Nổi danh với dòng nhạc dân ca trữ tình từ những năm cuối của thế kỷ 20, tới nay, Phi Nhung là ca sĩ được nhiều thế hệ khán giả Việt Nam yêu mến. Trước khi đứng trên đỉnh cao danh vọng, cô có tuổi thơ nhiều nước mắt, thăng trầm.
Nổi danh với dòng nhạc dân ca trữ tình từ những năm cuối của thế kỷ 20, tới nay, Phi Nhung là ca sĩ được nhiều thế hệ khán giả Việt Nam yêu mến. Trước khi đứng trên đỉnh cao danh vọng, cô có tuổi thơ nhiều nước mắt, thăng trầm.
Ca sĩ Phi Nhung sinh năm 1970, quê ở Gia Lai. Trải qua tuổi thơ sóng gió, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, có lẽ vì vậy mà những ca khúc viết về tình cảm gia đình, qua tiếng hát của Phi Nhung trở nên khắc khoải hơn.
Trong đó, Nhớ mẹ lý mồ côi - một bài hát được nhạc sĩ Trương Quang Tuấn viết với cảm xúc, câu chuyện trên chính cuộc đời Phi Nhung: "Phương xa cha nào có hay, mà chiều nay con giỗ mẹ nơi này...".
Phi Nhung bên con gái |
Mong bất hạnh đời mình không lặp lại với con trẻ
Phi Nhung từng tâm sự cô là kết quả một mối tình lầm lỡ, ông ngoại bắt mẹ cô phá thai nên bà trốn vào chùa sinh con, quyết giữ lại giọt máu của mình. Một tháng sau thì bà ngoại bế cháu về, mẹ cô đi bán dưa gang để lấy tiền mua sữa nuôi con.
Trong chương trình Ký ức vui vẻ, Phi Nhung kể lại vì là con lai nên cô không được theo mẹ từ nhỏ. Do sợ bị chê cười nên mẹ cô giấu chuyện từng sinh con, gửi cho nhà ngoại nuôi rồi đi lấy chồng.
Lên 8 tuổi, mẹ Phi Nhung đón cô về ở cùng nhưng 2 năm sau bà qua đời, cô trở thành trẻ mồ côi. Phi Nhung nói vẫn rất thần tượng mẹ và từ sâu trong tâm khảm, cô luôn thèm được gọi hai tiếng "má ơi".
Đó là lý do từ thuở niên thiếu, Phi Nhung vẫn luôn ấp ủ xây được một ngôi nhà cho trẻ mồ côi, gọi mình là "má" và khi ra đường, các con có thể nói với chúng bạn là "tao có má, tao có anh em".
Nhiều năm trở lại đây, Phi Nhung nhận nuôi nhiều trẻ mồ côi, cơ nhỡ. Cho tới cuối đời, Phi Nhung vẫn muốn ở một mình để lo cho các con. Cô không muốn bất hạnh riêng của mình lặp lại với những đứa trẻ khó khăn đã nhận nuôi.
Bài hát 'Hai ơi đừng qua sông' Phi Nhung còn thu âm dang dở - Nguồn: Yên Lam
Con đường ca hát lắm khó khăn, thử thách
Phi Nhung tiết lộ rằng cô được các chú, dì, hàng xóm trong gia đình khen có giọng ca hay từ thuở bé, khi hát ru cho các em ngủ. Ngay từ lúc đó, Phi Nhung đã dần nhen nhóm trong đầu suy nghĩ một ngày nào đó, mình sẽ là ca sĩ.
Năm 1989, Phi Nhung sang Mỹ, được một tổ chức từ thiện dạy tiếng Anh trong 6 tháng và đào tạo cấp chứng chỉ dọn dẹp vệ sinh để đi làm ở khách sạn, đêm về tranh thủ thời gian may vá thuê để kiếm thêm.
Những ngày đầu nơi đất khách, Phi Nhung làm đủ công việc khác nhau ở Tampa, Florida để có tiền trang trải cuộc sống và nuôi con gái Wendy, sinh năm 1992.
Một lần, Phi Nhung tình cờ gặp Trizzie Phương Trinh, khi đó đã là một ca sĩ có tiếng ở hải ngoại. Nhận ra giọng hát truyền cảm của Phi Nhung, Trizzie Phương Trinh chủ động đề nghị giúp đỡ, muốn đưa về nhà ở cùng tại California và rèn luyện giọng hát thêm.
Với suy nghĩ cuộc đời mình đã quá khổ rồi và muốn con gái sẽ có cuộc sống sung túc hơn, Phi Nhung chia tay cuộc sống đang dần ổn định ở Florida để "đặt cược tất cả cho hành trình mới". Ở California, ngoài học hát, buổi tối Phi Nhung làm ở nhà hàng, ban ngày đi bán CD để kiếm tiền nuôi con.
Hai năm sau, cô mới bắt đầu có thể đi hát với hai bài Nỗi buồn hoa phượng, Nối lại tình xưa nằm trong CD để ảnh bìa là những ca sĩ nổi tiếng hơn. Không lâu sau đó, Phi Nhung nhanh chóng nổi tiếng và giai đoạn 1994 - 1998, cô được mệnh danh là "Nữ hoàng băng đĩa".
Suốt hành trình đó, Phi Nhung không có bất kỳ chia sẻ nào về con gái Wendy vì cô mong muốn con có một tuổi thơ êm đẹp, tập trung học hành cho nên người. Năm 2017, khi Wendy tốt nghiệp cử nhân, cô lần đầu công khai danh tính con gái.
Ngoài Wendy, Phi Nhung có 23 người con nuôi, một số sống cùng nhà với cô, số còn lại sống ở chùa Phước Lạc, tỉnh Bình Phước.
Phi Nhung và Hồ Văn Cường (con nuôi của cô) |
Tháng 7/2021, đứng giữa hai lựa chọn về Mỹ đoàn tụ cùng con gái hoặc ở TP.HCM để tiếp tục hành trình thiện nguyện và chăm sóc cho các con nuôi trong mùa dịch nguy hiểm, Phi Nhung đã quyết định ở lại.
Cô nhiệt tình tham gia các hoạt động như đóng góp cho quỹ vắc xin, kêu gọi mua máy thở, gửi gạo tới người nghèo, tham gia bếp ăn tình thương cho người vô gia cư... từ giữa tháng 6 đến ngày 5/8.
Sau khi phát hiện nhiễm COVID-19, Phi Nhung nhập viện tại Bệnh viện Gia An 115 từ ngày 15/8, nhưng tình trạng chuyển nặng nên được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 26/8.
Không may mắn, cô bị biến chứng nặng của COVID-19, đông đặc phổi và hoại tử một phần phổi; kèm cơn bão Cytokine, suy đa cơ quan và phải chạy ECMO (tim phổi nhân tạo), lọc máu liên tục. Phi Nhung trút hơi thở cuối cùng vào lúc 11h57 trưa ngày 28/9, ở tuổi 51.
Theo TIẾN VŨ/Tuổi Trẻ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin