"Hãy sống và hy vọng"

06:02, 15/02/2022

Theo thông lệ, vào ngày rằm tháng Giêng hàng năm, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức "Ngày thơ Việt Nam" tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) và hoạt động này được diễn ra trên tất cả các tỉnh, thành phố.

 

Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời dâng hương nhân Ngày thơ Việt Nam.
Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời dâng hương nhân Ngày thơ Việt Nam.

(VLO) Theo thông lệ, vào ngày rằm tháng Giêng hàng năm, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức “Ngày thơ Việt Nam” tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) và hoạt động này được diễn ra trên tất cả các tỉnh, thành phố. Trong bối cảnh dịch bệnh, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 20 có chủ đề “Hãy sống và hy vọng”, tuy ở Vĩnh Long tổ chức trực tuyến nhưng Ngày thơ vẫn trọn vẹn ý nghĩa, tôn vinh lao động sáng tạo nghệ thuật, khởi đầu một năm mới đầy hy vọng.

Tôn vinh thi ca

Bắt đầu từ năm 2003, Ngày thơ Việt Nam được tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Những ngày tháng Giêng còn nồng ấm hương xuân, dưới ánh trăng tròn, những văn nghệ sĩ hội tụ, thưởng thức các tác phẩm thơ ca, cùng tưởng nhớ những bậc tiền bối, tôn vinh những giá trị cao đẹp của thơ ca truyền thống và quảng bá những câu thơ ra đời mang hơi thở cuộc sống.

Nhà thơ An Phương- Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long tự hào kể lại, Vĩnh Long vinh dự có những nhà thơ lớn như: Thượng Tân Thị, Nhiêu Tâm, Học Lạc, Phan Văn Trị,.. Nguyễn Hải Trừng với truyện thơ “Chú Hai Neo”, Truy Phong với tập “Lòng quê” nổi tiếng với bài “Một thế kỷ mấy vần thơ”.

Trong thời kỳ chống Mỹ có các nhà thơ: Nguyễn Minh Điền, Sa Giang Tử, Văn Tước, Kiên Tâm, Nguyễn Minh Quang, Sao Vàng, Trúc Phương, Song Hảo.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đội ngũ những tác giả thơ Vĩnh Long không ngừng phát triển và trưởng thành như: Trà Giang, Phan Phúc Bình, Lê Ánh, Thái Hồng, Mẫn Cán, Ngọc Mẫn, Hồ Tĩnh Tâm, Văn Quốc Thanh, Dương Thanh Thanh, Văn Lệ Trinh, Thúy Vân…

Các tác giả đã không ngừng lao động, sáng tác những áng thơ hay, làm lay động lòng người, mang thông điệp tích cực về cuộc sống.

Sau khi nhắc đến tầm quan trọng của thi ca và những đóng góp của nền văn nghệ đối với sự phát triển của tỉnh thời gian qua, chương trình của Ngày thơ ở Vĩnh Long luôn bắt đầu với bài thơ thần “Nam Quốc Sơn Hà”, kịch bản sân khấu hóa bởi Nghệ nhân Ưu tú Vũ Linh Tâm.

Trong không gian lắng đọng, không thể thiếu câu thơ “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài thơ “Nguyên tiêu” được Bác viết trong bối cảnh đêm rằm tháng Giêng năm 1948. Gần 60 năm sau, ngày bài thơ ra đời đã được chọn là Ngày thơ Việt Nam.

Ngày thơ đã được duy trì tổ chức 20 năm, tôn vinh những sáng tạo thi ca (ảnh chụp trước dịch).
Ngày thơ đã được duy trì tổ chức 20 năm, tôn vinh những sáng tạo thi ca (ảnh chụp trước dịch).

Đặc biệt, bài thơ được xếp vị trí đầu tiên trong tuyển tập “Một trăm bài thơ hay nhất Việt Nam thế kỷ XX”. Từ một đêm trăng đẹp trong tình đồng chí, đồng đội thân thiết, gắn bó đã khiến Bác liên tưởng và làm mới những tứ thơ đầy lạc quan.

“Nguyên tiêu” được viết trong khoảnh khắc. Và khoảnh khắc đã trở thành vĩnh cửu: “Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên/ Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên/ Yên ba thâm xứ đàm quân sự/ Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền” (Rằm xuân lồng lộng trăng soi/ Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân/ Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền).

Lan tỏa những niềm tin

Theo nhà thơ An Phương, dịch COVID-19 vẫn chưa chấm dứt, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp với Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long có kế hoạch ghi hình, phát sóng giao lưu thơ ca nhân Ngày thơ Việt Nam lần thứ 20.

Chương trình phát sóng trên các nền tảng số và mạng xã hội, phục vụ nhân dân, nhất là những người yêu thơ ca góp phần cổ vũ, nâng cao sức mạnh tinh thần đoàn kết vượt qua đại dịch. Đồng thời, những lời thơ, tiếng hát gửi gắm kỳ vọng vào những điều tốt đẹp nhất, khởi đầu cho đời sống văn nghệ cũng như khích lệ tinh thần văn nghệ sĩ tỉnh nhà trong năm mới Nhâm Dần.

Ngày thơ ở Vĩnh Long luôn bắt đầu với bài thơ thần “Nam Quốc Sơn Hà”, kịch bản sân khấu hóa bởi Nghệ nhân ưu tú Vũ Linh Tâm. Ảnh chụp trước dịch
Ngày thơ ở Vĩnh Long luôn bắt đầu với bài thơ thần “Nam Quốc Sơn Hà”, kịch bản sân khấu hóa bởi Nghệ nhân ưu tú Vũ Linh Tâm. Ảnh chụp trước dịch

Thơ ca chắt lọc từ tâm hồn của người nghệ sĩ, là những chiêm nghiệm qua bao thời gian, bao thăng trầm của cuộc đời và là kết quả của một quá trình lao động trí tuệ nhọc nhằn.

Thi ca không tách rời cuộc sống. Trong đại dịch, nhà thơ Sao Vàng với “Cuộc chiến thời bình”, Dũng Quân với “Những chiến binh thầm lặng”… hướng về những điều bình dị, ghi lại những khoảnh khắc, cổ vũ, động viên lực lượng tuyến đầu, các tầng lớp nhân dân chung tay phòng chống dịch.

Nhà thơ Thái Hồng cho rằng mỗi nhà thơ có phong cách riêng như mỗi loài hoa có đặc thù hương sắc. Tạo nên điều giá trị, ắt người nghệ sĩ phải đánh đổi bằng giọt mồ hôi, bằng những lần suy tư sửa đi sửa lại đến nhàu cả mảnh giấy chỉ vì một chữ trong câu chưa tròn ý.

“Muốn có một bài thơ hay thì chính mình phải là người kiểm duyệt trước nhất. Vì viết cái gì ra cũng là máu thịt của mình”- nhà thơ Thái Hồng bộc bạch.

Tác giả Diễm Linh thì cho rằng, thơ từ lâu đã trở thành bạn đồng hành của con người Việt Nam. Xét ở khía cạnh bình dân, thơ không kén chọn người tạo ra nó, không khắt khe đánh giá người tạo ra nó.

Giàu hay nghèo, sang hay hèn vẫn có thể làm thơ. Vui làm thơ. Buồn làm thơ. Lặng lẽ một mình làm thơ. Sum họp bên nhau cũng làm thơ... Những câu thơ mộc mạc, đơn sơ thể hiện cái tình, cái nghĩa của người làm thơ gửi gắm vào trong đó.

Diễm Linh chia sẻ: “Nói thế không có nghĩa rằng thơ dễ dãi. Vì ngoài thỏa sự đam mê, yêu thích làm thơ thì những vần thơ có sức sống lâu bền với thời gian luôn cần sự tài hoa, sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc của người cầm bút. Ở lĩnh vực sáng tác chuyên nghiệp, thơ mang lại cho cuộc sống con người nhiều điều tích cực”.

Sự ra đời và phát triển của công nghệ thông tin với đa dạng hình thức giải trí khiến cho thơ ca và một số loại hình văn hóa, nghệ thuật đứng trước nhiều thách thức. Nhưng dù ở thời đại nào thì thơ ca cũng có sức sống riêng.

Nỗ lực 20 năm duy trì tổ chức Ngày thơ, tôn vinh những sáng tạo là việc làm đầy ý nghĩa để tinh thần thơ ca vẫn lan tỏa trong đời sống, khơi nguồn cho những sáng tạo mới và thắp lên ngọn lửa cho những người trẻ yêu thơ.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh