Sự nghiệp văn hóa là của toàn dân

06:11, 24/11/2021

Tiếp thu và kế thừa những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam đã được trao truyền từ hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, tạo nên sức sống mãnh liệt và bất diệt của dân tộc, ngay sau khi thành lập và bắt đầu lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định văn hóa là một mặt trận quan trọng trong ba mặt trận kinh tế, chính trị, văn hóa.

 

Thầy giáo quân hàm xanh.Ảnh: Nguyễn Hòa Bình
Thầy giáo quân hàm xanh.Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Tiếp thu và kế thừa những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam đã được trao truyền từ hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, tạo nên sức sống mãnh liệt và bất diệt của dân tộc, ngay sau khi thành lập và bắt đầu lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định văn hóa là một mặt trận quan trọng trong ba mặt trận kinh tế, chính trị, văn hóa.

Suốt hơn 91 năm qua, tư tưởng chiến lược ấy đã được quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả, làm cho nền văn hóa Việt Nam từng bước trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Văn hóa là một lĩnh vực rất rộng lớn, vô cùng phong phú và đa dạng, thấm sâu trong toàn bộ xã hội và đời sống con người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu định nghĩa giản dị mà sâu sắc về văn hóa: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.

Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943) xác định xây dựng nền văn hóa Việt Nam bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật; đồng thời khẳng định ba nguyên tắc: “Dân tộc hóa”; “Đại chúng hóa”; “Khoa học hóa”. Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) và “Sự nghiệp văn hóa là của toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”.

Cách đây 75 năm, trong diễn văn khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất ngày 24/11/1946 tại Nhà hát Lớn TP Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở” và “Văn hóa liên lạc mật thiết với chính trị. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân” “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”.

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (1991), trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội chỉ rõ: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Tiếp đó, quan điểm “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội” đã được đưa ra tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng.

Đại hội XIII khẳng định quan điểm chỉ đạo “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế- xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.

Định hướng phát triển đất nước 2021-2030 về văn hóa là “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc” và một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII là: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”.

Thực hiện đường lối đó, trong thời gian qua, sự nghiệp văn hóa của đất nước ta nói chung, tỉnh Vĩnh Long nói riêng đã đạt được những thành quả quan trọng. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với lĩnh vực văn hóa ngày càng đổi mới, từng bước đáp ứng nhu cầu thực tiễn; nhận thức về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện ngày càng sâu sắc và đã có nhiều giải pháp từ Trung ương đến cơ sở được triển khai.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa từng bước được nâng cao, có sự chuyển biến đáng ghi nhận; việc xây dựng đội ngũ làm công tác văn hóa đã được quan tâm và đầu tư nhất định; nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa đã được quan tâm và tăng cường.

Đặc biệt, xây dựng môi trường văn hóa đạt được một số kết quả tích cực; chất lượng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật không ngừng nâng cao và mang lại hiệu quả đáng ghi nhận; việc xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế đã được triển khai và mang lại những kết quả ban đầu.

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng nếp sống và văn hóa ứng xử nơi công cộng nhìn chung có hiệu quả, đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Sự phối hợp của 3 môi trường: gia đình - nhà trường - xã hội trong xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách tiếp tục được phát huy. Quy chế dân chủ ở cơ sở với việc xây dựng hương ước, quy ước văn hóa được quan tâm hơn trong quá trình triển khai thực hiện. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội tiếp tục có chuyển biến tích cực.

Huy động các nguồn lực, đề cao tính tích cực của xã hội hóa trong xây dựng đời sống văn hóa, khơi dậy tinh thần đoàn kết, nghĩa tình, lòng nhân ái giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, tri ân gia đình chính sách, chia sẻ với các đối tượng xã hội có bước phát triển.

Xuất hiện một số phong trào, mô hình văn hóa mới tại cơ sở. Hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư và từng bước chuyển đổi cơ chế, phương thức hoạt động dần phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng được quản lý tốt hơn, tạo điều kiện để người dân tham gia sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng sự nghiệp văn hóa cũng còn nhưng hạn chế. Trong đó, môi trường văn hóa gia đình- nhà trường- xã hội có lúc, có nơi chưa thật sự lành mạnh; việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong chính trị đã được các cấp ủy, chính quyền triển khai, thực hiện, tuy nhiên kết quả đạt được chưa thực sự rõ nét.

Sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong giáo dục con người chưa thường xuyên, chặt chẽ. Môi trường văn hóa gia đình đang biến đổi mạnh mẽ trong cơ chế thị trường, đô thị hóa, hiện đại hóa, tích cực đan xen với tiêu cực dẫn đến loạn chuẩn một số giá trị gia đình. Môi trường văn hóa trường học bị ảnh hưởng bởi bạo lực, gian lận thi cử...

Các danh hiệu văn hóa trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở một số nơi còn mang tính hình thức, chạy theo thành tích.

Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh cùng với hội nhập quốc tế mạnh dẫn đến tính cộng đồng làng xã suy giảm, quan hệ xã hội đôi khi mang tính thực dụng, vụ lợi. Tình trạng dối trá, thiếu trung thực xuất hiện trong nhiều mặt của đời sống xã hội.

Tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, cờ bạc, bảo kê của xã hội đen, cướp giật, giết người... gây tâm trạng bất an trong xã hội. Sản phẩm văn hóa độc hại, thông tin giả, sai sự thật gây nghi ngờ nội bộ, kích động thù hận chế độ trên Internet, mạng xã hội chưa được xử lý, ngăn chặn hiệu quả.

Việc lợi dụng tự do tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa “tâm linh” để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, truyền bá duy tâm thần bí chưa được ngăn chặn hiệu quả, làm lệch lạc nhận thức một bộ phận người dân.

Hệ thống thiết chế văn hóa chậm chuyển đổi sang phương thức tự chủ, xã hội hóa. Nhiều hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa công cộng bị “thương mại hóa”, hạ thấp tính giáo dục, chiều theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận người dân, tác động xấu xây dựng văn hóa, con người.

Chưa động viên tối đa sức mạnh tổng hợp, tính năng động, sáng tạo của nhân dân và vai trò của đội ngũ trí thức trong xây dựng văn hóa, con người. Môi trường du lịch quản lý thiếu chặt chẽ. Tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, biến chất trong nội bộ đã làm giảm niềm tin của nhân dân.

Chính vì vậy, trong giai đoạn sắp tới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quán triệt đầy đủ trong nhận thức và hoạt động thực tiễn cả 5 quan điểm chỉ đạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Mục tiêu là xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nhằm góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện đầy đủ và thắng lợi các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trong đó, tập trung phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa.

Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước.

Để thực hiện mục tiêu và định hướng trên, cần tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Quan tâm chăm lo công tác giáo dục, bồi dưỡng và bảo vệ trẻ em, thiếu niên, nhi đồng.

Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên. Thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội.

Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam. Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Tập trung xây dựng môi trường văn hóa thật sự trong sạch, lành mạnh, cải thiện điều kiện hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Phát huy ý thức tự giác của toàn dân xây dựng và thực hiện các chế tài, quy định, quy ước xã hội, bảo đảm công bằng về cơ hội và thụ hưởng văn hóa.

Khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và đời sống văn hóa giữa các vùng, miền, các giai tầng xã hội, đặc biệt quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, các khu công nghiệp...

Quan tâm, tạo điều kiện phát triển văn hóa, văn nghệ của các dân tộc thiểu số. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả của các loại hình văn hóa, văn nghệ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc trong xây dựng con người, phát triển kinh tế- xã hội.

Chú trọng nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật, đồng thời bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật; khuyến khích những tìm tòi mới làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam; hạn chế các lệch lạc, các biểu hiện chạy theo thị hiếu tầm thường.

Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đồng thời chủ động nâng cao sức đề kháng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên đối với các văn hóa phẩm ngoại lai độc hại; từng bước đưa văn hóa Việt Nam đến với thế giới.

Những nội dung trên là vô cùng to lớn và hệ trọng, liên quan đến sự phát triển bền vững, lâu dài của quốc gia, dân tộc, đòi hỏi phải có sự tham gia thực hiện của toàn dân. Nhân dân là chủ thể hình thành, sáng tạo, giữ gìn, phát triển và hưởng thụ văn hóa dân tộc. Có như thế thì những giá trị nhân văn, chuẩn mực, linh hồn của văn hóa mới lưu truyền và bền vững từ đời này sang đời khác cùng với sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.

NGUYỄN SAN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh