Trong dòng người đổ ra đường đón chào những chiến sĩ Giải phóng quân ngồi trên xe tăng dũng mãnh tiến vào giải phóng Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975, có một chàng quân phục bạc màu, đang cắm cúi vẽ những bức ký họa về không khí tưng bừng, rộn rã của mùa xuân đại thắng.
Tác phẩm “Nắng tháng Năm” của họa sĩ Quách Phong. Ảnh: TL |
Trong dòng người đổ ra đường đón chào những chiến sĩ Giải phóng quân ngồi trên xe tăng dũng mãnh tiến vào giải phóng Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975, có một chàng quân phục bạc màu, đang cắm cúi vẽ những bức ký họa về không khí tưng bừng, rộn rã của mùa xuân đại thắng. Thỉnh thoảng, họa sĩ dừng tay để ngắm bầu trời rực nắng, hay trả lời câu hỏi tò mò của những cô nữ sinh Sài Gòn- TP Hồ Chí Minh vừa được giải phóng, đang xúm xít xem chú bộ đội vẽ tranh. Người ấy chính là họa sĩ Quách Phong.
Họa sĩ tên thật là Quách Văn Phong (bí danh Quách Anh Việt, trong chiến trường ký tên là Việt Phong), sinh năm 1938 trong một gia đình truyền thống cách mạng tại xã Mỹ An (Mang Thít). Ông từng theo học ở Trường vẽ Gia Định từ năm 1952-1954, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, ông tập kết ra Bắc. Với năng khiếu hội họa, ông được cử đi học trung cấp tại Trường Mỹ thuật Hà Nội và sau đó được đặc cách lên học Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Học đến năm thứ 3 (năm 1962), Quách Phong được Bộ Văn hóa và Ban Thống Nhất tuyển chọn huấn luyện để trở về miền Nam công tác.
Năm 1963 nhận lệnh lên đường vào Nam, lần lượt công tác ở chiến trường Khu 6 và các tỉnh miền Đông. Năm 1968, ông bị thương khi tham gia chiến dịch xuân Mậu Thân đánh vào tiểu khu Phước Long. Năm 1969 họa sĩ có thời gian về công tác tại Phòng Hội họa Giải phóng thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam. Thời kỳ này, các sáng tác của họa sĩ chủ yếu là vẽ ký họa, tranh cổ động tuyên truyền. Chiếc ba lô cùng bút, giấy, màu và khẩu súng đã theo ông đi khắp các chiến trường. Khi có điều kiện là ông vẽ ký họa về chiến sĩ, về đồng bào, về những tấm gương điển hình trong sản xuất, chiến đấu.
Trong thời chiến tranh đạn bom ác liệt, cuộc sống cực khổ muôn bề, có mất mát, hy sinh, nên giữa người chiến sĩ và họa sĩ luôn gắn bó với nhau. Họa sĩ cũng trực tiếp cầm súng chiến đấu, còn chiến sĩ thì rất quý mến họa sĩ, họ có thể nhường hầm công sự cho họa sĩ, họ bảo vệ chiếc ba lô chứa tranh ký họa của họa sĩ như là gìn giữ tài liệu quý giá. Nhiều chiến sĩ được Quách Phong vẽ chân dung và trong số đó, có người mãi mãi không về… Các tác phẩm ra đời trong kháng chiến được tổ chức triển lãm lưu động trong vùng giải phóng, thậm chí ngay tại trận địa, có tác dụng rất lớn, góp phần động viên tinh thần cho cán bộ chiến sĩ, nhân dân vững tin vào cuộc kháng chiến chống Mỹ nhất định đi đến thắng lợi hoàn toàn. Tranh ký họa có giá trị nghệ thuật, giá trị giáo dục cao chính là sự rung cảm trực tiếp và tính thời sự của người vẽ. Năm 1966 tại Thủ đô Hà Nội, đã tổ chức triển lãm tranh ký họa của các họa sĩ ở chiến trường miền Nam gửi ra, Bác Hồ đến xem và xúc động nói: “Chỉ có những người trong cuộc mới vẽ được như thế”.
Họa sĩ Quách Phong. |
Năm 1973, họa sĩ Quách Phong trở ra Hà Nội để dưỡng thương và hoàn thành chương trình Cao đẳng Mỹ thuật còn học dang dở. Năm 1975, khi được cử đi học ngoại ngữ và chuẩn bị lấy hộ chiếu để học Cao học tại Bungari thì được tin quân ta đã giải phóng Đà Nẵng, Quách Phong liền lên Ban Thống Nhất xin được ở lại để vào chiến trường miền Nam. Chính vì vậy, ông đã được chứng kiến khoảnh khắc quý giá của ngày 30/4/1975 lịch sử, giây phút Sài Gòn giải phóng. Nhớ lại giây phút ấy, họa sĩ Quách Phong cho biết: “Ngày hôm đó, tôi có mặt ở khu vực Dinh Độc Lập, trực tiếp chứng kiến cảnh đoàn xe tăng quân giải phóng tiến về thành phố giữa sự chào đón của lớp lớp người dân. Không khí thật rộn ràng. Khắp nơi cờ hoa rực rỡ. Liền vội lấy sổ ra ghi chép. Các em học sinh, sinh viên chưa bao giờ thấy các họa sĩ giải phóng đứng vẽ nên xúm vào xem”.
Sau khi bức tranh hoàn thành ông đặt tên là “Nắng tháng Năm”. Trung tâm bức tranh là các chiến sĩ giải phóng quân ngồi trên những chiếc xe tăng, bên cạnh có những cô du kích, tự vệ với chiếc nón tai bèo quen thuộc. Một rừng cờ hoa hiện lên với những lá cờ đỏ sao vàng, cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam nửa đỏ, nửa xanh, giữa có ngôi sao vàng tung bay. Chiếm phần lớn bức tranh là hình ảnh những tà áo dài trắng nữ sinh và các em thiếu nhi đang vẫy tay chào đoàn quân Giải phóng. Nét cọ của họa sĩ đã mô tả sinh động bầu không khí mừng vui, rộn rã của bao người trong màu nắng lung linh. “Nắng tháng Năm”- phải chăng họa sĩ muốn nói đến ngày sinh nhật Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Gam màu trắng ông sử dụng trong tranh thật đắt giá, màu trắng của sự trong sáng, hiền hòa, yêu chuộng hòa bình, thể hiện tấm lòng của người dân thành phố, tất cả cùng mừng vui, vững tin vào tương lai tươi sáng, thanh bình. Bức tranh “Nắng tháng Năm” của họa sĩ Quách Phong hiện được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội.
Kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước, chúng ta trân trọng nhớ về một họa sĩ chiến sĩ, người con của quê hương Vĩnh Long với tấm lòng yêu nước và đam mê nghệ thuật đã trực tiếp xông pha vào chiến trường, cho ra đời nhiều tác phẩm phục vụ công cuộc kháng chiến và sau ngày giải phóng tiếp tục có nhiều đóng góp vào sự nghiệp phát triển của nền mỹ thuật nước nhà.
ANH TIẾN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin