Bên dòng Long Hồ

04:09, 27/09/2021

Sông Tiền qua đoạn hẹp, nơi ngày trước là bến phà Mỹ Thuận nối hai bờ của con đường thiên lý độc đạo ở ĐBSCL, bị một dãi cù lao- cù lao Minh- bắt đầu là làng An Thành kéo dài đến tận Bến Tre, chia sông Tiền làm hai: sông Tiền và sông Cổ Chiên.

 

Bình minh trên sông Cổ Chiên.
Bình minh trên sông Cổ Chiên.

(VLO) Sông Tiền qua đoạn hẹp, nơi ngày trước là bến phà Mỹ Thuận nối hai bờ của con đường thiên lý độc đạo ở ĐBSCL, bị một dãi cù lao- cù lao Minh- bắt đầu là làng An Thành kéo dài đến tận Bến Tre, chia sông Tiền làm hai: sông Tiền và sông Cổ Chiên.

Sông Tiền đi qua TP Vĩnh Long, nơi ngày trước là thành Vĩnh Long, hợp lưu với sông Long Hồ tạo nên xoáy nước mạnh, chảy qua Đình Khao, xuôi dòng về Biển Đông.

Dòng Cổ Chiên, ngày có hai con nước: nước lớn, nước ròng. Từ tháng 12 đến hết tháng 6 âm lịch, nước sông xanh trong hiền hòa, mênh mang. Cảnh sông đẹp nhất lúc bình minh và lúc hoàng hôn. Mỗi ngày sông mang một vẻ như biết tự làm mới mình.

Tháng 7 âm lịch nước sông bắt đầu đục, kéo dài sang tháng 11. Phù sa từ thượng nguồn về bồi lắng cả một vùng châu thổ. Phù sa ngang qua Vĩnh Long là phù sa nhẹ, mịn, có sét, mang nhiều vi sinh vật phù du, làm cho hến vùng này to, mập, sông nhiều cá tôm.

Chất sét tạo nên nguồn nguyên liệu cho làng gốm Long Hồ và Mang Thít có nét đẹp đặc trưng. Cát từ thượng nguồn về lắng tụ thành bãi bồi, người dân trồng bần, những vùng đất mới hình thành trên dòng sông.

Ngày trước, xây nhà, người ta mua cát Tân Châu (An Giang). Bây giờ cát hiếm, người ta dùng cát nhuyễn lẫn bùn để xây tô. Công trình làm xong mấy tháng, tường ngả màu ố vàng, loang lổ. Chuyện “cát tặc” trên sông khiến người dân vùng cù lao lo lắng.

Hễ lơ là một chút là bọn trộm thọc ống sát bờ hút cát gây lở đất, thiệt hại lớn cho nông dân. Ở xã An Bình, có mấy hộ tán gia bại sản vì bọn trộm cát. Cơn khát cát khiến bọn khai thác mon men đến chân cầu Mỹ Thuận, vì là khúc eo, nên nước khu vực cầu chảy mạnh, bồi lắng loại cát to và sạch.

Sông Long Hồ nằm bên hữu dòng Cổ Chiên. Thời trước, đò, ghe thương hồ từ các miệt Cà Mau, Rạch Giá đổ về Vĩnh Long cũng qua sông này. Bến sông chợ Vĩnh Long tấp nập xuồng ghe từ nửa đêm trở về sáng. Gặp hôm đông buổi chợ, xuồng ghe chiếc này neo chiếc kia kéo dài ra nửa sông trở thành chợ nổi.

Những ghe lớn buôn hàng thì treo “bẹo”. “Bẹo” là cây sào tre, ở trên treo món hàng mà chủ ghe cần mua hoặc bán. Vì là chợ đầu mối nên tiếng rao, ngã giá cứ rì rầm suốt. Đi chợ giữ ghe, ngủ gà ngủ gật vẫn phải nghe cái tạp âm, chen lẫn tiếng xuồng ghe bị sóng xô chạm nhau nghe lụp cụp.

Ngày trước trên sông này- cho tận Ngã tư Long Hồ- chỉ có cây cầu Thiềng Đức bắc qua Phường 5. Sau này thông tuyến QL57, người ta bắc thêm cầu Chợ Cua gần Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Gần đây, có con cầu dây văng, thay con đò nát từ chợ cá sang xóm Cầu Dài.

Qua dạ cầu Chợ Cua, cặp theo sông khoảng cây số, ngay chỗ khúc cua ngã ba sông có một ngôi đình: đình Long Hồ.

Đình Long Hồ được xây dựng vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIX. Ở vị trí đình tọa lạc, ngày trước là doi đất ngã ba sông. Nơi doi đất ấy là nhà của một người tên Me, khi mất, dân làng chôn ông trên đất này. Thời gian đi qua, mộ đất bị bào mòn, cỏ lấp, nhìn không thấy.

Sau này, dân làng lập đình Long Hồ. Kể rằng, trước ngày khởi công, có người được báo mộng: dưới nền đình có mộ. Dân làng tổ chức tìm kiếm, khai quật và cải táng nơi hậu đình.

Về tên Ông Me, có lẽ nơi doi đất có mộ, có cây me cổ thụ nên người làng đặt ghép tên ông như một cách định danh địa lý. Còn chính danh là Me thì sao đến nỗi người làng không biết có mộ ông dưới nền đình, con cháu ly tán nơi đâu không tìm về.

Ông Me trở thành địa danh vùng đất Long Hồ. Sông Ông Me có cầu Ông Me Lớn, cầu Ông Me Nhỏ.

Đình Long Hồ, lúc đầu xây dựng đơn sơ bằng cây, lá. Sau nhiều lần trùng tu, năm 1852, đình Long Hồ được vua Tự Đức sắc phong ông Ngô Đức Kế- một vị quan triều Nguyễn làm “Bổn cảnh thành hoàng”.

Đình được trùng tu năm 1904 và 1972. Ngôi đình có quy mô rộng lớn, gồm 3 gian: Võ ca, võ quy và chánh điện. Bên phải đình có miếu Tiên Nông, miếu Thổ Thần và nhà Trù.

Cột đình bằng gỗ căm xe, nền lát gạch tàu, mái ngói âm dương. Nội thất trang trí hoành phi câu đối sắc sảo, ý nghĩa.

Tôi lưu ý, những ghế nghi đều khắc chữ: 龍湖村-Long Hồ thôn, nét khắc đẹp, tinh tế, thể hiện sự tài hoa, khéo léo của thợ tạo tác.

Người xưa họ trân trọng, chăm chút đình làng là thế. Sau giải phóng, người ta mượn đình làm nơi sản xuất của hợp tác xã mây tre lá, lấy chánh điện làm nhà kho.

Cây cổ thụ như sao, dầu, vú sữa to hai người ôm cũng bị đốn bỏ. Một số vật quý của đình bị trộm lấy. Ban Hội hương sợ trộm tiếp nên mang sắc, đồ bảo khí gửi nhà ông Bảy Văn- người họ Bùi (Bùi Quốc Văn), một trong những họ tiền hiền lập làng ngày trước.

Ông nội và cha ông Bảy Văn thời trước làm cả, gia đình khá giả, kín cổng cao tường, với mấy lớp bảo vệ nên trộm e dè. Vậy nên đến kỳ lễ hội, người làng có thêm mục rước sắc từ nhà ông Bảy Văn về đình, sau là rước sắc cụ Phan Thanh Giản. Xong phần lễ và phần hội, người làng làm lễ tiễn sắc cụ Phan và đưa sắc Thành Hoàng đi gửi.

Ngày tôi vào thăm, ông từ giữ đình là anh Ba Hồ (Hồ Văn Ba). Anh vốn họ Tống, sau lấy họ mẹ, tiếp tôi. Tôi thấy anh là người có tâm và quý ngôi đình, vì nó gắn liền với dòng họ, tổ tiên anh ở đất này.

Rời đình, nhà xung quanh đã lên đèn. Tôi xuống ngắm cửa sông Ông Me. Trong đêm tối, dòng sông bàng bạc nước chảy về Long Mỹ vào Ngã tư Long Hồ, thông qua sông Măng Thít, Tam Bình. Nước theo sông Ông Me ngoằn ngoèo rẽ về cầu Ông Me Nhỏ, Phú Quới, Lộc Hòa…

Đình Long Hồ.
Đình Long Hồ.

Đoạn qua đình Long Hồ, sông sâu nước chảy, thế rồng quẩy đuôi rõ là tàng long, phục hổ. Người xưa có lý khi đặt tên làng Long Hồ. Tên sông Long Hồ thay cho tên Tầm Vồ khi chúa Nguyễn Ánh qua vùng đất này.

Sông Long Hồ quanh năm nước ngọt, con gái tắm trắng da, dài tóc, con trai thì hào kiệt vang danh. Chỉ một đoạn sông thôi, tính từ cầu Thiềng Đức vào tới khu vực Ông Me có đến 4 vị từng là thủ tướng hoặc tương đương thủ tướng qua các chế độ: Trần Văn Hương, Trần Văn Hữu, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Lộc.

Nhớ câu:

Mắt lác là tại hướng đình,

Cả làng cũng vậy, chứ mình em đâu!

Câu đổ thừa đáng yêu, khẳng định hướng đình quan trọng. Đình Long Hồ mặt hướng Đông cùng với Văn Thánh miếu là văn là vũ soi mình bên dòng sông Long Hồ, tạo nên linh khí cho vùng đất Vĩnh Long, hun đúc nên những nhân tài kiệt xuất trong văn lẫn võ.

Bài, ảnh: LÊ MINH HÀ

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh