Khi có tin đậu đại học vào ngành Nông lâm nghiệp, ba mẹ tôi liền tổ chức một buổi tiệc nho nhỏ trước ngày tôi đến trường. Trong buổi tiệc, người nhà ai nấy đều vất vả, mẹ tôi mặt mày nhễ nhại mồ hôi nhưng lúc nào cũng nở nụ cười trên môi.
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG |
(VLO) Khi có tin đậu đại học vào ngành Nông lâm nghiệp, ba mẹ tôi liền tổ chức một buổi tiệc nho nhỏ trước ngày tôi đến trường. Trong buổi tiệc, người nhà ai nấy đều vất vả, mẹ tôi mặt mày nhễ nhại mồ hôi nhưng lúc nào cũng nở nụ cười trên môi.
Bên cạnh mẹ tôi còn có Trúc, cô bé nhà bên cạnh, những lúc nhà tôi có tổ chức tiệc cô ấy đều đến giúp. Mẹ tôi quý cô ấy lắm, hễ có món ăn nào ngon là mẹ tôi gọi Trúc sang.
Thành ra lâu dần, tôi xem Trúc như là em út trong nhà. Năm nay, Trúc mới học xong lớp mười, nên có những bài tập nào không hiểu Trúc thường nhờ tôi chỉ, lâu dần tình cảm anh em trở nên quyến luyến. Lúc tôi lên đường sang Cần Thơ nhập học, thấy Trúc mặt buồn rười rượi nhưng tôi không để ý lắm, chỉ dặn dò:
- Hôm nào rảnh em sang nhà với mẹ anh chơi cho vui nhe!
Trúc mỉm cười rồi khẽ gật đầu.
Thời gian học tôi thường ít về nhà, để đỡ tốn tiền ba mẹ và để tập trung vào việc học. Mà mỗi lần về quê là lúc Trúc bận đi học nên chúng tôi cũng ít gặp nhau. Mẹ thì nói với tôi:
- Con Trúc nó thường hỏi thăm mẹ, nói nó nhớ con!
Nghe mẹ nhắc như thế, tôi hỏi:
- Chắc cô ấy lúc này lớn lắm hả mẹ?
- Nó lớn lắm rồi! Mà cũng ngộ càng lớn nó càng xinh ra, tính tình thùy mỵ nết na, xóm làng ai cũng thương hết! Tội nghiệp cho con nhỏ mới có học lớp mười hai vậy mà bà hai Xê cứ đòi gả cho mấy ông Đài Loan, đài liết gì hoài. Bà ấy nói “gả đi để có tiền cất nhà cửa, sắm xe cộ cho bằng hàng xóm”.
Mẹ tôi ngưng một chút rồi chặc lưỡi:
- Khổ cho con nhỏ những lúc nghe vậy nó thường chạy sang nhà mẹ, khóc tức tưởi…
Mẹ bỗng nhìn tôi chầm chầm rồi nở nụ cười, tôi thấy có cái gì là lạ nên hỏi:
- Tự nhiên mẹ nhìn con cười, mẹ tính nói cái gì vậy?
Mẹ tôi vẫn cười, nắm tay tôi hạ giọng xuống nói tiếp:
- Hay là mẹ hỏi cưới con Trúc cho con nhe! Nhìn nó mẹ ưng quá trời!
Lúc ấy, khi nghe nhắc đến vợ con là tôi rất ngượng, nhưng câu nói của mẹ lại làm tôi nghĩ rất nhiều đến Trúc, càng nghĩ càng tò mò không biết lúc này cô ấy đổi thay như thế nào? Nhưng tôi trả lời mẹ:
- Con còn đi học mà tính chuyện vợ con cái gì…
Nói vậy thôi chứ trưa hôm đó, tôi ghé trường tìm Trúc. Vừa gặp tôi Trúc gọi:
- Anh Sơn! Anh về hồi nào vậy? Sao bữa nay lại đến tìm em?
Trời ạ! Đứng trước mặt tôi không phải Trúc của ngày xưa nhờ tôi chỉ bài, bị tôi chê là tối dạ, mà đó là một cô nữ sinh có nụ cười tươi như hoa. Bây giờ tôi không thấy đó là đứa em của tôi nữa mà là một cô hàng xóm nhà bên hết sức dễ thương, làm lòng tôi choáng ngộp và ngây ngất. Tôi nói:
- Trúc đó hả, vậy mà anh cứ tưởng mình lầm chớ!
Mặt Trúc đỏ bừng:
- Bộ em lạ lắm hả?
Tôi không trả lời mà hỏi:
- Em còn mấy tiết học nữa? Đi uống cà phê với anh được không?
Trúc bảo:
- Em còn một tiết cuối, anh ráng đợi nhé!
Trúc quay trở vào trong trường, tôi nhìn theo mà lòng tôi có cái gì đó bồi hồi khó tả, lòng nghĩ thầm “nếu như bây giờ mẹ mới hỏi tôi có ưng cô ấy không, tôi sẽ trả lời đồng ý liền hà”.
***
Thế là khi Trúc ngồi sau lưng để tôi chở đi, tay vịn vào eo tôi, tôi cảm thấy mình hạnh phúc đến khó tả, trái tim đánh liên hồi, lòng vừa nao nao, vừa rạo rực. Trúc lại hỏi:
- Sao hôm nay anh lại tìm em? Có chuyện gì không anh Sơn?
Tôi đáp:
- Thì hôm nay thấy nhớ em về thăm em thôi!
Trúc hỏi tiếp:
- Sao từ hồi trước tới giờ không nhớ, tự nhiên hôm nay lại thấy nhớ?
Tôi nhìn Trúc phì cười:
- Bây giờ trở đi chắc là ngày nào anh cũng nhớ em… vì anh đã thương em rồi.
Mặt Trúc ửng hồng quay ra hướng khác:
- Tình yêu không đùa giỡn được đó nghen!
Tôi trả lời:
- Anh nói nghiêm túc!
Trúc nói:
- Anh thật là ác lắm, anh bắt người ta thương thầm anh đã biết bao năm nay. Hôm tiễn anh lên đường, lòng em như trăm mối tơ vò!
Tôi nhìn Trúc nói:
- Anh có lỗi với em quá!
Rồi tôi hôn lên trán của Trúc, ngoài kia dòng Tiền Giang như ngừng trôi để chứng kiến mối tình đầu của chúng tôi.
Từ hôm gặp Trúc rồi ngỏ lời yêu, tôi mới biết thế nào là tình yêu, những lúc đang học bài tôi cũng thẫn thờ, hoặc tối đến tôi nằm trằn trọc nhớ Trúc đến không ngủ được.Tôi mong cho nhanh đến ngày thứ bảy để được về bên Trúc, được chở Trúc đi ăn kem rồi hai đứa nói lời thương, lời nhớ, được nắm bàn tay ấm áp đi dạo trên công viên Sông Tiền ngắm nhìn dòng nước trong buổi hoàng hôn thơ mộng. Vì vậy thứ bảy nào tôi cũng về quê. Có lúc mẹ tôi hỏi:
- Sao lúc này tuần nào con cũng về vậy? Chắc có bồ ở Vĩnh Long rồi hả?
Tôi chỉ cười giả lả…
***
Rồi mẹ tôi gọi Trúc sang làm thức ăn. Trong những lần như vậy, chúng tôi được ngồi bên nhau, cùng quây quần bên mâm cơm, tôi có cảm giác như một gia đình thật sự. Đang ăn vui vẻ bỗng mẹ tôi ngừng lại hỏi Trúc:
- Sao, bây dự định lấy chồng nước ngoài, hay làm dâu bác đây?
Trúc cười nụ rồi cúi đầu. Thấy vậy, tôi mới đỡ lời Trúc:
- Đang ăn mẹ hỏi điều đó, khó trả lời quá?
Mẹ tôi lại nói tiếp:
- Bác không hiểu nhiều bậc cha mẹ ở xóm này ham tiền làm chi mà gả con mình cho mấy ông Đài Loan trong khi không quen biết, thương yêu gì. Thiệt là…
Nghe mẹ tôi nói thế mắt Trúc lưng tròng. Tôi liền đỡ lời:
- Những lúc như vậy con mới thấy con gái Việt Nam mình thật đáng yêu. Vì trong niềm mơ ước của mỗi người ai cũng muốn tìm cho mình một “Bạch mã hoàng tử” nhưng họ đã dằn lòng để báo hiếu cha mẹ, vì gia đình. Họ cũng cần được xã hội thông cảm đó mẹ!
Ba tôi nói:
- Thằng Sơn nó nói phải đó bà!
Mẹ tôi im lặng không nói gì, nhưng tôi rất hiểu lòng mẹ, vì muốn Trúc là con dâu nên mẹ tôi nói vậy thôi.
Vừa xong bữa ăn Trúc bắt đầu dọn dẹp. Tôi đến bên Trúc cùng rửa mớ chén bát và chuyện trò:
- Thật cực cho em quá!
Trúc nhìn tôi cười và nói:
- Không có gì đâu anh, chăm sóc người thân yêu là niềm hạnh phúc của phụ nữ mà.
Tôi đưa tay vào thau nước nắm lấy tay Trúc. Em không rút lại mà để yên cho tôi nắm. Trán tôi tựa vào trán của Trúc. Tôi cảm nhận được từng nhịp đập con tim của em, nghe được hơi thở đầy hồi hộp và lo âu của em…
***
Một năm yêu nhau, một năm hò hẹn, một năm thương nhớ. Vì vậy khi nhe tiếng ve ngân vang hay thấy được những nụ phượng hồng nhú ra trên những cành lá xanh non là lòng tôi tràn đầy vui sướng vì sắp được về gặp Trúc. Nhưng tôi đã quên mất một điều, khi hè sang Trúc cũng phải kết thúc năm học. Rồi mẹ Trúc bắt Trúc đi lấy chồng xa tít.
Lúc này lòng Trúc đang rối bời. Trúc lặng lẽ nhặt cánh phượng rơi, ép vào trong trang sách. Hai hàng nước mắt rưng rưng, cô kêu lớn: “Ve ơi! Đừng kêu nữa…. Ve ơi!...”.
Thế rồi những gì không mong đợi cũng đã đến, sáng nay bà Kim Anh đã đến nhà Trúc, dẫn theo ba bốn ông xứ Đài xa lạ. Họ xầm xì nói ngôn ngữ gì mà mẹ Trúc không sao hiểu được. Hồi lâu bà Kim Anh hỏi:
- Con gái chị đâu sao tôi không thấy?
Mẹ Trúc nói:
- Nó ở bên trong, vì cháu nó mắc cỡ nên ngại không dám ra.
Bà Kim Anh giục:
- Bảo nó ra cho người ta coi mắt đi, tôi còn đi nhiều chỗ nữa chứ đâu phải chỉ có chỗ này!
Mẹ Trúc vào trong buồng giục giã mãi cuối cùng Trúc mới bước ra chào. Lúc Trúc bước ra, bốn người đàn ông kia cứ nhìn Trúc chằm chằm. Rồi họ nói gì với bà Kim Anh chừng như hài lòng lắm! Cuối cùng bà Kim Anh quay sang mẹ Trúc và nói:
- Người ta đồng ý rồi đó! Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ để tôi lo thủ tục.
Mẹ Trúc vui mừng, cám ơn bà Kim Anh rối rít. Bà Kim Anh chỉ nói:
- Hay là tôi tính thế này, trước sau gì cũng thành vợ chồng, chị cho cháu lên thành phố sống với người ta cho quen rồi cưới luôn. Những người này ở toàn khách sạn sang trọng. Con của chị sống với người ta ăn sung mặc sướng, lúc đó chị nhớ nhắc cám ơn tôi nghe chưa!
Thấy Trúc quyết không đồng ý nên mẹ Trúc từ chối khéo:
- Được họ chọn là phúc cho con nhỏ rồi, nhưng tuần này con nhỏ phải thi để lấy bằng tiếng Anh, cho cháu chút thời gian nhe bà.
Bà Kim Anh quay sang “xù xì” với nhóm đàn ông, rồi gật đầu với mẹ Trúc nói:
- Thôi cũng được.
Rồi bà kéo giỏ lấy ra một sấp tiền:
- Đây là hai mươi triệu! Tôi đưa trước cho chị để mua sắm những thứ cần thiết cho con nhỏ, khi xong chuyện rồi tôi sẽ đưa thêm…
Mẹ Trúc nhận tiền xem chừng vui vẻ lắm. Còn bà Kim Anh không quên dặn:
- Tuần sau tôi đưa người đến đón con nhỏ đó nghen!
Tối đêm đó, Trúc gọi điện cho tôi: “Anh Sơn ơi! Mẹ em đã quyết định gả em qua Đài Loan, bây giờ em rối lắm không biết làm thế nào. Em không thể sống mà thiếu anh được”. Nghe điện thoại lòng tôi rối như tơ vò. Trong lúc nhất thời tôi bảo Trúc “hay là em trốn theo anh nhé!”.
Trúc đồng ý với quyết định của tôi rồi viết cho mẹ một bức thư nhận lỗi “con thật bất hiếu. Xin mẹ hãy tha lỗi cho con. Chắc con đi tu luôn…” rồi ra đi mà chưa kịp mang theo một thứ gì cả.
Khoảng mười giờ tôi đã đến Vĩnh Long chở Trúc về Cần Thơ rồi thuê nhà trọ ở ngoại thành cho Trúc ở. Trong lúc đó bà Kim Anh xuống không có Trúc, bà ta tức điên lên, sai đàn em của mình “lật tung” khắp nơi nhưng biết đâu mà tìm. Bà bắt mẹ Trúc phải bồi thường với số tiền là ba mươi triệu theo bản hợp đồng mà mẹ Trúc đã ký. Thế là Trúc đã thoát nạn, còn tôi thì có được Trúc.
***
Đến khi ra trường, nhờ học giỏi, tôi được một công ty cao su ngoài miền Đông tuyển chọn để qua Lào làm việc, với số tiền lương khắm khá. Tôi thì lo việc công ty, còn Trúc lo việc buôn bán. Đến bây giờ đã gần mười năm. Chúng tôi có hai đứa con, con trai lớn bảy tuổi còn con gái nhỏ cũng được năm tuổi. Hôm nay tôi bàn với Trúc đưa cả nhà về quê hương thăm cha mẹ. Mấy đứa con tôi nghe được về Việt Nam thăm ông bà, chúng rất vui mừng.
Tối đêm đó tôi thấy Trúc cứ trằn trọc mãi mà không ngủ được. Gia đình tôi ai cũng chờ đợi chuyến đi này.
Vừa về đến Việt Nam Trúc bật khóc nức nở. Mấy đứa con tôi ngạc nhiên hỏi:
- Ba ơi làm gì mà mẹ khóc vậy ba?
Tôi trả lời chúng nó:
- Vì mẹ nhớ bà ngoại.
Nghe nói, chúng nó ôm mẹ dỗ dành, thấy cảnh ấy tôi hạnh phúc không sao tả được.
Vừa bước chân vào nhà, mấy con chó sủa um cả lên. Mẹ tôi chạy ra vui mừng nhưng cũng ngạc nhiên. Tôi liền gọi hai đứa con đến bảo:
- Các con chạy đến ôm hôn bà nội đi!
Nghe tôi bảo, bọn chúng chạy tới quàng đôi tay nhỏ xíu ôm cổ mẹ tôi, mẹ tôi rưng rưng thốt lên:
- Trời ơi, có cả hai đứa con vậy mà giấu mẹ…
Mẹ tôi ôm chúng nó vào lòng mà nước mắt cứ tuôn rơi. Rồi dường như nhớ ra chuyện gì bà ngước lên hỏi:
- Còn vợ con đâu?
Trúc bước tới gỡ khẩu trang ra gọi:
- Mẹ!
Mẹ tôi ngạc nhiên thốt lên:
- Con… Trúc! Trời ơi, vợ con… là con Trúc!
Thế là chúng tôi ở lại quê với ba mẹ gần ba tháng, còn xây cho mẹ vợ tôi một căn nhà không thua kém các căn nhà trong xóm và còn mở cho bà một tiệm tạp hóa ngay đầu làng. Chúng tôi bàn với nhau sẽ xin chuyển về nước làm việc cho tiện việc học hành của mấy đứa trẻ và chăm sóc cha mẹ đôi bên. Nghe nói vậy Trúc nở một nụ cười mãn nguyện như nụ cười ngày nào của cô bé nhà bên.
MINH ĐIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin