Tái diễn nhiều tác phẩm cải lương mừng Nhà hát Trần Hữu Trang 45 tuổi

04:12, 24/12/2021

Chương trình nghệ thuật tái hiện các trích đoạn cải lương vang bóng một thời sẽ được trực tuyến trên các nền tảng số của Sở VHTT TP HCM và Nhà hát Trần Hữu Trang tối nay 24/12

 

 NSND Bạch Tuyết và NSND Minh Vương trong vở
NSND Bạch Tuyết và NSND Minh Vương trong vở "Đời cô Lựu"

Chương trình nghệ thuật tái hiện các trích đoạn cải lương vang bóng một thời sẽ được trực tuyến trên các nền tảng số của Sở VHTT TP HCM và Nhà hát Trần Hữu Trang tối nay 24/12

Chương trình do đạo diễn NSƯT Lê Trung Thảo dàn dựng, tái hiện các trích đoạn như: "Chim Việt cành Nam", "Rạng ngọc Côn Sơn", "Nàng Xê Đa", "Đời cô Lựu", "Truyện cổ Bát Tràng", "Tô Ánh Nguyệt", "Dương Vân Nga", "Kiều Nguyệt Nga", "Chiếc áo Thiên Nga", "Rồng Phượng"…

Tham gia chương trình biểu diễn trực tuyến lúc 19 giờ tối 24-12 có các nghệ sĩ: Lê Tứ, Hà Như, Võ Minh Lâm, Lam Tuyền, Tú Sương, Lê Hồng Thắm, Tâm Tâm, Quỳnh Hương, Lý Thu, Tô Tấn Loan, Võ Hoài Long, Hoàng Hải, Diễm Kiều, Minh Trường, Nhã Thy, Thy Trang, Thy Phương, Kim Thùy, Mỹ Linh…

Nhà hát Trần Hữu Trang được thành lập sau ngày miền Nam giải phóng, chính thức ngày 15-9-1976, Bộ Văn Hóa thời đó đã ra quyết định số 119/VH-QĐ, đổi tên rạp hát Hưng Đạo thành Nhà hát Ca Kịch Cải Lương Trần Hữu Trang trên cơ sở ba nguồn lực lượng nghệ sĩ gồm: Đoàn Cải lương Giải Phóng trong chiến khu R; Đoàn Cải lương Nam Bộ gồm các nghệ sĩ tập kết từ miền Bắc về và lực lượng nghệ sĩ ở Sài Gòn thời đó như: NSND Út Trà Ôn, NSND Bạch Tuyết, NSND Ngọc Giàu, NSND Minh Vương, NS Phượng Liên…

 Các nghệ sĩ tiền bối của sân khấu cải lương trong vở
Các nghệ sĩ tiền bối của sân khấu cải lương trong vở "Đời cô Lựu" năm 1958 (ảnh Huỳnh Công Minh)

Năm 1998, Nhà hát Ca kịch Cải lương Trần Hữu Trang được sáp nhập với Đoàn Văn Công Thành phố (Tiền thân là đoàn Văn Công Khu Sài Gòn – Gia Định) và được đổi tên thành Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang theo quyết định của UBND TP HCM.

NSND Ngọc Giàu đánh giá 45 năm qua Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang được xem là "cánh chim đầu đàn" của nền nghệ thuật sân khấu Cải lương phía Nam. "Cho đến hôm nay, Nhà hát đạt được thành tựu to lớn là nhờ vào những đóng góp, sự tận hiến của nhiều thế hệ nghệ sĩ đã từng gắn bó với Nhà hát, xem như mái nhà chung, xem cải lương như hơi thở của chính mình.

Tôi có 13 năm gắn bó với Nhà hát và có nhiều vai diễn hay như: Lục Vân Tiên trong vở "Kiều Nguyệt Nga", bà mẹ du kích trong vở "Tình yêu và lời đáp", bà mẹ trong vở "Hòn đảo thần vệ nữ"…

Sau này, khi mô hình sân khấu xã hội hóa ra đời, ông Phan Quốc Hùng thời đó là giám đốc, đã bật đèn xanh cho nhóm nghệ sĩ thế hệ Vàng của chúng tôi thành lập Sân khấu Vàng, tôi đã diễn vở "Tình mẫu tử" của soạn giả Viễn Châu. Biết bao kỷ niệm ùa về khi nhắc đến thương hiệu cải lương của TP mang tên Bác" – NSND Ngọc Giàu nhắc lại.

NSND Lệ Thủy tin tưởng với những giá trị cao đẹp và tinh thần lao động nghệ thuật bền bỉ, dù đang đối mặt với nhiều khó khăn, bà đặt niềm tin vào lực lượng nghệ sĩ kế thừa. "Các diễn viên trẻ sẽ tiếp nối và phát huy, xem thành tựu 45 năm qua là động lực để tiếp tục phấn đấu, mang nghệ thuật Cải lương bay cao, bay xa..." – NSND Lệ Thủy bày tỏ.

Theo Thanh Hiệp/Báo Người Lao Động (ảnh do NSCC)

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh