Người chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất!

11:03, 29/03/2022

Đồng chí Lê Văn Lương (tên thật là Nguyễn Công Miều), sinh ngày 28/3/1912 trong một gia đình nhà nho tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Đồng chí thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng- là người cộng sản kiên trung, bất khuất và có nhiều đóng góp cho công cuộc cách mạng. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Văn Lương luôn thể hiện là một người cộng sản chân chính, vì nước, vì dân, vì sự nghiệp của Đảng.

Đồng chí Lê Văn Lương (tên thật là Nguyễn Công Miều), sinh ngày 28/3/1912 trong một gia đình nhà nho tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Đồng chí thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng- là người cộng sản kiên trung, bất khuất và có nhiều đóng góp cho công cuộc cách mạng. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Văn Lương luôn thể hiện là một người cộng sản chân chính, vì nước, vì dân, vì sự nghiệp của Đảng.

Đồng chí Lê Văn Lương.  Ảnh: Tư liệu
Đồng chí Lê Văn Lương. Ảnh: Tư liệu

Giác ngộ cách mạng từ nhỏ

Sinh ra trong một gia đình nho học và khoa bảng ở một địa phương có truyền thống hiếu học và yêu nước, đồng chí Lê Văn Lương đã kế thừa được các phẩm chất cao quý của gia đình, dòng họ và quê hương. Từ những năm học trường Bưởi, cùng với người bạn học Nguyễn Văn Cừ, Lê Văn Lương được Ngô Gia Tự giác ngộ cách mạng. Năm 1927, khi mới 15 tuổi, là học sinh trường Bưởi, đồng chí đã tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, được tư tưởng Nguyễn Ái Quốc dẫn đường, đồng chí luôn thể hiện nhiệt huyết của tuổi trẻ muốn được hiến thân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thực dân, phong kiến.

Tháng 6/1929, đồng chí gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng, sau đó được cử vào Nam Bộ hoạt động, cùng với đồng chí Ngô Gia Tự trong phong trào công nhân Sài Gòn để thực hiện chủ trương “vô sản hóa” của Đảng. Tại đây, đồng chí tích cực hoạt động nhằm xây dựng cơ sở và phát triển đảng viên mới trong công nhân, lao động Sài Gòn- Chợ Lớn.

Cuối năm 1930, đồng chí Lê Văn Lương được tổ chức điều động về hoạt động tại hãng dầu Socony (hãng dầu Nhà Bè) với nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng, chỉ đạo phát triển chi bộ đảng và xây dựng các tổ chức quần chúng trong công nhân. Chỉ trong một thời gian ngắn, chi bộ lôi kéo được đông đảo công nhân tham gia.

Năm 1931, phong trào đấu tranh của công nhân Sài Gòn ngày càng phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu, mang tính chất chính trị rõ rệt. Đặc biệt, vào tháng 3/1931 nổ ra cuộc đấu tranh của công nhân Hãng dầu Nhà Bè do đồng chí Lê Văn Lương và một số đồng chí trong Xứ ủy Nam Kỳ và Thành ủy Sài Gòn trực tiếp chỉ đạo nhưng đã bị thực dân Pháp đàn áp; đồng chí Lê Văn Lương đã bị địch bắt. Sau hơn hai năm giam giữ và dùng mọi cực hình tra tấn, kẻ thù vẫn không hề lấy được một lời khai nào, chúng đành phải dựng lên một phiên tòa để xét xử đồng chí và những đảng viên Đảng Cộng sản khác. Năm 1933, Tòa án Đại hình Sài Gòn mở phiên tòa xử án 120 chiến sĩ cộng sản trong đó có đồng chí Lê Văn Lương. Báo chí thời đó gọi là “Vụ án Đảng Cộng sản Đông Dương”. Trước tòa án của kẻ thù, các đồng chí Ngô Gia Tự, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Nguyễn Chí Diểu, Bùi Lâm, Hà Huy Giáp và các đồng chí khác đã nêu cao phẩm chất, khí phách của người yêu nước, cách mạng. Mặc dù không có đủ chứng cứ nhưng bọn quan tòa vẫn tuyên án tử hình đối với 8 đồng chí, trong đó có Lê Văn Lương, Phạm Hùng; 19 người khổ sai chung thân, trong đó có Ngô Gia Tự, Nguyễn Chí Diểu, Hà Huy Giáp… Những lời lẽ phản kháng của đồng chí Lê Văn Lương và các đảng viên cộng sản khác trong phiên tòa đã vang động trong lòng người dân Sài Gòn- Chợ Lớn lúc đó và tạo nên một phong trào đấu tranh của nhân dân, đòi địch phải giảm án cho những người cộng sản.

Trước khí thế đấu tranh của nhân dân Sài Gòn- Chợ Lớn và phong trào của lực lượng tiến bộ Pháp và sự đấu tranh trực tiếp của các đảng viên cộng sản, thực dân Pháp buộc phải giảm các án tử hình xuống chung thân khổ sai. Năm 1934, địch đày đồng chí Lê Văn Lương và các bạn tù ra giam giữ ở Côn Đảo.

Tại Côn Đảo, với tinh thần “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”, đồng chí Lê Văn Lương đã cùng với các đồng chí của mình thành lập Chi bộ Cộng sản ngay tại nơi “địa ngục trần gian” ấy. Đồng thời cũng tại đây, đồng chí Lê Văn Lương cùng với Ngô Gia Tự, Trần Quang Tặng, Phạm Hùng, Nguyễn Công Khương tổ chức nhiều cuộc đấu tranh đòi ân xá tù chính trị, cải thiện chế độ sinh hoạt và đời sống trong tù; đấu tranh với những quan điểm sai trái của những tù nhân Việt Nam Quốc dân Đảng, cảm hóa một số người yêu nước chân chính của Quốc dân Đảng theo lập trường cách mạng của Đảng Cộng sản.

Suốt 15 năm lao tù, trong đó có hơn 11 năm tại Côn Đảo, đồng chí Lê Văn Lương luôn giữ vững khí tiết cách mạng, phẩm chất người cộng sản. Tấm gương kiên cường, bất khuất của đồng chí có ảnh hưởng tích cực đến những người tù trên đảo, đến phong trào cách mạng ở trong nước thông qua những đồng chí được trả tự do hay hết hạn tù.

Nêu gương sáng về lòng tận tụy

Trong những năm tháng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, rồi trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng chí Lê Văn Lương được phân công đảm nhận các cương vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Dù ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí cũng nêu gương sáng về lòng tận tụy, trung thành, cần, kiệm, liêm, chính, khiêm tốn, giản dị và trung thực, luôn đặt lợi ích cách mạng lên trước hết và trên hết.

Năm 1948, đồng chí được chỉ định làm Chánh Văn phòng Trung ương, là người làm việc bên cạnh Bác Hồ và giúp Tổng Bí thư Trường Chinh giải quyết các công việc hằng ngày của Đảng. Ở cương vị này, đồng chí đã trực tiếp tổ chức xây dựng Văn phòng Trung ương thật sự trở thành cơ quan tham mưu đắc lực của Đảng. Những ngày đầu thành lập, trong hoàn cảnh chiến tranh, vừa phải xây dựng, củng cố tổ chức, đồng chí tổ chức thông suốt, bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo, bảo vệ tài liệu của Đảng, giữ mối liên hệ giữa Trung ương và các Khu ủy, Tỉnh ủy. Đặc biệt, đồng chí đã góp phần quan trọng vào việc soạn thảo Nghị quyết Hội nghị cán bộ Trung ương bàn về tổ chức các ban, tiểu ban ở Trung ương và cấp ủy địa phương.

Trong thời gian làm Trưởng Ban Đảng vụ từ 1948- 1950, đồng chí đã giúp Trung ương Đảng soạn thảo Điều lệ Đảng mới, giúp BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chuẩn bị về một số công việc liên quan đến tổ chức- cán bộ... góp phần tích cực vào công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng lần thứ II. Trên cương vị Giám đốc đầu tiên của Trường Đảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc (1949-1956), đồng chí đã có đóng góp to lớn thực hiện nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó trong công tác huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng lý luận- chính trị cho cán bộ, đảng viên.

Đồng chí Lê Văn Lương tại lễ công bố quyết định thành lập Nhà xuất bản Hà Nội, ngày 24/11/1979 .  Ảnh: Tư liệu
Đồng chí Lê Văn Lương tại lễ công bố quyết định thành lập Nhà xuất bản Hà Nội, ngày 24/11/1979 . Ảnh: Tư liệu

Khi đảm nhiệm vai trò Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, đồng chí Lê Văn Lương đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp xây dựng Đảng, như: xác định rõ mục đích, tôn chỉ của công tác tổ chức, xây dựng Đảng trong điều kiện lịch sử mới; kiện toàn bộ máy tổ chức của Đảng; tổ chức Đảng trong vùng bị địch tạm chiếm, trong Quân đội và Công an; mở đầu xây dựng, kiện toàn và đặt nền nếp cho sự hoạt động của Ban Tổ chức Trung ương; góp phần xây dựng và hoàn thiện đường lối, chính sách công tác tổ chức- cán bộ của Đảng.

Dù ở cương vị công tác nào, đồng chí đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, luôn trung thành, tận tụy với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng hết sức phụng sự cách mạng, phục vụ Nhân dân. Ở đồng chí Lê Văn Lương có cái “tầm” của một người làm công tác tổ chức- cán bộ của Đảng và có cái “tình” trong cách ứng xử với mọi người, yêu thương cán bộ, gần gũi với quần chúng, vì sự tiến bộ của đồng chí của mình.

Khi nhắc đến đồng chí, mọi người đều nghĩ ngay đến một người cộng sản kiên cường, dũng cảm, chân thực, một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng, người đồng chí mẫu mực, đạo đức cách mạng trong sáng, chí công vô tư, một người con ưu tú của dân tộc Việt Nam.

BÙI THANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh