Bỗng dưng lại có nhiều suy nghĩ về ẩm thực trong những ngày "sống chậm". Hóa ra lại được sống một cách sâu lắng hơn, quan tâm hơn đến những điều bình thường nhất, những cảm xúc nhỏ nhặt nhất.
(VLO) Bỗng dưng lại có nhiều suy nghĩ về ẩm thực trong những ngày “sống chậm”. Hóa ra lại được sống một cách sâu lắng hơn, quan tâm hơn đến những điều bình thường nhất, những cảm xúc nhỏ nhặt nhất.
Có một dòng chảy ẩm thực từ trong ký ức và những món ăn hàng ngày trước mặt với những phỏng đoán về những bữa ăn trong tương lai, trong những nhịp đi đầy biến động hay êm đềm của thế giới.
Dù bất cứ hoàn cảnh nào thì vẫn phải ăn để sinh tồn hoặc ăn để thưởng thức, vấn đề là nhận thức, tâm thế của mỗi cá nhân hay cộng đồng xã hội trước mỗi món ăn, bữa ăn nó thay đổi thế nào.
Những món ăn gắn với những câu chuyện kể, nhắc nhớ về người thân, về gia đình sẽ ngon và hạnh phúc biết bao. |
Ẩm thực và hành trình của nhận thức lại
Tiến sĩ sinh học người Pháp Hervé đã dành ra hơn 30 năm để nghiên cứu dòng thực phẩm tinh chế, với tất cả thức ăn đều phải được chưng cất, tạo mùi, tạo màu và có thể vận chuyển dễ dàng, lưu trữ lâu mà không phải tốn kém khâu bảo quản như thực phẩm tươi sống.
Lý do, là hướng đến thái độ tiết kiệm thay vì tập trung tăng năng suất sản lượng nông nghiệp thế giới, bởi lập luận con người đã hao hụt nông sản trong quá trình sản xuất, thu hoạch, vận chuyển, bảo quản và thái độ để thừa mứa thức ăn của thực khách… tất cả đã tạo nên sự phung phí nguồn lương thực rất lớn, trong khi thế giới vẫn còn nhiều khu vực đói nặng, thiếu lương thực, thực phẩm.
Và trong tương lai, khi dân số loài người tăng trưởng mà diện tích nông nghiệp chỉ có thu hẹp chớ không tăng lên, thì nguy cơ thiếu đói, bất bình đẳng xã hội- dư thừa và thiếu ăn, là rất lớn.
Hiện ở Pháp đã có hơn 2.000 chất tạo mùi, tạo màu được tinh chế từ thực phẩm đã được cấp phép. Đây có thể là “bước tiến” cao hơn của thực phẩm đóng hộp.
Theo xu hướng này, ẩm thực trong tương lai sẽ xóa nhòa hơn ranh giới vùng miền, bản sắc văn hóa dân tộc trong ẩm thực.
Như vậy, ở góc độ nào đó loài người phát triển ở mức độ cao thì hình như quay trở về với mức căn cơ nhất là “ăn no”, hành động ăn để sinh tồn hơn là ăn ngon để thưởng thức phong vị, tính dị biệt trong văn hóa ẩm thực.
Trong khi đó, ở Ý lại có trào lưu được khởi xướng là đề cao tính phục vụ, đưa vào ẩm thực tình cảm ấm áp, nồng nàn trong những trung tâm phục vụ bữa ăn miễn phí cho người vô gia cư, nghèo đói ở các đô thị.
Họ muốn nâng cao chất văn hóa, nhân văn nhất đối với cả tầng lớp yếu thế nhất trong xã hội; thông qua việc luân phiên mời những đầu bếp nổi tiếng nhất thế giới đến để đứng bếp phục vụ những bữa ăn thiện nguyện như thế.
Ẩm thực lại được đề cao khía cạnh “người” ở một đất nước có nền ẩm thực nổi tiếng bậc nhất thế giới.
Hai câu chuyện không hẳn là trái ngược, nó chỉ là một trong nhiều xu thế phát triển, cách nhìn nhận giá trị ẩm thực của thế giới trong hiện tại và tương lai.
Nhưng có gì đó thật nhiều băn khoăn, suy tư trong bữa ăn hàng ngày. Có lúc lại tự đặt ra câu hỏi: “thế nào là bữa ăn ngon” và câu trả lời sẽ vô cùng đa dạng, rất đa dạng tùy lúc, tùy người, tùy thời, tùy cảnh.
Cụ Nguyễn Hiến Lê đã từng định nghĩa bữa ăn ngon vô cùng phong phú hẳn nhiều người đều biết. Còn trước câu hỏi “thế nào là bữa ăn hạnh phúc” nghe nó trừu tượng hơn, vô hình hơn, nhưng có lẽ mẫu số chung lại đơn giản hơn nhiều.
Những món ăn nhắc nhớ…
Ở góc độ hẹp hơn, chỉ cần trước mỗi món ăn ta luôn thấy có một câu chuyện để kể, để nhắc nhớ về ai đó, về kỷ niệm nào đó, có lẽ đó là những món ăn ngon, đem lại những cung bậc cảm xúc và vui biết bao nhiêu.
Và những món ăn đơn giản hàng ngày mà mỗi khi cầm đũa ta lại nhớ đến ông bà, cha mẹ đã từng làm ra cho cả nhà ăn chắc là hạnh phúc lắm.
Có lẽ vậy, mà người miền Tây khi làm đám giỗ dù có bao nhiêu món, họ cũng sẽ làm món ăn mà người quá cố thích nhất và trong bữa giỗ họ sẽ ngồi nhắc món ăn xưa, nhắc chuyện xưa.
Cái ăn lúc này nó không còn là “miếng no” mà nó trở nên những “miếng ngon” hoài niệm mang tính lưu truyền trong một gia đình, dòng họ. Món ăn lúc này lại có vai trò gắn kết ruột thịt biết bao. Đó cũng là giá trị tri ơn của văn hóa ẩm thực.
Từ ý nghĩa này lại có thể dễ dàng trả lời câu hỏi về ý nghĩa của căn bếp trong gia đình và vai trò của người phụ nữ trong mỗi bữa cơm có còn quan trọng không.
Trong thời đại mà sự phân tán gia đình ngày càng mạnh mẽ hơn, ngày càng thưa vắng những “tổ hợp” gia đình tam đại, tứ đại đồng đường, những đứa con thường sống chung với cha mẹ đến 18 tuổi sẽ bắt đầu tách rời cuộc sống tự lập vì học hành và công việc.
Những cuộc sum họp về gia đình những dịp giỗ quảy cũng thưa vắng đi vì bận rộn, có lẽ điều nhắc nhở người ta thường trực nhất chính là món ăn.
Những đứa trẻ hạnh phúc khi có nhiều câu chuyện kể về những món ăn, chúng sẽ nhớ nhiều về cha mẹ, về gia đình và đó là sự giữ gìn mối dây gắn kết với một mái nhà, với quê hương vậy.
Mấy ngày nay, đứa cháu gái sau khi thi tốt nghiệp THPT, luẩn quẩn ở nhà lại đi mua đủ thứ nguyên liệu rồi nhờ người lớn bày cách nấu ăn, trong khi hồi nhỏ tới lớn chỉ biết nấu… mì gói.
Tự dưng thấy rất vui, có lẽ cháu đã có sự chuyển biến lớn trong quá trình nhận thức về bữa ăn, cũng là chuẩn bị cho tương lai sống xa gia đình, cũng chính là lý do tôi suy nghĩ khá miên man không đầu, không đuôi về ăn uống.
Mà nói chữ nghĩa chút là văn hóa ẩm thực, về hành trình sự nhận thức lại của con người về ẩm thực trong tương lai. Liệu có phải là xa vời quá không?
Bài, ảnh: QUANG THUẦN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin