Đã mấy mươi năm rồi không nhớ, mới lại được đi câu trên sông Vàm Nao. Câu cá mà cũng không chỉ vì câu cá, mà "câu" cả những nỗi niềm neo đậu dưới đáy sông.
Chưa móc mồi, mới thả câu thử phao đã dính con vồ đém trên sông Vàm Nao. |
(VLO) Đã mấy mươi năm rồi không nhớ, mới lại được đi câu trên sông Vàm Nao. Câu cá mà cũng không chỉ vì câu cá, mà “câu” cả những nỗi niềm neo đậu dưới đáy sông.
1. Lần này, đứng trước sông có gì đó quá nhiều bâng khuâng, tư lự và cũng là tâm thế đón chờ dự cảm trong lòng.
Lại nhớ câu “Chiết kích trầm sa mạc vị tiêu”, ý rằng cây kích gãy trong trận chiến ngày xưa chôn vùi dưới cát vẫn còn nguyên đó. Thì lòng người cũng chẳng dễ dàng quên được những vui buồn cùng bến nước và khi có lý do để mà khơi gợi, mà dậy lên trong lòng để rồi “nhắc chuyện xưa mà nhớ người xưa”:
“Con lại về thăm tuổi thơ ngây
ngoại dắt tay con qua những lối mòn tần tảo,
mặn chát lời rao thổn thức mùa bán dạo
trái mặc nưa lăn tròn trên miền lụa Tân Châu.
Con về soi đáy sông sâu
còn in bóng cũ hanh hao dáng gầy
ngỡ vừa qua một cơn say
giật mình tóc trắng nở đầy giấc mơ”
(Qua bến Vàm Nao)
Vậy đó, nên sau bao nhiêu năm mới lại đi câu trên khúc sông này, thì niềm vui giật cần nặng tay là niềm vui của cả hồi ức nó dồn lại, nên dính con cá he lại nhớ cả đồng nước nổi, giật con mè vinh, vồ đém mà thấy tràn về hình ảnh của cả dòng sông thời thơ ấu.
Rồi nỗi nhớ dắt dây cái thời mấy anh em xách thùng theo ba đi kéo bò vào những mùa nước kiệt. Kéo bò là sự sáng tạo của người miền Tây chuyển hình thức chất chà vào trong những cái bò (giống như cái ky xúc cát khổng lồ đan bằng tre).
Đó là cái thời cá lăng, chạch lấu… tính bằng ký, một con cá thôi là đã nằm đầy nồi canh to đùng, nhà đông con mặc sức mà xì xụp chan húp.
Sông Vàm Nao tính từ đầu cù lao Ông Chưởng (Chợ Mới) để chuyển nước từ sông Tiền qua sông Hậu mỗi khi nước thượng nguồn đổ xiết, đã tạo nên khúc sông hào phóng nhất vùng hạ lưu Mekong ban phát cá tôm hằng hà sa số, mà giờ nhắc lại khác nào chuyện nói dóc.
Như anh Bảy ở xóm, hồi đó cất được nhà ngói là nhờ cào dính hai “ông cá hô” khủng. Còn xa xa chút nữa, như bác Tư xóm trên kể, hồi đó nằm ngủ nghe cá hô đập nước ngoài sông là biết cá hô lớn hay nhỏ, nếu lớn là bật dậy ôm lưới ra sông, còn nhỏ nhỏ thì làm biếng ngủ tiếp để đó sáng ra bắt.
Bởi cá hô là loại quậy ổ nằm vùng không “đi” như cá bông lau. Mà cá hô nhỏ theo người dân nghề cá hồi xưa là chỉ tầm 50- 60kg, phải trên trăm ký mới tính là cá lớn. Chuyện câu lưới trên dòng sông này kể biết chừng nào cho hết.
Câu trên sông Vàm Nao, một cú giật dính luôn 2 con cá he. |
2. Nhưng với tôi, Vàm Nao không chỉ là chuyện cá mắm, không chỉ là chuyện “nao lòng” vì sóng to, nước xoáy, mà còn vì một điều đặc biệt:
“Sông Vàm Nao chia nội- ngoại đôi bờ
lòng con cũng chan đầy về hai phía
mỗi bận qua đò mỗi lần con tự hỏi
bến nước nào ba gặp má ngày xưa?”
(Qua bến Vàm Nao)
Gió ngoài sông cái trở lạnh khi đêm đã về khuya, tiệc cũng “chìm sâu” vào những câu chuyện hồi xưa. Những con cá vừa câu buổi sáng chế biến thành nhiều món, nó như cái cớ để mấy anh em ngồi nhắc lại một thời xa lơ, xa lắc. Thời gian chỉ được định vị bằng câu cửa miệng “hồi đó…” hoặc áng chừng bằng chu kỳ bồi lở của bến sông.
Và cũng bao nhiêu lần ta phải nhói lòng, mỗi khi trong câu chuyện “hồi đó” lại vắng thêm những người thân. Âu cũng là cái lẽ tuần hoàn như con nước lớn ròng, như cái quy luật của nhân sinh quan “sinh ký, tử quy”.
Mà nói thì nói vậy, mình chẳng thể nào đạt ngộ được nỗi đau trần thế bằng sự “tri liễu” (thấu hiểu) của bậc thánh nhân, thiền định, mình chỉ tầm thường trong cõi hỷ, nộ, bi ai… cứ tự nhiên khóc, cười, tự nhiên bày lộ mọi điều sâu kín trong lòng.
Như câu nói đơn giản mà đầy chất triết lý sâu xa của người Nhật rằng: “Bởi vì chúng ta là những thường nhân” (washitachi ha bônjin dakara), vậy nên chúng ta cứ sống và nghĩ suy theo cái cách bình thường, hoặc người khác cho là tầm thường cũng được.
Vấn đề là cần có ai đó thật lòng ngồi sẻ chia câu chuyện cùng ta, những lúc vui và cả những khi nỗi buồn ập tới.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin