Văn hóa, nghệ thuật của tỉnh nhà vừa bước qua một năm đầy khó khăn trước ảnh hưởng của dịch COVID-19. Sự chuyển dịch và thích nghi của các lĩnh vực văn hóa- văn nghệ trong một năm dịch bệnh mở ra những sáng tạo mới, góp phần cổ vũ tinh thần người dân, tuyến đầu chống dịch.
Tỉnh Vĩnh Long nỗ lực giữ gìn và phát triển những sản phẩm độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. |
Văn hóa, nghệ thuật của tỉnh nhà vừa bước qua một năm đầy khó khăn trước ảnh hưởng của dịch COVID-19. Sự chuyển dịch và thích nghi của các lĩnh vực văn hóa- văn nghệ trong một năm dịch bệnh mở ra những sáng tạo mới, góp phần cổ vũ tinh thần người dân, tuyến đầu chống dịch. Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, nhiều kỳ vọng văn hóa sẽ có bước chuyển biến, ghi dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.
Thích ứng trong điều kiện khó khăn
Theo ông Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong năm 2021, sở đã thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức hoạt động trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch; tập trung triển khai tuyên truyền, cổ động trực quan, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phục vụ người dân đạt hiệu quả.
Đặc biệt, trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao khi được phép diễn ra đều an toàn, hiệu quả và đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế.
Ứng dụng công nghệ số, những buổi trưng bày, triển lãm được tổ chức trực tuyến. Chương trình văn nghệ không thể biểu diễn trực tiếp tại cơ sở, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật bắt đầu thực hiện biểu diễn livestream, thu âm tân nhạc, vọng cổ, câu chuyện truyền thanh,… phát trên mạng xã hội.
Các hoạt động trên thu hút trên 28.000 lượt xem (trong đó livestream 12 buổi thu hút 23.273 lượt xem). Tuy đây là hình thức hoạt động mới nhưng lượt khán giả xem chương trình tăng dần qua các buổi livestream, từ vài trăm lượt người xem, lên đến vài ngàn người.
Qua đó, cho thấy công tác tuyên truyền bước đầu đạt hiệu quả và tạo được sự lan tỏa đến quần chúng nhân dân. Sân khấu đặc biệt khi không có khán giả xem trực tiếp, nhưng những nghệ sĩ vẫn cháy hết mình góp phần lan tỏa năng lượng tích cực hơn trong lúc chống chọi với dịch bệnh.
Đài truyền thanh ở 8 huyện- thị xã- thành phố với 1.852 cụm loa tuyên truyền phòng chống dịch, cập nhật tin tức thời sự, giới thiệu sáng tác nghệ thuật chủ quyền biển đảo Việt Nam… Trong điều kiện dịch bệnh, giãn cách xã hội, thông tin nóng nhất mà ai cũng quan tâm là số ca nhiễm, diễn biến dịch bệnh ra sao, hệ thống loa truyền thanh càng phát huy tác dụng.
Ông Trần Ngọc Tài- Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Bình Tân cho biết: “Để đảm bảo cho các trạm truyền thanh hoạt động liên tục, cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, khắc phục sửa chữa. Xe loa đến từng ngõ, các pa nô tuyên truyền trực quan xuất hiện cùng các khung, bảng chốt kiểm dịch, bảng hướng dẫn giao thông, nội quy khu cách ly, khu cách ly tập trung…
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân, người dân nâng cao nhận thức, chấp hành tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về thực hiện công tác phòng chống dịch. Từ đó, thay đổi hành vi có trách nhiệm hơn với cộng đồng”.
Giới văn nghệ sĩ Vĩnh Long nỗ lực chung tay phòng chống dịch bệnh với nhiều tác phẩm về đề tài COVID-19. Những bài vọng cổ, những câu hát, bức vẽ, bài thơ… tiếp thêm sức mạnh tinh thần, nhân lên niềm tin vào ngày mai bình yên.
Sáng tạo văn học, nghệ thuật đề cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội, phản ánh chân thật, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới của tỉnh. Những tác phẩm đã cổ vũ, khẳng định cái đúng, cái đẹp, đồng thời lên án cái xấu, phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm con người.
Nhiều kỳ vọng mới
Theo ông Trần Thanh Sơn- Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, một năm trải qua đầy khó khăn bởi dịch bệnh nhưng đây là hiện thực, là chất liệu cho những sáng tác văn học, nghệ thuật. Đã có nhiều tác phẩm ra đời, từ những phác thảo sơ khởi, suy tư ban đầu trở thành chất liệu để nghiền ngẫm cho những sáng tác về sau, đặt ra vấn đề để nhân loại nhìn nhận lại mình.
Ông Trần Thanh Sơn nhấn mạnh, năm 2021 cũng rất đặc biệt với giới văn nghệ sĩ, những người hoạt động văn hóa, nghệ thuật nói chung bởi sự kiện Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức. Hội nghị đánh giá kết quả 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, khẳng định vai trò to lớn của văn hóa trong sự phát triển bền vững đất nước; nghiên cứu, thảo luận về những thành tựu, hạn chế trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam…
“Khi xã hội thay đổi mà văn hóa không thay đổi kịp sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay như sự xuống cấp đạo đức xã hội, nhiều hành vi lệch chuẩn… Chúng tôi kỳ vọng sau hội nghị, Đảng, Nhà nước tiếp tục đầu tư quan tâm để văn hóa, văn nghệ có nhiều cơ hội đóng góp vào sự phát triển đất nước. Ngay sau hội nghị, hội văn nghệ của các tỉnh đã bắt tay vào soạn thảo ý kiến gửi đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện nghị định mới về văn hóa, văn học nghệ thuật”- Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh chia sẻ.
Đánh giá công tác văn hóa, văn nghệ trong thời gian qua và đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong năm mới, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy- Trần Văn Ý nêu ra các giải pháp: Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh về nếp sống văn hóa, văn minh gắn với đẩy mạnh thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Tập trung xây dựng con người Vĩnh Long phát triển toàn diện, hướng các hoạt động vào việc xây dựng con người có thế giới quan khoa học, có nhân cách, lối sống đẹp với các đặc tính cơ bản “yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”. Cùng với đó, tăng cường giáo dục thẩm mỹ gắn với giáo dục thể chất, đạo đức, kỹ năng xã hội cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên. Xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật, tôn trọng đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “tương thân tương ái”…
Trước những thách thức cũng là cơ hội, trên nền tảng kế thừa những giá trị nhân văn của dân tộc, tiếp thu tinh hoa mới, văn hóa- nghệ thuật đồng hành cùng cuộc sống, để trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin