Bây giờ dẫu cho Hai Địa có can thiệp thẳng vào chuyện tái giá của mình, Út Bích cũng không hề nhảy đông đổng lên thốt ra cái câu: "Đèn nhà ai nấy sáng!"
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG |
(VLO) Bây giờ dẫu cho Hai Địa có can thiệp thẳng vào chuyện tái giá của mình, Út Bích cũng không hề nhảy đông đổng lên thốt ra cái câu: “Đèn nhà ai nấy sáng!”
Ngày trước dễ gì cam chịu! Trời ơi, ngoài câu nói phũ phàng đó ra đến lúc hai đàng nổi xung thiên, tay chân múa may bà ta còn bồi thêm một câu nữa, gây ấn tượng đậm với sắp nhỏ trong làng: “Nè, trán của ai nấy chỉ đừng chỉ trán tôi. Coi chừng có ngày…. Có ngày…. à!
Trời trời! Như ăn cơm bữa, “chiến tranh” giữa hai người nổ ra liên miên. Nhất là vào những tháng cận tết, khi gió bấc chớm về, bông xoài sớm nhú ra thưa thớt trên những cành non nhưng đã hấp hối, bởi các loại thuốc kích thích ra hoa, cho trái cực mạnh vét hết sức sống.
Người cao tuổi chẳng để tâm đến, vì ai nấy đều rõ chuyện cãi vã chung quy do hai cây xoài mà ra.
Trong cuộc đời nghĩ thật buồn cười, gieo nhân mình cho tốt đôi khi gặt quả xấu. Trường hợp đột biến là đây! (?)
Trước kia, ông Tuất- ba Hai Địa- và ông Ân- tía Út Bích- là đôi bạn đói khổ mà cha mẹ thắt lưng buộc bụng cho ăn học và tạo điều kiện mọc rễ ngoài thị thành.
Nhưng vì nặng nợ với bờ tre mái rạ, với mấy cô thợ gặt, thợ cấy có vóc người tròn lẳn, mắt lá răm lúng liếng nên hai anh học trò này quay mặt với cái chữ, quẩy nóp về quê dựng tổ ấm trên đất đỏ lự phù sa, cạnh mơn mởn lúa dậy thì và thề sanh tử với cái nghề làm vườn ít vui nhiều buồn.
Qua những năm tháng dài miệt mài lao động, hạnh phúc cũng từ bi mỉm cười với họ. Trong vườn, dừa lên cao khép tán cho quày sai trái.
Cam trổ hoa trắng sắp kết chùm trái ngọt. hơn thế nữa, vợ của hai ông cùng “đập bầu” trong một tháng. Hai Địa là con trai, còn con gái đúng ra là Hai Bích mới phải, nhưng vì vợ ông Ân thấy sức khỏe mình yếu không thể sinh con được nữa nên đổi thứ hai sang út- Út Bích kêu cho có vẻ nuông chiều vậy mà.
Có thể nói đây là một bước ngoặt lớn trong đời người cần đánh dấu, mà cái dấu đó làm thế nào cho có hậu về sau. Nghĩ như thế, một hôm lúc mặt trời mới chui khỏi lớp mù sương và uể oải thả hàng ngàn tia nắng xuống vườn cam.
Ông Ân bứng hai cây xoài ưng ý nhất trong đám xoài ươm đã lâu cạnh sàn nước, rồi mang sang nhà ông Tuất. Trước nhắc lại lời kết nghĩa sui gia của hai người hồi cái thời còn trao thư tình vần công, sau phơi bày mục đích của mình sang nhà bạn.
- Anh Tuất à, coi như tụi mình đánh cái nghe! Nhằm để huê lợi cho con cháu và đánh giá tay nghề cao thấp của anh và tôi.
Đó, hai cây xoài con, mỗi người chọn một đem trồng ở hai bờ con xẻo, cái ranh đất. Đúng hai mươi năm sau, cây xoài của ai trội hơn, được xem như người đó thắng cuộc khỏi bỏ tiền ra lo tiệc tùng cưới hay gả, vì người thua phải lo hết!
Chẳng những đưa cả hai tay đồng tình, ông Tuất còn nhận nước con chó, để làm thịt đãi ông Ân nhậu sau khi hai sui gia tương lai xoắn tay áo trồng cây với tinh thần lạc quan của người chiến thắng.
Rồi thời gian qua nhanh, mới đó đã mười bảy năm tròn. Hai Địa và Út Bích giờ thành niên thiếu, tình cảm họ vẫn như công việc đồng áng vừa khỏe mạnh vừa vô tư.
Đôi bạn có cái máu làm vườn đã đội tuổi bốn mươi trên đầu. Cây xoài của ông Ân nhóng cao, cành lá sum sê hơn cây xoài ông Tuất thấy rõ. Nhưng khổ nổi biến cố tình cảm từ đâu mò đến làm hỏng nghĩa sui gia sắp tới.
Hai Địa- đứa con trai có ngoại hình kém, môi trề, mũi gãy, chân tay dài loắng ngoắng như sắt nguội. Nhưng được cái nước ăn nói có duyên, lại hưởng trọn cái gien lãng mạn của cha nên đôi lúc trái tim mấy cô gái cũng vặt vẹo vì y.
Vào đêm nguyệt thực, Hai Địa đi chơi hội kỳ yên ở đình làng, rồi phải lòng cô đào hát bội, có giọng ca ồm ồm như nước chảy vào thùng rỗng. Chỉ sau vài lần tiếp xúc, ngôn từ và hành vi đẹp của chàng thiếu niên miệt vườn đã làm trái tim cô nghệ sĩ vốn đã ửng mềm giờ chín rữa ra luôn.
Biết dù nói mấy cha mẹ cũng không nghe lời mình cho bội ước với vợ hứa hôn, để cưới người mình vừa thương. Hai Địa liều mạng cuốn gối theo ghe hát làm anh chèo lái kiếm cơm, đặng được dệt mộng với nàng “Chung Vô Diệm” hồi lột xác trong vở tuồng mình thích xem.
Tin con trai độc nhất của mình: Hai Địa mê đào hát bỏ nhà đi tuốt theo phường xướng ca tràn lan như khói đốt đồng; khiến ông Tuất điên tiết lên tuyên bố từ con và sắm khay trầu rượu bưng đến nhà ông Ân.
Anh sui… mà không… anh Ân à, mũi dại thì lái chịu đòn. Thôi, anh nếm với tôi miếng rượu và nhận một lạy này để thứ tha cái tội thất tín của tôi!
Ông Ân không nói một lời, quay mặt ngang khạc bãi nước bọt, rồi gọi người nhà tiễn khách! Ngay hôm đó, ông ép gả Út Bích cho chệt Tỷ- chủ tiệm thuốc Bắc ở tận Chợ Lớn- Sài Gòn.
Nghĩ ông Ân ham giàu và đối xử quá đáng với mình, ông Tuất kêu người bán hết bầy bò lấy tiền mua lại gánh hát bội Đông Phương cho con dâu mình làm bầu nhằm trả đũa.
Từ đây, “cuộc chiến” giữa sui gia hụt không ngừng tiếp diễn, vũ khí thường dùng là những lời bóng gió xỏ xiên, những cái nguýt mắt bén như dao xắt chuối. Nhưng họ đâu có cơ hội mà đấu tranh hoài.
Thời gian khác chi thằng mất dạy, không kiêng nể ai hết. Nó không chỉ tàn phá mặt mày mà còn kéo cái lưng của vợ chồng ông Tuất cũng như vợ chồng ông Ân sập xuống, rồi dần dà xô từng người một ra khỏi cuộc đời, để khi hóa thân vào tạo vật vẫn canh cánh nỗi hận thù trong dạ.
Hai cây xoài cứ tồn tại và phát triển nhanh như thách đố thế hệ sau.
Tre tàn, măng theo thời gian lận đận mọc cao thành tre, giờ cũng sắp cỗi. Út Bích hiện thân của hạt mưa sa, biết có còn ở đài các hay ra luống cày? Phần Hai Địa sống đời gạo chợ nước sông gặp chuyện chẳng lành. Không hiểu từ lúc nào, chắc từ khi nhạc giậm giựt và nhạc du dương ồ ạt xuất hiện còn cải lương thì đang thời hoàng kim, sân khấu hát bội thì bị đẩy lùi và thu hẹp trong mái đình, sân miếu.
Đời sống nghệ sĩ vô cùng chật vật. Cả Hai Địa cũng bị vợ: bà bầu “cắt” đi soi cóc, nhái để cải thiện bữa cơm cho diễn viên trong đoàn. Tự ái nổi lên đùng đùng, ông “chia tay” liền với vợ trong một chiều gió mưa sập sùi, khán giả kéo đến trả vé với thái độ của những người chống khủng bố.
Về quê sinh sống, ông bầu gánh hết vận đỏ này mới hiểu thấu cảnh tình của cố nhân: Chệt Tỷ to bằng cây cột đồng, lưng bè tựa cái bàn gỗ, vậy mà bị “ban đen” vật ngã và chết tức tưởi trên đống thuốc, để lại cho vợ đứa con gái đúng tuổi trăng tròn, có vẻ đẹp đằm thắm mơ màng như mẹ. Em Chệt Tỷ thương anh mình bạc phần chết trẻ mới bảo lãnh cháu sang Mỹ, cho học nghề tây y. Út Bích sống cô độc thấy buồn bèn bán tiệm thuốc về ở ngôi nhà thờ, lo đèn nhang cho tía, má. Cặp vợ chồng hứa hôn năm xưa lại ở gần bên nhau như ngày nào. Mối hận trong lòng Út Bích bốc cao như ngọn lửa, sẵn sàng thiêu sống người phụ tình ở mọi lúc mọi nơi nếu có dịp. Hai cây xoài vẫn đứng sừng sững chụp bắt những lọn mây buồn vật vờ trôi ngang. Cành lá của chúng đan chen khít rịt, trông từ xa giống như một chiếc dù khổng lồ đội lên hai cây cột lớn. Nhiều lần Hai Địa và Út Bích định gởi đơn kiện nhau về việc cây xoài của nhà này chồm qua lấn ranh, làm những cây tạp trong vườn nhà kia bị che khuất ánh nắng nên cằn cỗi, mất khả năng cho trái và ngược lại… Nhưng họ đâu có lạ chi cách giải quyết của chính quyền, người ta giăng dây chạy dọc giữa con xẻo, kéo lên và mé sạch nhánh của hai cây xoài de khỏi sợi dây. Làm thế hai bên đều bị thiệt, vì mỗi cây xoài chỉ còn một nửa bên tàn. Thời gian gần đây xoài trái có lúc khan hiếm trên thị trường nên có giá, cao nhất vào dịp tết, vì ngoài việc làm quà biếu ra, xoài còn góp mặt trong mâm ngũ quả để nói lên mơ ước của người đời. Do vậy, họ mới để yên đặng thu lợi, bằng không sứt đầu mẻ trán cho thấy!
Hàng năm bước vào đầu tháng mười trời bớt mưa. Hai Địa và Út Bích lúi húi vun gốc bón phân cho xoài lần chót. Sau đó, họ mới phun thuốc kích thích ra hoa, đậu trái. Nhưng thật đáng thương, liên tiếp mấy mùa xoài rồi đều bị thất trắng. Có nhiều nguyên nhân, cái chính có lẽ do thời tiết. Mỗi lần bị mất mùa, Út Bích rêu rao cùng hàng xóm.
- Hai Địa đần độn thiếu hiểu biết trong khâu sử dụng thuốc, thằng chả xịt dính đầy cây xoài của tôi, khiến nó chịu chung số phận với cây xoài của ổng. Thiệt là oan gia mà!
Những lời đổ lỗi và chê trách nặng nề đó theo chân mấy bà ngồi lê chính hiệu, rồi rớt vào tai Hai Địa nghe lùng bùng. Ông ra vẻ thãn nhiên đếm bước ngang nhà Út Bích.
- Tôi đần độn nên đâu rõ chuyện thằng lái ở Cái Bè mua xoài lá xóm trên vác cây si đến trồng trước cửa nhà người ta. Chắc trồng cây xanh rồi mới ghen, vì biết trước kia tôi với người ta có lẹo tẹo. Ôi, sáu mươi năm cuộc đời! Tranh thủ yêu đi để “xuống lỗ” khỏi hối tiếc! Tôi đâu có dòm ngó gì đâu sao nỡ nhẫn tâm thông đồng với nhau đem thuốc khai hoang phun cho tôi bị lan can mất mùa? Nuôi ong tay áo mà không biết. Đừng có vọng tưởng, cùng lắm là làm bé chớ làm chánh… Không dám đâu! Cho mình khôn? Ư, con ở Mỹ bày đặt nói tắt cho sai tét bét: Ở USA (United States American) mà nói USD (United States dollar) nên chết danh Út USD là phải!
Nhoáng nghe qua, Út Bích quai mồm trả miếng bằng một thứ âm thanh đều đều, lành lạnh nghe rợn đến dựng tóc gáy! Rồi chỉ sau vài giây hai người nhóm cái chợ chồm hổm đột xuất trước ngã ba đường. Trong tháng, nhóm dăm ba cái chợ chồm hổm như vậy hàng xóm nghe riết cũng quen. Chỉ có chú Năm- trưởng ấp Đông Hậu- thấy để vậy còn đâu là ấp văn hóa nên tìm biện pháp giải tán cái chợ đó: xét thấy Hai Địa cũng là người tốt, chuyện cự cãi chẳng qua do mâu thuẫn trước kia khi còn bồng bột. Chú Năm đề bạt y làm đội trưởng đội xung kích ấp.
Ôi! Từ đây, Hai Địa không còn “sung sức” nữa. “Chiến tranh” tạm lắng rồi im hơi luôn, vì hai cây xoài giờ đã lỗi thời không còn là mục tiêu kinh tế nữa. Phong trào cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng dấy lên rộng khắp, nhiều khu vườn đặc sản ra đời, lợi nhuận thu đáng kể. Hai Địa ý thức được điều đó từ lâu cũng như trách nhiệm của một cán bộ địa phương, ông không do dự đốn bỏ cây xoài oan nghiệt và một số cây đặc sản nhưng đã cỗi trong vườn, trồng lại giống xoài mới, xoài cát hồng phấn. Và chỉ trong một thời gian ngắn, trái đeo mắc chỏi nhánh kẻo gãy! Út Bích mê quá bắt chước làm theo và xoài cũng đã cho trái chiếng.
Năm nay trời dứt mưa sớm, xoài trổ bông đậu trái trông bắt mắt. Chiều sắp về, gió xào xạc đuổi nhau trên đọt xoài tơ. Hai Địa còn tất bật xịt thuốc làm sạch trái, để chuẩn bị tuyển bán trước tết. Út Bích đứng bên kia con xẻo, mắt đắm đuối nhìn những trái xoài no tròn, bụ bẫm, chói nắng hồng tươi của mình. Rồi nói dèm.
- Trái bị mò bám đen đầu, phun thuốc gì hết ta?
- Cái đó hỏi thằng lái Cái Bè mới biết. Tôi không dám xía vô. Đèn nhà ai nấy sáng mà. Trán của tôi tôi chỉ chắc ăn! “Xí” một cái dài thượt, Út Bích ngoay ngoáy bước vào nhà, mắt cứ dõi ra vườn xoài như chờ đợi… Hai Địa vừa quảy bình lội qua con xẻo vừa nghĩ thầm: “Khách quan mà nói, mình mới là người có lỗi. Thôi, ba bốn bình thuốc tới đâu, xịt cho cổ vui”. Và ông thực hiện ngay suy nghĩ của mình.
- Anh Hai uống nước mía đi!
- Ý trời! - Hai Địa giựt thót- Tôi đau tim, cô Út…
- Anh nói thêm “USD” nữa chọt cái ca vô mặt liền!
- Đâu có, Út à xoài của em mới cho trái đợt đầu nên chưa sắm lồng hái và cần xé đựng, để tôi cho mượn và hái bán giùm em luôn. Tiền của em kể cả của anh nữa Út cất hết đi! Mình xài chung nghe? Tôi hà tiện lắm. Ăn cua bắt kinh không hà.
- Trời Phật ơi! Ăn cua Bắc Kinh nhập từ Trung Quốc mà nói hà tiện?
- Ừ, ờ… Cua bắt ở con kinh ngoài đồng mình á bà ơi! Nói cua Bắc Kinh cho sang vậy mà.
- Ờ, ờ… Anh Hai giỏi quá! Dạo này tốt thiệt nghe, đi đám tiệc xỉn xong dông chớ không xỉn xong xàm.
- Trời ơi trời! Cô biết nói tiếng Hàn Quốc hả cô Út?
- Hàn Quốc cái giống gì? Anh đi đám dự tiệc xỉn xong dông về nhà ngủ chứ không xỉn xong nói xàm hoài như mấy cha khác!
- Á, á… Tôi nửa cân cô cũng tám lạng!
Nắng đã tắt, tiếng cúm núm thúc lên một hồi dài như thả thêm vào chiều xuân một luồng khí lạnh, khiến hai tâm hồn đơn côi này cùng thèm một bếp lửa.
HỒNG SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin