Nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Vĩnh Long hình thành và phát triển sớm ở miền Tây Nam Bộ. Âm điệu ngọt ngào, da diết chất chứa kho tàng văn hóa, niềm vui, nỗi buồn của cư dân vùng sông nước trong cuộc mưu sinh trăm năm qua. ĐCTT đã và đang được giữ gìn, phát huy giá trị của "kho báu văn hóa miệt vườn" giữa dòng chảy đương đại.
Nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Vĩnh Long hình thành và phát triển sớm ở miền Tây Nam Bộ. Âm điệu ngọt ngào, da diết chất chứa kho tàng văn hóa, niềm vui, nỗi buồn của cư dân vùng sông nước trong cuộc mưu sinh trăm năm qua. ĐCTT đã và đang được giữ gìn, phát huy giá trị của “kho báu văn hóa miệt vườn” giữa dòng chảy đương đại.
Đờn ca tài tử đã và đang được giữ gìn, trao truyền cho thế hệ mai sau. |
Kế thừa truyền thống vàng son
Cùng với Tiền Giang, Đồng Tháp thì Vĩnh Long là một trong những nơi tiêu biểu cho lối chơi nhạc tài tử mang phong cách Tây Nam Bộ song hành cùng phong cách Đông Nam Bộ. Từ đầu thế kỷ XX, với sự phát triển mạnh mẽ của ĐCTT thì Vĩnh Long cũng là nơi đầu tiên khai sinh ra hình thức “ca ra bộ”- tiền thân của nghệ thuật cải lương. Về cơ bản, nhạc tài tử ở Vĩnh Long có mối quan hệ với nhạc Huế.
Thế nhưng nhạc Huế là loại nhạc thính phòng, có lời ca, âm điệu hoàn chỉnh, mặc dù hình thành trên cái nền nhạc dân gian, nhưng mang tính chất cổ điển, gần với nhạc cung đình. Do đó nhạc tài tử cũng có thể xem là nhạc thính phòng Nam Bộ nhưng có phong cách tự do, phóng túng gần với dân gian hơn.
Hơn 40 năm gắn bó với sân khấu, nghệ nhân ưu tú Vũ Linh Tâm- Phân Hội trưởng Phân hội Sân khấu- Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cho biết, thế hệ hôm nay kế thừa truyền thống vàng son của lớp nghệ sĩ sân khấu đi trước- những người làm say đắm giới mộ điệu, tỏa sáng trong nền sân khấu Việt Nam.
Thập niên 50- 60, có thể kể đến Tống Hữu Định, Trương Duy Toản, Trần Quang Quờn, Út Trà Ôn, Lệ Thủy, Thành Tôn, Ba Du… Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Vĩnh Long có đến 10 đoàn cải lương chuyên nghiệp, nổi bật như: Cửu Long, Bông Hồng Vàng, Phù Sa, Hương Miền Tây, Đồng Thinh…
Sau năm 1975, sân khấu Vĩnh Long vẫn rầm rộ lớp nghệ sĩ nổi lên ca hay, diễn giỏi, đồng thời cũng phải kể đến những nhạc sư, tài tử ca trưởng bối như: Sáu Trinh, Mười Đờn, Tư Kim, Bửu Võ, Út Ngươn, Ba Kịch… lặng lẽ đóng góp, lưu truyền rộng rãi nhạc tài tử Vĩnh Long đến ngày nay.
Hiện nay, trên đà phát triển của công nghệ hiện đại, nghệ thuật tài tử cải lương đứng trước sức ép tồn tại với nhiều loại hình mới, có cả du nhập từ nước ngoài nhưng ĐCTT vẫn là “món ăn tinh thần” không thể thiếu từ vùng nông thôn xa xôi đến thành thị.
Nhạc sĩ Hoàng Lộc chia sẻ: “Trải qua hàng trăm năm, nghệ thuật ĐCTT luôn cho thấy một sức sống bền lâu, thể hiện tâm hồn phóng khoáng, tình yêu quê hương đất nước, của người dân đất phương Nam. Từ những miền quê, ĐCTT Nam Bộ sống và bám rễ như những cây lúa được ươm mầm qua bàn tay chăm bón của nhà nông”.
Hiện nay, toàn tỉnh có 899 câu lạc bộ ĐCTT với 8.085 thành viên ở 8 huyện- thị- thành, ở các trường học... ĐCTT phục vụ đám tiệc ở địa phương rất phổ biến và một lực lượng không nhỏ khác trình diễn phục vụ cho du khách tại các điểm du lịch.
Nỗ lực giữ gìn, phát huy
Thời gian qua, đề án “Bảo vệ và phát huy nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ tại tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2015- 2020” đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Để làm nòng cốt cho phong trào trong tỉnh, UBND tỉnh đã ra quyết định thành lập Câu lạc bộ ĐCTT của tỉnh vào năm 2015.
Ngành văn hóa định kỳ tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan ĐCTT địa phương và tham gia liên hoan cấp khu vực và toàn quốc. Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh mở 21 lớp với 934 học viên gồm các lớp: Đờn guitar phím lõm, nhạc cụ dân tộc, sáng tác lời mới bài ca tài tử…
Nhạc sĩ Hoàng Lộc cũng cho biết, qua 2 đợt xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, tỉnh Vĩnh Long có 22 nghệ nhân ĐCTT trong tổng số 39 nghệ nhân được phong tặng và truy tặng danh hiệu, giữ kỷ lục đứng đầu trong khu vực ĐBSCL.
Hiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gửi hồ sơ đề nghị xét danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” đợt 3 năm 2021 cho 8 nghệ nhân (trong đó có 6 nghệ nhân ĐCTT). Đây là sự công nhận, cũng là điều có ý nghĩa đặc biệt cổ vũ tinh thần để những nghệ nhân tiếp tục cống hiến, bảo vệ và trao truyền giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Như nghệ nhân ưu tú Tăng Văn Lẫm- Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử- cải lương TX Bình Minh tâm tình: “Tôi nghe dĩa hát của ba rồi tập tành đờn hát từ năm 12 tuổi. Qua hơn 50 năm gắn bó với ĐCTT, được vinh danh là niềm tự hào của tất cả các nghệ nhân. Đây là động lực để người đi trước cố gắng hết sức để duy trì và phát triển loại hình nghệ thuật dân gian này cho thế hệ mai sau”.
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nghệ thuật biểu diễn chịu ảnh hưởng lớn, các câu lạc bộ cũng không thể duy trì sinh hoạt định kỳ. Các nghệ sĩ tìm cách để thích nghi, bước lên không gian mạng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.
Theo ông Lê Hoàng Nam- Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, bắt đầu từ tháng 3/2021, anh chị em nghệ sĩ thực hiện chương trình nghệ thuật tuyên truyền trên không gian mạng bằng nhiều hình thức như livestream, quay video clip. Đến nay đã tổ chức sản xuất được hàng chục chương trình trực tiếp, trong đó có chương trình giới thiệu về ĐCTT Vĩnh Long.
Theo ông Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đề án “Bảo vệ và phát huy nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ tại tỉnh Vĩnh Long” hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động của nghệ thuật ĐCTT, sưu tầm các tư liệu về nghệ thuật ĐCTT, tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân, nhất là giới trẻ bằng nhiều hình thức, với nội dung thiết thực, có chất lượng và giá trị nhân văn cao. Tỉnh chú trọng, quan tâm đến chính sách đãi ngộ cho nghệ nhân và tăng cường đầu tư nhằm nâng cao chất lượng hoạt động ĐCTT.
Đờn ca tài tử được phục vụ tại Khu du lịch Coco Home (Hòa Ninh- Long Hồ). |
Ngoài ra, quy hoạch, đầu tư xây dựng thêm một số điểm trình diễn nghệ thuật ĐCTT gắn với các cơ sở du lịch tạo điều kiện cho du khách thuận lợi tiếp cận với ĐCTT. “Có thể nói nghệ thuật ĐCTT có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Vĩnh Long và cả ĐBSCL.
Tuy nhiên, hiện nay ĐCTT cũng đang đứng trước thử thách khi nhiều loại hình nghệ thuật, âm nhạc khác trên thế giới du nhập vào Việt Nam. Sự thay đổi mạnh mẽ về kinh tế- xã hội cũng dẫn đến sự thay đổi thị hiếu thẩm mỹ trong cộng đồng dân cư. Chính vì thế, ĐCTT cũng như nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc cũng cần được tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn và phát huy”- ông Nguyễn Xuân Hoanh chia sẻ.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin