Bóng quê

05:11, 13/11/2021

Với tôi cũng vậy! Dù giờ đây do phải tất bật trong việc mưu sinh, ít có dịp về thăm nhưng quê hương vẫn là một phần máu thịt trong tôi. Và mỗi khi công việc quá căng thẳng thì miền ký ức ở quê hương sẽ là phương thức nhiệm mầu giúp tôi thư giãn.

 

“Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người”

(Quê hương - Đỗ Trung Quân)

Với tôi cũng vậy! Dù giờ đây do phải tất bật trong việc mưu sinh, ít có dịp về thăm nhưng quê hương vẫn là một phần máu thịt trong tôi. Và mỗi khi công việc quá căng thẳng thì miền ký ức ở quê hương sẽ là phương thức nhiệm mầu giúp tôi thư giãn.

Quê tôi, một vùng sông nước, quanh năm phủ một màu xanh trù phú. Cặp mé sông và luồn lách giữa các con rạch là bần. Bần mọc bạt ngàn.

Những cây bần hoang sơ ấy đã để lại trong lòng biết bao thế hệ những kỷ niệm tuổi thơ. Cây bần dường như trầm mình dưới nước quanh năm, bần có rễ phụ nhô khỏi mặt bùn tác dụng giữ đất, mặc cho gió dập, sóng vùi nó vẫn xanh tươi.

Bần trổ bông, hoa bần màu trắng pha chút hồng phấn làm rợp cả một góc trời, điểm xuyết trên mặt nước những cánh nhỏ, li li, bé bỏng. Bần cho trái, những trái bần xanh, khỏe khoắn, có vị chát. Nhưng đến khi chín, cái vị chua pha chát ăn cặp với muối ớt ấy làm bao người xa quê phải nhớ mãi.

Trái bần quê tôi đã đi vào ca dao, vào lời ru của bà, của mẹ:

“Ầu ơ… Thân em như trái bần trôi

Gió dập sóng vùi biết phải về đâu”

Trái bần trôi lênh đênh, vô định như cuộc đời người nông dân nghèo khổ thời xưa. Dòng nước cứ đưa nó đi, trôi mãi cho đến một ngày chỉ còn là những cái hạt bé xíu, dày đặc ở một góc bãi bồi. Từ đấy lại mọc lên vô số những cây con, mỗi ngày lớn lên theo con nước lớn ròng.

Ngày trước, rừng bần quê tôi là căn cứ vững chắc cho hai cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc. Tán bần che chở bộ đội, nó như một trận đồ chiến lược làm điên đầu lũ giặc.

Cá tôm ở rừng bần là nguồn thực phẩm quý giá để nuôi quân. Giặc rải thảm bom, càn quét, thậm chí cả chất độc hóa học,…Bần vẫn bất diệt! Bần gãy nhánh, cụt đọt lại đâm bao chồi mới; một thân mẹ ngã xuống là biết bao cây con sừng sững đứng lên hiên ngang như thách thức.

Thuở nhỏ, chúng tôi hay rủ nhau chơi trốn tìm, đánh trận giả mỗi khi nước ròng và cũng không quên mang theo muối ớt để “khao quân” bằng bần chín.

Buổi chiều, nước lớn là chúng tôi rủ nhau đi tắm “tép bần” - đó là danh từ mà chỉ bọn trẻ quê tôi mới hiểu, tức mò bắt những con tép ở gốc bần. Có hôm, do mải mê đến xẩm tối, tay chân xanh tím, cha mẹ đi tìm, đứa nào cũng bị mấy roi vào mông nhớ đời.

Ngày giải phóng đất nước, ông tôi từ chiến khu trở về rưng rưng nước mắt trước hàng bần có vẻ tiêu điều. Ông nắm chặt tay tôi: “Giờ đây, ta phải cứu lấy rừng bần để nó chắn gió, chống xói mòn giữ đất. Cây bần chính như là hồn quê hương…”.

Tết năm rồi, tôi dắt con về lại quê xưa. Thấy bọn trẻ cũng vui đùa nhảy tắm như chúng tôi thuở nào, tôi bảo: “Hãy đi tắm “tép bần” cùng các bạn đi con!”. Nó ngơ ngác, chỉ dám đứng trên bờ mà nhìn. Tôi bùi ngùi… mình thật có lỗi với quê hương.

NGUYỄN LINH

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh