Đầu năm 1950, trong Chiến dịch Bến Cát- chiến dịch quân sự đầu tiên của Quân khu 7 trong kháng chiến chống Pháp- các lực lượng kháng chiến gặp một khó khăn do đồn Rạch Kiến ở Tây Bắc khu Bến Súc được trang bị một khẩu pháo 155 ly có tầm bắn xa làm ta không thể huy động đông người để phá các trục giao thông thực hiện phương châm của chiến dịch là tác chiến phối hợp với phá hoại.
|
Chiến sĩ đặc công trong bài tập vượt rào gai. Ảnh: Báo Quân Đội Nhân Dân |
Một chiến thuật mới ra đời trong khó khăn
Đầu năm 1950, trong Chiến dịch Bến Cát- chiến dịch quân sự đầu tiên của Quân khu 7 trong kháng chiến chống Pháp- các lực lượng kháng chiến gặp một khó khăn do đồn Rạch Kiến ở Tây Bắc khu Bến Súc được trang bị một khẩu pháo 155 ly có tầm bắn xa làm ta không thể huy động đông người để phá các trục giao thông thực hiện phương châm của chiến dịch là tác chiến phối hợp với phá hoại.
Khẩu pháo này có khả năng khống chế cả một vùng rộng lớn từ Long Nguyên, Dầu Tiếng đến Dương Minh Châu (Tây Ninh), Củ Chi (Sài Gòn), nên đồng chí Lê Đức Anh (sau này là Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam) lúc đó đang là tham mưu trưởng của chiến dịch chỉ đạo Ban chỉ huy Tiểu đoàn 302 họp chiến sĩ tìm ra cách tiêu diệt cho được khẩu pháo đó.
Khi đi khảo sát thực địa mọi người đều thấy đây là nhiệm vụ rất khó khăn, bởi muốn diệt nó phải đến tận nơi trong khi địch biết đây là vũ khí lợi hại nên bảo vệ rất cẩn mật, ngoài nguy hiểm phải vượt qua các vòng rào gai, hào sâu của đồn, khẩu pháo còn nằm giữa 2 lô cốt của bọn lính gác, một khó khăn nữa là đồn này có nuôi nhiều ngỗng và chó để phát hiện người xâm nhập. Cuối cùng có chiến sĩ Nguyễn Văn Rỡ tình nguyện nhận nhiệm vụ khó khăn đó, anh nghiên cứu tìm cách xâm nhập và trấn áp các con thú này.
Cách xâm nhập của anh Rỡ có cách học theo kinh nghiệm của người xưa kết hợp với sự theo dõi tìm ra các sơ hở của địch trong đồn: ngoài kỹ thuật bò toài và ngụy trang kỹ cho phù hợp với nơi xâm nhập, phải kiên trì đợi lúc địch sơ hở để tiếp cận chúng nhất là khi chúng đổi phiên gác hay khi chúng đốt thuốc hút, còn đối phó với các con thú trong điều kiện lúc đó anh tắm xong để trần nằm phơi sương một đêm cho bay hết hơi người, vì vậy khi anh xâm nhập vào đồn địch cả bọn lính, lũ chó và ngỗng không hề phát hiện.
Vào được đồn, Rỡ tìm đến nơi để khẩu pháo 155 ly anh thu thập những yếu tố cần thiết như đường kính nòng pháo, khoảng cách từ pháo đến rào… cho một trận đột nhập phá khẩu pháo sau đó rồi bí mật trở ra.
Phương án anh xâm nhập đưa khối thuốc nổ 2kg vào nòng pháo rồi kích điện cho nổ của anh được ban chỉ huy tiểu đoàn đồng ý và còn phái chiến sĩ Việt theo hỗ trợ ngoài rào đồn làm nhiệm vụ cảnh giới và kích điện khi được anh Rỡ ra hiệu lệnh.
Mìn nổ, khẩu pháo địch bị vỡ toác nòng. Ngoài kinh nghiệm phá pháo này, Tiểu đoàn 302 còn có cách đánh cầu rất độc đáo cũng của chiến sĩ Nguyễn Văn Rỡ: anh tìm ra cách ngụy trang và bơi không tiếng động để đưa thuốc nổ qua các trạm gác địch để phá cầu. Những kinh nghiệm này được phổ biến rộng trong các đơn vị vũ trang Khu 7 trong việc xâm nhập các đồn, tháp canh và đánh phá cầu (*).
Trước khi Chiến dịch Bến Cát bắt đầu, từ cuối năm 1947 với kế hoạch “bình định” của tướng De Latour, trên địa bàn của Khu 7 nhiều nơi quân Pháp tập trung quân đóng đồn và tháp canh dày đặc, như ở Thủ Dầu Một địch đóng 128 đồn và tháp canh, trên các tuyến giao thông quan trọng đồn và tháp canh cái này cách cái kia chỉ khoảng 1km, chỗ xung yếu còn gần hơn.
Giữa 5, 7 tháp canh chúng còn đặt một tháp canh mẹ có bố trí hỏa lực cầu vòng, máy thông tin để yểm trợ cho các tháp nhỏ. Tháp canh lớn địch bố trí 1 trung đội, tháp nhỏ có 1 tiểu đội lính canh giữ, hệ thống này còn làm chỗ dựa cho các đơn vị lưu động (commando) đi càn quét lấn chiếm vùng tự do của ta.
Như vậy, xây dựng hệ thống đồn và tháp canh kết hợp càn quét là nội dung chính yếu của kế hoạch De Latour. Phải tìm cách diệt cho được hệ thống đồn và tháp canh để phá kế hoạch này của địch là quyết tâm của bộ đội Khu 7, tuy vậy họ đã thử nhiều cách đánh tháp canh nhưng chưa hiệu quả.
Cái khó không bó cái khôn, sau khi nghiên cứu cấu trúc của tháp canh, quy luật hoạt động của bọn lính gác và 3 tháng luyện tập với sa bàn như thật của Huyện đội Tân Uyên, đêm 19/3/1948 một tổ 3 người do đồng chí Trần Công An (Hai Cà) chỉ huy với vũ khí mang theo là 1 súng, 10 lựu đạn và một thang tre bí mật tiếp cận tháp canh cầu Bà Kiên trên lộ 16 (nay là phường Thanh Phước, thị xã Tân Uyên, Bình Dương).
Chiến sĩ làm nhiệm vụ quần cụt mình trát đầy bùn cho tiệp màu với tường đất và với các kỹ thuật xâm nhập tích lũy trước đó từ Nguyễn Văn Rỡ họ bí mật tiếp cận chân tường tháp canh rồi dùng thang tre leo lên tháp gác tuông lựu đạn vào trong theo lỗ châu mai. Kết quả tường tháp canh không bị sập nhưng 11 tên lính trong tháp bị tiêu diệt ta thu 8 súng và 20 lựu đạn, quan trọng là đã tìm ra cách đánh tháp canh hiệu quả.
Từ kết quả này, sau các cuộc họp rút kinh nghiệm để hoàn thiện cách đánh, Bộ Tư lệnh Khu 7 quyết định trang bị cho lực lượng đánh tháp canh một loại mìn có sức công mạnh có tên là FT (phá tường) do các công binh xưởng sản xuất theo yêu cầu.
Liền đó, Ban Chỉ huy Liên trung đoàn 301- 310 và Tỉnh đội Biên Hòa, Huyện đội Tân Uyên tuyển lựa 300 chiến sĩ ưu tú đưa về khu Mã Đà (Chiến khu D) để luyện tập cách đánh tháp canh mới với mìn FT.
Sau 3 tháng luyện tập, đêm 21 rạng 22/3/1950, 300 chiến sĩ chia làm 50 tổ đồng loạt đánh 50 tháp canh trên Quốc lộ 1 và 15, các tỉnh lộ 24 và 16. Kết quả, tất cả tường các tháp canh đều bị thủng một lỗ rộng 0,6- 1,5m, nhưng không cái nào bị sập, phần lớn lính trong tháp canh chết và bị thương, những tên sống sót là đang ở trên tháp gác.
Rút kinh nghiệm, một loại trái nổ nữa gọi là pê-ta chứa 2kg TNT được các công binh xưởng khẩn trương sản xuất theo yêu cầu và được đặt tên là FT2 để kết hợp mìn FT ra trận. Đêm 18 rạng 19/4/1950, một tổ chiến đấu của Huyện đội Tân Uyên do huyện đội phó Trần Công An chỉ huy, có sự tham gia của tỉnh đội phó Bùi Cát Vũ với 2 quả mìn FT và FT2 đã đánh sập hoàn toàn tháp canh cầu Bà Kiên lần thứ hai.
Kế đó, đầu tháng 5/1950 một tổ du kích Tân Uyên với kỹ thuật bí mật tiếp cận và dùng 2 loại mìn nói trên đã đánh sập tháp canh Vàm Giá trên lộ 14 diệt 1 trung đội lính lê dương, thu 27 súng và nhiều quân trang quân dụng. Phát huy thắng lợi, lực lượng vũ trang Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Bà Rịa, Chợ Lớn, Tân An, Mỹ Tho bằng chiến thuật này đã san bằng nhiều đồn bót và tháp canh của địch trên địa bàn.
Tại Hội nghị tổng kết Chiến dịch Bến Cát tháng 11/1950, Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn đã biểu dương chiến thuật mới: “Cách đánh của chiến sĩ Nguyễn Văn Rỡ và Tiểu đoàn 302 trong chiến dịch này cần phải phổ biến rộng rãi.
Sự sáng tạo kỹ thuật bí mật tiềm nhập mục tiêu từ các trận Bến Cát, cầu Bà Kiên, Vàm Giá là quá trình hình thành và hoàn thiện một chiến thuật mới mẻ và độc đáo của lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ. Như vậy, chiến trường Đông Nam Bộ đã vinh dự là nơi khởi phát chiến thuật đặc công đầu tiên của cả nước”.
Chiến thuật đặc công phát triển ngày càng hoàn thiện
Cuối năm 1952 và đầu năm 1953, trong đoàn của đồng chí Lê Duẩn ra Bắc để báo cáo với Bác Hồ và Bộ Tổng Tham mưu về tình hình miền Nam có đồng chí Lê Đức Anh và 20 cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm đánh đồn theo chiến thuật đặc công.
Khi đoàn đến Khu 5, Khu 6… mỗi nơi đoàn để lại 3 người để phổ biến kinh nghiệm tác chiến của chiến thuật này. Đặc biệt tại Khu 6 đoàn phối hợp với Tỉnh đội Bình Thuận tổ chức đánh đồn Tánh Linh bằng chiến thuật đặc công thắng lợi.
Ra đến Việt Bắc, số người này còn lại 6 người, 3 người đến làm việc ở Bộ Tổng Tham mưu, 3 người còn lại gồm Nguyễn Văn Được, Trần Công An và Tám Liên Thanh (Tám Dọn sau này là Trung tướng Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) được gặp Bác Hồ, đồng chí Lê Đức Anh thay mặt đoàn báo cáo chiến thuật này với Bác. Buổi làm việc đó nghe chuyện Bác rất vui còn bảo đồng chí Tố Hữu làm thơ để ca ngợi.
|
Bia tưởng niệm trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên đêm 19/3/1948.Ảnh: Internet |
Mãi đến ngày 19/3/1967, lễ công bố thành lập Binh chủng Đặc công mới được tổ chức với sự tham dự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã huấn thị: “Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt cần phải cố gắng đặc biệt”.
Ngày ấy binh chủng gồm 9 tiểu đoàn, trường bổ túc cán bộ và 3 cơ quan. Thành lập là ngày đó, nhưng từ giai đoạn giữa của chiến dịch Đông Dương (1946- 1954) cách đánh công đồn đặc biệt của chiến trường Nam Bộ ngày càng hoàn thiện và tổ chức đặc công đã nhanh chóng phát triển hình thành 3 lực lượng: Đặc công bộ, Đặc công thủy, Đặc công biệt động. Trận tiêu diệt tháp canh cầu Bà Kiên đêm 19/3/1948 được xem là trận mở đầu của Đặc công bộ.
Trận mở đầu của Đặc công thủy là trận do chiến sĩ Nguyễn Quang Vinh (thuộc Trung đoàn 36, Đại đoàn 308) dùng thuyền nan chở 300kg thuốc nổ đánh chìm tàu LCD chở vũ khí của quân Pháp vào tháng 6/1951. Đặc công biệt động cũng phát triển đều khắp hình thành các đội biệt động thành và những đơn vị đặc biệt lập được nhiều chiến công vang dội.
Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngày 4/2/1969 Bộ Chỉ huy Miền quyết định thành lập Trung đoàn Đặc công 429 tại chiến khu Dương Minh Châu (nay thuộc Tây Ninh). Đây là đơn vị đặc công chủ lực đầu tiên của chiến trường Đông Nam Bộ (nay là Lữ đoàn Đặc công 429), đánh dấu bước phát triển mới của Binh chủng Đặc công.
Theo tổng kết, trong suốt cuộc kháng chiến Đoàn Đặc công 429 đã đánh trên 600 trận, loại khỏi vòng chiến đấu trên 30.000 lính Mỹ và lính Sài Gòn, phá hủy nhiều kho tàng và phương tiện chiến tranh của địch. Đơn vị này từng khiến các đơn vị bộ binh sừng sõ của quân đội Mỹ như Sư đoàn bộ binh số 1 “Anh cả đỏ”, Lữ đoàn “Kỵ binh bay”, Sư đoàn 25 “Tia chớp nhiệt đới” nhiều phen kinh hoàng.
Bằng lối đánh bí mật, bất ngờ, táo bạo, luồn sâu đánh hiểm Binh chủng Đặc công lập nhiều chiến công hiển hách 2 lần được tuyên dương Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và được Nhà nước vinh danh 16 chữ vàng: “Đặc biệt tinh nhuệ, Anh dũng tuyệt vời, Mưu trí táo bạo, Đánh hiểm thắng lớn”.
Bài có sử dụng một số tài liệu từ quyển “Đại tướng Lê Đức Anh” của tác giả Khuất Biên Hòa do NXB Quân Đội Nhân Dân phát hành năm 2005 và một số tài liệu tổng hợp khác.
(*) Sau Chiến dịch Bến Cát, Nguyễn Văn Rỡ tham gia đánh đồn Bùng Binh (Tây Ninh) đã anh dũng hy sinh. Hài cốt anh hiện được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ Bến Cát.
HỒNG VÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin