Hòa chung tình yêu đờn ca tài tử

05:04, 09/04/2022

Liên hoan Đờn ca tài tử (ĐCTT) quốc gia lần thứ III- Cần Thơ năm 2022 vừa chính thức khai mạc. Cùng với 20 tỉnh- thành Nam Bộ, tỉnh Vĩnh Long dành nhiều tâm huyết để giới thiệu nét đặc sắc, hòa chung tình yêu và trách nhiệm để bảo tồn, phát triển nghệ thuật ĐCTT mãi rực rỡ trong vườn hoa nghệ thuật của dân tộc.

(VLO) Liên hoan Đờn ca tài tử (ĐCTT) quốc gia lần thứ III- Cần Thơ năm 2022 vừa chính thức khai mạc. Cùng với 20 tỉnh- thành Nam Bộ, tỉnh Vĩnh Long dành nhiều tâm huyết để giới thiệu nét đặc sắc, hòa chung tình yêu và trách nhiệm để bảo tồn, phát triển nghệ thuật ĐCTT mãi rực rỡ trong vườn hoa nghệ thuật của dân tộc.

Đơn vị tỉnh Vĩnh Long trình diễn tại “Không gian đờn ca tài tử”.
Đơn vị tỉnh Vĩnh Long trình diễn tại “Không gian đờn ca tài tử”.

Không gian nghệ thuật với dấu ấn riêng

Cùng với Hội thi nghệ thuật ĐCTT với chủ đề “ĐCTT Nam Bộ- Di sản đất phương Nam”, 21 tỉnh- thành Nam Bộ còn dành một góc đặc biệt cho phần thi “Không gian ĐCTT”, vừa thể hiện nét chung, vừa mang đậm dấu ấn riêng của từng địa phương.

Vĩnh Long dành góc giới thiệu nhạc cụ, góc cho sản vật, bánh trái quê nhà và góc trang trọng nhất để giới thiệu những bậc tiền bối góp công lớn cho ĐCTT Vĩnh Long nói riêng và Nam Bộ nói chung.

Giọng ngọt ngào, trìu mến, chị Đặng Phước Liên Châu- Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh giới thiệu nghệ thuật ĐCTT xuất hiện và phát triển rất sớm tại Vĩnh Long, đã in sâu vào tiềm thức của người dân. Về với Vĩnh Long, nơi nào cũng là không gian ĐCTT.

Tiếng đàn vang lên trên bến sông trong những đêm trăng huyền ảo, câu hát ngọt ngào theo con thuyền rẽ sóng nước Cổ Chiên; trên bờ đê, mái hiên nhà, vườn cây trái hay ngoài cánh đồng, dù cho những vui buồn cuộc sống, ĐCTT luôn gắn bó, đồng hành với con người như bạn tri kỷ, tri âm: “Lưu Thủy tưới xanh đồng lúa bạt ngàn/Phú Lục ngân vút cao giọng hò nhổ mạ/Bình Bán Chấn ươm vườn trầu xanh lá/Để Xuân tình hòa quyện liếp cau già”(Thơ: Thiên Hùng).

Tại Bảo tàng TP Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long tham gia trưng bày các nhạc cụ truyền thống.
Tại Bảo tàng TP Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long tham gia trưng bày các nhạc cụ truyền thống.

Mảnh đất Vĩnh Long đã sản sinh những nghệ nhân, nghệ sĩ nổi danh như: Tống Hữu Định- người “khai sơn phá thạch”- khởi xướng lối ca ra bộ, tiền thân cho sân khấu cải lương; Trần Quang Quờn là người có công chỉnh lý và sáng tác nhiều bài bản ĐCTT, trong đó nổi bật nhất là bài Tứ Đại Oán và bài Văn Thiên Tường “Lý Bá Hề”; Trương Duy Toản là nhà báo, nhà văn yêu nước, nhà soạn tuồng và viết bài ca nổi tiếng Nam Kỳ đầu thế kỷ XX; Nghệ sĩ nhân dân Ba Du là nghệ sĩ nổi tiếng ở miền Nam đầu tiên được gặp Bác Hồ. Hay Nghệ sĩ nhân dân Thành Tôn, theo nghề hát bội 3 đời- là người phát huy, truyền đạt và giữ gìn nghệ thuật hát bội của Nam Bộ cho đến nay.

Cùng với người dân Nam Bộ, tỉnh Vĩnh Long hiện đang ra sức bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT với việc thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT, trong đó chú trọng xây dựng và phát huy các câu lạc bộ ĐCTT.

Hiện Vĩnh Long có 899 câu lạc bộ ĐCTT với 8.085 thành viên. Thông qua những hoạt động này, số người am tường về ĐCTT Nam Bộ ngày một nhiều hơn.

Trong khuôn khổ Liên hoan ĐCTT quốc gia năm nay, tỉnh Vĩnh Long còn có khu trưng bày, trình diễn nhạc cụ truyền thống tại Bảo tàng TP Cần Thơ. Giám đốc Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Vĩnh Long- Lê Đức Vĩnh Tuyên cho biết, tỉnh giới thiệu bộ nhạc cụ “tứ tuyệt” của ĐCTT: đờn tranh, đờn kìm, đờn cò, đờn bầu, cùng với nhạc cụ của đồng bào Khmer.

Đặc sắc nhất là các nhạc cụ xưa gắn với các nghệ nhân chế tác ra nó, thời gian khoảng đầu thế kỷ XX. Trong đó có thể kể đến cây đàn tỳ bà của nghệ nhân Trần Quang Quờn.

Nhân lên tình yêu ĐCTT trong thế hệ trẻ

Gắn bó với cây đờn bầu, chỉ hơn 20 tuổi, Lưu Quốc Cường đã 2 lần tham gia Liên hoan ĐCTT quốc gia. Vừa ráo riết chuẩn bị hoàn thành chương trình học ở Nhạc viện TP Hồ Chí Minh- Khoa Âm nhạc dân tộc, Cường dành hơn 1 tháng cùng tập luyện để mang tiếng đờn đến liên hoan ở Cần Thơ.

Nhiều du khách đến chụp ảnh, tìm hiểu về ĐCTT Vĩnh Long tại Liên hoan ĐCTT quốc gia.
Nhiều du khách đến chụp ảnh, tìm hiểu về ĐCTT Vĩnh Long tại Liên hoan ĐCTT quốc gia.

Cười tươi cho rằng không phải khó khăn, cực nhọc mà mỗi lần được đờn là được thỏa niềm đam mê. Cường chia sẻ: “Liên hoan là cơ hội để học tập, trải nghiệm, gặp được nhiều cô chú, anh chị em. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn với em.

ĐCTT là một loại hình âm nhạc độc đáo vừa mang tính bình dân, lại vừa mang tính bác học. Không chỉ riêng em mà tất cả những người đam mê đều có chung suy nghĩ phải cùng giữ gìn và phát huy vốn văn hóa quý của dân tộc”.

Ông Lê Đức Vĩnh Tuyên cho biết tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT trong nhiều năm nay. Các hoạt động gắn thực tiễn, gắn với xây dựng các CLB, xây dựng thành sản phẩm nghệ thuật có thể gắn với du lịch.

Bên cạnh đó, Vĩnh Long tăng cường sưu tầm các tài liệu về nghệ thuật ĐCTT, thường xuyên tổ chức các liên hoan trình diễn nghệ thuật ĐCTT, vun bồi cho thế hệ trẻ. Theo kế hoạch, thời gian tới tỉnh sẽ tổ chức Liên hoan ĐCTT cho thiếu nhi.

“Đặc biệt cần chú trọng và đề cao vai trò của những nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực ĐCTT, tạo điều kiện để họ phát huy tài năng, đào tạo thế hệ trẻ, góp phần phát triển nghệ thuật ĐCTT”- ông Lê Đức Vĩnh Tuyên nhấn mạnh.

Qua 2 đợt xét tặng, Vĩnh Long có 22 nghệ nhân ưu tú (đứng đầu khu vực ĐBSCL). Họ được xem như những “báu vật” sống, vừa là nền tảng vừa là nguồn lực phát triển nghệ thuật ĐCTT ở địa phương.

Tiêu biểu phải kể đến nghệ nhân Nguyễn Hoàng Oanh, người đã dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu nghệ thuật ĐCTT và hướng dẫn, truyền nghề cho lớp kế thừa.

Từ đó, đội ngũ kế thừa bảo tồn và phát triển nghệ thuật ĐCTT Vĩnh Long cũng phát triển không ngừng, trong đó nổi lên các tài tử trẻ như Nguyễn Thế Tâm, Huỳnh Duy Không, Mai Tú Hảo…

Trong đêm khai mạc Liên hoan ĐCTT quốc gia lần thứ III- Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định giá trị quý báu của nghệ thuật ĐCTT.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa Đề án quốc gia về bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT, cụ thể hóa thành đề án của từng địa phương, với những cách làm, mô hình sát hợp với thực tế.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ cùng các địa phương triển khai có hiệu quả chính sách phát huy ĐCTT trong đời sống hiện đại, có chính sách hỗ trợ các nghệ nhân, nghệ sĩ…

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THƯ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh