Nhắc chuyện Hổ giữ Lăng mộ

07:02, 13/02/2022

Nhân dịp Xuân Nhâm Dần - năm con Cọp 2022, xin mạn phép nhắc lại hình ảnh con Hổ dưới bàn tay của những nghệ nhân điêu khắc tài hoa đời nhà Trần. Đó là tượng Hổ đá ở lăng mộ Thái sư Trần Thủ Độ

 

Ảnh Hổ đá ở lăng mộ Trần Thủ Độ. Ảnh tư liệu
Ảnh Hổ đá ở lăng mộ Trần Thủ Độ. Ảnh tư liệu

Hào khí Đông A những năm giữa thế kỷ XIII. Với bản hùng ca 3 lần chiến thắng quân Nguyên - Mông của nước Đại Việt thời nhà Trần đã tạo nên sức bật cho nền văn học nghệ thuật của thế kỷ này.

Những thành tựu về quân sự, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật nhất là khí thế của một dân tộc chiến thắng xâm lăng phương Bắc đã nâng cao tinh thần tự hào dân tộc và trình độ thẩm mỹ của nhân dân, tiếp thu có chọn lọc những dòng nghệ thuật du nhập nội địa, đã tạo thành một nền nghệ thuật vô cùng độc đáo mang sắc thái mới.

Nhân dịp Xuân Nhâm Dần - năm con Cọp 2022, xin mạn phép nhắc lại hình ảnh con Hổ dưới bàn tay của những nghệ nhân điêu khắc tài hoa đời nhà Trần. Đó là tượng Hổ đá ở lăng mộ Thái sư Trần Thủ Độ

Thông qua các tài liệu chính sử và văn bia, thần phả, chúng ta được biết: Trần Thủ Độ (1194 - 1264) là vị quan đầy mưu lược dưới thời vua Lý được nhiều người suy tôn, là người có công lập nên triều nhà Trần với vị vua đầu tiên Trần Thái Tông (Trần Cảnh).

Trần Thủ Độ là người có bản lĩnh và cá tính, xử lý việc gì cũng thẳng thắn, quyết đoán, có thể nói ông là nhân vật trụ cột, một đại công thần, là người sáng lập và trực tiếp tham gia công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước những năm đầu thời kỳ nhà Trần.

Cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với nghiệp đế của họ Trần, với quá trình khôi phục và phát triển kinh tế- xã hội Việt Nam từ đống tro tàn của triều Lý vào thế kỷ XIII.

Chiến công oanh liệt đánh bại quân xâm lược Mông Cổ lần thứ nhất (1258) và câu nói bất hủ, khảng khái của ông trước nhà vua Trần Thái Tông thể hiện ý chí của người anh hùng: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”.

Sau khi Thái sư Trần Thủ Độ mất, thọ 70 tuổi, lăng mộ của ông được xây dựng vào năm 1264, ngày nay thuộc xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, tương truyền là có kiến trúc rất bề thế với nhiều tượng thú tạc bằng đá vô cùng tinh xảo.

Tuy nhiên, sau những biến động lịch sử, lăng đã rơi vào cảnh đổ nát và hoang phế. Đến thập niên 1960, trong lăng chỉ còn một tượng Hổ và một tượng đá vỡ không rõ hình thù.

Pho tượng Hổ bằng đá còn sót lại của lăng được coi là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc cũng như mỹ thuật thời Trần nói riêng, và là một tác phẩm nghệ thuật đẹp trong nền nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam nói chung. Vào năm 1962, pho tượng này đã được chuyển về trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Hà Nội.

Tượng Hổ đá được trang trí giữ vai trò canh gác lăng mộ, có kích thước gần như thật dài 1,43m, được các nhà điêu khắc tạo tác với một phong cách riêng, đó là lột tả một cách tài tình giữa cái tĩnh và cái động, tính cách dũng mãnh của một vị chúa sơn lâm ngay trong một tư thế rất thư thái nằm xoải dài, chân thu về phía trước, đầu ngẩng cao.

Tượng hổ tạo khối đơn giản, dứt khoát có chọn lọc và được sắp xếp một cách chặt chẽ, vững chãi. Sự trau chuốt của hình khối, những đường vằn đều đặn trên ức tạo nên những hoa văn trang trí tôn thêm vẻ đẹp của vị chúa tể sơn lâm.

Ở đây cái dũng mãnh của con Hổ không được bộc lộ mà được giấu kín trong sự nghỉ ngơi yên tĩnh, nhưng trong cái thế sẵn sàng trỗi dậy của một sinh lực dồi dào, ẩn giấu trong một thân hình vạm vỡ, một sức mạnh tiềm tàng đang chờ dịp để chồm lên của một chúa tể sơn lâm.

Thông qua hình tượng Hổ các nghệ nhân xưa cũng đã lột tả được vẻ oai nghiêm, đường vệ của Thái sư Trần Thủ Độ.

ANH TIẾN (Theo Mỹ thuật thời nhà Trần)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh