Nghệ thuật "đặt hàng" từ cuộc sống

10:08, 08/08/2021

Dịch COVID-19 đã đẩy ngành văn hóa giải trí rơi vào khó khăn; những dự án phá sản trước thời điểm ra mắt. Rạp phim, chương trình văn nghệ, phòng tranh, nhà sách… vắng bóng người. Nhưng giải pháp của những mạng xã hội, cũng giúp khán giả, người đọc có nhiều cách tiếp cận, thụ hưởng nghệ thuật mà không cần phải ra khỏi nhà.

Seri phim “Lật mặt” của Lý Hải gây sốt trên youtube.
Seri phim “Lật mặt” của Lý Hải gây sốt trên youtube.

Dịch COVID-19 đã đẩy ngành văn hóa giải trí rơi vào khó khăn; những dự án phá sản trước thời điểm ra mắt. Rạp phim, chương trình văn nghệ, phòng tranh, nhà sách… vắng bóng người. Nhưng giải pháp của những mạng xã hội, cũng giúp khán giả, người đọc có nhiều cách tiếp cận, thụ hưởng nghệ thuật mà không cần phải ra khỏi nhà.

Về lâu dài, cuộc sống vẫn sẽ tiếp tục “đặt hàng” nhiều sản phẩm nghệ thuật xuất sắc, thu hút nhiều công chúng.

Những biến động do COVID-19

10 bộ phim đề tài cách mạng, lịch sử, văn hóa được Nhà nước đặt hàng được đăng tải thử nghiệm trên youtube, nhận được lượng tương tác cao của khán giả. Một thử nghiệm trong hoàn cảnh khán giả không thể đến rạp phim vì dịch COVID-19, đã đem đến thành công và hướng đi mới, nhất là những tác phẩm nghệ thuật có nguồn kinh phí từ Nhà nước.

Hướng đi mới này bắt nguồn từ sự nhanh nhạy nắm bắt tâm lý, yếu tố thị trường từ các nhà sản xuất tư nhân. Những bộ phim “mắc kẹt” vì COVID-19, đã tìm lối thoát trực tuyến, gặt hái thành công lớn, có thể kể: “Tiệc trăng máu”, “Ròm”, “Chị chị em em”, “Mắt biếc”, “Cua lại vợ bầu”, “Cô gái đến từ hôm qua”, “Lật mặt”, “Thiên linh cái”, “Đôi mắt âm dương”...

Để tiếp tục quảng bá phim Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đã có buổi làm việc với Cục Điện ảnh, Viện Phim Việt Nam, Cục Bản quyền tác giả về việc rà soát, phân loại để đưa các tác phẩm điện ảnh đến với công chúng trên các kênh thông tin, nền tảng trực tuyến. Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền, khai thác, phổ biến những tác phẩm điện ảnh Nhà nước đặt hàng đến với người xem. Thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có hướng dẫn, hình thức quảng bá rộng rãi để người dân tiếp cận nhiều hơn những bộ phim Việt Nam, đặc biệt là phim Nhà nước đặt hàng đang được lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam.

Thời gian giãn cách cũng là khoảng thời gian nhiều người có cơ hội… nhẩn nha đọc sách và mọi người vẫn có thể tiếp cận nhiều tác phẩm hay, những sách tham khảo đặc biệt của thư viện cũng trên nền tảng ứng dụng trực tuyến. Có thể đọc miễn phí, có phí hoặc kèm những điều kiện thành viên… tùy theo từng yêu cầu loại hình tư liệu, tác phẩm. Văn hóa đọc cũng là một kế hoạch dài hơi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng triển khai từ năm 2017; đồng thời, gắn việc phát triển văn hóa đọc với triển khai các chương trình, đề án, dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch có liên quan và gắn với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Nghệ thuật và nhu cầu
từ cuộc sống

Hàng năm, Nhà nước đầu tư nguồn kinh phí cho công tác quảng bá, tuyên truyền những ấn phẩm xuất bản, những bộ phim… Cụ thể, trong giai đoạn 5 năm tới 2022- 2025, sẽ có gần 1.000 ấn phẩm xuất bản nhiều đề tài, nội dung, thông qua kênh đặt hàng, kiểm duyệt của Bộ Thông tin- Truyền thông theo hình thức “đặt hàng”. Bộ Thông tin- Truyền thông có trách nhiệm định hướng đề tài xuất bản phẩm đặt hàng căn cứ theo yêu cầu, nhiệm vụ chính trị từng năm, từng giai đoạn; duyệt danh mục đề tài, số lượng, địa chỉ nhận xuất bản phẩm đặt hàng; rà soát, thẩm định phương án giá đặt hàng bản thảo (bản mẫu) của xuất bản phẩm và đề nghị Bộ Tài chính quyết định giá mua tối đa áp dụng đối với bản thảo (bản mẫu); tổng hợp danh mục xuất bản phẩm đặt hàng, dự toán kinh phí gửi Bộ Tài chính...

Việc đầu tư ngân sách “đặt hàng” những tác phẩm nghệ thuật, ấn bản dành cho người đọc… phục vụ công tác tuyên truyền, chính trị, xã hội là bắt buộc, cần thiết. Nhưng cũng cần có những chuyển biến, điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình thực tế, sự phát triển của xã hội và đáp ứng được nhu cầu khán giả. Hướng tới kênh tiết kiệm, hiệu quả và cách làm công bằng, công khai để có tác phẩm tương xứng với kinh phí đầu tư lớn, thường xuyên.

Việc có 10 tác phẩm điện ảnh chọn lọc trong kho hàng chục ngàn phim được đầu tư từ Nhà nước, là điều đáng mừng nhưng chưa phải là sự hiệu quả. Nhiều dự án điện ảnh nhiều tỷ đồng nhưng cũng chỉ vài lần công chiếu dịp kỷ niệm rồi được cất vào kho là bình thường. Hàng trăm dự án xuất bản hàng năm, cũng sẽ tốn nguồn kinh phí rất lớn, vấn đề là sẽ thu hút được bao nhiêu lượng độc giả?

Khủng hoảng dịch COVID-19 tạo ra nhiều biến động, khó khăn khôn lương, nhưng cũng mở ra cơ hội cho nghệ thuật tiếp cận mạnh mẽ hơn với công chúng, thông qua ứng dụng công nghệ, mạng xã hội. Đồng thời, cũng cần nghiêm túc với tính hiệu quả của công tác đầu tư cho sự ra đời những tác phẩm nghệ thuật phục vụ công chúng. Và hãy luôn luôn lắng nghe sự “đặt hàng” từ cuộc sống.

™Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

 

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh