Sau khi giành được độc lập, chỉ 21 ngày tiếng súng đã nổ, thực dân Pháp đã quay lại xâm lược nước ta lần nữa. Nam Bộ đã đứng lên giữ vững lời thề: "Độc lập hay là chết" và ngày 23/9/1945 đã đi vào lịch sử dân tộc, là ngày Nam Bộ kháng chiến, mở đầu cho cuộc trường kỳ 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và 20 năm chống đế quốc Mỹ. T
Địa danh lịch sử Ngã tư Long Hồ- nơi đã thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên tỉnh Vĩnh Long- cũng là nơi đã ghi dấu những trận đánh của quân, dân ta với thực dân Pháp, trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến. |
(VLO) Sau khi giành được độc lập, chỉ 21 ngày tiếng súng đã nổ, thực dân Pháp đã quay lại xâm lược nước ta lần nữa. Nam Bộ đã đứng lên giữ vững lời thề: “Độc lập hay là chết” và ngày 23/9/1945 đã đi vào lịch sử dân tộc, là ngày Nam Bộ kháng chiến, mở đầu cho cuộc trường kỳ 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và 20 năm chống đế quốc Mỹ. Tự hào xứng đáng với danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” mà Bác Hồ khen tặng.
Theo lời kêu gọi của Bác Hồ “Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”, quân và dân Nam Bộ đã thể hiện tinh thần chiến đấu và hy sinh anh dũng. Từ gậy tầm vông, giáo mác, từ những vũ khí thô sơ, ít ỏi, quân và dân Nam Bộ đã kiên cường chống lại sức mạnh quân sự hùng hậu của kẻ thù. Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ xác định: “Từ giây phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt thực dân Pháp và tay sai của chúng”.
Trong giai đoạn đầu ta chủ trương bao vây địch ở vùng đô thị, triệt để tổng đình công, không hợp tác với thực dân Pháp, đánh du kích, phá hoại đường giao thông tiếp tế, bao vây, tiêu hao, tiêu diệt địch. Đồng thời, thực hiện di tản người già, trẻ em về khu vực ngoại thành, nông thôn.
Trong giai đoạn này, Tây Nam Bộ ghi nhận những trận đánh lớn trực diện đầu tiên, kéo dài thời gian chống cự tiêu hao sinh lực địch trên sông Hậu (Cần Thơ) và sông Cổ Chiên (Vĩnh Long). Trong sử liệu “Tây Nam Bộ 30 năm kháng chiến (1945- 1975)”, chiều 30/10/1945, đoàn tàu chiến của Pháp có thông báo hạm A.72 dẫn đầu tấn công vào TX Cần Thơ.
Trước đó, đêm 29/10, quân Nhật đã có mặt tại Cần Thơ để ủng hộ Pháp, ra lệnh giới nghiêm và cho quân lính canh gác nơi xung yếu.
Để đối phó tình hình, ta cho phá các nhà máy đèn, nhà máy nước và sơ tán phần lớn người dân. Ngay trong đêm 30/10, ta tung ra những toán nhỏ bắn vào nơi địch đóng quân và những toán tuần tiểu của địch làm cho chúng “ăn không ngon, ngủ không yên”.
Trong khi đó, cuối tháng 9/1945, tỉnh Vĩnh Long cuộc họp bàn về việc thống nhất các tổ chức Đảng được triệu tập ở Ngã tư Long Hồ, sự lãnh đạo của Đảng trở nên tập trung mạnh mẽ hơn. Hưởng ứng lời kêu gọi “Nhân dân đứng dậy kháng chiến” của Xứ ủy Nam Bộ, Ủy ban Kháng chiến tỉnh Vĩnh Long được thành lập.
Nguyễn Văn Thiệt được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh. Ủy ban Kháng chiến tiến hành kiện toàn tổ chức Cộng hòa Vệ binh, thành lập Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh…
Nguyễn Văn Thiệt trên cơ sở nắm sát quân đội, bố trí đội Lợn làm Đội trưởng, Phạm Ngọc Hưng làm Tư lệnh phó, chủ trương lấy vũ khí giặc bổ sung cho lực lượng cách mạng, quyết đánh trả bằng mọi cách và tạo nhiều chướng ngại vật trên đường hành quân của địch.
Ngày 27/11/1945, 2 tàu chiến của Pháp bắn dọc theo sông Cổ Chiên. Ngày 29/11/1945, thực dân Pháp cho tàu đổ quân chiếm TX Vĩnh Long.
Chiến sĩ cộng hòa vệ binh, cảm tử quân đã chống trả quyết liệt. Trong 3 tháng chiến đấu, quân và dân Vĩnh Long, dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Ủy ban Kháng chiến, đã tổ chức đánh trên 30 trận, với các trận đánh lớn ở: cầu Lầu, cầu Ông Me, Ngã tư Long Hồ, cầu Măng Thít...
Sau đó, Tỉnh ủy Vĩnh Long và Ủy ban Kháng chiến tỉnh được lệnh rút về Quân khu 9 để bảo toàn lực lượng, củng cố, xây dựng vững mạnh rồi trở về tiếp tục chống Pháp.
Phù hợp với chủ trương chung của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ. Sau ngày Nam Bộ kháng chiến, quân Pháp ngày càng mạnh, chúng dần mở rộng xâm lược các vùng đất khác ở miền Tây Nam Bộ.
Địch chiếm đóng được hầu hết các thị trấn, thị tứ, những cung đường, con sông quan trọng, huyết mạch. Quân ta vẫn ngoan cường chiến đấu nhưng chủ yếu là làm chậm bước tiến của địch, làm tiêu hao nhân lực, vật lực của địch. Nhiều địa phương thực hiện “vườn không nhà trống”.
Nhiều cơ quan lãnh đạo và đơn vị vũ trang tập trung tạm rút về U Minh, chờ ý kiến lãnh đạo của Đảng và Chính phủ.
Theo tài liệu từ “Tây Nam Bộ 30 năm kháng chiến (1945- 1975)”, ngày 2/2/1946 (nhằm mùng 1 Tết Bính Tuất), tại rạch Bà Đặng, thuộc quận Cà Mau- Bạc Liêu (nay thuộc huyện Thới Bình- Cà Mau), Xứ ủy Nam Kỳ triệu tập cuộc họp với sự tham dự của nhiều xứ ủy viên như Ung Văn Khiêm, Phạm Hùng, Võ Sĩ, Bộ Chỉ huy Khu 9 là Vũ Đức, Phan Trọng Tuệ và đại diện Bộ Chỉ huy Khu 8, để nhận định tình hình chiến sự và bàn chủ trương ứng phó.
Qua xem xét, hội nghị nhất trí cần thiết báo cáo Trung ương để xin chi viện vì tương quan chênh lệch giữa lực lượng ta và địch.
Về ứng phó tại chỗ, các đại biểu bàn thảo 2 phương án: dựa vào dân, bám cơ sở cách mạng hay đưa phần lớn lực lượng vũ trang của Khu 8, Khu 9 lên miền Đông hiệp lực cùng Khu 7 đánh Pháp.
Hội nghị diễn ra đến nửa đêm và đi đến kết luận: Tùy hoàn cảnh của đơn vị mà thực hiện cả 2 phương án nói trên.
Nam Bộ mùa thu lịch sử năm 1945, đã mở đầu cuộc đấu tranh ngoan cường bảo vệ nền độc lập dân tộc. Để tiếp nối 15 tháng sau, ngày 19/12/1946 Nam Bộ hòa chung vào dòng chảy lịch sử “Toàn quốc kháng chiến”, làm nên một miền Nam thành đồng “đi trước về sau”.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược của quân và dân ta trong những ngày đầu ở Nam Bộ có ý nghĩa rất to lớn, làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp; đồng thời, tỏ rõ tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường và tinh thần chiến đấu anh dũng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền của dân tộc ta; thực hiện chủ trương của Đảng cần phải tập trung đánh mạnh thực dân Pháp ở Nam Bộ, quyết tâm giành thắng lợi ở chiến trường Nam Bộ để tạo điều kiện cho việc đấu tranh với quân Tưởng ở ngoài miền Bắc.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin