Trong kho tàng ca dao Nam Bộ, ca dao về tình yêu chính là chủ đề đậm nét bởi luôn được cải biên làm mới cái sẵn có hoặc sáng tác. Đó là những ca từ sống động tả về một loại cảm xúc đặc biệt của người Việt Nam nhưng được người Nam Bộ đúc kết để nói, viết nên phảng phất chất văn riêng của người Nam Bộ.
Ảnh: Internet |
(VLO) Trong kho tàng ca dao Nam Bộ, ca dao về tình yêu chính là chủ đề đậm nét bởi luôn được cải biên làm mới cái sẵn có hoặc sáng tác. Đó là những ca từ sống động tả về một loại cảm xúc đặc biệt của người Việt Nam nhưng được người Nam Bộ đúc kết để nói, viết nên phảng phất chất văn riêng của người Nam Bộ.
Một tình yêu đôi lứa đúng nghĩa sẽ không có vụ lợi, toan tính thiệt hơn mà chỉ có hy sinh. Bằng ngôn từ tỏ tình nhiều cung bậc và mong muốn mang đến những điều tốt đẹp nhất cho bạn tình, nam nữ Nam Bộ hẹn ước:
- Thương nhau mấy núi cũng trèo,
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.
- Thương nhau tạc một chữ tình,
Trăm năm thề quyết bạn mình có nhau.
- Gió thổi lao xao khúc sông nào sóng nấy
Thuyền em đi giữa dòng, cảm thấy anh thương.
- Sông Tiền lưới mới thả xuôi
Thúy Kiều xa Kim Trọng như tui xa mình!
Hay:
- Cơm ăn mỗi bữa một lưng
Uống nước cầm chừng để dạ thương em.
- Chèo mau cho thiếp gặp chàng
Hai ta hiệp lại cho thành một đôi.
- Sông sâu sóng bủa láng cò
Thương em vì bởi câu hò có duyên.
Và trong sâu thẩm của con tim, dai dẳng, bồn chồn một cảm xúc đã ngỏ lời thương mà người ấy chưa hồi đáp:
- Con tằm bối rối vì tơ
Anh say vì rượu, em ngẩn ngơ vì tình.
- Đôi ta thương mãi nhớ lâu
Như sông nhớ nước, như cành dâu nhớ tằm.
- Ngó lên tấm kiếng thấy hình
Hạc chầu đủ cặp hai đứa mình lẻ đôi.
- Ngọc còn ẩn đá chờ vàng
Anh thề ở vậy chờ nàng đôi năm.
- Quýt rụng bờ ao ngọt ngào anh chuộng
Trái cam hồng đào rụng xuống anh chê.
- Anh có vợ chưa phải thưa nói thiệt
Kẻo lầm sao này tội nghiệp cho em.
- Tàu Nam Vang chạy ngang sông Hậu
Tàu Vĩnh Thuận hay đậu Tam Bình,
Đôi ta nặng nghĩa nặng tình
Biết cha với mẹ hay chuyện chúng mình ra sao?
Nhưng khi được kết tóc xe duyên chung gối, chung chăn thì “dẫu cho đá nát, vàng phai”…:
- Đôi ta thương mãi nhớ lâu
Như sông nhớ nước, như cành dâu nhớ tằm.
- Dẫu cho đá nát vàng phai,
Trăm năm duyên nợ chẳng phai chút nào.
- Em về cắt rạ đánh tranh
Chặt tre chẻ lạt cho anh lợp nhà
Sớm khuya hòa thuận đôi ta
Hơn ai gác tía, lầu hoa một mình.
- Bạn nghèo thuở trước chớ quên
Vợ cùng kham khổ, chẳng nên phụ tình.
- Hai đứa mình giống như cặp cá lia thia
Ban ngày đá bóng, tối phân chia hai đường.
Thế nhưng tình yêu không chỉ có màu hồng, chiều thuận mà còn là sự hụt hẫng, vuột mất vô tình hay cố ý từ đối tượng làm tiếc ngẩn tiếc ngơ:
- Tưởng giếng sâu anh nối sợi dây dài
Ngờ đâu giếng cạn, tiếc hoài sợi dây.
- Con quạ đen lông, gọi bằng ô thước
Thấy em có chồng vô phước anh thương.
- Đôi ta xứng đôi, mẹ chê không xứng
Thương phận anh nghèo, ngồi đứng không yên.
- Trách ai cưa ván bỏ bìa
Khi thương, thương vội, khi lìa, lìa xa.
- Gió Nam non thổi lòn hang chuột
Em có chồng rồi anh đứt ruột, đứt gan.
- Anh có vợ chưa phải thưa nói thiệt
Kẻo lầm sau này tội nghiệp cho em.
- Ai về nhắn với ông câu
Cá ăn thời giựt để lâu hết mồi.
- Nếu em còn ngại, qua thề lại cho em tường
Đứa nào được Tấn quên Tần
Xuống sông cọp bắt, lên rừng sấu tha!
-Em có chồng sao em chẳng cho hay,
Để anh lầm tưởng đêm ngày đợi mong.
Và dùng phương pháp so sánh để tả, ca dao Nam Bộ thể hiện tình yêu thương chồng của người phụ nữ Nam Bộ rất gần gũi, mộc mạc, chất phác:
- Qua đồng ghé nón thăm chồng
Ðồng bao nhiêu lúa, thương chồng bấy nhiêu.
- Thương ai bằng nỗi thương con
Nhớ ai bằng nỗi gái son nhớ chồng.
- Thương chồng nấu cháo le le
Nấu canh bông bí, nấu chè hạt sen.
- Ði đâu cho thiếp đi cùng
Ðói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam.
Tình yêu đôi lứa là một loạt cảm xúc, một loạt trạng thái tâm lý vui buồn đan xen, trong đó nỗi nhớ chính là biểu hiện nổi bật nhất. Tình yêu là sự pha trộn lẫn lộn giữa ngọt ngào và đắng cay. Khi tình cảm được đáp trả thì hạnh phúc, nhưng khi bị từ chối, khi chia ly, lúc giận hờn thì không tránh khỏi tổn thương, đau khổ, hụt hẫng....
Ngày mới trên sông Tiền Giang.Ảnh minh họa: H.N. |
Nhà thơ Xuân Diệu đã từng giải mã “tình yêu” theo cách của ông:
“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!
Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu…”
Tình yêu là món quà thi vị mà cuộc sống ban tặng cho con người. Tình yêu mang đến hạnh phúc vô bờ bến nhưng cũng kéo theo nhiều khổ đau dằn vặt. Người ta thường nói một người từng trải qua tình yêu sâu đậm mới thật sự nếm qua đầy đủ mùi vị của cuộc sống.
Tình yêu là cảm xúc tự nhiên, là nhu cầu, bản năng bình thường của con người. Những câu ca dao tục ngữ Nam Bộ về tình yêu là những vần thơ, nốt nhạc, là những câu chữ khắc họa những mối tình bình dị, giản đơn, mộc mạc nhưng rất tinh tế, ý nhị như hương, như hoa điểm tô cho đời sống con người.
(Còn tiếp)
HOÀNG NGUYÊN
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin