Những ngày qua, cùng chung mạch cảm xúc với nhiều văn nghệ sĩ trên cả nước khi nhìn thấy những hình ảnh về sự hy sinh, mất mát mà dịch Covid-19 gây ra cho người dân, các văn nghệ sĩ tỉnh Tiền Giang đã sáng tác nhiều bài thơ, bản nhạc, bài vọng cổ đầy xúc cảm, góp phần truyền cảm hứng, năng lượng cho các lực lượng tuyến đầu cũng như cộng đồng cùng chung tay đẩy lùi dịch Covid-19…
Những ngày qua, cùng chung mạch cảm xúc với nhiều văn nghệ sĩ trên cả nước khi nhìn thấy những hình ảnh về sự hy sinh, mất mát mà dịch Covid-19 gây ra cho người dân, các văn nghệ sĩ tỉnh Tiền Giang đã sáng tác nhiều bài thơ, bản nhạc, bài vọng cổ đầy xúc cảm, góp phần truyền cảm hứng, năng lượng cho các lực lượng tuyến đầu cũng như cộng đồng cùng chung tay đẩy lùi dịch Covid-19…
Từ những vần thơ
Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 với sức tàn phá của nó đã khiến cuộc sống của bao người lao đao, khốn khó.
Hình ảnh cả nước căng mình chống dịch Covid-19 với nhiều hy sinh thầm lặng của đội ngũ y - bác sĩ tuyến đầu; các chiến sĩ bộ đội, Công an ngày đêm canh gác các chốt kiểm soát, chốt chặn; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ra sức vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm tiếp tế lương thực cho các bệnh viện dã chiến, khu vực cách ly, phong tỏa… đã khiến nhiều người không khỏi xúc động.
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, cùng với mạch cảm xúc trong hoàn cảnh ấy, các văn nghệ sĩ tỉnh Tiền Giang đã có những bản nhạc, lời thơ đầy cảm xúc, ca ngợi, biết ơn và góp phần truyền cảm hứng, năng lượng tích cực cho các lực lượng đang trực tiếp ngày đêm chống dịch.
Nhiều văn nghệ sĩ Tiền Giang qua sáng tác, thể hiện nhiều tác phẩm truyền năng lượng tích cực chung tay cùng mọi người phòng, chống dịch. |
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Tiền Giang Lê Văn Dũng chia sẻ: "Làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát, Tiền Giang trở thành tâm dịch. Quê hương xuất hiện dây giăng, phong tỏa... Lực lượng vũ trang (LLVT), y - bác sĩ, cả hệ thống chính trị căng mình chống dịch.
Hòa bình mà LLVT cả tháng không được về nhà. Thầy thuốc cả tháng trực ở bệnh viện. Hàng quán, chợ búa phải đóng cửa. Tiếng còi xe cứu thương hối hả.
Các trang báo dày đặc hình ảnh, tin tức về F0, nơi cách ly, phong tỏa. Người làm từ thiện với nhiều cách sáng tạo... Tất cả làm tôi xúc động và thôi thúc tôi phải làm cái gì đó để góp phần động viên mình và mọi người.
Vậy là tôi viết một số bài thơ như: Huân chương hình vuông, khi tôi nhìn hình ảnh hằn sâu lên khuôn mặt người thầy thuốc vết khẩu trang vì đeo liên tục nhiều ngày không được tháo ra.
Khi nhìn đường phố vắng tanh, tôi xúc cảm và sáng tác bài thơ Giới nghiêm và bài thơ Phố đêm để góp phần động viên mọi người nâng cao ý thức chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.
Hay bài thơ Chào Nanocovax, tôi sáng tác với cảm xúc vui mừng khi Việt Nam đã nghiên cứu, điều chế thành công, trình ra Hội đồng Đạo đức kết quả lâm sàng về vắc xin, là giải pháp khoa học cùng với thực hiện 5K, chúng ta tin tưởng Việt Nam sẽ sớm chiến thắng đại dịch”.
Không chỉ tác giả Lê Văn Dũng, những ngày qua trên diễn đàn văn hóa - nghệ thuật có không ít bài thơ, áng văn của giới văn nghệ sĩ Tiền Giang đã được ra đời trong hoàn cảnh dịch bệnh.
Với những lời thơ mộc mạc, bình dị nhưng dạt dào cảm xúc, các tác giả đều mong sẽ lan tỏa đến mọi người thông điệp “Chống dịch như chống giặc”, từ đó đồng lòng thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 để cuộc sống sớm trở lại bình thường.
Đến những lời tri ân qua âm nhạc
Trao đổi với chúng tôi, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tiền Giang Lê Văn Vũ (Nhạc sĩ Lê Vũ) chia sẻ: "Trong cuộc chiến khốc liệt với con virus Corona quái ác đã làm nền kinh tế thế giới chao đảo, đất nước ta cũng ảnh hưởng nặng nề, làm xáo trộn mọi nếp sinh hoạt bình thường của xã hội, hàng ngàn gia đình phải chia ly, mất mát…; có biết bao con người đã thầm lặng ngày đêm quên ăn quên ngủ, thậm chí hy sinh cả tính mạng để đem lại bình yên cho cộng đồng, cho xã hội.
Trong đó, lực lượng y - bác sĩ, những người tuyến đầu chống dịch, họ tự nguyện đi vào tâm dịch bỏ lại mẹ già, con nhỏ, gánh lấy trách nhiệm nặng nề trước cộng đồng và xã hội. Họ đã xem tất cả bệnh nhân như người nhà, như đồng đội, đồng chí,… để giúp người bệnh giành lại sự sống.
Chính sự hy sinh to lớn ấy đã làm tôi vô cùng xúc động và đã sáng tác ca khúc Chung một nguồn vui. Qua ca khúc, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn, sự tri ân đối với các y - bác sĩ và cũng mong tiếp thêm năng lượng tích cực cho những người đang ngày đêm chống lại dịch bệnh để đổi lấy sự bình yên, sức khỏe cho cộng đồng xã hội".
Cũng với mạch cảm xúc ấy, Nhạc sĩ Đức Phú, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang cũng đã sáng tác ca khúc “Người chiến sĩ trên mặt trận tuyến đầu”.
Trước đó, tác giả Nguyễn Ngọc Minh, nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL Tiền Giang sáng tác bài vọng cổ “Giặc Covid-19” do Nghệ sĩ Ưu tú Đào Vũ Thanh trình bày hay bài hát “Xin dâng tặng cuộc đời”, nhạc và lời Nhạc sĩ Huỳnh Phú, hòa âm Đỗ Hải, do ca sĩ Hà Thanh (Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang) thể hiện…
Các ca khúc như một món quà tinh thần, cổ vũ các chiến sĩ, các y - bác sĩ vượt qua mọi khó khăn để làm tốt “sứ mệnh” của mình vì an toàn sức khỏe, vì hạnh phúc của nhân dân. Đồng thời, các tác giả cũng muốn đem âm nhạc cổ cũ, khích lệ mọi người thực hiện đúng các khuyến cáo, hướng dẫn của ngành Y tế, để chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Có thể nói, mỗi người ở từng vị trí, ngành nghề công tác của mình đã có những hành động, cách làm khác nhau nhưng đều chung một mục đích là đẩy lùi dịch bệnh.
Mong là trong những ngày căng mình chống “giặc” Covid-19 với ngổn ngang những nỗi lo toan, đan xen nhiều cảm xúc do dịch bệnh gây ra, mỗi chúng ta khi đọc những vần thơ hay, nghe những ca khúc âm nhạc sẽ xoa dịu những hoang mang, lo lắng, giữ cho bản thân tinh thần tích cực, lạc quan và truyền năng lượng đó đến mọi người để cùng vượt qua dịch bệnh, sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Theo GIA TUỆ (Báo Ấp Bắc)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin