Khi thực hiện bài viết về một người phụ nữ, với lòng kính trọng tiền nhân, tôi cố tìm chữ phù hợp để tôn vinh công đức của người mà nhân dân kính trọng, bia đá lưu danh- Bà Trương Thị Loan. Tôi dùng từ "thục nữ".
(VLO) Khi thực hiện bài viết về một người phụ nữ, với lòng kính trọng tiền nhân, tôi cố tìm chữ phù hợp để tôn vinh công đức của người mà nhân dân kính trọng, bia đá lưu danh- Bà Trương Thị Loan. Tôi dùng từ “thục nữ”.
Di ảnh bà Trương Thị Loan thờ tại Minh Hương Hội Quán. |
Công tích của bà gắn liền với Minh Hương Hội Quán, một số đình, chùa, cơ sở thờ tự trong tỉnh Vĩnh Long ngày trước. Tại Miếu Công Thần di ảnh của bà được đặt trang trọng nơi hậu đường, hàng năm Ban Quản lý di tích lấy ngày mất của bà- Ngày 8/3 âm lịch, làm ngày giỗ hội cho những người có công đức được ghi ân.
Bảng công đức Minh Hương Hội Quán, ghi: “Bà Trương Thị Loan cúng 5.000 đồng để trùng tu toàn bộ hội quán”.
Bảng kỷ niệm Miếu Công Thần, ghi: “Bà Trương Thị Loan cúng 4.000 đồng để trùng tu lại miếu toàn bộ”.
Bia đá lưu giữ tại Bảo tàng Vĩnh Long có ghi lại công tích của bà, trong đó quyên góp điền sản, tiền bạc cho các cơ sở thờ tự, như: Chùa Phước Hậu, chùa Long Phước, chùa Tiên Châu, Văn Thánh Miếu, Văn Xương Các…
Người sau ghi nhận cái tâm của bà rộng nhường nào khi so sánh với thời giá lúc ấy. Biết rằng lúa có giá 0,2 đồng một giạ, 5.000 đồng tương đương 25 ngàn giạ lúa.
Thời này (1909) rượu đế có giá 18 xu một lít, thuế thân 5,85 đồng một suất đinh,1931 vàng 50 đồng một lượng. Sự so sánh nào cũng khập khễnh, nhưng ở mức độ nào đó hậu nhân hiểu được tấm lòng của bà so với người cùng thời hoặc những đại gia giàu xổi ngày nay.
Bà là hội trưởng Minh Hương Hội Quán từ năm 1904 đến 1907. Năm Duy Tân thứ 10, bà được vua ban thưởng chiếc kim bội khắc 4 chữ Hán: “Kinh diêu vĩnh hảo”. Năm Khải Định thứ ba bà lại được ban khen tấm biển vàng “Háo nghĩa khả gia”. Ông Trương Ngọc Hên, em bà, làm hội trưởng năm 1913 đến 1918, có công sửa sang miếu thờ Tống Quốc công, làm nhiều việc công đức khác nên cũng được tưởng thưởng khuê bài.
Bà là người Hoa- gốc Minh Hương, thuộc gia tộc những người tiên phong trong tiến trình mở cõi của chúa Nguyễn về phương Nam từ hơn hai thế kỷ trước.
Chuyện rằng, khi Miếu Hội Đồng tại Đình Khao bị Pháp phá dỡ, vì quý trọng công lao tiền nhân và muốn nuôi dưỡng sĩ khí quật cường trước cảnh ngoại xâm, người dân mang 85 đạo sắc gửi tại đình làng Thiềng Đức.
Người đứng phía sau là ông Phạm Văn Tươi. |
Năm 1915, Đốc phủ Phạm Văn Tươi giữ chức quận trưởng Châu Thành Vĩnh Long. Ông kêu gọi người dân trong tỉnh chung góp tiền của và công sức để dựng lại ngôi miếu thờ riêng 85 đạo sắc này.
Hưởng ứng lời kêu gọi, ông Nguyễn Văn Kỹ là điền chủ ở làng Thiềng Đức hỷ cúng một mẫu đất, nơi Miếu Công Thần tọa lạc hiện nay, Bà Phủ Y - tức Trương Thị Loan, con gái Bá hộ Nọn, cũng là một điền chủ giàu có ở xã Long Châu, đã tự nguyện đứng ra ủng hộ số tiền trên 4.000 đồng.
Ngoài đóng góp lớn lao bằng vật chất, bà Phủ Y cùng với bà Lê Thị Danh, vợ Đốc phủ Phạm Văn Tươi, đến gặp Chánh tham biện Vĩnh Long là Đại úy Loyis Pétillot, để xin phép khôi phục lại ngôi miếu. Sau đó Soái phủ Nam Kỳ cũng thuận theo bằng Nghị định số 1.793 ký ngày 27/4/1918.
Sau khi ngôi miếu hoàn thành, để nhà cầm quyền Pháp dễ dàng chấp nhận việc thờ cúng và tụ hội, giới thân hào nhân sĩ đã thờ thêm những thanh niên ở Vĩnh Long bị chết trận khi sang Châu Âu tham gia chiến tranh thế giới thứ nhất.
Đồng thời, bà Phủ Y cũng đã lập thêm ở đây bàn thờ người cha chồng là ông Nguyễn Văn Phong, người Vĩnh Long, nguyên là Tổng đốc Thuận Khánh thời vua Thành Thái.
Từ đó, ngôi miếu có tên chính thức là Công Thần Linh Miếu -功臣霛廟, thường gọi là Miếu Công Thần.
Trong câu chuyện này có vai trò to lớn của hai người phụ nữ:
Đó là bà Phủ Y- Trương Thị Loan và bà Lê Thị Danh vợ Đốc phủ Phạm Văn Tươi. Hai bà thực hiện công việc lẽ ra đàn ông phải làm: chạy thủ tục hành chánh. Cụ thể là xin phép Thống đốc Nam Kỳ để được lập Miếu Công Thần. Ở cái thời ấy, phụ nữ đề đạt ý nguyện mà được Thống đốc Nam Kỳ chuẩn thuận là một chuyện lớn.
Trước hết nói về bà Lê Thị Danh và Đốc phủ Phạm Văn Tươi: Ông Phạm Văn Tươi xuất thân trong gia đình nghèo, nhưng nhờ hiếu học, thông thuộc tiếng Pháp, nên khi ra trường thông ngôn, được bổ làm tùy phái tại văn phòng Tham biện Chợ Lớn.
Làm việc siêng năng, sáng trí, ba năm sau, ông được đổi ra làm thông phán, rồi kiêm thư ký cho Toàn quyền Paul Doumer ở Hà Nội từ năm 1895 tới 1905.
Paul Doumer làm Toàn quyền ở Đông Dương, hoạt động hai nhiệm kỳ.
Trong quyển hồi ký “Đông Dương thuộc Pháp”, Paul Doumer tự trào: Người Việt Nam thường gọi tôi là “Ông Đù Me”. Toàn quyền Paul Doumer là người xông xáo, thích mạo hiểm, từng cỡi ngựa đi khắp Đông Dương, lên Lào Cai, Vân Nam, rồi vô Huế, Sài gòn.
Chính ông là người phác họa kế hoạch tìm khu nghỉ dưỡng cho công chức Pháp- Công viên Lâm viên- Đà Lạt sau này, đặt đường xe lửa xuyên Việt, đường Hà Nội - Vân Nam… Còn có một dự án không thành, là đặt đường xe lửa từ Quy Nhơn lên cao nguyên Boloven đến Nam Lào.
Thời đó, đường sá chưa mở mang, mỗi lần muốn đi đâu cũng phải dùng ngựa. Đi tới đâu, ông Paul Doumer không bao giờ báo trước cho nhà cầm quyền địa phương. Một lần cao hứng, ông cùng Phán Tươi và vài người tùy tùng lên đường thiên lý để thăm Huế và Sài gòn.
Tới Huế, Paul Doumer báo tin cho hoàng gia là muốn “Viếng thăm Quốc vương An Nam”. Lúc đó, Quốc vương là vua Thành Thái cùng đình thần nghe tin sửng sốt, lo sợ vì không hay biết trước đề chuẩn bị nghi lễ tiếp đón. Bù lại, triều đình tổ chức một buổi lễ đại yến đãi Toàn quyền.
Quan khách được mời phải là hoàng thân, các quan từ nhị phẩm trở lên, còn quan ở các địa phương ở gần phải từ Tổng đốc được mời dự.
Danh sách các quan khách phải gửi cho Toàn quyền duyệt trước. Thấy người thông ngôn của mình là ông Phán Tươi không được mời thì Toàn quyền thắc mắc, yêu cầu phải mời cả thư ký của mình.
Quan triều đình thưa rằng: Lễ nghi An Nam quy định muốn được ngồi yến cùng vua buộc phải có phẩm hàm cỡ Thượng thư hay chí ít cũng phải hàng Tổng đốc mới được dự.
Tưởng rằng nói vậy là đủ dìm hàng kẻ muốn vượt mặt quan triều, ai ngờ Toàn quyền buông một câu cụt lủn: “Eh bien! Faites le nécessaire. Nommez- le Tổng đốc! C’ est moi qui signhe! (Tốt thôi! Vậy hãy làm giấy phong y ta hàm Tổng đốc! Chính tao sẽ ký!).
Cuối cùng triều đình nhượng bộ bằng cách phong cho ông Phán Tươi chức Tổng đốc và cho ông mượn một bộ lễ phục để dự tiệc. Nhưng sau đó một thời gian, triều đình ra lệnh thâu hồi chức vụ này.
Khi Paul Doumer về nước, ông Tươi đổi đi các tỉnh ở Nam Kỳ và được phong Đốc phủ sứ vào năm 1902.
Như vậy, bà Lê Thị Danh có được cái uy của chồng là người từng là thư ký thân tín của Toàn quyền Đông Dương, cùng bà Trương Thị Loan đến xin gặp Chánh Tham biện Vĩnh Long và đề đạt lên Thống đốc Nam Kỳ.
Vua Thành Thái bên trái ngoài cùng và ông Paul Doumer trong một cuộc gặp năm 1897. |
Tất nhiên, Thống đốc nể mặt và ký Nghị định 1793, ngày 27/4/1918. Vậy là, Công Thần Linh Miếu được dựng lên một cách hợp pháp, uy linh bên dòng Cổ Chiên.
Về phần Bá hộ Nọn-Trương Ngọc Lang: Ông sinh năm 1804 tại làng Trường Xuân, còn có tên Long Châu, Tổng Bình Long, tỉnh Vĩnh Long, trong gia đình Nho học giàu lòng từ thiện, am hiểu chữ Hán. Ông học không cốt ra làm quan, chỉ thích làm việc nghĩa, như bắt cầu bồi lộ, tán trợ dân cùng…
Những năm thất mùa, ông bố thí chẩn bần; lập trường rước thầy, dạy con dân trong xóm làng, giữ được phong hóa tốt lại hay sửa sang những đền miễu, chùa chiền. Khắp trong tỉnh hạt ai cũng yêu mến lòng bác ái của ông.
Các quan tỉnh Vĩnh Long đem những việc từ thiện của ông làm tâu lên triều đình. Vua Tự Đức ân thưởng cho ông được chức Bát Phẩm Bá Hộ.
Lúc Pháp chiếm Vĩnh Long, triệt phá thành lũy cũ để khai đường mở cống và muốn phá bỏ Văn Thánh Miếu. Ông Bá hộ xin khất, giữ lại được và tận tâm lo lắng việc trùng tu bảo tồn.
Ông Bá hộ Nọn có hai người con: Bà Trương Thị Loan- Bà Phủ Y và ông Trương Ngọc Hên, làm chức Ban biện Tổng Bình Long.
Bà Trương Thị Loan, sinh năm 1848 tại làng Trường Xuân (Long Châu), tổng Bình Long, tỉnh Vĩnh Long. “Bà vốn con nhà thi lệ trâm anh, có tiếng về hằng tâm, hằng sản, ưa việc làm lành, mến đường đạo đức. Từ khi xuất giá, bà hằng giữ đạo xướng tùy, đáng bực hiền thê, thục nữ.
Chẳng may, chồng bà là quan Tri phủ Y vội tách lầm đường dị lộ, bà đành chịu chữ côi quạnh mà thủ tiết thờ chồng, ấy đã trót là kiếp má hồng, hơn nhau chỉ một tấm lòng tiết trinh; thiệt là gương quý báu tỏa ra trong nữ giới. Từ ấy bà phát sanh làm nhiều việc từ thiện”.
Nối chí cha trong việc nghĩa, từ thiện, sau khi cha mất bà xuất ra 3.000 đồng cất thêm đền Văn Xương Các kế bên Văn Thánh Miếu để thờ cụ Phan Thanh Giản và các vị danh thần.
Ngoài tiền ủng hộ, năm 1901, bà Trương Thị Loan còn cúng cho Văn Thánh Miếu 10 mẫu 40 sào ruộng. Năm 1915, cúng thêm một mẫu 50 sào ruộng và 12 sào vườn để lo việc quý tế xuân thu.
“Ôi! Nói đến việc từ thiện của bà, thì ai là người có lương tâm mà chẳng cảm động đến, nào là bà làm việc nghĩa khí như trên, nào là bà cúng chùa Minh Hương tại làng Thiềng Đức, năm ngàn ngươn bạc, sùng tu chùa Long Phước, tục gọi là chùa Cô Én, cũng tại làng Thiềng Đức và cúng cho chùa này một sở ruộng, huê lợi thường niên có đến một ngàn giạ lúa; cúng cho làng sở tại Long Châu một sở đất lớn rộng để làm việc làng (Hôtel de Ville), nào là cúng tiền cho sở Dưỡng đường, lại thêm chẩn cấp nạn dân đói khát trong tỉnh hạt của bà và Bắc Kỳ thủy tai, mỗi nơi đều mỗi số tiền to tát.
Thiệt chí bà đã khác thường, mong làm những điều nghĩa phải mà thôi; nên năm Duy Tân thứ 10 Hoàng đế ban thưởng bà chiếc kim bội trong khắc bốn chữ: “Kinh Diêu Vĩnh Hảo” và năm Khải Định thứ 2 Hoàng đế lại ban khen bà một tấm biển vàng có khắc bốn chữ “Háo Nghĩa Khả Gia”. Thiệt là xứng đáng và vẻ vang thay!”
Người thực hiện bài viết này, mỗi khi tra cứu tư liệu và thực địa lại càng phát hiện thêm nhiều điều mới về bà. Để rộng đường thưởng lãm và cho hậu nhân tri ân, tôi xin chép lại bia công đức do em, cháu của bà phụng lập - anh Tào Phú Vinh phiên âm và dịch nghĩa:
Dịch nghĩa:
Trương Thị Loan tạo ruộng đất phụng cúng các nơi phàm thâu hoa lợi không được đổi bộ.
Năm Bính Thìn tây lịch 1916 tạo bảng đá
Phần hương hỏa tại thôn Hòa Lộc ký cúng cho chùa Long Phước thôn Thiềng Đức 27 mẫu ruộng.
Phần hương hỏa tại thôn An Thành ký cúng cho chùa Tiên Châu 10 mẫu 80 sào ruộng.
Phần hương hỏa tại thôn Hạnh Lâm ký cúng cho hội Minh Hương thôn Thiềng Đức 30 mẫu ruộng.
Phần hương hỏa tại thôn Phước Hậu ký cúng cho Văn Thánh miếu thôn Long Hồ 12 mẫu 90 sào ruộng, 11 sào vườn.
Phần hương hỏa tại thôn Phước Hậu ký cúng cho Nhà hội làng mình [Long Châu] 5 mẫu ruộng vườn.
Phần hương hỏa tại thôn Thành Long ký cúng cho Công thần thôn Thanh Mỹ 10 mẫu ruộng.
Phần hương hỏa tại thôn Thành Long ký cúng cho Ông thần 7 mẫu 5 sào ruộng.
Phần hương hỏa tại thôn Thành Long ký cúng cho Ông thần thôn Long Thanh 3 mẫu 50 sào.
Cúng Long Phước 2 sở ruộng.
Phần hương hỏa tại thôn Tân Hợp ký cúng cho chùa Long Khánh thôn Phước Hậu 6 mẫu 96 sào ruộng.
Cúng Văn Thánh 2 sở ruộng.
Phần hương hỏa tại thôn Bình Chánh ký cúng cho chùa Long Thiền thôn Thiềng Đức 1 mẫu 4 sào 4 thước.
Phần hương hỏa tại thôn Thành Long ký cúng cho Ông thần thôn Thiềng Đức 3 mẫu 50 sào.
Phụng cúng thôn Long Châu 2.500 đồng mua đất làm Nhà hội.
Cuộc đời của bà Trương Thị Loan là sự hy sinh, sẻ chia, nối theo chí cha lấy việc nghĩa, thi đức làm trọng. Việc làm của bà rất có ảnh hưởng đến phong hóa lúc bấy giờ. Người người cảm được công đức của bà. Bà mất năm 1921, thọ 73 tuổi.
Một trăm năm ngày Thục Nữ Trương Thị Loan tạ thế, nhân tìm hiểu về cuộc đời bà, xin được ghi lại mấy lời tri ân, cảm đức tiền nhân!
11/2021
LÊ MINH HÀ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin