Trường Sơn là vùng núi rừng thâm u, hoang dã của đồng bào dân tộc Hrê sinh sống lâu đời trên miền Tây Quảng Ngãi. Mảnh đất này còn lưu lại trong lòng du khách bởi những món ăn vùng cao dân dã, truyền thống chỉ ở đây mới trở thành đặc sản.
Nguyên liệu chính làm món trâu xào rau sưng, lá lốt. |
(VLO) Trường Sơn là vùng núi rừng thâm u, hoang dã của đồng bào dân tộc Hrê sinh sống lâu đời trên miền Tây Quảng Ngãi. Mảnh đất này còn lưu lại trong lòng du khách bởi những món ăn vùng cao dân dã, truyền thống chỉ ở đây mới trở thành đặc sản.
Trong đó có món thịt trâu xào với đọt lá sưng. Loại rau gia vị mà người Hrê ở Quảng Ngãi gọi tên lá sưng là lá poot.
Thịt trâu có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, hấp dẫn như: thịt trâu xào lăn, thịt trâu nấu rô ti, thịt trâu xào củ quả, thịt trâu xào đậu và bắp non, thịt trâu nướng vỉ, thịt trâu nướng ngũ vị, thịt trâu nhúng giấm, sườn trâu nghé rán, cháo thịt trâu,… nhưng ngon nhất, đặc sắc nhất phải kể đến thịt trâu xào với đọt lá sưng hay lá lốt.
Người Hrê ở vùng Quảng Ngãi cho hay cây rau sưng là loại cây mọc hoang dại khắp bìa rừng, góc núi, nên rất dễ kiếm tìm.
Nói đến những món ăn của người Hrê gắn với đọt sưng, có lẽ phải nhắc ngay đến món thịt trâu hay thịt bò xào đọt sưng được người đồng bào miền núi xứ Quảng ưu ái dùng làm gia vị cho rất nhiều món ăn.
Đọt sưng xào thịt trâu, thịt bò; đọt sưng nấu canh với củ mì, cá tràu... đều là những món ăn có hương vị thơm ngon, khó cưỡng nơi vùng cao.
“Đọt sưng gai nhiều nên chúng tôi thường chỉ dùng phần đọt non có màu tía, có gai mềm để nấu ăn. Đọt sưng hái về cứ giữ nguyên như vậy mang đi rửa sạch, không cần cắt nhỏ.
Chờ thịt bò, thịt trâu gần chín thì bỏ đọt sưng vào xào chung, rồi nêm nếm ít muối, mắm, hạt tiêu. Không nên bỏ đọt sưng vào sớm quá, thịt sẽ bị nhẫn.
Đọt sưng không thơm nhẹ nhàng, thoang thoảng như rau ngò, rau thơm; cũng chẳng nồng nàn như lá rơ lang nhưng đọt sưng thơm kiểu mộc mạc, bình dị.
Chính hương thơm đậm chất “núi rừng” cùng vị the the của đọt sưng làm cho món thịt trâu xào trở nên đặc biệt và mới mẻ…”- Già làng Đinh Văn Lập (75 tuổi, dân tộc Hrê, trú tại thôn Trường Lệ, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành- Quảng Ngãi) cho hay.
Món thịt trâu xào đọt rau sưng vừa thơm ngon lại lạ miệng vừa chữa nhiều bệnh. Cách nấu như sau: Thịt trâu xắt mỏng ướp tỏi, gừng, hành khô cùng 1 muỗng bột nêm ướp khoảng 20 phút, đọt rau sưng, hành hoa, rau mùi tây rửa sạch để ráo.
Tiếp đến, cho dầu ăn vào phi với hành tím cho thơm rồi cho thịt trâu xào với lửa lớn khoảng 5 phút rồi cùng cho lá lốt (cắt nhỏ) và đọt rau sưng vào đảo nhanh tay, rắc thêm ít hành hoa, mùi tây và nêm mì chính. Cuối cùng múc thịt trâu xào ra đĩa dùng với cơm nóng.
Nhờ mùi thơm dân dã, mộc mạc, nên lá sưng còn được người vùng cao dùng mỗi khi nấu món canh măng cá tràu.
Chỉ cần vài đọt sưng cắt khúc rồi thả vào nồi canh măng cá tràu đang sôi bùng trên bếp, thì bao nhiêu mùi tanh của cá đều được mùi thơm của đọt sưng hóa giải hết.
Đọt sưng nấu canh măng cá tràu hợp vị đến mức, chỉ cần chan vài muỗng nước canh vào cơm nóng... cũng đủ khiến người thưởng thức ăn “không khách sáo”...
“Không chỉ đượm vị khi nấu cùng thịt, cá, đọt sưng còn tạo ra hương vị rất thơm ngon khi nấu canh cùng củ mì. Canh củ mì nấu kèm lá sưng không cần bí quyết cao siêu, chỉ cần chọn dăm củ mì dẻo mang đi cắt khúc, ngâm cho hết nhựa rồi mang đi nấu.
Chờ cho củ chín đều thì thả vào nồi canh một ít đọt sưng cắt nhỏ rồi nêm nếm gia vị cho vừa ăn và tắt lửa. Đồng bào Hrê nơi đây vẫn còn câu ca: “Củ mì nấu canh đọt sưng/ Chàng chan vợ húp, xin đừng bỏ nhau...”- Già làng Đinh Văn Lập tâm sự.
Bài, ảnh: TIÊN SA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin