"Da nó xù xì múi nó dày"

04:07, 13/07/2021

Kể từ thời lập vườn, có đến trăm năm, từ ông nội cho đến tôi, trong vườn lúc nào cũng có cây mít. Ít nhất là một cây, nhiều thì đôi ba cây. Mít mọc từ hạt có nhiều loại, chen với xoài, mận… Lá xanh đậm, râm cả góc vườn.

 

Mít nghệ.
Mít nghệ.

Kể từ thời lập vườn, có đến trăm năm, từ ông nội cho đến tôi, trong vườn lúc nào cũng có cây mít. Ít nhất là một cây, nhiều thì đôi ba cây. Mít mọc từ hạt có nhiều loại, chen với xoài, mận… Lá xanh đậm, râm cả góc vườn.

Thời tôi biết, mít thường là giống mít dừa, thân to, cao, trái nặng gần 20 ký. Mỗi lần xẻ mít phải cất công mang biếu hàng xóm vì ăn không hết. Lâu lâu cũng có mít nghệ, mít ướt. Về sau có thêm mít tố nữ và mít tây. Hiện giờ là mít Changai của Thái.

Trong các loại cây ăn trái, mít thuộc loại dễ trồng. Trên gò cao cũng được, dưới bờ nước vẫn sống. Mít trồng từ hạt khoảng 3 năm cho trái, trồng từ nhân giống vô tính 8 tháng đã ra hoa.

Với sầu riêng, có người ghiền nhưng cũng có người khó chịu. Còn trái mít khi xẻ ra thì khó ai cưỡng lại được mùi thơm lừng đặc trưng với màu vàng ươm.

Thời vợ tôi mang thai con đầu lòng, thấy mít ngoài chợ mà mắt không rời, đi ngang vườn mít thiên hạ, cứ như người mộng du. Mít đi vào giấc ngủ và… quyết định đặt tên con là Mít.

Trong vườn, nơi nào có mít thì các loại cây khác khó phát triển. Rễ mít bò rất xa, chiếm khoảng rộng dưới mặt đất. Có lẽ đây là lý do khiến người ta hay trồng mít ở góc vườn hoặc cho gie ra mương, rạch, để dành không gian cho các loại cây khác.

Trong căn nhà cũ của ông tôi, có mấy vật dụng được làm từ gỗ mít. Theo thời gian gỗ không còn vẻ sáng như xưa, tuy những đốm mốc trắng xám phủ lên bề mặt nhưng mối mọt không ăn. Gỗ mít cùng với gỗ quao, cây trên bờ, loại dưới nước là 2 danh mộc trong những căn nhà lợp ngói xưa của vùng đất khai hoang.

Người quê thu hoạch mít qua nhận dạng trái. Trái mít tròn đều, gai nở, cặp lá đài trên cuống già, ngã vàng là hái được. Cách thứ hai, dùng mũi dao chích nhẹ vào cuống, mủ chảy ra nhựa trong là mít đã già. Hai cách trên thương lái thường dùng để xác định độ già của trái mít khi thu mua. Hồi nhỏ, tôi thăm mít bằng cách hỉnh mũi, ngửi và vỗ vào đít trái mít. Cảm giác sung sướng khi phảng phất mùi thơm… và tiếng nghe bịch… bịch…

Ngày trước, nhà làm bằng gỗ mít là nhà phú hộ sống ở nông thôn. Nhà quyền quý thì gỗ trắc, gỗ lim lợp ngói… Nhà tá điền cột đủng đỉnh, mù u và lợp tranh, lá dừa nước.

Tôi thường đi Huế, về quê vợ làng Dương Nỗ. Lần đầu tiên vào thăm căn nhà rường được làm bằng gỗ mít ở phía đối diện nhà cha vợ, mới hiểu vì sao người ta thích và quý nhà làm từ gỗ mít. Nhà rường rất nhiều cột. Từ cột cho đến vi kèo đều là gỗ mít có chạm trổ hoa văn. Mít ở đây là mít rừng. Không tính thời gian sinh trưởng, gỗ mít trong căn nhà ấy có tuổi trăm năm.

… Bây giờ những căn nhà rường còn sót lại là di sản rải rác trong những phố cao tầng. Cha vợ tôi từng có căn nhà rường to đẹp nhất làng. Vì thời cuộc, sau năm 1975, phải bán đi để nuôi đàn con ăn học. Tuổi thơ của vợ tôi cũng trải qua trong căn nhà rường nơi cố đô, cùng gia đình quây quần, anh em chơi đùa trong không gian có những cột gỗ to như cột đình. Ký ức đã mờ xa nhưng vẫn nhớ hàng cột bằng gỗ đen bóng.

... Lẽ nào, bởi thế thời con gái hay mít ướt?

Trong sinh hoạt đời thường, người ta dùng gỗ mít làm nhà, làm nhạc cụ như đàn, trống, mõ… Trong chùa chiền, gỗ mít cũng được ưa chuộng, làm tượng thờ vì sớ gỗ mịn, dai, không nứt. Mít có ở khắp nơi. Nhưng khi bàn về cây mít và tên gọi mít, đúng là mê trận.

Người ta cho rằng mít được các nhà truyền giáo Ấn Độ đưa vào miền Bắc Việt Nam thời Giao Châu với tên gọi ban đầu là Paramita, người Tàu phiên âm ra chữ Hán là Ba La Mật (菠蘿蜜) người Việt Nam gọi nôm là mít, cách nói thu gọn từ Paramita.

Một nghiên cứu khác cho rằng: Sách Bản thảo Cương mục (本草綱目)của Lý Thời Trân ( 李時珍1518- 1593, một danh y thời Minh) cũng ghi rõ ràng Ba La Mật vốn sinh sản ở đất Giao Chỉ tức miền Bắc Việt Nam, nguyên văn: 時珍曰︰波羅蜜生交趾、南邦諸國,今嶺南、滇南亦有之– Thời Trân viết: Ba La Mật sinh Giao Chỉ, nam bang chư quốc; kim Lĩnh Nam, Điền Nam diệc hữu chi.(Cây mít sinh sản ở Giao Chỉ và các nước phương Nam, nay vùng Lĩnh Nam và Điền Nam cũng có).

Cây mít tồn tại hàng ngàn năm ở xứ Việt Nam, đến thời Minh Mạng, có lẽ do ý thức được giá trị, công dụng của cây mít nên chiếu vua ban năm 1837 có đoạn: “Chiếu sai các thành trấn, thành phủ và đường quan đều trồng cây mít, cách 5 thước trồng một cây. Đê sông lớn, đê sông nhỏ đều trồng cây liễu; các vườn tược bỏ hoang đều phải trồng đay gai”.

Mít là sản vật quý của nước Việt Nam nên được khắc vào cửu đỉnh ở xứ Huế. Mít không chỉ để ăn giải thèm mà nó có mặt trên mâm cơm nhiều gia đình từ múi, xơ và cả hạt. Vỏ mít nuôi heo, bò. Lá mít chụm lửa mà có khi dùng để viết chữ(?). Không phải tự nhiên có câu “Chữ viết không đầy lá mít!”

Sách Tang thương ngẫu lục (chữ Hán: 桑滄偶錄, nghĩa là “ghi chép tình cờ trong cuộc bể dâu”) là tập ký bằng chữ Hán do Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án soạn có viết về những câu chuyện truyền kỳ trong dân gian.

Sách chép rằng Nguyễn Trãi đề xuất một kế nhằm tuyên truyền thanh thế cho nghĩa quân Lam Sơn. Ông dùng nước cơm trộn mật hoặc mỡ, viết vào lá cây tám chữ Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần (黎利為君, 阮廌為臣) nghĩa là Lê Lợi làm vua, Nguyễn Trãi làm tôi, với ý đồ khiến kiến ăn mỡ khoét thành chữ trên mặt lá, rồi lá theo dòng nước trôi đi các ngả như tin báo từ trên trời xuống.

Tôi tin rằng trong những lá cây ấy có lá mít, vì mặt lá mít láng, dai, lá khô, nhẹ, chậm chìm trong nước.

Nhựa mít cô đặc lại làm bẫy chim, thú… Trẻ con dùng mủ mít bắt ve sầu…

Cây mít hữu dụng là thế nhưng cách gọi lắm rắc rối.

Trong Quốc văn Giáo khoa thư có bài vỡ lòng:

“Ngọc kia chẳng giũa chẳng mài 
Cũng thành vô dụng cũng hoài ngọc đi 
Con người ta có khác gì 
Học hành quý giá ngu si hư đời 
Những anh mít đặc thôi thời 
Ai còn mua chuộc đón mời làm chi!”…

Rõ rằng “mít đặc” trong bài thơ trên hàm nghĩa ngu dốt. Ai cũng qua thời học trò, nếu nhỡ bạn ghẹo là “mít đặc” chắc giận hết cả thanh xuân!

Chuyện chọn mít, ăn mít cũng có khẩu quyết: “Mít ăn đầu, mãng cầu ăn đít”. Ai sành ăn mít thì nghiệm thử. Dân gian nói quả không sai!

Nhà thơ Hồ Xuân Hương có bài “Quả mít”:

“Thân em như quả mít trên cây

Da nó xù xì, múi nó dày

Quân tử có thương thì đóng cọc

Xin đừng mân mó nhựa ra tay!”

Là người chân quê, tôi quen nghĩ vụng chứ không ẩn tình xa xôi, hiểu đôi ba nghĩa làm ố sự trong sáng của cổ nhân. Trong bài thơ tả thực trên có chỉ bí quyết dân gian về cách xử lý mít chưa đủ độ già mà đã hái.

Thời nay, có lúc cây mít lên ngôi. Giá mít có khi lên 30.000- 60.000 đ/kg trái (mít Thái) nhưng cũng có khi tuột xuống dưới 10.000 đ/kg như hiện nay bởi dịch COVID-19 khiến trái mít không thể đến thị trường lớn là Trung Quốc. Cây mít trồng 2- 3 năm có thể cho quả, mỗi quả trung bình 12 ký. Với xu thế ăn xổi, nông dân có thể trồng 350 cây trên một công đất. Nếu làm bài tính sẽ cho con số đẹp, đồng tiền như mơ.

Cả một vùng đất trồng khoai lang của huyện Bình Tân nay xen lẫn những vườn mít, nhìn xa một màu xanh thẩm như rừng. Lúc mít giá cao, cây mít nhà có 2 trái, nhưng ban đêm vợ chồng nông dân phải giăng võng ngủ giữ trộm. 2 trái mít có giá 1 triệu đồng, là tiền lời một công lúa trong 3 tháng nhọc nhằn. Ngại chi không thức đêm để giữ!

Phong trào trồng mít lan khắp đồng bằng, tỏa lên Tây Nguyên. Nhưng có vẻ như chưa chịu dừng lại, trên đường những xe tải, xe ba gác chở mít giống tiếp tục lăn bánh.

5/2021

Bài, ảnh: LÊ MINH HÀ

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh