Hạnh phúc cho mỗi người vì hạnh phúc của mọi người

05:03, 20/03/2022

Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), không chỉ là ngày để tôn vinh niềm hạnh phúc của nhân loại trên thế giới, mà còn là ngày của hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn để xây dựng thế giới hòa bình, thịnh vượng, yêu thương.

 

Hạnh phúc.Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH (TP Vĩnh Long)
Hạnh phúc. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH

(VLO) Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), không chỉ là ngày để tôn vinh niềm hạnh phúc của nhân loại trên thế giới, mà còn là ngày của hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn để xây dựng thế giới hòa bình, thịnh vượng, yêu thương.

Để đạt được mục đích cao cả, nhân văn đó, cần có mỗi hành động nhỏ góp vào “dòng chảy lớn” cùng nhau quan tâm sẻ chia đến niềm vui, hạnh phúc của mỗi con người để có được một cộng đồng xã hội hạnh phúc trong một đất nước hạnh phúc, góp vào một thế giới đầy tình yêu thương và chia sẻ.

Hạnh phúc trọn vẹn là sẻ chia

Mỗi con người, mỗi gia đình đều có những hoàn cảnh riêng, nhưng tất cả đều có mục tiêu chung là mưu cầu hạnh phúc cá nhân, tuổi trẻ phấn đấu, lập nghiệp và tiến tới xây dựng gia đình riêng hạnh phúc.

Nhưng trong những trái tim “tử tế”, con người sẽ khó lòng có được niềm vui trọn vẹn riêng tư, khi bên cạnh mình, hoặc đâu đó vẫn còn nhìn thấy những cảnh đời ngang trái, những gia đình chật vật khó khăn vì nhiều lẽ.

Đó là những khởi niệm đầu tiên để những người tốt biết nghĩ về cộng đồng sẽ bắt đầu những hành động thiết thực, tùy vào khả năng của mình.

Bởi họ hiểu, chỉ số hạnh phúc không hề thuộc về những người giàu nhất hay những quốc gia giàu nhất thế giới, mà nó cần có tình yêu thương và sự cho đi bằng tất cả tấm lòng.

Đó cũng là chủ đề câu chuyện chúng tôi trao đổi khá thoải mái, chân tình cùng ông Võ Thanh Vân (61 tuổi)- Phó Ban Bảo trợ- Hội Chữ thập đỏ TP Vĩnh Long.

Gia đình ông Võ Thanh Vân với bữa cơm thanh đạm mà tràn đầy hạnh phúc riêng chung.Ảnh: NGỌC TRẢNG
Gia đình ông Võ Thanh Vân với bữa cơm thanh đạm mà tràn đầy hạnh phúc riêng chung.Ảnh: NGỌC TRẢNG

Vợ ông- bà Nguyễn Thị Kiều Hương ngồi bên vui vẻ tiếp chuyện, nhưng thường lắng nghe và nhường lời cho chồng. Họ cùng sống và lớn lên trong con hẻm là chợ Cua (cũ) thuộc Khóm 5, Phường 4, nhưng đến với nhau thật muộn sau khi ông Vân tham gia chiến đấu chiến trường Campuchia những năm 1981- 1985, về nước lại bôn ba làm việc khắp nơi mới thực sự trở về quê nhà. Đứa con gái duy nhất, xinh xắn, ngoan hiền chỉ mới vừa bước vào đại học, cũng đủ để cảm nhận nếp nhà thật bình dị, an yên hạnh phúc.

Thỉnh thoảng những người bán vé số vào ra con hẻm, thấy ông Vân hỏi han, chúng tôi mới biết gia đình ông có 9 căn phòng trọ phía sau, được ông hỗ trợ bỏ vé số bán dạo rồi góp lại mỗi ngày tiền phòng từ 15.000- 20.000 đồng.

Vợ chồng chị Cúc có đứa con gái 10 tuổi bị bệnh mạn tính phải vô máu hàng tháng, đã thuê trọ ở đây 10 năm rồi, giá tiền phòng mỗi tháng 450.000 đồng, nhưng nhiều lúc thiếu hụt cũng chẳng sao, còn được vợ chồng ông Vân thường xuyên giúp đỡ rất nhiều thứ.

Đó là những việc làm thầm lặng nhiều năm nay của ông Vân, phía sau bề nổi của nhiều chương trình từ thiện, đặc biệt khoảng thời gian bùng phát dịch COVID-19, ông Vân càng nhiệt huyết xông vào vùng dịch chung tay hỗ trợ bà con.

Rồi chính ông bị F0 phải vào khu cách ly 8 ngày, nhưng vào trong khu cách ly ông Vân lại có cơ hội trực tiếp lo việc tiếp tế cho bà con trong đó.

Bà Kiều Hương nhớ lại đó là những ngày hoang mang lo lắng cho sức khỏe của chồng, trong khi nhà bị giăng dây cũng chẳng được ra ngoài, cũng chính lúc này lại nhận được sự quan tâm của bà con hàng xóm, lại cảm thấy ấm lòng.

Khi bỏ hết tấm lòng vào công tác từ thiện, ông Vân xem đó là niềm vui của mình, đặc biệt bên cạnh ông là sự đồng lòng, ủng hộ của người vợ cùng chia sẻ gánh nặng công việc làm ăn của gia đình để ông rộng rãi thời gian lo việc xã hội cộng đồng.

Từ năm 2013, với vai trò là Trưởng Ban Quản lý miếu Bà Chúa Xứ chợ Cua, ông Vân chạy vận động tu sửa, rồi dần dần mở rộng mối quan hệ với các nhà hảo tâm mà “lấn sân” qua làm công tác từ thiện ngày một nhiều thêm.

Cả hai vợ chồng ông Vân cùng “nắm tay nhau” xác định một lẻ sống: “Phải có sự sẻ chia thì hạnh phúc mới được trọn vẹn”.

Rủ nhau đi làm thuê lấy tiền xây nhà từ thiện

Anh Lê Minh Trung (thứ 4 từ trái sang) trong nhóm anh em cất nhà cho bà Nguyễn Thị Bảy, ở xã Long An (Long Hồ).
Anh Lê Minh Trung (thứ 4 từ trái sang) trong nhóm anh em cất nhà cho bà Nguyễn Thị Bảy, ở xã Long An (Long Hồ).

Đó là một nhóm bạn bè ở cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt- TP Cần Thơ) mỗi người có công việc, nghề nghiệp khác nhau, nhưng có chung chí hướng, vậy là bắt tay nhau lập thành một nhóm, hễ rãnh là nhận đi làm thuê đủ thứ, góp tiền lại rồi đi làm nhà từ thiện cho bà con khắp xứ đồng bằng này.

Không lấy tiền nhà, không nhận bất cứ tiền của nhà hảo tâm nào, tất cả đều từ tiền làm thuê để đi làm từ thiện.

Chúng tôi gặp gỡ khi nhóm về xã Long An (Long Hồ) sửa nhà cho bà Nguyễn Thị Bảy, sắp tới đây nhóm sẽ xây căn nhà cho ông Võ Hoàng Vô cũng ở xã Long An. Một trong những người sáng lập nhóm là anh Lê Minh Trung, cho biết: “Từ nhỏ lớn lên ở xã Long An này, gia đình quá nghèo khổ, anh em phải trôi dạt tứ tán làm thuê, ở đợ mà sống.

Tui xách cái bay đi làm hồ khắp xứ, ra tới Vũng Tàu làm hồ hàng chục năm, thấm thía nỗi khổ của gia cảnh nghèo khó, nên có điều kiện là mong muốn giúp đỡ lại những hoàn cảnh khó khăn nó như cái chuyện tự nhiên thôi”.

Họ nhận làm thuê đủ thứ, ở cù lao thì việc làm vườn, cưa cây coi như quanh năm, nhóm nhận làm được bao nhiêu tiền giao cho anh Trung giữ. Khi họ nhận đập dỡ nhà cũ, phá dỡ công trình khi 5- 10 triệu, cũng có lúc được vài chục triệu.

Khi họ nhận cất nhà cho những gia đình có điều kiện, tiền công cũng gom lại đó. Rồi nghe ở đâu cần thì họ tới khảo sát, rồi tùy theo ít nhiều mà đi theo từng nhóm khi 5- 10 người, có khi vài chục người, đổ quân xuống làm thật nhanh thường theo dạng nhà tiền chế, rồi rút nhanh không phải tốn thời gian, tốn kém tiền cơm nước gia chủ.

Có những gia đình có tiền mua nguyên vật liệu nhưng còn hụt tiền công, thì họ sẵn sàng cất nhà không công, có những gia đình cần hỗ trợ một phần, có khi thì họ lo cho cả căn nhà, tùy vào mỗi hoàn cảnh gia đình.

Hàng trăm hoàn cảnh ở khắp các tỉnh ĐBSCL đã nhận được sự hỗ trợ của nhóm này, khi mà có nhiều nhà hảo tâm đánh tiếng muốn đóng góp thì họ nhất quyết không nhận.

Giữ đúng tôn chỉ ban đầu thành lập nhóm, là cùng nhau bỏ công sức ra, tự mình tích lũy được bao nhiêu thì làm bấy nhiêu, không phải là con số nhiều ít, số tiền lớn nhỏ, mà làm bằng sự tự lực, của một ý nguyện chia sẻ tình yêu thương một cách chân thành, cảm động.

Những câu chuyện nhỏ góp vào “dòng chảy” chung của đất nước giàu truyền thống đoàn kết, yêu thương, luôn sẻ chia với cộng đồng những khi hoạn nạn, khó khăn. Khi hoạn nạn, thiên tai, đại dịch tình yêu thương của người Việt Nam càng bộc lộ mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Và chúng ta cũng vô cùng tự hào trong mạch nguồn cảm xúc được là công dân của một đất nước giàu tình yêu thương và san sẻ cho nhau. Đó là cái gốc rễ tạo nên một xã hội hạnh phúc, để Việt Nam cùng góp vào niềm hạnh phúc chung của nhân loại toàn cầu.

NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh