Ca dao Nam Bộ: Tiếng lòng người đi mở đất!

07:03, 06/03/2022

Trong kho tàng ca dao Việt Nam có sự đóng góp của dòng ca dao vùng đất phía Nam ngày nay gọi là Nam Bộ. Ca dao Nam Bộ là tiếng lòng sâu lắng của các thế hệ dân Việt từ miền ngoài vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ vào khai phá, mở mang vùng đất mới.

 

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Trong kho tàng ca dao Việt Nam có sự đóng góp của dòng ca dao vùng đất phía Nam ngày nay gọi là Nam Bộ. Ca dao Nam Bộ là tiếng lòng sâu lắng của các thế hệ dân Việt từ miền ngoài vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ vào khai phá, mở mang vùng đất mới.

Xa quê vạn dặm, trước cảnh vật thiên nhiên hoàn toàn khác lạ, đất ẩm thấp, sông rạch chằng chịt, không núi đồi; mỗi năm một mùa lụt lội nước tràn bờ lênh láng; rất nhiều côn trùng như muỗi, mòng, đỉa, vắt và thú dữ,… ở nơi vùng đất mới là những thử thách tưởng chừng họ không thể vượt qua.

Nhưng bằng ý chí kiên cường, tinh thần chịu khó lao động, chia sẻ gắn kết, cộng đồng người Kinh di cư cùng với cộng đồng người Khmer, người Hoa, người Chăm,… chung sống thuận hòa và trực tiếp làm chủ vùng đất mới.

Đọc ca dao Nam Bộ chúng ta cảm nhận thêm nỗi lòng của tổ tiên, sự hào sản và phong phú đậm chất nhân văn!

“Ca dao Nam Bộ: Tiếng lòng người đi mở đất!” là loạt bài mà qua đó người viết muốn chiêm nghiệm lại để tri ân các bậc tiền nhân dày công mở đất và lưu lại di sản văn học phong phú, đậm chất Nam Bộ.

Kỳ 1: Buổi đầu khai phá “rừng thiêng nước độc”

Vùng đất Nam Bộ giàu đẹp đáng tự hào ngày nay đã từng
là vùng đất bị quên lãng nhiều thế kỷ từ sau khi đế quốc Phù Nam tan rã vào thế kỷ thứ VI. Nhiều thế kỷ trôi qua, vùng đất màu mỡ này vẫn ngủ yên vì người bản địa vốn quá thưa thớt, khó thích nghi, lại lạc hậu về kỹ thuật nông nghiệp. Cũng có thể một phần do thiên nhiên sẵn “giàu có” trù phú nên họ không cần khai thác thêm.

Theo các sách của người nước ngoài mà chủ yếu là của người Pháp thì vùng đất Nam Bộ, đặc biệt là Tây Nam Bộ xưa trước khi người Việt đến hãy còn rất hoang vu. Từ thế kỷ thứ XVI trở về trước đã có nhiều người Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Mã Lai hay Châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… qua lại nhưng đa số họ không dừng lại mà theo sông Cửu Long ngược lên tận Phnôm Pênh, Biển Hồ, Siêm Riệp (Campuchia) để buôn bán, thu mua sản vật. Mãi đến thế kỷ thứ XVII, sau hơn 10 thế kỷ những người Việt đầu tiên “đi mở cõi” đặt chân đến vùng đất mới, nhận ra ngay vẻ hoang sơ của nó:

- Rừng thiêng, nước độc, thú bầy

Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội đầy như bánh canh.

- Cỏ mọc thành tinh

Rắn đồng biết gáy.

Nét hoang sơ của thiên nhiên Tây Nam Bộ buổi đầu khai phá thể hiện ở môi trường khắc nghiệt:

- Tháp Mười nước mặn, đồng chua       

Nửa mùa nắng cháy nửa mùa nước dâng. 

Sấu và cọp là hai loài đại diện cho sức mạnh hoang dã luôn luôn đe dọa con người. Cọp sống ở khắp nơi từ miền Đông (đất giồng, đồi) xuống tận miền Tây sình lầy, nước mặn của rừng Cần Giờ, Soài Rạp, Gò Công, Bạc Liêu và đến tận U Minh… lúc mới khẩn hoang. Nếu trên bờ có cọp thì dưới nước có cá sấu. Ca dao xưa nói nhiều về hai loài này:

- U Minh, Rạch Giá thị quá sơn trường

Dưới sông sấu lội trên rừng cọp đua.

- Cà Mau khỉ khọt trên bưng

Dưới sông sấu lội trên rừng cọp um. 

Hay:

- Tháp Mười sinh nghiệp phèn chua

Hổ mây, cá sấu thi đua vẫy vùng. 

Nét hoang dã của đất Nam Bộ còn thể hiện gián tiếp qua tâm trạng lo sợ của người đi khai hoang, cảnh vật lạ lùng khiến cho con người e ngại mọi thứ:

- Tới đây xứ sở lạ lùng

Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng ghê.

- Chèo ghe sợ sấu ăn chưn

Xuống bưng sợ đỉa, vô rừng sợ ma.

Hay những than vãn:

-Má ơi đừng gả cù lao

Gió giông, bão lụt làm sao con về.

- Đồng Nai xa lắm ai ơi

Gởi thư thư mất, gởi lời lời quên!

Tuy vậy, thiên nhiên cũng rất công bằng, song hành với sự hoang vu, khắc nghiệt nêu trên, thì thiên nhiên cũng hào phóng ưu đãi cho người đi tìm cuộc sống mới nào sản vật tự nhiên, nào sự màu mỡ của đất đai.

Tràm Chim (Đồng Tháp). Ảnh: Internet
Tràm Chim (Đồng Tháp). Ảnh: Internet

Sản vật “trời cho” cá, tôm thật là phong phú và dường như luôn sẵn có trên đồng, trong rừng đước, trên sông, rạch... Gạo thì có gạo Đồng Nai, gạo Cần Đước, gạo Cần Thơ, gạo Ba Xuyên… Lúa thì có lúa “Nàng Co”, “Nàng Quốc”, “lúa Trời” (đặc sản Đồng Tháp Mười)…

- Hết gạo thì có Đồng Nai

Hết củi thì có Tân Sài chở vô.

- Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai

Ai về xin nhớ cho ai theo cùng.

- Cám ơn hạt lúa Nàng Co

Nợ nần trả hết, lại no tấm lòng.

- Ai ơi về miệt Tháp Mười

Cá tôm sẵn bắt, lúa Trời sẵn ăn. 

Hay:

- Ô Môn lúa tốt đầy đồng

Vàm Nhon, Ba Mít đượm nồng ý thơ.

Nhóm từ “gạo ” và “gạo trắng nước trong” hoặc “nước trong gạo trắng” được lặp lại như một điệp khúc của bài ca về sự sung túc:

- Tôm rằn bóc vỏ bỏ đuôi

Gạo thơm Nàng Quốc em nuôi mẹ già.

- Đồng Nai gạo trắng nước trong

Ai đi đến đó thì không muốn về.

- Ai về Gia Định thì về

Nước trong gạo trắng dễ bề làm ăn. 

- Anh đi anh nhớ Tháp Mười

Nhớ canh bông súng, nhớ nụ cười Mỹ An

- Trà Vinh có bún nước lèo,

Có chùa Ông Mẹt, ao đào Bà Om.

Trong một chừng mực nào đó có thể gắn sự giàu có sản vật tự nhiên với nét hoang sơ của môi trường. Vì thiên nhiên hoang vu nên tất cả các loài vật đều có điều kiện để sinh sôi nảy nở. Ngược lại, chính sự tồn tại của các loài trong tự nhiên một cách hoang dã với số lượng nhiều tạo nên chất hoang sơ, tính “sẵn có”:

- Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng

Về sông ăn cá về đồng ăn cua.

Bắt cua làm mắm cho chua

Gởi về quê nội khỏi mua tốn tiền.

- Đố anh mấy thứ cá đồng

Một câu nói gọn bao trùm mới hay?

Rằng: rô, trê, lóc, sặt, vảnh, chài

Ròng ròng, hủn hỉn lộn bầy lia thia.

- Bao phen quạ nói với diều

Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm.

- Vàm Nao có tự thuở nào

Cá hô kéo đến, bông lau rủ về.

- Bến Tre nước ngọt lắm dừa,

Ruộng vườn màu mỡ, biển thừa cá tôm.

Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn,

Nghêu sò Cồn Lợi, thuốc ngon Mỏ Cày.

- Bến Tre biển cá sông tôm,

Ba Tri muối mặn, Giồng Trôm lúa vàng.

Thế là qua ca dao, sản vật của từng vùng đất được giới thiệu mà theo ngôn ngữ kinh tế thị trường ngày nay là tiếp thị, là quảng cáo, chứng tỏ tư duy kinh tế của người dân Nam Bộ xưa.

(Còn tiếp)

HOÀNG NGUYÊN

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh