Tại kỳ họp thứ I ngày 2/3/1946, Quốc hội khóa 1 đã bầu ra Ban soạn thảo Hiến pháp, gồm 11 thành viên: Trần Duy Hưng, Tôn Quang Phiệt, Cù Huy Cận, Đỗ Đức Dục, Nguyễn Đình Thi, Huỳnh Bá Nhung, Trần Tấn Thọ, Nguyễn Cao Hách, Đào Hữu Dương, Phạm Gia Đõ và Đào Thị Thục Viên.
[links()]
Người phụ nữ tham gia Ban soạn thảo Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam 1946
Nữ tướng Nguyễn Thị Định trong lần tiếp Chủ tịch Cuba FhidenCastro sang thăm Việt Nam ở chiến trường Quảng Trị. Ảnh: Internet |
Tại kỳ họp thứ I ngày 2/3/1946, Quốc hội khóa 1 đã bầu ra Ban soạn thảo Hiến pháp, gồm 11 thành viên: Trần Duy Hưng, Tôn Quang Phiệt, Cù Huy Cận, Đỗ Đức Dục, Nguyễn Đình Thi, Huỳnh Bá Nhung, Trần Tấn Thọ, Nguyễn Cao Hách, Đào Hữu Dương, Phạm Gia Đõ và Đào Thị Thục Viên.
Bà Đào Thị Thục Viên am hiểu sâu luật pháp và trong suốt nhiệm kỳ 15 năm liền của Quốc hội khóa 1, bà đã có nhiều đóng góp để Quốc hội thông qua được những bộ luật quan trọng, như: Luật Cải cách ruộng đất (tháng 12/1953), Luật Công đoàn, Luật Hôn nhân gia đình… mà quan trọng nhất là Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa 1946.
Sau khi Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được thành lập, bà Đào Thị Thục Viên là Phó Chủ tịch hội trong 3 nhiệm kỳ liền (từ 1950-1974).
Người phụ nữ đầu tiên lập ra nhà in và nhà xuất bản
Bà Phạm Thị Bạch Vân, người ở làng Thành Phố, Gò Công, nay thuộc TX Gò Công-Tiền Giang là người đã lập ra nhà in từ năm 1921 và nhà xuất bản đầu tiên của Nam Bộ, mang tên Nữ Lưu thư quán tại số 12, đường Chủ Sự Thiều, làng Thành Phố, Gò Công.
Mục đích của nhà in và nhà xuất bản này không chỉ là kinh doanh đơn thuần, mà còn giới thiệu truyền bá những tác phẩm tiến bộ, đặc sắc của nền văn học Việt Nam ra thế giới và văn học thế giới cho Việt Nam, nhất là cho nữ giới.
Thời gian này có nhiều nhà văn nổi tiếng trong nước đã đến Nhà xuất bản Nữ Lưu thư quán, đồng thời qua các nhà văn này, bà cũng giới thiệu thêm nhiều kiệt tác văn học thế giới cho Việt Nam. Năm 1930, lấy cớ Nhà in và Nhà xuất bản Nữ Lưu thư quán có những hoạt động có lợi cho cách mạng, nên chính quyền thân Pháp ra lệnh đóng cửa.
Dù chỉ hoạt động trên 9 năm, song Nhà in và Nhà xuất bản Nữ Lưu thư quán đã có những đóng góp quan trọng trong truyền bá những tư tưởng nhân văn cho nữ giới từ đầu thế kỷ XX cho đến khi Đảng ta ra đời.
Nữ Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam lâu năm nhất
Đó là Nguyễn Thị Định- người phụ nữ kiên cường, bất khuất. Năm 1938, ở tuổi 18, cô Ba Định đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Lăn lộn hoạt động trong phong trào cách mạng ở địa phương, năm 1940, cô bị địch bắt, bị đưa đi tù đày ở nhiều nhà lao Nam Bộ.
Năm 1944, cô ra tù, tiếp tục hoạt động. Năm 1945, tham gia lãnh đạo ở vùng Bến Tre; tháng 3/1946, cùng đoàn cán bộ miền Nam vượt biển ra Bắc để báo cáo với Trung ương Đảng và Bác Hồ, xin vũ khí về cho mặt trận Bến Tre và Nam Bộ.
Sau khi nhận được chỉ thị của Trung ương, tháng 10/1946, đoàn được giao chở 12 tấn vũ khí vượt biển về Nam Bộ. Con tàu đã vượt qua giông bão và sự săn lùng của địch cập bến an toàn vào tháng 11/1946, mở đầu và tạo ra những kinh nghiệm đáng quý những “đoàn tàu không số” sau này.
Năm 1948, cô Ba Định được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre, làm Đoàn trưởng Phụ nữ tỉnh, sau đó làm Phó Bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.
Là người có kinh nghiệm trong lãnh đạo phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp nên sau khi ký Hiệp định Genève, cô được tổ chức phân công ở lại hoạt động, không tập kết ra Bắc. Bọn địch biết cô nên đã tìm mọi cách truy tìm, lùng bắt, treo giải thưởng lớn cho ai phát hiện ra, nhưng cô luôn được người dân tin yêu, đùm bọc, bảo vệ.
Ngày 15/2/1961, Trung ương Đảng và Bộ Chính trị đã thống nhất các lực lượng vũ trang toàn Miền (B2) đây là mốc son ngày thành lập Quân giải phóng miền Nam.
Tại hội nghị quân sự ở Chiến khu Đ, Bí thư Trung ương Cục miền Nam Nguyễn Văn Linh đọc nhật lệnh thống nhất các lực lượng vũ trang toàn Miền B2 và sau đó năm 1965, bà Nguyễn Thị Định được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương cử làm Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975. Bà Nguyễn Thị Định là hiện thân của ý chí, niềm tin quyết chiến, quyết thắng.
Năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Phó Tổng Tư lệnh Quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”. Năm 1982, bà được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được bầu làm Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ quốc tế; năm 1986, bà là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.
Khi bà mất, người dân Hát Môn- tỉnh Hà Tây đã xin rước bát hương bà Nguyễn Thị Định về thờ trong khu đền Hai Bà Trưng với niềm tự hào, ngưỡng mộ về một nữ tướng thời đại Hồ Chí Minh. Tại Cuba, có một làng mang tên làng Nguyễn Thị Định. Hình ảnh của vị nữ tướng đã góp phần làm nổi bật vị thế của con người Việt Nam.
Đại đội lái xe nữ duy nhất trong kháng chiến chống Mỹ
Cuối tháng 12/1967, do yêu cầu phục vụ kháng chiến ngày càng ác liệt, Bộ Tư lệnh Trường Sơn (lúc này là Đoàn 559) được lệnh giao cho Binh đoàn 12 tuyển một số nữ thanh niên xung phong và bộ đội giao liên các binh trạm về tuyển dụng lái xe, ngay trong tuyến lửa đường Trường Sơn. Và 35 chị em đã được tuyển và bắt đầu ngay nhiệm vụ của mình tại các binh trạm.
Sau khóa học lái 45 ngày, các chị được điều ra lái xe tại đường Trường Sơn, vào chiến trường khói lửa. Chị nào lái xe giỏi thì đơn vị giao hẳn 1 xe, chị nào lái yếu thì giao 2 chị/xe. Công việc chính là lái xe chuyển thương binh ra, chở vũ khí, hậu cần từ các binh trạm số 9, 12,14, 23, 40 vào các kho H.1, H.2, Đoàn 500... của chiến trường Trường Sơn.
Tháng 2/1969 các chị em ở các trạm lẻ được điều về Binh trạm 23 Cục Vận tải ô tô làm nhiệm vụ chuyển thương binh về các trạm điều dưỡng. Đầu năm 1972, do nhu cầu nhiệm vụ đặc biệt, đại đội lái xe nữ được Bộ Tổng Tham mưu điều toàn đại đội về Tổng đội Thanh niên xung phong D255, Cục Quản lý xe máy, về sau các chị đã trở thành những giáo viên lái xe giỏi. Và như thế, trong suốt cuộc chiến tranh, tại đường Trường Sơn, không ai không biết đến đại đội lái xe nữ đường Trường Sơn- đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
Đội bóng đá nữ đầu tiên của Việt Nam
Đội bóng đá 100% là cầu thủ nữ được thành lập vào năm 1933, tại làng Cái Vồn (TP Cần Thơ). Người đầu tiên thành lập ra đội bóng đá nữ này là ông Phan Khắc Sửu- kỹ sư nông học từ Pháp về Cần Thơ.
Đội bóng ban đầu đã thu hút 30 chị em tham gia, phần nhiều là tại làng Mỹ Thuận, và các làng khác trong tổng An Trường, nay thuộc TX Bình Minh (Vĩnh Long), dần dần đội bóng nữ này đã thu hút khá nhiều nữ giới trẻ của tỉnh Vĩnh Long và Cần Thơ.
Sân banh để tập và đá bóng là khu đất 2 mẫu tại ấp Mỹ Trung, xã Mỹ Thuận ngày nay. Thường là từ thượng tuần tháng 2 âm lịch hàng năm, đội bóng ra quân trình diễn. Khách đến xem thi đấu là người Cần Thơ và Bình Minh. Từ sự cổ vũ, tán thưởng này, đội bóng ngày càng thu hút khán giả và các cầu thủ nữ.
Cách đây 10 năm, cụ bà Trương Thị Nữ (bà Tư Chơi) quê tại Bình Minh-Vĩnh Long, là nữ cầu thủ duy nhất còn sống, khi đó cụ đã 95 tuổi, kể lại: Chị em tham gia đội bóng đá rất quyết liệt và rất thương yêu nhau. Lăn xả hết mình trên sân banh.
Đến thập niên 1960, một số đội bóng nữ của Sài Gòn được thành lập, ra mắt nhiều hoạt động thể dục- thể thao cho nữ giới Việt Nam.
Cuộc thi hoa hậu đầu tiên của Việt Nam
Cuộc thi Hoa hậu đầu tiên ở Việt Nam có từ năm 1957 tại Sài Gòn. Lúc bấy giờ, do hoàn cảnh còn khắc nghiệt, tư tưởng trọng nam khinh nữ, nên cuộc thi chỉ có 48 thiếu nữ Việt Nam và đại diện 4 nước được mời dự. Trang phục thi chỉ biểu diễn áo dài truyền thống.
Kết quả, Hoa hậu Việt Nam thuộc về cô Vũ Thị Thu Minh, cao 1,51m, nặng 37kg. Hoa hậu quốc tế thuộc về cô Nari (người Campuchia).
Sau ngày đất nước thống nhất, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam diễn ra chỉ trong 1 buổi chiều cuối năm 1988, tại Hà Nội. Cô Bùi Bích Phương, sinh năm 1971 tại Hà Nội đã đạt vương miện Hoa hậu Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất.
Thạc sĩ PHẠM BÁ NHIỄU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin