Sông Long Hồ- Dòng sông lịch sử

09:12, 26/12/2021

Sông Long Hồ bắt nguồn từ sông Cổ Chiên- một nhánh của sông Tiền chảy dài từ TP Vĩnh Long đến các huyện Long Hồ, Mang Thít. Khi chảy đến chợ Ngã tư Long Hồ thì chia thành hai nhánh.

 

Sông Long Hồ- “chứng nhân” cho quá trình xây thành Vĩnh Long và lập chợ Long Hồ.
Sông Long Hồ- “chứng nhân” cho quá trình xây thành Vĩnh Long và lập chợ Long Hồ.

Sông Long Hồ bắt nguồn từ sông Cổ Chiên- một nhánh của sông Tiền chảy dài từ TP Vĩnh Long đến các huyện Long Hồ, Mang Thít. Khi chảy đến chợ Ngã tư Long Hồ thì chia thành hai nhánh.

Một nhánh rẽ phải theo sông Cái Cau chảy đến ngã ba Xã Sĩ, một nhánh chảy vào xã Hòa Tịnh và Bình Phước của huyện Mang Thít. Sông Long Hồ có chiều dài 8km, là tuyến đường thủy quan trọng và dẫn nước ngọt, phù sa về các cánh đồng màu mỡ. Dòng sông còn ôm trọn vào lòng cả một dòng chảy lịch sử.

“Chứng nhân” xây thành, lập chợ

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí Lục tỉnh Nam Việt tập hạ miêu tả sông Long Hồ có nước ngọt quanh năm, “chảy đến thì khuất khúc, chảy đi thì là đà, chảy ngang ra thì đi quanh co, tích tụ lại thì đứng trong trẻo, bốn mùa nước ngọt, quanh lộn trong các châu chử thôn lạc, có chỗ như lâm động, có chỗ thành vực đầm, nên gọi là Long Hồ. Chảy quanh trước tỉnh thành hiệp với Tiền Giang, hình thế như một hùng quan thiên tạm vậy”.

Xét về quy mô, ở Vĩnh Long, ngoài sông Tiền, sông Hậu, sông Mang Thít, dọc bờ sông Cổ Chiên và sông Hậu có trên 100 kinh rạch lớn nhỏ. Sông Long Hồ là một trong 14 con sông đổ ra sông Cổ Chiên.

Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, sông Long Hồ ở phía tả cùng với 3 con sông khác gồm: Ngư Câu ở phía hữu (tức rạch Cái Cá hiện nay), phía sau là sông Cổ Chiên (vị trí từ sông Cổ Chiên hiện nay nhìn vào TP Vĩnh Long), trước có cừ mới (sông Cầu Lầu) cùng với châu Bích Trân (tức bãi đất chạy dài cặp theo sông Cổ Chiên phía bên cù lao An Bình ngày nay).

Nhận thấy đây là nơi hiểm yếu, thuận cho việc tiến thủ, bảo vệ thành Gia Định, thuận lợi về giao thông, ruộng vườn tươi tốt, phì nhiêu, ngày 22/2 năm Gia Long thứ 12 (1813), triều đình nhà Nguyễn lệnh cho quan Khâm mạng trấn thủ Lưu Phước Tường của Vĩnh Thanh Trấn xây thành Vĩnh Long tại địa phận thuộc Phường 1, TP Vĩnh Long ngày nay.

Thành được đắp bằng đất, “xây lưng hướng Kiền (Tây Bắc), xây mặt hướng Tốn (Đông Nam), từ phía Nam qua phía Bắc cách 200 tầm, từ Đông qua Tây cũng vậy, 4 mặt thành chỗ giữa hũng vô, ngoài có khúc thành bao vòng chỗ cửa thành, hình cong ra như đầu ngọc khuê, bốn góc thành có sừng nhọn như hình kim quy, lại như hình hoa mai…

Hào rộng 10 tầm, phía tả thành này có sông Long Hồ, phía hữu có Ngư Câu, mặt sau có sông lớn, mặt trước thành có đào đường cừ sâu dài 425 tầm, ngang 40 tầm lưu thông với sông Long Hồ và Ngư Câu để làm hào thành ngoại”. Nói về tầm quan yếu của thành, sách Gia Định thành thông chí cũng chung nhận định “thật là yếu địa có hình thắng vậy”.

Không những đóng vai trò quan trọng trong chính trị, quân sự, sông Long Hồ còn là “mắt xích” trọng yếu trên đường giao thương giữa các địa phương trong tỉnh và khu vực Sài Gòn, Gia Định lúc bấy giờ.

Huỳnh Minh trong quyển “Vĩnh Long xưa và nay” từng đề cập: “Từ Vĩnh Long có ghe chài, có đò máy chuyên chở hàng hóa tải tới Sài Gòn xuyên qua các tỉnh ở Hậu Giang đi ngõ sông Cửu Long, sông Cổ Chiên, sông Long Hồ và các kinh đào vô tận làng mạc chở lúa gạo, cây trái tiếp tế cho tỉnh lỵ.

Khi xưa có tàu lục tỉnh từ Sài Gòn xuống Châu Đốc đi ngang qua ghé Vĩnh Long bỏ hàng hóa. Ngày nay hãng tàu không còn chạy nữa, có các ghe chài của các hãng thầu người Huê Kiều thay thế tải đồ các tỉnh về Hậu Giang, thế thì Vĩnh Long có 2 trục giao thông dân sự song song, giúp cho nền kinh tế ở đây càng thêm sung túc”.

Sự sung túc này còn thể hiện cách đây gần 300 năm, sau khi thành lập Long Hồ dinh vào năm 1732 tại vàm sông Long Hồ đã hình thành một khu chợ ở bến đá phía Phường 5, TP Vĩnh Long ngày nay và sớm trở thành trung tâm đầu mối của miền Tây với các vùng Sài Gòn, Gia Định. “Hai mặt giáp sông, phố xá liên tiếp, trăm món hàng hóa tập hợp đủ cả; chạy dài đến 5 dặm, ghe thuyền đậu đầy bến sông”- Đại Nam Nhất Thống Chí miêu tả.

Vào giữa thế kỷ XIX, theo thống kê Vĩnh Long có 19 chợ trong tổng số 93 chợ lớn nhỏ của Nam kỳ lục tỉnh, thì chợ lớn nhất của Vĩnh Long thời bấy giờ vẫn là chợ Long Hồ. Sau khi thực dân Pháp chiếm thành Vĩnh Long, chợ Long Hồ dời qua Phường 1, TP Vĩnh Long như hiện nay.

Sở hữu nhiều di tích lịch sử văn hóa

Từ buổi đầu khẩn hoang, lập làng, vùng đất Long Hồ dinh xưa đã ghi nhận dòng di cư của người Việt và người Hoa đến đây lập nghiệp, chúa Nguyễn đặt tên làng của người Hoa là làng Minh Hương.

Sau người Minh Hương, dưới triều đại nhà Thanh (Trung Quốc) có một số người của các phủ: Minh Ba, Phước Châu, Tuyền Châu, Quảng Châu, Tiều Châu và Quỳnh Châu thuộc các tỉnh Trực Lệ, Phước Kiến, Quảng Đông sang Vĩnh Long lập nghiệp, được nhà Nguyễn cho phép lập ban hội gọi là Thanh Hương Thất phủ.

Trong quá trình di dân và định cư ở vùng đất Long Hồ dinh xưa, việc đầu tiên của những cư dân khi đến đây là chọn nơi thích hợp để thích ứng với thiên nhiên. Trong đó, dọc hai bên bờ sông Long Hồ, phù sa lắng đọng tạo nên vùng đất màu mỡ được cư dân tập trung đến dựng nhà, làm ăn sinh sống và làng mạc nơi đây cũng bắt đầu hình thành từ đó.

Sau khi lập làng, ổn định cuộc sống, người Việt bắt đầu dựng đình làng thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, lập đền miếu, chùa chiền để cúng thần linh và chư Phật. Còn người Hoa khi di dân vào vùng đất mới, cư trú thành từng cụm xen kẽ với người Việt, đồng thời xây dựng chùa, đền, miếu thờ Ông Bổn, bà Thiên Hậu, Quan Công… Từ đó, dòng sông Long Hồ ghi nhận nhiều di tích được tạo lập đến nay có tuổi thọ hàng trăm năm, tạo nên điểm khác biệt lớn so với những sông khác trong tỉnh.

Thống kê ban đầu từ đầu nguồn ngã ba sông Cổ Chiên chảy qua các phường: 1, 4, 5 (TP Vĩnh Long), đến xã Thanh Đức, Long Phước và thị trấn Long Hồ (Long Hồ) và xã Long Mỹ (Mang Thít), dọc hai bên sông Long Hồ có 8 cơ sở tín ngưỡng của người Việt, 4 cơ sở tín ngưỡng của người Hoa.

Dọc hai bên bờ sông có nhiều di tích cấp quốc gia, trong đó có Văn Thánh miếu (Phường 4- TP Vĩnh Long). Ảnh chụp trước dịch COVID-19
Dọc hai bên bờ sông có nhiều di tích cấp quốc gia, trong đó có Văn Thánh miếu (Phường 4- TP Vĩnh Long). Ảnh chụp trước dịch COVID-19

Các cơ sở tín ngưỡng này có niên đại sớm từ cuối thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX. Bên cạnh đó, nơi đây cũng hình thành 20 cơ sở tôn giáo khác nhau có niên đại từ giữa thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX. Trong đó, người Việt có các cơ sở tín ngưỡng mang giá trị tiêu biểu như: Văn Thánh miếu, đình làng Long Hồ, miếu Bà Chúa Xứ, đình Long Thanh, đình Long Mỹ, miếu Bà Cây Trôm, nhà thờ họ Mai, chùa Long Phước, chùa Thanh Châu… Người Hoa có các di tích: Thiên Hậu miếu, Thất Phủ miếu, Minh Hương hội quán, Long Hưng hội quán…

Thông qua các di tích, chúng ta nhận ra có nhiều di tích, cơ sở tôn giáo được xây dựng quy mô lớn, bằng danh mộc, với nhiều hiện vật giá trị chứng tỏ cư dân hai bên dòng sông Long Hồ có đời sống kinh tế khá giả, tinh thần phong phú.

Trải qua chiều dài lịch sử, các di tích nơi đây từng gắn liền quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm, góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc và chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, nhân văn sâu sắc, vì thế nhiều di tích, cơ sở tín ngưỡng trên dòng Long Hồ ngày nào giờ đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, bao gồm 3 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (Thất Phủ miếu, Văn Thánh miếu, đình Long Thanh) và 4 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh (đình Long Hồ, Minh Hương hội quán, chùa Long Khánh, đình Long Mỹ).

Hàng năm, tại các di tích diễn ra nhiều lễ hội văn hóa, truyền thống quan trọng, đình có lễ hội Thượng điền, Hạ điền, tam niên đáo lệ Kỳ yên; chùa có lễ cúng rằm tháng giêng, tháng bảy và tháng 10 âm lịch; di tích người Hoa có những lệ cúng Phước Đức Chánh Thần, vía Bà, vía Ông… thu hút rất đông tín đồ, phật tử và nhân dân đến hành hương và tham dự lễ hội để cầu mong quốc thái dân an, gia đạo bình yên.

Bài, ảnh: MINH TRIẾT

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh