Học yêu thương từ những điều bình dị

02:09, 05/09/2021

"Phim ngắn cuối tuần" được phát sóng trên Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long (THVL) tạo sức hút khán giả mạnh mẽ khi luôn nằm trong "top" lượt xem nhiều nhất trên cả nước. Những câu chuyện bình dị, đầy nhân văn mang đến đủ cung bậc cảm xúc để mỗi người chiêm nghiệm và trân quý giá trị của cuộc sống.

 

Ảnh cắt từ phim ngắn “Chị Hai”.
Ảnh cắt từ phim ngắn “Chị Hai”.

“Phim ngắn cuối tuần” được phát sóng trên Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long (THVL) tạo sức hút khán giả mạnh mẽ khi luôn nằm trong “top” lượt xem nhiều nhất trên cả nước. Những câu chuyện bình dị, đầy nhân văn mang đến đủ cung bậc cảm xúc để mỗi người chiêm nghiệm và trân quý giá trị của cuộc sống.

Loạt “Phim ngắn cuối tuần” do đạo diễn- NSƯT Nguyễn Phương Điền thực hiện, phát sóng lúc 19 giờ 50 phút chủ nhật mỗi tuần trên THVL1. Mỗi tập trong loạt phim chỉ từ 10- 15 phút nhưng để lại nhiều dư âm sâu lắng bởi cốt truyện chân thật, giàu nhân văn, đoạn cao trào được xử lý nhanh, diễn viên đều là những gương mặt tên tuổi nên nhập vai thuyết phục.

Mỗi câu chuyện với chủ đề đa dạng như tình cảm gia đình, tệ nạn xã hội, chuyện xóm làng, văn hóa truyền thống… Mang đến đầy đủ cảm xúc hạnh phúc, ngọt bùi, đắng cay, tình cha mẹ- con cái được nhắc đến trong tập phim “Máu đào”, “Gia tài của ba”, “Mẹ già”, “Chiếc điện thoại”, “Mẹ anh mẹ em”, “Tiếng chổi tre”, tình vợ chồng đầy cảm động trong “Tình già”, “Đời không như là mơ”, tình anh chị em trong “Chị Hai”, “Chồng muộn”. Ngoài ra còn có những câu chuyện về tình người như “Gã hoàn lương”, “Cuối đường hạnh phúc”…

Bối cảnh phim được quay ở Vĩnh Long với căn nhà, góc bếp, các loại trái cây, mâm cơm gia đình đầy yêu thương. Nhờ những tình tiết gãy gọn, súc tích mà các tập phim lôi cuốn được người xem giữa thời buổi khán giả “bội thực” những phim truyền hình dài tập lê thê, lạm dụng yếu tố bi kịch. Câu chuyện gần gũi không áp đặt, giáo điều, tưởng chừng như xảy ra hàng ngày mà người xem không để ý tới. Khi bắt gặp những khoảnh khắc ấy trong phim, khán giả mới vỡ òa nhận ra, tự suy ngẫm để rút ra kinh nghiệm ứng xử, không bỏ lỡ những điều quý giá mình đang có.

Đạo diễn- NSƯT Nguyễn Phương Điền cho biết lâu nay gắn bó với những phim dài tập như “Vua bánh mì”, “Mắt lụa”, “Con gái bố già”… thì nay tất cả phim ngắn càng kể, anh càng thấy thú vị. 52 tập phim là 52 câu chuyện có thật trong đời sống. Phải làm sao thật súc tích, cân đong, đo, đếm cho cảm xúc khán giả vỡ òa, từ diễn xuất, bối cảnh phù hợp nền câu chuyện và âm nhạc khiến người xem đồng cảm cùng mỗi nhân vật.

Một điểm hấp dẫn của “Phim ngắn cuối tuần” là sự “lột xác” của một số gương mặt quen thuộc. Khán giả xem phim truyền hình vốn đã quen với một Thân Thúy Hà thường vào vai người phụ nữ sắc sảo, đầy gai góc thì nay cô hóa thân thành người nhà quê đen nhẻm, tảo tần, chịu thương chịu khó trong tập phim “Chị Hai” hay “Chồng muộn”. Quách Ngọc Tuyên vốn gắn liền với những vai giang hồ, nay vào vai một thanh niên chạy xe ôm lam lũ, luôn đứng giữa khó xử của mẹ và người vợ.

Diễn viên Thanh Thức thì hóa thân thành người chiến sĩ trong “Cuối đường hạnh phúc”. Theo Thanh Thức, đây là vai diễn ấn tượng nhất đối với anh trong những vai ở loạt phim. Anh hiểu được nỗi lòng của người lính, yêu hơn quê hương đất nước này. Những ngày quay phim ở Vĩnh Long, anh rất thích bối cảnh và mọi người đều hiếu khách với những bữa cơm đầm ấm.

Trong những ngày quây quần cùng gia đình giãn cách xã hội để phòng chống dịch, mỗi tập phim như một món quà tinh thần, mang đến thông điệp nhân văn, hướng con người đến với sự thiện lương, học yêu thương từ những điều bình dị. Đạo diễn Phương Điền và ê kíp hy vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát, các hoạt động quay phim trở lại bình thường để tiếp tục hoàn thành những câu chuyện yêu thương trong loạt “Phim ngắn cuối tuần”.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ

 

  • ™Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh