Người miền Tây xưa rất hảo món chè và chế biến nhiều loại đa dạng, nhưng mùa nóng bức, hay thợ thầy làm nhà thường được bồi dưỡng món chè đậu xanh vào buổi trưa, đặc biệt chè bí đao- đậu xanh, tăng cường năng lượng, cùng với những công dụng như vị thuốc thanh nhiệt, giải độc tuyệt vời.
Món chè đậu xanh, bí đao thanh nhiệt, giải độc tuyệt vời. |
Người miền Tây xưa rất hảo món chè và chế biến nhiều loại đa dạng, nhưng mùa nóng bức, hay thợ thầy làm nhà thường được bồi dưỡng món chè đậu xanh vào buổi trưa, đặc biệt chè bí đao- đậu xanh, tăng cường năng lượng, cùng với những công dụng như vị thuốc thanh nhiệt, giải độc tuyệt vời.
Hình ảnh trái bí đao nó quá gần gũi trong bữa ăn hàng ngày và có nhiều kỷ niệm với người miền quê xưa. Những trái bí đao thiệt già để nguyên vỏ xẻ đôi ngâm vào những lu nước mưa bên hông nhà vài ba bữa, rồi đem ra chuẩn bị cho món mứt bí không thể thiếu trong những ngày tết. Ngâm nước mưa như thế, không cần phải xử lý bằng nước vôi trong hoặc phèn chua, thì miếng mứt vẫn đủ độ dai mà xốp nhưng không bị nhão, rất ngon.
Cả bí đao và đậu xanh trong Đông y đều có một số tác dụng tương tự nhau. Ngoài việc là những món ăn hấp dẫn, bí đao còn được coi là một vị thuốc quý cho người tâm, phế, nội nhiệt. Theo y học cổ truyền, bí đao vị ngọt nhạt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt, giải nhiệt và làm tan đờm, làm mát ruột và hết khát, lợi tiểu, làm hết phù, giải độc và giảm béo. Thường được dùng để chữa các chứng bệnh lý hô hấp có ho và khạc đờm do nhiệt, bệnh đái đường, phù do bệnh thận, bệnh gan, phù khi mang thai…
Có lẽ từ đây, dân gian đã kết hợp chúng lại làm thành loại thuốc giải độc đặc hiệu cho những người nuôi vịt chạy đồng hồi xưa. Hồi đó, người nuôi vịt thường “gặp nạn” trúng độc thuốc sâu, thuốc rầy trong các ruộng lúa. Hình ảnh những bầy vịt hàng ngàn con thi nhau giãy giụa đập cánh, lủi đầu xuống ruộng chết liệt địa.
Chủ vịt vừa khóc, vừa chạy khắp xóm la làng, cả xóm xúm lại người giúp một tay quay lưới lùa vịt nhốt lại. Họ sẽ nấu món bí đao với đậu xanh cho thiệt nhừ, rồi vắt lại nước cho vào ống tre, mỗi người cầm một ống nước vậy đổ cho từng con vịt uống. Món thuốc này, nếu làm kịp thời thì độ thiệt hại sẽ không nhiều, khoảng vài tiếng đồng hồ sau là vịt bắt đầu khỏe lại. Vịt chạy đồng mà trúng thuốc sâu coi như sạt nghiệp, nên người nuôi vịt lâu năm luôn thủ sẵn hai thứ này dù cho có chạy đồng xa hay đồng gần.
Do đó, những tháng nóng bức người miền Tây rất thích nấu món chè bí đao, đậu xanh với đường phèn, thành món ăn chơi, vừa là món thuốc thanh nhiệt, trị nóng, nổi đẹn, con nít nổi u nhọt đầy mình. Chỉ cần chịu khó ngâm đậu xanh từ hôm trước cho bung vỏ và mềm hạt đậu lại rồi nấu, với bí đao xắt thành từng sợi, sau cùng cho đường phèn vào vừa ăn tùy khẩu vị mỗi người. Nếu thích thì múc chè ra tô để trong tủ mát cho có độ lạnh lạnh thêm ngon miệng.
Rất đơn giản, nhưng ngon miệng và thực sự tốt cho sức khỏe người lớn, trẻ nhỏ những ngày hè nóng nực dễ ảnh hưởng và sinh ra nhiều bệnh nhiệt. Người lớn tuổi ăn món chè này cũng nhớ lại những câu chuyện miền Tây hồi đó, chưa xa lắm mà cũng sẽ chẳng bao giờ tìm thấy lại ngày xưa.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin