Nghe tin NSƯT Thanh Kim Huệ mất thật đột ngột, tim thắt lại. Kể từ đây, thật sự Lan đã "cắt đứt dây chuông và lạnh lùng khép cổng"- sao chị lại bỏ dở giữa chừng câu vọng cổ mà đi. Chị đi nhưng tiếng hát vẫn mãi vang vọng giữa đời, vì sẽ chẳng thể nào có một Thanh Kim Huệ thứ hai trong lòng người miền Tây mộ điệu vọng cổ, cải lương!
NSƯT Thanh Kim Huệ và nghệ sĩ Chí Tâm. Ảnh chụp qua ti vi |
Nghe tin NSƯT Thanh Kim Huệ mất thật đột ngột, tim thắt lại. Kể từ đây, thật sự Lan đã “cắt đứt dây chuông và lạnh lùng khép cổng”- sao chị lại bỏ dở giữa chừng câu vọng cổ mà đi. Chị đi nhưng tiếng hát vẫn mãi vang vọng giữa đời, vì sẽ chẳng thể nào có một Thanh Kim Huệ thứ hai trong lòng người miền Tây mộ điệu vọng cổ, cải lương!
Hồi đó, mỗi khi nghe tiếng tắc ráng chạy trên sông có kèm theo những bài vọng cổ, cải lương, chắc chắn tụi con nít biết rằng có đám cưới, có rước dâu, đưa dâu trên sông và tụi nó rủ nhau ra bờ sông đứng đợi.
Tắc ráng rước dâu chạy qua, chúng đuổi theo rần rần, cũng là chạy theo tiếng hát Thanh Tuấn- Thanh Kim Huệ, tiếng hát Thanh Kim Huệ- Chí Tâm, tiếng hát Minh Vương- Lệ Thủy, Minh Cảnh- Mỹ Châu, Minh Phụng, Tấn Tài… Có đứa chạy theo cả cây số, hụt hơi thở hổn hển mà vui hết biết.
Vọng cổ, cải lương hồi xưa hồn nhiên, đậm sắc màu sông nước miền Tây quê mùa như vậy đó. Mà mỗi giọng ca là “đóng đinh” trong lòng người nghe không lẫn lộn vào đâu được, đó chính là cái thời vọng cổ, cải lương nuôi lớn tâm hồn người miệt vườn như một món ăn hàng ngày, khó lòng thay thế, đổi vị.
Tiếng hát trong trẻo và cao vút tận… đọt tre, rồi rớt xuống nhẹ nhàng, ngọt ngào, mùi “rụng rún”. Tuồng cải lương “Chuyện tình Lan và Điệp” mà bao thế hệ người miền Tây thuộc nằm lòng, có nhiều phiên bản với nhiều cặp đào kép làm mưa làm gió hơn mấy chục năm qua.
Một tiếng hát Chí Tâm không đầy đặn nội lực, không cao vút, dài hơi, nghe thiệt… mỏng mà lạ lùng sao lại thiệt là hợp với giọng ca Thanh Kim Huệ cao chót vót vậy, nó vô rất ngọt cặp vai Lan và Điệp. Tuồng cải lương buồn sướt mướt, bi thương mà cũng sáng ngời cái “nhơn ngãi” ở đời.
Tuồng hát quá hay từ kịch bản, soạn giả Loan Thảo- Thế Châu đưa những ca từ “rặt ròng” lời ăn, tiếng nói miền Tây đánh trúng tâm lý, lấy đi bao nhiêu nước mắt khán giả. Và bản thu âm đã đưa nghệ sĩ 14 tuổi Thanh Kim Huệ bắt đầu thành danh với “cô Lan” vô cùng đặc biệt.
Buổi trưa, người miền Tây nằm võng đu đưa nghe mấy bản đờn báo hiệu giờ phát thanh vọng cổ, tiếng hát Thanh Kim Huệ lại vang lên khắp xóm. Cái radio theo những chiếc xuồng, lại những bài vọng cổ trải dài miên man trên đồng nước, hỏi sao mà không thương, không thành thân thuộc được! Giọng ca của chị là cái kiểu giọng “trẻ đến già”, vậy mà chị lại “nghỉ chơi” sớm quá để mãi mãi đi xa…
Lại nhớ, trận đá banh giữa đội “Tin Sáng nhựt báo” có bổ sung mấy ngôi sao: Cù Sinh, Cù Hè, Thanh Cang, Vinh “đầu sói” từ Sài Gòn về đá với đội bóng huyện Phú Tân (An Giang), nhiêu thôi là đủ để dân chúng rần rần bỏ ruộng rẫy, cơm nước đội nắng đứng chờ.
Vậy mà chuyến đó, lại có thêm cặp vợ chồng nghệ sĩ Thanh Điền- Thanh Kim Huệ xuống nữa. Ta nói, chen nhau mệt xỉu. Chị bước xuống dốc cao là anh Thanh Điền thiếu điều muốn bồng chị, vì sợ… chị té, thấy thì “điệu đà” vậy đó mà người thì rất gần gũi, dễ mến, ứng xử phải phép với người quê yêu mến mình, không kiểu cách bao giờ.
Thiệt tình là dễ thương hết sức. Chị xuất hiện, dân quê chen nhau ra tới sân bóng đá, chen nhau lại càng gần để coi cho rõ mặt, chen mà té mương lũm chũm, cũng chẳng sao cả- nghe hát mà còn được… đứng gần nữa, ta nói mấy ngày người mê cải lương còn bàn hoài chuyện Thanh Điền- Thanh Kim Huệ.
Đến khi tuồng cải lương “Ngao, Sò, Ốc, Hến” ra đời, Thanh Kim Huệ và Giang Châu lại cho dân mộ điệu thấy cái kiểu hát vọng cổ, cải lương hài “nấc cục”, kiểu giao đãi, tung hứng, hát bản vắn đảo hơi, nghịch giọng làm cho tuồng hát cười từ chi tiết cho tới giọng ca. Một kiểu vọng cổ hài lối mới, tung tẩy, ngắt ngứ khác với lối vọng cổ hài truyền thống của nghệ sĩ Văn Hường nó đi liền hơi, liền mạch.
Nghệ sĩ tài năng sẽ “sống đời” trong lòng người mộ điệu một cách thiệt thà và dài lâu như vậy đó. Chị Thanh Kim Huệ, từ lâu rồi chị đã là “nghệ sĩ nhân dân” trong lòng người mộ điệu miền Tây. Hãy yên nghỉ chị nhé, người miền Tây mãi yêu thương và mãi nghe giọng hát Thanh Kim Huệ, nghe hoài mà không chán!
NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin