Giữ gìn truyền thống sân khấu dân tộc

05:09, 18/09/2021

Hàng năm, mỗi dịp 12/8 âm lịch là sân khấu cả nước lại tưng bừng đón mừng ngày giỗ Tổ truyền thống. Từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định chọn ngày lễ ý nghĩa này là ngày Sân khấu Việt Nam.

 

Đây là dịp thiêng liêng nhắc nhớ người làm nghệ thuật sân khấu biết yêu nghề, trọng nghề, giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Ảnh chụp năm 2019
Đây là dịp thiêng liêng nhắc nhớ người làm nghệ thuật sân khấu biết yêu nghề, trọng nghề, giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Ảnh chụp năm 2019

(VLO) Hàng năm, mỗi dịp 12/8 âm lịch là sân khấu cả nước lại tưng bừng đón mừng ngày giỗ Tổ truyền thống. Từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định chọn ngày lễ ý nghĩa này là ngày Sân khấu Việt Nam.

Năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngày giỗ tổ sân khấu không được tổ chức rầm rộ nhưng những nghệ sĩ luôn mong bày tỏ tấm lòng thành kính hướng đến Tổ nghiệp, giữ gìn nét đẹp truyền thống sân khấu dân tộc.

Theo ông Trần Thanh Sơn- Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Long, có nhiều nghiên cứu về ông tổ sân khấu và đưa ra nhiều yếu tố lịch sử, giai thoại, truyền thuyết… Nhiều truyền thuyết cho rằng ông tổ sân khấu là ông thợ may, ông thợ rèn, ông thợ mộc, người bán quán…

Dù giai thoại hay truyền thuyết thì đó là cách nói về sự hóa thân của người nghệ sĩ vào hiện thực của đời sống, là đạo lý uống nước nhớ nguồn, nhớ ơn những người đi trước đã sáng tạo ra loại hình nghệ thuật độc đáo tồn tại với thời gian.

Từ thời chúa Nguyễn mở cõi phương Nam, hát bội ban đầu và cải lương sau này gần như là phương tiện giải trí độc tôn của cả vùng đất phía Nam. Vì thế, ngày giỗ Tổ và chuyện ông tổ sân khấu được nhiều người dân quan tâm.

Phát triển trên nền của đờn ca tài tử, Sân khấu Vĩnh Long ra đời khá sớm, gắn liền với những tên tuổi như Trương Duy Toản cùng thầy tuồng gánh cải lương thầy Năm Tú (gánh cải lương đầu tiên của Việt Nam), Tống Hữu Định, nghệ sĩ Thành Tôn, Út Trà Ôn, Lệ Thủy... đưa nền sân khấu Vĩnh Long phát triển vang bóng một thời.

Đến thời kỳ chống Mỹ, Đoàn Văn công Cửu Long ra đời năm 1961 đã làm nên diện mạo cải lương trong kháng chiến, góp phần cổ vũ cho quân và dân Vĩnh Long trong những thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất. Sau năm 1975 là thời kỳ vàng son của cải lương với những dấu ấn khó phai trong lòng khán giả.

Trong thời kỳ đổi mới, cùng với nhiều ngành nghệ thuật, sân khấu đứng trước nhiều cơ hội phát triển và cũng phải vượt qua nhiều thách thức.

Đội ngũ những người nghệ sĩ không ngừng phát triển để thích ứng với tình hình, ngành nghệ thuật sân khấu có những thay đổi sâu sắc.

Mỗi dịp 12/8 âm lịch, những người làm nghệ thuật sân khấu tụ họp tổ chức giỗ Tổ sân khấu (ảnh chụp năm 2020).
Mỗi dịp 12/8 âm lịch, những người làm nghệ thuật sân khấu tụ họp tổ chức giỗ Tổ sân khấu (ảnh chụp năm 2020).

 

Nhà nghiên cứu Đinh Bằng Phi nói: “Nghề hát phải học tất cả nghề và mang ơn tất cả khán giả mọi thành phần đã nuôi sống mình”.

Những ai đã bước chân vào nghệ thuật thì đến ngày 12/8 dù có ở đâu, làm gì, cũng luôn dành thời gian để thắp hương tưởng nhớ Tổ nghiệp.

Đây là niềm tin thiêng liêng, nhắc nhở người nghệ sĩ tự rèn mình, làm nhiều việc có ý nghĩa như tạo nghề giỏi, tu dưỡng đức độ, giúp nhau trong nghề.

Những người đi trước đã có công gầy dựng, những người đi sau phải biết yêu nghề, trọng nghề, gìn giữ lấy nghề. Chính vì thế mà ngày giỗ Tổ sân khấu là một nét đẹp văn hóa của giới sân khấu Nam Bộ nói riêng và sân khấu Việt Nam nói chung.

Chị Nguyễn Thị Phương Quyên đã có 16 năm gắn bó với sân khấu Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Vĩnh Long.

Theo chị: “Mỗi khi đứng trên sân khấu được nhìn thấy khán giả vỗ tay là động lực để mình hát tiếp. Ngày Sân khấu Việt Nam có ý nghĩa rất đặc biệt với anh em nghệ sĩ, đây là lúc để anh em thắp hương tri ân Tổ nghiệp, mong muốn công việc thuận lợi, anh em hòa thuận cùng nhau”.

Vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt quyết định hỗ trợ người hoạt động nghệ thuật gặp khó khăn bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, chị Phương Quyên là một trong những nghệ sĩ được hỗ trợ.

“Anh chị em phấn khởi lắm. Chính phủ phải chi rất nhiều khoản chăm lo cho người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh và chúng tôi cũng được quan tâm, đồng cảm. Đây là động lực để anh em nghệ sĩ tiếp tục phấn đấu”- chị Phương Quyên
chia sẻ.

Năm 2021 có lẽ là lần giỗ Tổ khó quên nhất, dù không ồn ào, rình rang nhưng những người nghệ sĩ luôn hướng về Tổ nghiệp, luôn sâu nặng tình nghề. Những nghệ sĩ tổ chức giỗ Tổ tại nhà và giao lưu, đàn hát trực tuyến, gọi video trò chuyện và thăm hỏi nhau, truyền năng lượng tích cực.

Nghệ nhân ưu tú Vũ Linh Tâm- Phân Hội trưởng Phân hội Sân khấu- Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh gửi lời chia sẻ đến những nghệ sĩ đã và đang phải chịu tác động nặng nề của đại dịch.

“Nghệ sĩ chúng ta cố gắng động viên bằng các tác phẩm, tiếp thêm sức mạnh cùng nhân dân vượt qua đại dịch”- Nghệ nhân ưu tú Vũ Linh Tâm cho biết.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh