
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng ở nước ngoài những năm 1924- 1925, ngày 23/1/1924, Bác Hồ và nhiều sinh viên Việt Nam đã đến dự tang lễ VI. Lênin do Đảng Cộng sản Liên Xô tổ chức.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng ở nước ngoài những năm 1924- 1925, ngày 23/1/1924, Bác Hồ và nhiều sinh viên Việt Nam đã đến dự tang lễ VI. Lênin do Đảng Cộng sản Liên Xô tổ chức.
Sau này, Người đã nhiều lần sang thăm nước Nga và có những cách nhìn nhận, đánh giá, nhận định toàn diện về cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga cùng những ý nghĩa lịch sử to lớn, ý nghĩa thời đại sâu sắc của Cách mạng Tháng Mười Nga với Việt Nam.
![]() |
Tượng đài Hồ Chí Minh tại TP Vladivostoc- Liên bang Nga- nơi Người từng hoạt động. |
Những năm tháng Bác Hồ thăm lại nước Nga và Liên Xô (cũ)
Ngày 21/1/1924, Vlađimia Ilích Lênin từ trần, những người cộng sản và nhân dân lao động toàn thế giới tiếc thương vô hạn. Điều mong ước của Nguyễn Ái Quốc khi sang Nga hoạt động bên Quốc tế Cộng sản là được gặp Lênin, nay đã không thể thực hiện.
Sau này, Người đã kể lại sự kiện đau buồn đó: “Vào một ngày tháng 1/1924, chúng tôi đang ăn bữa sáng tại quán cơm ở tầng dưới khách sạn, thì được tin Lênin mất.
Không ai muốn tin điều đó, nhưng khi ngoảnh lại, chúng tôi thấy lá cờ của Xô Viết Mátxcơva đã bỏ rủ. Một sự xúc động lớn xâm chiếm tâm hồn chúng tôi, bữa ăn bị bỏ dở, vì không ai thấy đói nữa: Lênin đã mất. Thế là tôi chưa được gặp Lênin và đó là một điều ân hận lớn trong đời tôi. Khi tôi đến nước Nga, Người đã ốm nặng và đang chữa bệnh ở Goócki, cho nên không đến thăm được”(1).
Sau ngày Cách mạng Tháng 8/1945 thành công, tháng 2/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bí mật sang Liên Xô với mục đích mong nước bạn trợ giúp vũ khí, lương thực, thuốc men… để quân đội ta đương đầu với thực dân Pháp đang mở rộng chiến tranh xâm lược. Chuyến thăm này, Người đã hội đàm với lãnh tụ Xtalin về tình hình Việt Nam và Người cũng đã nhiều lần đến thăm lại nước Nga và Liên Xô- luôn chung tay, chung lòng với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.
Ngày 12/7/1955, sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta thăm Liên Xô.
Tại Sanêmêchiêvơ, bạn đón tiếp huy hoàng, lộng lẫy cờ hoa và quốc kỳ hai nước. Đây cũng là một cuộc tái ngộ lịch sử đã được ước nguyện giữa những người chiến sĩ vẻ vang của Cách mạng Tháng Mười với lãnh tụ tối cao của Cách mạng Tháng Tám 1945, đã chọn con đường cho dân tộc theo Cách mạng Tháng Mười, đồng thời cũng là ước nguyện của đồng chí Manuin Xhri- đã đỡ đầu cho Người trong những tháng từ nước Pháp sang Liên Xô công tác tại Quốc tế cộng sản.
Tại điện Kremlin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hội đàm và ký kết những hiệp định với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô Vôrôsilôp về việc Liên Xô giúp đỡ kinh tế và kỹ thuật cho Việt Nam, mở ra mối quan hệ giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực kinh tế, khoa học và văn hóa. Tối ngày 14/7/1955, tại cung Grigôri, Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô Vôrôsilôp đã mở tiệc lớn hoan nghênh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Kết thúc chuyến đi thăm đất nước Liên Xô, Người đã nói những lời đầy nghĩa tình như một ước nguyện thủy chung: “Chúng tôi trở về Tổ quốc đem theo tình thân yêu và tình hữu nghị anh em của nhân dân Liên Xô. Tuy Việt Nam và Liên Xô cách nhau hàng ngàn dặm nhưng trái tim chúng ta luôn luôn ở bên nhau và đập chung một nhịp”(2).
Cách mạng Tháng Mười Nga và ý nghĩa thời đại về giải phóng các dân tộc
Sau này, khi Bác Hồ nhiều lần đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ ta thăm Liên Xô, Người đã đánh giá toàn diện về ý nghĩa thời đại lớn lao, sâu sắc của cuộc cách mạng này:
Một là, Người cho rằng về tính chất của cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga, là cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa do giai cấp công nhân lãnh đạo, nhằm thực hiện sứ mệnh lịch sử là giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người khỏi sự bóc lột, áp bức và bất công, để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn thế giới.
Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Cách mạng Tháng Mười là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác và học thuyết Lênin ở một nước lớn là Liên Xô, rộng một phần sáu của thế giới. Đó là thắng lợi vĩ đại nhất của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức do giai cấp công nhân và đội tiền phong của họ là Đảng bônsêvích lãnh đạo”(3).
Hai là, Người cho đây là cuộc cách mạng thực hiện mục tiêu rất cao cả là giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng nhân loại và giải phóng con người thoát khỏi áp bức, bóc lột, xây dựng xã hội mới không còn sự phân chia giai cấp và thực hiện các mục tiêu thời đại: hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Người đánh giá: “Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản từ chỗ chỉ là một ước mơ cao đẹp của loài người, sau Cách mạng Tháng Mười vĩ đại đã trở thành một hiện thực trong xã hội, có sức mạnh vô cùng to lớn lôi cuốn hàng nghìn triệu người vào hành động cách mạng, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”(4).
Ba là, động lực chủ yếu của cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga chính là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức Nga; trong đó giai cấp công nhân giữ vai trò lãnh đạo và quyết định sự thắng lợi của cách mạng, sử dụng bạo lực cách mạng để đánh đổ giai cấp tư sản và giai cấp phong kiến địa chủ, lập nên chính quyền của công- nông- binh, chính quyền Xô Viết: “Cách mạng Tháng Mười đã dùng bạo lực cách mạng đánh đổ giai cấp tư sản và giai cấp phong kiến địa chủ, lập nên chính quyền của những người lao động, xây dựng một xã hội hoàn toàn mới, một xã hội không có người bóc lột người”(5).
Từ bài học lớn của cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thực hiện cho được liên minh công nông vì đó là sự bảo đảm chắc chắn nhất những thắng lợi của cách mạng. Chỉ có khối liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo mới có thể kiên quyết và triệt để đánh đổ các thế lực phản cách mạng, giành lấy và củng cố chính quyền của nhân dân lao động, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của cách mạng dân tộc, dân chủ và tiến lên chủ nghĩa xã hội”(6).
Bốn là, Người đã luôn nhìn nhận về nội dung cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga là rất tiến bộ. Đó là cuộc cách mạng đầy đủ, toàn diện nhất trên tất cả các lĩnh vực đời sống: chính trị tư tưởng- văn hóa xã hội- kinh tế của các dân tộc; trong đó, Người nhấn mạnh 2 nội dung căn bản là chính trị và kinh tế điều này đã được Đảng ta vận dụng đầy đủ trong nội dung Cách mạng Tháng Tám1945 của Việt Nam.
Năm là, ý nghĩa lịch sử của cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga, theo Người, đây không chỉ là vạch mốc lớn của thời đại, mà đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử nước Nga và các dân tộc bị nô dịch, phụ thuộc trên thế giới, mà còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc ở chỗ đã trở thành ngọn cờ hiệu triệu của thời đại mới, thời đại đấu tranh vì những mục tiêu cao cả: hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá tổng quát về ý nghĩa lịch sử, và khẳng định: “Giống như Mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.
Với ý nghĩa đó, Người khẳng định: “Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười đã dạy cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới nhiều bài học hết sức quý báu, bảo đảm cho sự nghiệp giải phóng triệt để của giai cấp công nhân và của cả loài người”(7).
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt hành trình vì đất nước, đặc biệt coi trọng và vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười vào Việt Nam. Những bài học đó không chỉ ý nghĩa trước mắt mà có giá trị lý luận và thực tiễn lâu dài.
Do đó, Người không chỉ căn dặn nhân dân ta, mà còn nói với bạn bè quốc tế: “Kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười, những thành tựu của Liên Xô là ngôi sao chỉ đường cho chúng tôi trong sự nghiệp xây dựng một cuộc đời hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam”(8).
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập- Nxb. Chính trị Quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 1995, t.12, tr.474.
(2)Báo Nhân Dân, số 257, ngày 7/11/1955.
(3),(4),(5),(6),(7),(8) Hồ Chí Minh (1967), “Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc”, Hồ Chí Minh toàn tập- T15, NXB Chính trị quốc gia- Hà Nội, 2011.
Thạc sĩ PHẠM BÁ NHIỄU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin