, cho phép nhân dân cả nước nghỉ lễ ngày Giỗ Tổ (mùng 10 tháng 3 âm lịch) để tham gia, tổ chức các hoạt động tế lễ hướng về cội nguồn dân tộc.

Thờ cúng Vua Hùng trở thành bản sắc văn hóa, là tín ngưỡng được con cháu đất Việt giữ gìn và mang theo khắp mọi miền Tổ quốc. 

Đáp ứng nhu cầu thờ cúng Vua Hùng của người dân khu vực ĐBSCL, Đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ chính thức khởi công vào ngày 18/6/2019.

Sau hơn 2 năm xây dựng, công trình đã hoàn thành, như một biểu tượng của sức mạnh đại đoàn kết, điểm hội tụ văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng theo tâm nguyện của đông đảo nhân dân TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL.

Bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ giữ gìn, tự hào tiếp bước ông cha trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nhằm phát huy hiệu quả công trình lịch sử- văn hóa mang tầm vóc khu vực, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị: “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Cần Thơ làm tốt việc quản lý, giữ gìn và phát huy công trình Đền thờ Vua Hùng một cách hiệu quả, thiết thực.

Công trình sẽ là điểm nhấn, kết nối với các di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu, điểm du lịch của vùng và phục vụ du khách tham quan, tưởng niệm, góp phần thúc đẩy ngành du lịch TP Cần Thơ ngày càng phát triển, từng bước xứng tầm là trung tâm kinh tế- xã hội của vùng ĐBSCL”.

Ngay sau khi lãnh đạo Đảng và Nhà nước thống nhất chủ trương xây dựng Đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ. Thành phố khởi công xây dựng Đền thờ vào ngày 18/6/2019. Công trình rộng gần 4ha, tọa lạc tại phường Bình Thủy, quận Bình Thủy- một trong những địa điểm trang trọng, thuận lợi cho người dân và du khách đến tham quan, dâng hương.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh