Đến một quán cà phê lạ lẫm, trò chuyện cùng sách vào lúc chông chênh nhất, khi những suy nghĩ tiêu cực luẩn quẩn trong đầu, thì Đại đức Hae Min bảo: "Nếu có thể, hãy tạm dừng một bước"…
Đến một quán cà phê lạ lẫm, trò chuyện cùng sách vào lúc chông chênh nhất, khi những suy nghĩ tiêu cực luẩn quẩn trong đầu, thì Đại đức Hae Min bảo: “Nếu có thể, hãy tạm dừng một bước”…
Đại Đức Hae Min sinh ra và lớn lên tại Hàn Quốc. Ông được xem là một trong những tu sĩ trẻ năng động, được vinh danh là một trong “300 nhà lãnh đạo hàng đầu của thế hệ mới” ở “xứ sở kim chi”. Sau khi hoàn thành bằng Thạc sĩ Tôn giáo học đối chiếu ở ĐH Harvard và Tiến sĩ ở ĐH Princeton, ông ở lại Mỹ tham gia giảng dạy về tôn giáo. Không chỉ dừng lại ở nghiên cứu lý thuyết, mùa xuân năm 2000 ông quyết định xuất gia theo tông phái Tào Khê, một tông phái tiêu biểu của Phật giáo Hàn Quốc. Năm 2015, Đại đức Hae Min trở về Seoul, cùng nhiều chuyên gia mở trường trị liệu tâm hồn, điều trị miễn phí cho những người gặp bất hạnh trong cuộc sống hay đang mang trong lòng nhiều khổ tâm. Hai cuốn sách “Bước chậm lại giữa thế gian vội vã” và “Yêu những điều không hoàn hảo” của ông trở thành cuốn sách chữa lành “gối đầu giường” của hàng triệu người trẻ trên thế giới.
Trong quyển sách “Bước chậm lại giữa thế gian vội vã”, Đại đức Hae Min đặt ra câu hỏi: “Chen vai thích cánh để có một chỗ bám trên xe buýt giờ đi làm, nhích từng xen-ti-met bánh xe trên đường lúc tan sở, quay cuồng với thi cử và tiến độ công việc, lu bù vướng mắc trong những mối quan hệ cả thân lẫn sơ… bạn có luôn cảm thấy thế gian xung quanh mình đang xoay chuyển quá vội vàng?”. Cầm cuốn sách nhỏ dung dị mà lắng đọng này lên, chậm rãi lật giở từng trang rồi tự tìm câu trả lời cho chính mình. Khi quá vội vàng, người ta khó mà thấu rõ: về các mối quan hệ, về chính bản thân mình, về những trăn trở trước cuộc đời, về bao điều lý trí rất hiểu nhưng trái tim chưa cách nào nghe theo.
Cuốn sách được chia làm 8 chương, với những chủ đề khác nhau: nghỉ ngơi, những mối quan hệ, tương lai, cuộc sống, tình yêu, tu hành, nhiệt huyết, tôn giáo. Cách viết như thủ thỉ trò chuyện cùng một người bạn, Đại đức Hae Min kể câu chuyện đời thường chân thực, mạch lạc, không giáo điều, không thúc ép nhưng khéo léo đưa ra cách giải quyết cho mọi sự việc trên đời: dừng lại một chút, bình tĩnh và dành thời gian để yêu lấy bản thân mình.
Khi bị người khác làm tổn thương đến rơi nước mắt, khi điều bạn khao khát không trở thành hiện thực, nghỉ một lát rồi đi tiếp chứ không bỏ cuộc. Hãy gặp những người thật lòng trân trọng bạn, nói hết những chuyện bạn giấu trong lòng bấy lâu. Những chuyện làm bạn buồn phiền, đau khổ, từng chút từng chút một, kể hết cho họ nghe. Để bù đắp cho cơ thể đã mệt mỏi vì phải chịu đựng nhiều khổ tâm, hãy tập thể dục, đi nhà tắm hơi, ăn bánh gạo xào cay hay chả cá, những món mà bạn rất thích khi còn nhỏ. Hãy đến rạp chiếu phim, nơi mà đã lâu rồi bạn không đến, chọn lấy bộ phim hài nhất…
Nhịp sống vội vã là tình trạng chung của cuộc sống hiện đại. Ai cũng phải “nhanh lên chứ, vội vàng lên với chứ” bởi nếu chậm lại một nhịp thì ngay lập tức bạn sẽ hụt hơi, bị bỏ rơi giữa dòng đời phăng phăng trôi về phía trước. “Bước chậm lại giữa thế gian vội vã” ra đời từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị, nhất là ở thời điểm dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới. Con người mỏng manh hơn khi đứng ở giữa lằn ranh sinh tử. Có gì đáng trân trọng bằng sự đoàn viên sum họp, còn gì quý giá hơn sức khỏe, yêu lấy chính bản thân mình. Bước chậm lại chính là để thấy giá trị của tất cả mọi thứ. Sân si, bon chen, thù hận… gác lại sau lưng.
Cuộc sống dù ra sao, có khó khăn, gian khổ hay thoải mái, nhẹ nhàng đều phụ thuộc vào thế giới quan của chính ta. Như Đại đức Hae Min nói: “Bạn nghĩ rằng thế gian này đang làm khổ bạn. Nếu bạn nghỉ ngơi, thế gian này cũng sẽ nghỉ theo”.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin