Cái cối đá của nội tưởng chừng đã được nghỉ ngơi sau hơn 10 năm bị lãng quên nơi góc bếp, nay được "sống lại" vào những ngày giãn cách xã hội, tiếp tục vòng quay yêu thương cho ra đời những giọt bột gạo thơm lừng, làm bánh đặc sản miền Tây.
Cái cối đá của nội tưởng chừng đã được nghỉ ngơi sau hơn 10 năm bị lãng quên nơi góc bếp, nay được "sống lại" vào những ngày giãn cách xã hội, tiếp tục vòng quay yêu thương cho ra đời những giọt bột gạo thơm lừng, làm bánh đặc sản miền Tây.
Đổ bánh khọt bằng khuôn đất trên bếp củi thì bánh sẽ giòn và thơm hơn |
Những ngày giãn cách này, anh chị em chúng tôi nghỉ việc, tụi nhóc dừng đi nhà trẻ lại có dịp ở nhà với ông bà nhiều hơn.
Sau giấc ngủ trưa, tôi ra góc sàn nước sau hè thấy ba tôi đang cẩn thận chùi rửa từng chi tiết của cái cối đá có tuổi đời gần trăm năm tưởng chừng đã hoàn thành sứ mệnh của nó, nay "sống lại" trong thời COVID-19.
Xay bột gạo bằng cối đá vừa ngon vừa vui mắt trẻ con |
Ba kể: "Cái cối đá có từ khi bà nội còn con gái. Nội học theo bà cố xay bột để làm ra vô số bánh đặc trưng của miền Tây như: bánh xèo, bánh khọt, bánh canh, bánh đúc, bánh chuối, bánh bao, bánh ú… tất cả các loại bánh làm từ bột gạo luôn dẻo dai, thơm ngon là nhờ cách xay bột truyền thống này".
Ba lấy gạo được mẹ ngâm sẵn từ đêm hôm trước tẻ nước lại vài lần, sau đó thêm lần nước sạch cuối cùng, rồi bắt đầu xay.
Thằng em trai 12 tuổi của tôi cũng hiếu kỳ vội buông chiếc điện thoại trên tay xuống chạy vào bếp hăm hở đòi ba cho nó làm tiếp một tay. Hai nhóc tì con tôi ríu rít ngồi chụm vào nhìn chiếc cối xoay tròn một cách thích thú.
Xay bột gạo bằng cối đá vừa ngon vừa vui mắt trẻ con |
Ba từ từ múc 1 muỗng canh gồm phân nửa gạo và phân nửa bột cho vào miệng cối, thằng em tôi nhanh tay xoay hai ba vòng thì dừng lại.
Ba tiếp tục thêm 1 muỗng gạo vào, cứ đều đặn như vậy sau gần 10 muỗng gạo thì những giọt bột đầu tiên sẽ xuất hiện tràn ra quanh rãnh cối chờ nhỏ giọt xuống một cái thau đã chuẩn bị sẵn bên dưới.
Sau hơn 1 giờ đồng hồ phối hợp nhịp nhàng, thằng em trai tôi cười tươi rói nhìn thau bột mới xay trắng tinh, thơm mùi lúa non mà theo tôi không thể mua được ở bất cứ đâu.
Vì trong đó có cả niềm vui quây quần của gia đình và bàn tay chăm chút yêu thương của ông bà dành cho con cháu trong suy nghĩ chắt chiu để làm ra miếng bánh trong những ngày cần phải "thắt chặt chi tiêu" hơn nữa.
Món bánh canh cua đồng làm bằng bột xắt thủ công |
Bột xay xong được mẹ tôi chia thành 2 phần, 1 phần để loãng nguyên chất rồi cho thêm ít bột nghệ, hành và nước cốt dừa loãng vào cho béo béo, thêm một chút muối và đường cho vừa vị, để làm bánh khọt.
Phần còn lại sẽ cho vào túi vải (bồng bột) cột chặt lại, dùng phần trên của cối đá dằn xuống cho nước chảy ra hết, đến khi còn lại tinh bột dẻo mịn để làm bánh canh cua đồng.
Bánh khọt được làm khá đơn giản, sau khi làm nóng khuôn bánh thì thoa đều dầu lên, tiếp đến múc bột đã pha chế sẵn rót vào từng ổ tròn rồi đậy nắp lại, chờ khoảng 2 phút cho bột vừa chín khoảng 80% thì thêm vào nửa muỗng cà phê nước cốt dừa đặc. Như vậy miếng bánh khọt ra lò sẽ giòn xung quanh và mềm mịn béo ngậy ở giữa.
Đổ bánh khọt bằng khuôn đất trên bếp củi thì bánh sẽ giòn và thơm hơn |
Đổ bánh khọt bằng khuôn đất trên bếp củi thì bánh sẽ giòn và thơm hơn |
Ở một số hàng quán bán bánh khọt có thêm topping cầu kỳ như mực, tôm, thịt bằm... Còn đúng chất món bánh của nhà quê là chỉ cần chút thơm thơm của hành và chút béo béo của nước cốt dừa đã là đủ vị.
Trong lúc tôi đổ bánh khọt thì mẹ cũng vừa giã nhuyễn xong hơn nửa ký cua đồng rồi khuấy vào 1 lít nước lược bỏ xác, lấy phần nước lắng trong làm nước dùng nấu bánh canh. Tùy vào lượng bột mà thêm nước dùng vừa đủ vào phần nước cua vừa lọc xong, sau đó đun sôi.
Mẹ lấy mớ bột dẻo trong bồng bột ra, rồi ốp một lớp mỏng lên thành chai thủy tinh rồi dùng dao xắt thành từng cọng rơi thỏm vào nồi nước đang sôi nghi ngút.
Món bánh canh cua đồng làm bằng bột xắt thủ công |
Cách làm này vừa nhanh, gọn, lại ít công đoạn, sợi bánh sẽ không bị dính lại với nhau. Tay mẹ làm nhanh thoăn thoát, mới 15 phút đã xắt xong mớ bột gần 1kg.
Sau đó mẹ nêm vừa vị rồi khuấy đều cho đến khi nhìn thấy cọng bánh canh vừa trong thì cũng là lúc gần chín. Cuối cùng cho thêm nước cốt dừa và hành lá vào, đợi khoảng 5 phút thì nhấc xuống. Tiếp đến là khi ăn, cho thêm ít nước cốt dừa đặc và một ít tiêu để làm tăng hương vị cho món bánh canh.
Chiều hôm ấy, cả nhà tôi 3 thế hệ quây quần bên mâm bánh canh, bánh khọt cùng thưởng thức món ăn dân dã của quê nhà đã lâu rồi vì nhiều lý do không có dịp bày biện làm đủ các công đoạn như thế. Khi cắn một miếng bánh vào miệng sẽ có chút dai dính đặc biệt của bột xay thủ công bám vào đầu lưỡi. Đó có lẽ là hương vị mà tôi luôn lưu luyến khi trưởng thành.
Cối đá xay bột như tái hiện cả bầu trời tuổi thơ của tôi bên hiên nhà, sau làn khói bếp có mẹ và bà. Chúng tôi chỉ việc chơi đùa ngoài sân rồi thi thoảng chạy ra sau hè ngó nghiêng xem mẻ bánh đầu tiên đã ra lò hay chưa.
Lúc nào lũ nhóc chúng tôi cũng được dành phần trước tiên, khi thì những cái bánh bao nóng hổi thơm nực mùi men, khi là miếng bánh đúc trong veo xanh màu lá dứa… đậm vị yêu thương quê nhà.
Theo Đặng Tuyết/ Báo điện tử Tuổi Trẻ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin