22 giờ đêm 23/1/1970, một tiếng nổ long trời trên sông Măng Thít khiến đoạn giữa của cầu Mới nghiêng sang một bên và sáng hôm sau rơi hẳn xuống sông, làm giao thông trên lộ 70 (QL53 ngày nay) bị cắt đứt nhiều ngày. Khó có ai ngờ những người trực tiếp thực hiện chiến công vang dội ấy chỉ là hai phụ nữ bình thường của quê hương Tân An Luông anh hùng.
Đồng chí Nguyễn Thị Năm |
22 giờ đêm 23/1/1970, một tiếng nổ long trời trên sông Măng Thít khiến đoạn giữa của cầu Mới nghiêng sang một bên và sáng hôm sau rơi hẳn xuống sông, làm giao thông trên lộ 70 (QL53 ngày nay) bị cắt đứt nhiều ngày. Khó có ai ngờ những người trực tiếp thực hiện chiến công vang dội ấy chỉ là hai phụ nữ bình thường của quê hương Tân An Luông anh hùng.
Sau thất bại trong đợt tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân ta, chính quyền Sài Gòn ráo riết đôn quân bắt lính cùng với quân Mỹ phản kích dữ dội. Tại tỉnh Vĩnh Long, bên cạnh việc dùng chiến thuật trực thăng vận, thường xuyên đổ quân thọc sâu đánh phá các vùng căn cứ của ta, với ưu thế về xe cơ giới địch dựa vào liên tỉnh lộ 70 xuyên qua vùng ruột của tỉnh, cơ động quân “bình định cấp tốc” lấn chiếm nhiều vùng hai bên con đường này.
Trong tình hình đó, chiếc cầu Mới trên tỉnh lộ 70 có một đầu gối trên phần đất của xã Tân An Luông của huyện Vũng Liêm, như một gạch nối liền huyện này với các huyện vùng trên và thị xã Vĩnh Long, từ lâu đã lọt vào tầm ngắm của lực lượng du kích xã, nhằm cắt đứt giao thông, đánh thẳng vào chiến thuật nói trên của địch.
Cái khó mà chi bộ Đảng của xã gặp phải trong thực hiện ý đồ trên là do đây là cây cầu có kết cấu kiên cố nhất và có vai trò rất quan trọng đối với con lộ 70 nên thường xuyên có lực lượng canh giữ lên đến cả đại đội lính bảo an, hơn nữa sông Măng Thít lại là đường giao thông thủy chiến lược của địch, nối liền thủ phủ Sài Gòn với cả miền Tây Nam Bộ, giữ được cầu Mới cũng là cùng lúc giữ yên một đoạn dài thủy lộ có tính sống còn này, điều đó giải thích vì sao địch đã biến khu vực Cầu Mới trở thành một yếu khu quân sự mạnh.
Thực hiện quyết tâm phá hủy cầu Mới, Chi ủy xã cho rà soát các kế hoạch đánh cầu trước đó, nắm lại tình hình bố phòng của địch ở yếu khu và tại chiếc cầu, để vạch một kế hoạch thật cụ thể dựa vào kinh nghiệm của các đơn vị bạn vừa được cấp trên phổ biến, điều quan trọng là công trường xã phải tự lực chế tạo cho được một trái “thủy lôi” đủ sức đánh sập cầu chớ không thể ngồi chờ cung cấp.
Đồng chí Võ Thị Chuẩn |
Các đồng chí Văn Thành Hựu (Tám Hựu) và Nguyễn Văn Hiến (Sáu Hiến) là những cán bộ của công trường xã, được giao nhiệm vụ này. Đây là những người nhiều kinh nghiệm trong chế tạo nhiều loại vũ khí để đánh địch, dưới tay họ nhiều loại vũ khí tuy thô sơ nhưng rất “tinh quái” đã ra đời, khiến tên địch nào chạm phải dù một lần thì “nuôi cũng không lớn nữa”- một cách nói vui của anh em du kích xã.
Chúng là: lôi nòng ngược, các loại mìn tĩn nước mắm, mìn thùng mủ khiến các loại máy dò mìn của Mỹ bó tay, đặc biệt là các loại mìn hẹn giờ mà cách kích nổ là các động tác rất bất ngờ. Nhưng còn lần này là…thủy lôi!
Đồng chí Sáu Hiến nhớ lại : “Gọi là thủy lôi cho xôm chớ thật ra nó là một thùng phuy đựng xăng loại 200 lít, rất thông dụng lúc bấy giờ, có chứa chất nổ, để nó không cản nước khi di chuyển chúng tôi hàn thêm ở đầu thùng một cái chụp nhọn bằng thiếc như cho nó đội một cái nón lá. Thuốc nổ không lo lắm, vì từ trước, một cơ sở của xã móc nối mua được TNT loại miếng từ Campuchia, loại này nấu ra đổ đầy thùng phuy phải hết 350kg, với lượng nổ như thế ước lượng nó có thể hất tung một phần cầu theo yêu cầu đề ra. Bộ phận kích nổ chậm của trái có một đồng hồ để hẹn giờ, việc này cũng không khó vì công trường xã đã từng làm”.
Công việc chế tạo trái thủy lôi coi như đã ổn, việc còn lại cũng khá gay go là làm thế nào qua được mắt địch đưa trái nổ to như thế vào đúng vị trí, bởi từ nơi công trường đang đóng ở ấp Bàu Xép muốn đi ghe ra tới cầu Mới phải theo con rạch Dầy mà găng nhất là đi qua đồn Rạch Dầy và đồn vàm Gò Ân.
Đồng chí Ba Sơn là cán bộ kinh tài xã gỡ cái khó này bằng cách chế ra một bộ phận rất đặc biệt gắn dưới lườn ghe máy có tải trọng khoảng 15 tấn để neo trái.
Bộ phận này có một cái chốt trông đơn giản và dễ điều khiển nhưng công dụng rất tuyệt là khi ghe đang chạy muốn trái rời khỏi ghe thì cứ rút một cái chốt, trái nổ lúc đó sẽ rời khỏi ghe theo quán tính của ghe đang chạy tự lao tới theo hướng mũi ghe. Lúc neo trái vào ghe, ghe bị khẳm nên phải ngụy trang bằng nhiều bao trấu để địch ngỡ là do ghe đang chở nhiều lúa, như thế coi như tạm yên chí.
Vấn đề có tính quyết định là chọn người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đánh cầu theo phương án đã được điều nghiên, họ nhất thiết phải thật dũng cảm, giỏi ứng phó và quan trọng là có điều kiện ra vào vùng địch một cách hợp pháp nhiều lần, nên thông thạo luồng lạch vào đến cầu.
Hai nữ đồng chí du kích mật Võ Thị Chuẩn và Nguyễn Thị Năm đáp ứng các tiêu chuẩn này. Phương án đánh cầu cũng hoàn toàn khác, Chi ủy xã quyết định không đánh vào ban đêm như thường làm mà chọn thời điểm địch bất ngờ và mất cảnh giác nhất trong ngày tại đây theo các điều nghiên, đó là vào lúc buổi làm việc ban chiều sắp hết.
Đúng 16 giờ 30 chiều ngày 23/1/1970, trái được lắp xong vào vị trí dưới lườn ghe, hai nữ đồng chí du kích mật đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ, với đồng chí Võ Thị Chuẩn được chỉ định là người chỉ huy, bộ phận kích nổ chậm của thủy lôi lập tức được kích hoạt có thời gian dự phòng cho tình huống khó khăn cùng với lệnh xuất phát được ban ra.
Để hỗ trợ cho chiếc ghe mang thủy lôi đi trót lọt, lực lượng du kích xã được lệnh áp sát 2 đồn địch trên đường đi, trong tình huống xấu nhất họ sẽ nổ súng giải vây cho chiếc ghe mở hết tốc lực thoát đến đích.
Dự phòng này có vẽ không thừa, khi ghe đi ngang qua đồn Rạch Dầy thì có một tên lính ra đón kêu ghe ghé vào, vừa lúc ấy cũng có một chiếc ghe máy khác chạy phía sau nên chị Chuẩn sáng ý xởi lởi: “Sếp ơi, thông cảm ghe chở lúa khẳm lở trớn khó ghé quá!”, may là hắn cho qua nên tình hình phức tạp không xảy ra. Về sau qua điều tra mới biết sở dĩ tên lính đồng ý cho ghe đi qua vì hắn đón ghe không phải để kiểm tra mà nhờ ghe dòng một chiếc trẹt đang đậu ở cửa đồn, việc này được chiếc ghe chạy sau ghe chị Chuẩn thay thế.
Vượt qua sự cố ban đầu, ghe tiếp tục đi qua đồn vàm Gò Ân ra sông Măng Thít an toàn, từ đây cầu Mới đã hiện ra trong tầm mắt. Ghe theo dòng nước tiến nhanh về phía giữa cầu, còn cách gần 20m, chị Chuẩn theo như hướng dẫn trước lúc nhận lệnh tại điểm xuất phát, bình tĩnh rút chốt cho trái nổ rời khỏi ghe rồi thong dong cho ghe chạy tiếp qua dạ cầu.
Để không bị bọn lính gác cầu chú ý, hai chị cho ghe qua khỏi cầu một đoạn khá xa mới quay trở lại, họ về đến căn cứ lúc 20 giờ đêm đó, tại đây mọi người hồi hộp ngồi đếm thời gian chờ thủy lôi khai hỏa, đúng 22 giờ một tiếng nổ long trời phát lên từ hướng cầu Mới…
Sáng hôm sau, cơ sở ta tại cầu Mới về căn cứ báo cáo: nhịp giữa của cầu sau khi trái nổ- đã nghiêng sang một bên, sáng sớm một xe chở hàng liều lĩnh qua cầu đã cùng với nhịp giữa rơi xuống sông, giao thông trên lộ 70 hoàn toàn bị cắt đứt từ đó, bọn địch tại yếu khu vô cùng bàng hoàng…
Có thể thấy, đánh sập cầu Mới là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn nếu so với khả năng của lực lượng tại chỗ như xã Tân An Luông.
Suy cho cùng, trái thủy lôi của xã cũng là một loại vũ khí thô sơ, song với lòng quả cảm và sự quyết tâm của cả một tập thể ở địa phương từ người dân bình thường đi nắm tình hình tìm sơ hở của địch, anh cán bộ công trường, cán bộ kinh tài xã gốc là nông dân quen cầm cuốc cày hơn là chế tạo các chi tiết của vũ khí, cho đến những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đánh cầu như chị Chuẩn, chị Năm đều là những người nội trợ bình thường…
Dưới sự chỉ đạo của Chi ủy xã, họ kết hợp rất ăn ý tạo ra một vụ nổ long trời bẻ gãy cầu Mới làm nên một chiến công vang dội mừng năm mới 1970, một thời điểm mà phong trào cách mạng tại tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, đang cần những cú hích như thế để mọi người hăng hái xông lên sống mái với kẻ thù.
HỒNG VÂN
(theo lời kể của đồng chí Nguyễn Văn Hiến)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin